Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Cẩm nang du học Nhật Bản

Chào các bạn, tôi là Takahashi @ JCLASS.
Dưới đây là các kinh nghiệm du học Nhật Bản của SAROMA JCLASS hoặc được SAROMA JCLASS tổng kết lại.
Lá Icho
Quyết định du học Nhật
Xác định mục đích du học có lẽ là chuyện khó khăn và mất thời gian nhất. Để có thể ra quyết định chính xác thì bạn phải tìm hiểu thông tin càng nhiều càng tốt về các trường học tại Nhật, giáo dục Nhật Bản, cuộc sống bên Nhật, thành phố bạn tới,v.v... Bạn có thể tìm thông tin trên internet, qua các cộng đồng du học sinh, qua Saroma Lang, hỏi những người có kinh nghiệm rồi v.v... Một điều quan trọng là bạn phải biết được mức học phí và mức sinh hoạt phí tại Nhật Bản. SAROMA JCLASS sẽ giúp bạn các thông tin này. Để đi tới quyết định bạn có thể trả lời các câu hỏi sau:
- Vì sao tôi muốn đi du học Nhật Bản?
- Tôi có đủ khả năng tài chính không?
- Tôi đã có đủ thông tin về quá trình học tại Nhật Bản chưa? Tôi sẽ học những gì và học như thế nào?
- Tôi đã có đủ thông tin về cuộc sống tại Nhật Bản chưa? Đâu là những nét đẹp? Đâu là những mặt trái và rủi ro?

Chuẩn bị hồ sơ du học
Bạn sẽ phải chuẩn bị hồ sơ du học tốt nhất là trước thời điểm nhập học ít nhất 6 tháng (thời hạn làm hồ sơ thì tùy từng trường tiếng Nhật). JCLASS xin nhắc lại 3 điều quan trọng nhất mà bạn cần làm để làm hồ sơ đi du học:
- Xác định rõ ràng mục tiêu du học Nhật của bạn
- Chuẩn bị tài chính (tối thiểu là tiền học phí, lệ phí, sinh hoạt phí cho 6 tháng, càng nhiều sẽ càng tốt)
- Thi được tối thiểu bằng tiếng Nhật cấp 4 (4-kyu, bạn càng thi được bằng cao càng tốt)

Trước đó bạn phải tự tìm trường tiếng Nhật và liên hệ với trường, hoặc là qua một trung tâm tư vấn du học Nhật. Cho dù là làm cách nào thì bạn cũng nên tìm hiểu trường tiếng Nhật (qua trang web của trường, qua học sinh của trường, qua trung tâm tư vấn,...) trong đó quan trọng là các thông tin sau:
- Học phí và các lệ phí, chi phí ký túc xá (sẽ có mục là tổng chi phí hàng năm)
- Địa điểm của trường (ở Tokyo thì đắt đỏ nhưng dễ xin việc làm thêm, ở tỉnh giáp Tokyo thì thuê nhà rẻ hơn, nếu bạn quen sống ở thành phố thì không nên chọn trường ở nông thôn - sẽ rất buồn đó ^^)
- Chất lượng của trường: Thường đã có nhiều người học thì sẽ không có vấn đề gì
Sau khi chọn trường rồi bạn sẽ làm hồ sơ để nộp cho trường (thường qua công ty tư vấn du học vì sẽ dễ dàng hơn và chi phí thấp hơn, việc nộp học phí 6 tháng đầu cũng sẽ đơn giản hơn nhiều), hồ sơ sẽ phải có các giấy tờ sau: Hộ chiếu (nếu bạn đã có, nếu chưa có thì phải xin cấp), giấy khai sinh (bản sao), học bạ cấp 3 và/hoặc bằng cấp cấp cao nhất của bạn (ví dụ bằng đại học), giấy bảo lãnh (của người bảo lãnh, ví dụ cha mẹ bạn), hồ sơ chứng minh tài chính (ví dụ số tiền trong tài khoản ngân hàng của bố mẹ bạn và hộ khẩu để chứng minh mối quan hệ), giấy khám sức khỏe, ảnh thẻ (chụp trong vòng 6 tháng).
Mục đích của hồ sơ du học là để nộp cho trường tiếng Nhật (tại Nhật Bản), trường tiếng Nhật sẽ nộp giấy tờ lên cục xuất nhập cảnh tại địa phương của trường để xin tư cách lưu trú (tư cách du học sinh) cho bạn. Phải có tư cách lưu trú (在留資格, zairyu shikaku) này thì bạn mới có thể xin visa vào Nhật.

