Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Làm sao để thi năng lực Nhật ngữ đạt điểm cao? Lập chiến lược thi...

Còn hơn 1 tuần nữa là sẽ đến kỳ thi năng lực tiếng Nhật (ngày 1 tháng 7) nên JCLASS sẽ nêu ra một số chiến lược thi để đạt điểm cao để các bạn tham khảo. Tất nhiên là mỗi bạn nên lập ra chiến lược cho riêng mình sao cho điểm mà bạn làm được là cao nhất, chiến lược làm bài phải dựa theo năng lực thực tế của bạn.

Điều quan trọng là bạn phải ghi nhớ một điều: Làm sao đạt được điểm cao nhất có thể, cho dù điểm đó cao hơn năng lực thực tế của bạn. Ví dụ: Bạn nghe không hiểu nhưng vẫn chọn đáp án đúng.
Điều này có phải là gian lận hay không? Thực ra thì bạn không cần phải cảm thấy cắn rứt lương tâm vì chuyện này lắm, vì ngôn ngữ nói chung là sự phán đoán chính xác được câu chuyện mọi người đang nói. Trong cuộc sống, tiếng Việt cũng như tiếng Nhật không phải lúc nào bạn cũng nghe được 100% tất cả những từ mà người khác nói nhưng bạn vẫn phán đoán được dựa trên văn cảnh, chủ đề đang nói chuyện....
Vậy bạn nên lập một chiến lược như thế nào? Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu cách bị mất điểm khi thi.

Những cách mà bạn mất điểm
Hết giờ mà không làm hết bài
Bạn bị mất quá nhiều thời gian ở một phần thi nào đó mà không kịp làm hết bài. Ít ra, nếu bạn không kịp làm hết giờ thì bạn cũng nên đánh dấu trắc nghiệm hết các câu còn lại, ví dụ chọn B hết chẳng hạn.

Nghe một câu và mải suy nghĩ về câu đó mà bị lỡ mất câu sau
Đặc biệt là câu mà bạn hiểu được 70 - 80%, bạn sẽ cố suy nghĩ, nhớ lại để làm và kết quả là mất thời gian cho nó. Bạn sẽ bị mất điểm những câu tiếp vì không chuẩn bị cho những câu đó.

Bị hoảng loạn
Bạn nghe không được một vài câu đầu chẳng hạn. Bạn bị hoảng loạn và kết quả là bạn không làm tốt câu nào cả. Hoặc là bạn làm phần chữ và từ vựng mất quá nhiều thời gian, khi bạn chuyển qua phần đọc thì thấy còn quá ít thời gian và bị hoảng loạn. Hay bạn gặp một bài đọc khó, thấy mình không hiểu gì cả.

Bị kẹt ở một bài đọc khó
Bạn gặp một bài đọc khó hoặc dài và bạn không sao hiểu được nó, bạn chuyển qua bài đọc tiếp nhưng vẫn bị nó ám ảnh. Kết quả là bạn không làm bài tốt.

Bạn bị lạnh
Bạn ngồi ngay dưới máy lạnh và thấy quá lạnh để có thể tập trung. Nên nhớ là các phòng thi sẽ bật máy lạnh, bạn phải chuẩn bị áo khoác mỏng mang theo cho chắc ăn nhé.

Bạn bị mất tập trung
Mất tập trung rất hay xảy ra ở phần nghe. Đơn giản là vì bạn không quen tập trung nghe tiếng Nhật. Tệ hơn là bạn cảm thấy buồn ngủ, bạn nằm mơ trong phòng thi thấy mình làm bài rất tốt và khi thức dậy thì cũng vừa tiếng chuông báo hết giờ. Dù sao thì bạn cũng đã có một giấc mơ đẹp!

Chiến lược tránh mất điểm
Thời gian làm bài
Các bạn chắc cũng luyện làm để thi các năm trước (đề thi các năm trước có trên trang web.saromalang.com hoặc Ngồi Lại Bên Nhau nlbn.net). Bạn phải làm ở nhà trong thời gian 70% ~ 80% thời gian thi chính thức thì khi thi chính thức bạn mới làm kịp thời gian (tất nhiên là trừ phần nghe). Nếu bạn luyện thi trong thời gian đúng bằng thời gian thi chính thức thì chắc chắn khi thi thật các bạn sẽ làm không kịp hết bài. Khi thi thật bạn sẽ cẩn trọng hơn và sẽ mất nhiều thời gian hơn cho một câu. Do đó, các bạn luyện ở nhà phải rút ngắn thời gian làm bài xuống 70 ~ 80%. Nếu không, nhiều khả năng bạn sẽ mất nhiều thời gian và thậm chí là sẽ mất bình tĩnh khi thi thật.

Chiến lược thi phần nghe (choukai)
Có phần nghe bạn sẽ nghe: Giải thích và các câu hỏi => Nghe câu chuyện => Nghe câu hỏi => Chọn câu trả lời. Trường hợp đó tốt nhất là khi nghe câu hỏi bạn nên viết lại một vài từ khóa của các câu. Nếu bạn nắm được một phần nội dung câu hỏi trước thì khi nghe câu chuyện bạn sẽ nắm bắt từ khóa để chọn câu trả lời dễ hơn nhiều.
Với phần nghe có in câu hỏi để bạn đọc thì bạn hãy đọc kỹ câu hỏi xem chúng hỏi gì để nghe câu chuyện dễ hơn.
Ngoài ra, có thể có một số câu khó, hay câu bạn hiểu 70% nhưng lại không tìm ngay được câu trả lời. Những câu như thế có thể làm bạn mất thời gian và mất sự tập trung cho các câu tiếp theo. Bạn hãy lên chiến lược hành động cho các trường hợp như thế. Ví du: Đánh là "B" hết và bỏ câu đó ra khỏi đầu và tập trung ngay vào câu sau. Chú ý: Khi hết phần nghe bạn còn thời gian để điền các câu trả lời, nên bạn có thể quay lại các câu trên sau khi đã hết mọi câu phần nghe. Đừng cố làm một câu rồi bỏ lỡ nhiều câu đằng sau.
Mất tập trung khi nghe
Để tránh bị mất tập trung khi đang ở phần thi nghe thì bạn phải luyện nghe nhiều trước khi thi. Hãy luyện nghe hàng ngày, nếu có mất tập trung cũng không sao, cho đến khi bạn nghe quen. Luyện nghe càng nhiều thì nhìn chung bạn sẽ tìm ra cách để nghe mà không bị mất tập trung.

Chiến lược thi phần đọc hiểu (dokukai)
Có 2 cách để làm bài: (1) Đọc hết bài đọc, lý giải rồi mới làm bài; (2) Đọc câu hỏi trước rồi bắt đầu tìm đoạn tương ứng trong bài
Trường hợp (1) đòi hỏi bạn phải là người đọc hiểu tiếng Nhật giỏi, do đó nếu bạn đọc chưa giỏi thì bạn nên theo cách (2). Ví dụ câu hỏi là " 「これ」とは何を指しますか" thì bạn lần về phần có từ gạch chân đó để tìm câu trả lời.
Bạn nên ghi nhớ: Bạn có thể không cần đọc hết bài, không hiểu bài những vẫn trả lời đúng câu hỏi. Lý do là vì các câu hỏi chỉ năm ở 1 phần của bài đọc nên chỉ cần đọc phần tương ứng. Bạn nên học cách đọc sơ và nắm bắt từ khóa, thay vì đọc toàn bộ bài.
Đừng hoảng loạn hay mất bình tĩnh nếu bạn không hiểu bài đọc nói gì. Quan trọng là bạn nhìn các từ khóa và phán đoán.

Chiến lược thi phần chữ và từ vựng (moji goi)
Bạn nên làm thật nhanh phần này. Nếu câu nào bạn chưa hiểu thì nên ghi số hiệu câu đó vào giấy nháp để quay lại sau. Nhìn chung, các câu mà bạn còn lấn cấn thì nên ghi chú vào giấy nháp. Nếu bạn không ghi thì việc tìm lại để làm tiếp nhiều khi rất mất thời gian.

Chiến lược thi chung
Như đã nói ở phần chiến lược "moji goi", câu nào bạn còn lấn cấn, chưa làm được hay chưa tư duy được, thì bạn nên ghi số hiệu câu đó vào giấy nháp để quay lại sau. Đừng để mất thời gian vì một câu. Bạn phải quyết định cách hành động cho các tình huống như thế trước khi thi, ví dụ tạm thời chọn câu "B" hết.
Nhìn chung, nếu bạn hiểu các vấn đề có thể xảy ra (bị kẹt ở một câu, mất tập trung, mất tinh thần,v.v...) và bạn lên kế hoạch hành động cụ thể cho mỗi trường hợp thì bạn sẽ hạn chế việc mất điểm ở mức thấp nhất.

Từ nay cho tới ngày thi
Bạn hãy tích cực luyện đề một cách vừa phải cho tới kỳ thi để lúc thi bạn đạt phong độ tốt nhất.

Chúc thi tốt!

Tham khảo thêm:
Những điều bạn cần biết về kỳ thi năng lực Nhật ngữ
Đề thi JLPT các năm trước

9 nhận xét:

  1. "Dù sao thì bạn cũng đã có một giấc mơ đẹp!" hihi. Takahashi hài hước thật!

    Trả lờiXóa
  2. Thi để mà học! chứ đừng có học chỉ vì thi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thi là để đo trình độ và nâng cao trình độ.
      Còn học mãi mà trình độ không lên và thi điểm vẫn thấp thì học làm gì cho phí công!

      Xóa
  3. cảm ơn admin vì các bài viết tuyệt vời và đầy tâm huyết . chẳng mấy chốc mà kỳ thi năng lực cuối cùng trong năm 2012 này kết thúc . mà bản thân em cũng đang loay hoay với kế hoạch luyện tập để nên N2 . nhưng thực sự chưa hiệu quả . vậy rất mong admin và các bạn tâm huyết , cho ra 1 chiến lược luyện tập cho hiệu quả . thực sự cảm ơn

    Trả lờiXóa
  4. Lưu Thị Mỹ Yên dich sanh tieng nhat la gi

    Trả lờiXóa
  5. Bn ơi tên mik là Nguyễn Phi Yến bn giup mik chuyen ten nhé. mik sẽ nhớ ten bn suot đời và gioi thieu trang này cho nhieu nguoi khác .cam on bn truoc nhe

    Trả lờiXóa