Các bước để đi du học Nhật Bản
Bước 1: Làm hồ sơ du học, xin hộ chiếu nếu chưa có
Bước 2: Nộp hồ sơ cho trường tiếng Nhật (thường thông qua trung tâm tư vấn du học mà trường liên kết) để trường xin tư cách lưu trú của du học sinh cho bạn
Bước 3: Nếu hồ sơ của bạn được chấp thuận, trường tiếng Nhật sẽ có tư cách lưu trú của bạn. Trường sẽ yêu cầu bạn đóng lệ phí hồ sơ, lệ phí nhập học, học phí 6 tháng đầu (thường qua trung tâm tư vấn du học mà trường liên kết). Khi bạn đóng tiền xong, trường sẽ đưa cho bạn giấy tư cách lưu trú và giấy báo nhập học, kèm hướng dẫn cuộc sống Nhật Bản.
Bước 4: Bạn dùng giấy chứng minh tư cách lưu trú và giấy báo nhập học để làm hồ sơ xin visa ở đại sứ quán Nhật (nếu ở miền bắc) hoặc lãnh sự quán Nhật (nếu ở miền Nam). Bạn bắt buộc phải làm tại Hà Nội hoặc Sài Gòn nếu bạn ở tỉnh. Đóng lệ phí và chờ xét visa.
Bước 5: Sau khi nhận được visa và liên lạc với trường xem có thể sang ngày nào (ngày được vào ký túc xá) bạn sẽ đặt vé để sang Nhật vào ngày đó.
Bước 6: Chuẩn bị hành lý sang Nhật. Bạn nên mang nhưng không nên mang nhiều các thứ sau: Đồ sinh hoạt cá nhân (bàn chải, khăn mặt, áo ấm), thuốc cảm cúm mà bạn quen dùng, tiền Yên cho sinh hoạt tháng đầu (đừng mang đô la vì người Nhật chỉ dùng tiền Yên), đồ ăn liền (cho vài ngày đầu chưa quen siêu thị), máy tính xách tay (nếu có)... Không mang đồ điện vì người Nhật xài điện 100V chứ không phải 220V như Việt Nam. Không mang quá nhiều đồ sinh hoạt nhất là với mục đích dự trữ vì bên Nhật nhiều hàng hóa hơn Việt Nam và bạn sẽ chẳng bao giờ dùng tới.
Bước 7: Lên máy bay sang Nhật, chú ý phải có mặt trước giờ bay trước ít nhất 2 tiếng. Vì các thành phố đều có kẹt xe nên bạn nên tính cả thời gian bị kẹt xe. Bạn sẽ phải trải qua các thủ tục sau tại sân bay:
- Đến quầy của hãng hàng không bạn đặt vé để ký gửi hành lý gửi và lấy phiếu lên máy bay (boarding pass). Giấy tờ cần đưa ra: Vé may bay, hộ chiếu. Tất cả giấy tờ quan trọng như vé máy bay, hộ chiếu và các tư trang có giá trị (máy tính xách tay, máy ảnh) bạn phải để trong hành lý xách tay mang theo người. Hành lý ký gửi có thể sẽ bị thất lạc.
- Qua kiểm tra an ninh để lên máy bay.
- Làm thủ tục xuất cảnh.
- Ra phòng chờ và lên máy bay (có thể shopping khi chờ!)
Bước 8: Làm thủ tục tại sân bay Nhật Bản
- Lấy hành lý gửi của bạn (sẽ có bảng điện tử chỉ dẫn xem băng chuyền chuyển đồ ra cho chuyến bay của bạn ở đâu)
- Làm thủ tục nhập quốc (phải xếp tại hàng For Foreigner - cho người nước ngoài chứ không phải For Japanese - cho người Nhật)
Trường tiếng Nhật thông thường sẽ cử người ra đón bạn tại sân bay, sau khi bạn làm xong thủ tục và ra cổng vào sảnh sân bay hãy chú ý xem người ra đón bạn (thường sẽ mang bảng có tên trường) ở đâu.

Sau khi đã sang Nhật
Sau khi đã sang Nhật bạn sẽ làm các giấy tờ cần thiết, được hướng dẫn cuộc sống bên Nhật, nhận ký túc xá, hướng dẫn việc học tập và làm thủ tục nhập học. Bạn sẽ phải/nên làm các việc sau:
- Đăng ký thẻ chứng nhận đăng ký nước người nước ngoài (外国人登録証明書 gaikokujin touroku shoumeisho = ngoại quốc nhân đăng lục chứng minh thư): Đây là thẻ căn cước của bạn, bất cứ ai ở Nhật trên 90 ngày đều phải đăng ký thẻ này. Thẻ này có thể dùng để làm mọi thủ tục giấy tờ của bạn tại Nhật. Làm thẻ ở văn phòng hành chính quận/huyện (区役所 kuyakusho = khu dịch sở / 市役所 shiyakusho = thị dịch sở).
- Đăng ký bảo hiểm quốc dân (国民保険 kokumin hoken = quốc dân bảo hiểm): Nghĩa vụ bắt buộc. Sau khi có thẻ chứng nhận đăng ký người nước ngoài ở trên bạn nên đăng ký ngay. Bạn sẽ phải đóng tiền bảo hiểm hàng tháng (là học sinh bạn sẽ được giảm khá nhiều), đổi lại bạn được giảm giá tiền khám chữa bệnh.
- Xin giấy phép làm thêm ngoài giờ học (資格外活動許可書 shikaku-gai katsudou kyokasho = tư cách ngoại hoạt động hứa khả thư): Đây là giấy phép để bạn làm thêm ngoài giờ học, số giờ tối đa là 28 tiếng/tuần (4 tiếng/ngày, trong kỳ học) hay 56 tiếng/tuần (8 tiếng/ngày, trong các kỳ nghỉ dài). Nơi xin: Cục quản lý xuất nhập cảnh vùng bạn sống (入国管理局 nyukoku kanri kyoku = nhập quốc quản lý cục, gọi tắt là 入管 nyukan = nhập quản).
- Làm con dấu cá nhân (hanko): Người Nhật dùng con dấu cá nhân (cỡ bằng 1 ngón tay trỏ) thay vì chữ ký. Nhiều ngân hàng yêu cầu bạn phải có con dấu. Giá con dấu: Cỡ 2000 yên. Bạn có thể làm sẵn tại Việt Nam theo tên bạn, ví dụ NAM để đỡ khoản phí này.
- Mở tài khoản ngân hàng: Giao dịch bên Nhật thường sử dụng tài khoản ngân hàng, ví dụ khi bạn đi làm thêm họ sẽ trả lương vào tài khoản. Tài khoản ngân hàng là thứ hầu như không thể thiếu. Bạn có thể dùng tài khoản ngân hàng của bưu điện Yucho.
- Đăng ký điện thoại di động (携帯電話 keitai denwa): Có 3 hãng để bạn đăng ký, xếp theo thứ tự từ rẻ tới mắc là Softbank < AU < Docomo. Chi phí tối thiểu hàng tháng: Softbank 1200 yên ~, AU 2500 yên ~ (miễn phí 50 phút), Docomo 3500 yên ~.

Khi đang sinh sống tại Nhật (sẽ bổ sung sau)
Chuyển tiền từ Việt Nam sang Nhật
(1) Mang trực tiếp theo người
Nếu bạn hay người thân cầm tiền mặt sang Nhật cho bạn (đi máy bay) thì theo quy định của luật pháp một cá nhân không được cầm quá 5000 đô la (hay tương đương). Nếu bạn cố tình cầm quá số tiền này, bạn có thể sẽ bị tịch thu phần dư ra so với 5000 đô la (đã có nhiều trường hợp bị). Để mang một số tiền lớn hơn số tiền đó, bạn phải có giấy phép (thường là để xin giấy phép bạn cần có những giấy tờ chứng minh ví dụ như chi phí học tập và sinh hoạt tại bên Nhật). Bạn phải tìm hiểu thông tin và xin giấy phép, bạn hãy tới ngân hàng nhà nước hoặc các chi nhánh tại tỉnh.
(2) Gửi qua các ngân hàng thương mại
Các ngân hàng thương mại có thể giúp bạn chuyển tiền ra nước ngoài (tất nhiên có lệ phí) với điều kiện là bạn có giấy phép chuyển tiền của ngân hàng nhà nước. Người thân của bạn ở Việt Nam có thể gửi tiền cho bạn theo cách này. Bạn hãy đến hỏi các ngân hàng thương mại để được hướng dẫn.
(3) Gửi qua các dịch vụ chuyển tiền quốc tế
Bạn có thể hỏi các dịch vụ chuyển tiền quốc tế như Western Union chẳng hạn.

Gia hạn visa
Visa (thị thực) là giấy phép cho phép bạn ở Nhật và nó có thời hạn. Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản sẽ cấp cho bạn tùy vào mục đích lưu trú tại Nhật của bạn. Thường visa cho du học sinh sẽ là 6 tháng hay 1 năm. Trước khi hết hạn visa thì bạnh phải đi gia hạn visa tại cục xuất nhập cảnh địa phương bạn đang sống (nếu ở Tokyo thì sẽ là cục quản lý xuất nhập cảnh Tokyo gần ga Shinagawa). Sau khi bạn nộp hồ sơ, cục quản lý xuất nhập cảnh sẽ xem xét hồ sơ và cấp visa cho bạn với thời hạn thích hợp (nghĩa là bạn có thể xin visa 3 năm nhưng nếu bạn là học sinh có thể họ sẽ chỉ cho bạn 1 năm). Trong hồ sơ xin visa thường phải có:
- Giấy chứng minh đang học tại trường (do trường học của bạn cấp)
- Bảng điểm kỳ trước (nếu bạn đã học rồi)
- Chứng minh tài chính: Thu nhập từ việc làm thêm, học bổng (nếu có), phụ cấp từ cha mẹ, v.v... Mục đích là để cho thấy bạn có điều kiện tài chính để theo học tiếp.

Ra khỏi Nhật Bản (tạm thời)
Có thể bạn cần ra khỏi Nhật Bản ví dụ đi chơi một nước thứ ba, hay về Việt Nam. Khi đó bạn không thể đơn thuần mua vé máy bay và đi, mà bạn phải xin một giấy phép gọi là giấy phép "Tái nhập cảnh" (再入国 sainyukoku = tái nhập quốc) thì bạn mới có thể xuất cảnh khỏi Nhật Bản được. Nếu bạn không có giấy này bạn sẽ bị chặn không cho vào làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay. Người Nhật sẽ không cần giấy này. Bạn phải đăng ký giấy này tại cục quản lý xuất nhập cảnh (入管 nyukan) ví dụ ở Tokyo sẽ là Tokyo nyukan (ở Shinagawa). Ngoài ra, nếu đích đến không phải là Việt Nam, bạn sẽ phải xin visa nước mà bạn đến nếu nước đó yêu cầu visa với công dân Việt Nam. Bạn sẽ xin visa tại đại sứ quán nước đó tại Nhật Bản.
Tóm lại:
Nếu về Việt Nam: Bạn cần hộ chiếu còn hiệu lực, giấy phép "Tái nhập cảnh" (của Nhật), vé máy bay.
Nếu đi nước thứ ba: Hộ chiếu còn hiệu lực, giấy phép "Tái nhập cảnh", vé máy bay, visa nước bạn tới (nếu có yêu cầu với công dân Việt Nam)
Ví dụ: Nếu bạn đi Hàn Quốc bạn phải tới đại sứ quán Hàn Quốc xin visa. Một số nước không cần visa (đối với người Việt Nam): Một số nước Đông Nam Á như Singapore (nếu du lịch dưới 30 ngày), Thái Lan,...

Gia hạn hộ chiếu
Nếu đang ở Nhật Bản mà hộ chiếu của bạn hết hạn? Bạn có thể tới đại sứ quán Việt Nam (Tokyo) hay lãnh sự quán Việt Nam (Osaka) để đổi hộ chiếu mới. Sau khi đổi bạn sẽ được cấp hộ chiếu mới và trả lại hộ chiếu cũ (với đóng dấu "Đã vô hiệu"). Chi phí: Khoảng 10,000 yên. Chú ý là nếu hộ chiếu cũ còn visa và/hoặc giấy phép "Tái nhập cảnh" thì bạn vẫn có thể sử dụng chúng, chỉ cần khi xuất nhập cảnh mang theo cả hai hộ chiếu là được. Hộ chiếu mới của bạn sẽ ghi là được chuyển từ hộ chiếu cũ số XYZ sang.
Nếu bạn đang ở Việt Nam thì bạn có thể đến cục quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam để đổi (sẽ mất 2 tuần), chi phí: Khoảng 200,000 đồng. Bạn có thể tranh thủ kỳ nghỉ về Việt Nam để đổi luôn nếu hộ chiếu của bạn còn ít hơn 1 năm.
Bạn có thể chuyển visa và các giấy phép khác của Nhật Bản từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới không?
Có thể. Bạn đến đại sứ quán Nhật tại Việt Nam hoặc cục xuất nhập cảnh của Nhật Bản (tại Nhật Bản). Khi chuyển sang rồi thì bạn chỉ cần cầm hộ chiếu mới là ra vào được Nhật. Nếu bạn không chuyển thì cũng không sao, chỉ cần bạn cầm cả hai hộ chiếu đi.

SAROMA JCLASS 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét