Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Chuyển tên Việt Nhật 4 - Phương pháp luận tên nam

Chào các bạn!
Chuyển tên Việt Nhật cho tên nữ đã hòm hòm xong, còn lại là tùy thuộc vào sự sáng tạo của các bạn. Hôm nay tôi bàn về chuyển tên Việt Nhật cho tên nam.
Tên nam tiếng Nhật thực ra lại thường giống tên nam tiếng Việt, thường là từ ghép 2 kanji, ví dụ như tiếng Việt có tên là "Quốc Đạt" (kanji: 国達) thì tiếng Nhật cũng có tên giống hệt là 国達 (Kunitatsu). Không phải tên nào cũng có tên vừa khít như vậy, và cũng không phải khi nào chúng ta cũng nên chuyển đúng như vậy (vì lý do sắc thái của tên, độ phổ biến) nhưng nhìn chung thì nếu có tên chuẩn với tên của bạn thì bạn nên chọn tên đó. Dưới đây tôi sẽ phân tích về chuyển tên nam. Vì tên nam chuyển rất đơn giản, nên các bạn hãy tự chuyển tên của mình dựa vào việc tìm tên trên trang web chuyển tên.

Phương pháp luận

Lấy ví dụ tên Tuấn, chữ kanji "Tuấn" 俊 có âm On-yomi là "Shun" và âm Kun-yomi là "toshi". Trong tiếng Nhật có tên là "Shun" với khá nhiều chữ kanji như:
  • 俊 Tuấn 駿 Tuấn (tuấn mã) 峻 瞬  隼 Chuẩn 春 Xuân 旬 Tuần 舜 馴
Trong tiếng Việt, có rất nhiều tên "Tuấn" như Anh Tuấn, Hoàng Tuấn, Văn Tuấn, Quang Tuấn, Quốc Tuấn, Đức Tuấn, Thanh Tuấn, v.v....
Tiếng Nhật cũng có rất nhiều tên Shun:
  • Shun: 俊 駿 峻 瞬 隼 春 旬 舜 馴
  • Shun'ichi: 俊一 俊市 駿一 駿市 峻一 峻市 瞬一 瞬市 隼一 隼市...
  • Shun'ichirou: 俊一郎 俊一朗 駿一郎 駿一朗 峻一郎 峻一朗 瞬一郎...
  • Shun'go: 俊吾 俊悟 俊呉 俊午 俊護 俊伍 俊五 駿吾 駿悟 駿呉...
  • Shun'gorou: 俊吾郎 俊吾朗 俊悟郎 俊悟朗 俊呉郎 俊呉朗 俊午郎...
  • Shun'ji: 俊二 俊次 俊治 俊児 俊慈 俊路 俊滋 俊示 駿二 駿次...
  • Shun'shirou: 俊志郎 俊志朗 俊司郎 俊司朗 俊史郎 俊史朗 俊士郎...
  • Shun'jirou: 俊次郎 俊次朗 俊二郎 俊二朗 俊士郎 俊士朗 俊治郎...
  • Shunsuke: 俊介 俊輔 俊助 俊資 俊佐 俊舗 俊亮 駿介 駿輔 駿助...
  • Shun'tarou: 俊太郎 俊太朗 俊多郎 俊多朗 駿太郎 駿太朗 駿多郎...
  • Ngoài ra: Shunsaku, Shunzaburou, Shunzou, Shunta, Shunto, Shumpei, Shun'ya, Shunnosuke
Bạn chỉ cần chọn tên cho hợp thôi, ví dụ "Văn Tuấn" có thể chọn là "Shuntarou".
Tên "Anh Tuấn" (英俊) thì có tên trùng khớp là 英俊 Hidetoshi nên có thể chọn tên này.
"Hoàng Tuấn" (黄俊) thì có thể chọn tên là 弘俊 Hirotoshi (kanji: Hoằng Tuấn).

Thứ tự ưu tiên:
  • Tên trùng khớp, ví dụ "Anh Tuấn" (英俊) => 英俊 Hidetoshi
  • Tên gần âm, ví dụ "Hoàng Tuấn" (黄俊) => 弘俊 Hirotoshi (kanji: Hoằng Tuấn)
  • Tên lấy trùng tên chính và dùng từ đệm nào đó, ví dụ "Văn Tuấn" (文俊) => 俊太郎 Shuntarou (kanji: tuấn thái lang)

Chuyển tên nam theo âm đọc trong tên (nazuke)

Chuyển tên theo nazuke (âm đọc trong tên) là thay vì chuyển "Tuấn" thành "Shun" thì dùng "toshi". Ví dụ "Quang Tuấn" (光俊) sẽ chuyển là 光俊 Mitsutoshi. Nếu chuyển cách này không được mới dùng các tên với từ đệm tên nam điển hình như Shun'ichi, Shun'go, Shun'shirou, Shun'tarou, Shunji, Shunsuke, ....
Một số cách chuyển theo nazuke:
  • Tuấn (俊): toshi
  • Đức (徳): nori
  • Minh (明): aki, ake
  • Quang (光): mitsu
  • Đạt (達): tatsu
  • Nghĩa (義): yoshi
  • Khang (康), An (安): yasu
  • Chinh (征): yuki (nghĩa: đi, di chuyển)
  • Việt (越): etsu
  • Chính (正): masa
  • Hoàng (黄,皇): Do tiếng Nhật không dùng chữ kanji này cho tên nên dùng tương ứng là 宏 (hoành) hoặc 弘 (hoằng), âm đọc: "hiro"
  • Nguyên (原,元): Do tiếng Nhật chỉ dùng 原 cho họ nên dùng chung là 元 "moto".
  • Anh (英), Tú (秀): hide
  • Bình (平): hira
  • Văn (文): fumi, aya
  • Chương (章): fumi, aki
  • Trí (智): tomo
  • Bằng (朋), Hữu (友): tomo
  • Hữu (有): ari
  • Quốc (国): kuni
  • Cảnh (影): kage
  • Vinh (栄): ei, haru
  • Hòa (和): kazu
  • Thắng (勝): katsu
  • Quân (君), Công (公), Vương (王): kimi
  • Thanh (清): kiyo
  • Trung (忠): tada
  • Vị (為): tame
  • Huy (輝): teru
  • Vũ (武), Mạnh (孟): take
  • Cao (高), Long (隆), Quý (貴): taka
  • Định (定): sada
  • Phong (豊), Phú (富): toyo
  • Hùng (雄): take
  • Thịnh (盛): mori

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Cách đánh số thứ tự tiếng Nhật "I RO HA"

Tôi đã nói về "Cách đếm số và lượng từ tiếng Nhật" trong phần 1.  Ở phần này tôi sẽ nói về cách đánh số thứ tự trong tiếng Nhật.
Thì đương nhiên là bạn dùng 1., 2., 3., ... hay A., B., C., .... hay (1), (2), (3), ... thì cũng không vấn đề gì cả. Nhưng ở đây là tôi muốn nói tới các cách đánh số thứ tự thuần Nhật và cũng hay sử dụng trong tiếng Nhật.

I RÔ HA NI HÔ HÊ TÔ

Đây là cách đánh số thay vì A, B, C ... sẽ đánh số là い,ろ,は,に,ほ,へ,と. Hay cũng có thể dùng katakana イ,ロ,ハ,ニ,ホ,ヘ,ト. Có mấy điểm chúng ta cần chú ý:
イ.Đây là câu trong bài thơ cổ là bài "I rô ha"
色は匂へど Iro wa nioedo
散りぬるを Chirinuru o
我が世誰ぞ Wa ga yo tare zo
常ならむ Tsune naramu
有為の奥山 Ui no okuyama
今日越えて Kyō koete
浅き夢見じ Asaki yume miji
酔ひもせず Ei mo sezu.

Ý nghĩa của bài này là nói về sự giác ngộ:
Hoa nở rồi hoa sẽ tàn
Trên thế gian này ai tồn tại vĩnh hằng?
Hôm nay chúng ta vượt qua ngọn núi trần thế
Không ước mơ nông cạn, không cơn say
ロ.Lấy các âm thanh tương ứng (không lấy âm đục): いろはにほへと
ハ.Có thể lấy thêm nữa  ngoài いろはにほへと như ちりぬるを
ニ.Trang tham khảo: http://en.wikipedia.org/wiki/Iroha

Các cách đánh số khác

  • 一,二,三,・・・ Một, Hai, Ba, ...
  • 壱,弐,参,・・・ Một, Hai, Ba, ...
  • あ,い,う,・・・ a, b, c, ...
  • ア,イ,ウ,・・・ A, B, C, ...

DÙNG CÁC CAN ĐỂ ĐÁNH SỐ: "GIÁP" "ẤT" ...

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Sushi là gì? Làm sao để ăn?

Sushi là gì?

Sushi (đọc là "xư-shi") là món cơm với cá sống, bạn có thể xem trên Wikipedia để biết rõ hơn. Cơm dùng trong sushi thường được trộn dấm gạo cho ngon. Thường sushi đã được trét wasabi (mù tạt cay Nhật Bản, làm từ cây wasabi) và chấm tương shoyu (tương đậu nành). Bạn cũng có thể cho wasabi vào tương shoyu để tăng độ cay.
Đĩa sushi thường gồm hai miếng
Có hai cách dùng tương shoyu: Cho trực tiếp vào đĩa sushi (ít thôi) hay đổ ra một đĩa nhỏ riêng. Bạn có thể thêm wasabi vào đĩa này cho cay hơn, mặc dù bên dưới lớp cá đã được trét sẵn wasabi rồi.

Sushi phải có nước trà / Ăn uống như thế mới là phong lưu

Ăn sushi thì có thể uống bia hoặc uống nước trà, mình thì uống nước trà cho lành. Mà thông thường, các quán sẽ không mang trà đến cho bạn mà sẽ để sẵn ly trà úp ngược (nhìn hình trên các bạn sẽ thấy ly trà mờ mờ sau mấy đĩa sushi), bạn lấy ly trà ra, ở chỗ bạn ngồi sẽ có hộp trà bột có cái muỗng nhỏ xíu, bạn chỉ lấy đúng một muỗng thôi nhé. Nếu lấy trên một muỗng thì sẽ quá nhiều không ngon mà lại còn bị chủ quán nhìn hình viên đạn nữa. Nước sôi lấy đâu ra? Chính là cái vòi ngay trước mặt bạn (thường một vòi cho 2 ghế khách), nhưng coi chừng phỏng tay! Bạn phải cầm cái ly trà và ấn cái ly đó vào nút đen ở phần thân giữa vòi, nút đó chính là khóa, ấn vào sẽ mở ra và nước từ bên trên rót vào ly. Rất hợp lý phải không? Nhưng cẩn thận phỏng tay nhé, nút đó không phải để bạn ấn tay vào, vì bạn mà ấn là vòi bên trên sẽ xả thẳng nước sôi vào tay bạn.
Nước trà ở quán sushi thì thường gọi là "agari", thay vì "ocha". Thực ra nghĩa gốc là "có khách lên", tại vì ngày xưa ở chốn thanh lâu kỹ viện thì "uống trà" thường được hiểu là "đợi khách", nên nếu khách đến quán mà lại gọi là "ocha" thì không lịch sự lắm, nên người ta nói tránh ra thành từ này.
Quán sushi băng chuyền (kaiten-zushi)

Gọi món trong quán sushi

Ở đây tôi sẽ chỉ nói về ăn sushi trong quán sushi băng chuyền (kaiten-zushi) thôi, còn các quán khác thì cũng gọi từ menu như thường. "Kaiten" có nghĩa là "xoay vòng", sẽ có băng chuyền và người làm sushi sẽ làm ngay trước mắt bạn và để đĩa lên băng chuyền này.
Ở Nhật, các quán làm đồ ăn trước mặt thực khách!
Nhưng bạn đợi mãi không thấy món bạn muốn ăn thì sao? Hay món bạn muốn ăn phải gọi thì làm thế nào? Bạn hãy nói trực tiếp với nghệ nhân sushi (sushi shokunin) trước mặt bạn theo cú pháp sau:
  • Maguro wo kudasai! (Xin cho cá ngừ)
  • Yaki-saamon wo kudasai! (Xin cho cá hồi nướng)
  • Hotate wo nimai kudasai! (Xin cho 2 dĩa sò điệp)
  • Asari suupu wo kudasai! (Xin cho súp hến)
  • Wasabi wo kudasai! (Cho tôi wasabi)
Ở quán sushi thì đĩa sẽ được đếm bằng "mai" ("mai" là cách đếm cho các vật mỏng như tờ giấy, đĩa mỏng nên cũng là "mai"), gọi 2 đĩa thì "ni-mai", ba đĩa thì "san-mai".

Giá tiền các đĩa sushi

Thông thường các đĩa màu khác nhau thì có giá khác nhau, loại thường nhất khoảng 100 ~ 140 yên / đĩa, một đĩa thường gồm 2 miếng. Những loại rẻ như sushi cuộn thì có thể có 4 miếng. Ngoài ra, ngày hôm đó mà loại nào được giảm giá thì cửa hàng sẽ để thông báo giảm giá trên băng chuyền cho chạy vòng vòng. Các loại sushi giá mắc hơn thì thường được đặt vào đĩa khác màu để tránh cho thực khách bị nhầm, và cũng thường được thông báo giá trên băng truyền (để bảng báo giá chạy trước đĩa sushi chẳng hạn). Thường thì loại thường là 100 yên/đĩa, các loại khác là 200, 400, 600 yên hay hơn.

Vị trí của sushi trong ẩm thực Nhật Bản

Để cho dễ hiểu thì tôi dùng công thức sau:

Sushi đối với người Nhật = Món ốc đối với người Sài Gòn

Đây là món ăn mà tất cả mọi người đều yêu thích và thường xuyên đi ăn. Tuy nhiên, cũng như có một số người Việt Nam không ăn nước mắm, cũng có một số ít người Nhật không ăn wasabi.

Một số món sushi bạn nên thử ở Nhật

Maguro sushi = Sushi cá ngừ

Số đếm trong tiếng Nhật - Cách đếm đồ vật, người

Đếm từ 1 tới 10

Chắc các bạn ai cũng biết đếm từ 1 tới 10:
一 二 三 四 五 六 七 八 九 十
ichi - ni - san - shi/yon - go - roku - shichi/nana - hachi - kyuu (ku) - juu

Chú ý là số 4 và số 7 có tới 2 cách đọc, vậy khi nào dùng "yon" ("bốn"), khi nào dùng "shi" ("tứ")? Phần lớn trường hợp bạn sẽ chỉ dùng "yon" cho số 四:
  • 四回 yon-kai = bốn lần
  • 四階 yon-kai = lầu bốn, tầng bốn
  • 四百 yon-hyaku = bốn trăm
Số bảy 七 (mà các bạn có thấy số này là số 7 lộn ngược không nhỉ?) cũng vậy, phần lớn dùng "nana":
  • 七回 nana-kai = bảy lần
  • 七階 nana-kai = lầu bảy
  • 七百 nana-hyaku = bảy trăm

Vậy "shi" và "shichi" dùng thế nào? Đó thường là dùng khi đơn thuần là đếm, như trong quyền anh hay đếm số động tác bạn đã thực hiện (karate chẳng hạn) thì sẽ đếm là "ichi ni san shi go roku shichi hachi kyuu juu".
Bạn cũng nên nhớ là số chín 九 có thể đọc là "ku" nữa, ví dụ:
  • 19日(十九日) juu-ku nichi = ngày 19
  • 19日(十九日) juu-kyuu nichi = ngày 19
Số 10 () cũng có thể đọc là "ju" thay vì "juu" hay "じっ" với âm lặp ("tsu" nhỏ):
  • 十分 juppun = 10 phút
  • 十分 juu-fun = 10 phút
  • 十分 (じっぴん) jippun = 10 phút
Nhìn chung, có nhiều cách đọc vì số đếm thì quan trọng nhất là đọc nhanh và dễ dàng, người Nhật sẽ đọc sao cho thuận miệng nhất có thể. Bạn cũng phải làm quen với việc này khi học số đếm tiếng Nhật.

Số 0

Số 0 không phải là thứ dễ dàng để người ta phát minh ra, bằng chứng là số La Mã không có số 0. So với các con số khác thì số 0 mãi sau này mới ra đời. Trong tiếng Nhật, số 0 thường được mượn từ tiếng Anh là "Zero" thành ゼロ. Ngoài ra còn dùng chữ kanji "LINH" 零 đọc là "Rei". Tuy nhiên, trong số đếm thì người Nhật dùng "zero", còn "rei" sẽ dùng nhiều trong từ ghép kanji (熟語 jukugo thục ngữ) như:
  • 零度 reido (linh độ) = 0℃ (nhiệt độ không độ C)
Khi viết thành văn tự, số 0 ("rei") sẽ viết là 〇 (để viết số không này thì bạn gõ "zero"), ví dụ:
  • Ba mươi = 三〇 (san-juu)

Chữ số trong văn tự, khế ước

Trong văn tự, khế ước bạn không thể dùng các con số 一,二,三,十. Ví dụ, bạn vay tiền Takahashi và để lại giấy vay tiền như sau:
  • "Tôi có vay của anh Takahashi số tiền là 一 lượng vàng và 十 lượng bạc" (tức là một lượng vàng và mười lượng bạc)
Anh Takahashi này, vốn rất giỏi làm giả giấy tờ, sẽ chữa lại bằng cách thêm vài nét thành:
  • "Tôi có vay của anh Takahashi số tiền là 三 lượng vàng và 千 lượng bạc" (tức ba lượng vàng và ngàn lượng bạc)
Thế là tự nhiên số nợ của bạn bị đội lên gấp nhiều lần, thậm chí còn khiến bạn phá sản. Để tránh như vậy, người Nhật (và người China) sẽ dùng thay thế các chữ trên thành các chữ sau:
  • 一 thành 壱
  • 二 thành 弐
  • 三 thành 参
  • 十 thành 拾
Nhân tiện nói luôn, chữ 万 "man" (vạn) có chữ cổ là 萬, trong các bài thơ cổ của Việt Nam đều dùng chữ "vạn" 萬 này.


Số đếm thuần Nhật

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Bàn phím tiếng Nhật và gõ tiếng Nhật

Chào các bạn! Hôm nay Takahashi sẽ nói rõ ràng về bàn phím tiếng Nhật và cách gõ tiếng Nhật để tất cả các bạn không bao giờ còn gặp rắc rối với việc gõ tiếng Nhật trên máy tính nữa.

Chắc các bạn gõ tiếng Nhật thì cũng đều biết đến "henkan" (変換, kanji: biến hoán), tức là "chuyển đổi chữ" bởi vì đầu tiên bạn phải gõ được hiragana đã, rồi sau đó mới chuyển sang kanji tương ứng. Mà gõ hiragana cũng có nhiều cách gõ:
  • Cách gõ thông thường: Phím "k" + phím "a" => "ka" = か
  • Cách gõ kana: Ví dụ phím "a" => ち chi, phím "s" => と to

Ngày xưa, người ta dùng máy gõ chữ thì có lẽ chỉ gõ kiểu kana mà thôi. Ngày nay thì mình thường xài kiểu gõ thông thường. Bạn có thể lo lắng là gõ kana thì sao biết phím nào với phím nào, nhưng bạn đừng lo, vì bàn phím của Nhật bao giờ cũng in cả cách gõ kana lên mặt phím.

Bàn phím tiếng Nhật - Japanese Keyboard

Các bạn hãy xem hình dưới đây để biết cách bài trí bàn phím tiếng Nhật. Nó khác bàn phím tiếng Anh mà chúng ta dùng đôi chút.
Giao diện bàn phím tiếng Nhật (Japanese Keyboard Layout)
Bán phím máy Sony Vaio
Tôi sẽ nêu các điểm nổi bật của bàn phím tiếng Nhật:

Các phím chuyên dụng
Bạn có thể thấy các phim đặc biệt sau:
  • Phím 半角/全角 (hẹp / rộng): Đây là phím cực kỳ quan trọng, vì bạn chỉ cần ấn phím này là chuyển thẳng sang gõ chế độ Hiragana ngay, bấm lần nữa thì quay lại gõ Romaji như thường. "半角" thì có lẽ bạn ấn kèm phím Shift là chuyển sang gõ Hiragana với độ rộng hẹp.
  • Các phím khác: 無変換 (muhenkan = không chuyển đổi), カタカナ/ひらがな: Chuyển đổi giữa katakana và hiragana

Cách sắp xếp các phím khác bàn phím tiếng Anh
Ví dụ @ ở bàn phím tiếng Anh nằm trên phím "2" còn ở bàn phím tiếng Nhật là một phím riêng. Các ký hiệu cũng ở vị trí khác so với bàn phím tiếng Anh.

Bề rộng hẹp và bề rộng toàn phần
Bề rộng hẹp 半角 hankaku (bán giác) là chữ chỉ chiếm nửa không gian thường, còn bề rộng toàn phần 全角 zenkaku (toàn giác) là chữ chiếm toàn bộ không gian. Chế độ bề rộng hẹp này chỉ áp dụng với Katakana mà không áp dụng với Hiragana. Dưới đây tôi đưa ra ví dụ minh họa:
  • 半角:アイウエオ
  • 全角:アイウエオ
Cách chuyển đổi thì đơn giản: Bạn gõ chữ Hiragana rồi ấn F7 là ra Katakana độ rộng toàn phần, ấn F8 là ra Katakana độ rộng hẹp.
  • あいうえお + F7 = アイウエオ
  • あいうえお + F8 = アイウエオ

Bàn phím tiếng Anh thì chuyển từ gõ Romaji sang gõ Hiragana thế nào?

Chắc các bạn cũng cảm thấy phiền phức khi mỗi lần chuyển qua chuyển lại giữa chế độ gõ Romaji (biểu tượng chữ A trên thanh công cụ tiếng Nhật) và chế độ gõ Hiragana (biểu tượng chữ あ) là lại phải dùng chuột để chọn rất mất thời gian và công sức.
Tôi cũng vậy, và tôi vừa phát hiện ra cách mới tương tự nút chuyển đổi ở bàn phím tiếng Nhật:
shift + caps lock
Tôi nói là vừa phát hiện ra vì tôi thường xài máy Nhật, giờ mới xài máy tiếng Anh nên mới mày mò ra. Các bạn hãy dùng cách trên chuyển cho nhanh lẹ nhé.
Với bàn phím tiếng Anh, chuyển sang Katakana vẫn là F7 (hay F8 cho chữ hẹp) không có gì thay đổi.
Chú ý: Bạn cũng có thể chuyển bằng
 alt + `
 (alt + ~)
thay vì "shift + caps lock" như trên.

Để gõ tiếng Nhật: Bộ gõ tiếng Nhật (Japanese IME)

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Tìm - Tìm thấy - Tìm ra

Hôm nay Takahashi xin bàn về động từ nhóm Tìm kiếm, ví dụ câu sau:
Cuối cùng chúng mình cũng tìm thấy điểm chung: Cả hai đều không thích nhau!
やっと私たちは共通のポイントを見出した:お互いが好きじゃないことを!
Yatto watashi-tachi wa kyoutsuu no pointo ga miidashita: Otagai ga suki ja nai koto wo!
Ở đây tìm thấy sử dụng 見出す miidasu nghĩa là "tìm ra được" điều gì đó. Nghĩa là bạn tìm thấy điều gì hay thứ gì nhờ vào kinh nghiệm hay nỗ lực (bạn muốn tìm thứ đó).

Tìm: 探す sagasu, từ này chỉ có nghĩa là "tìm" mà thôi.
Còn 見つける mitsukeru nghĩa là "tìm thấy", theo nghĩa là phát hiện thấy cái gì đó (discover). Đối tượng phải ở trong tầm mắt hay tầm tay của bạn. Chứ còn bạn tìm mà vẫn chưa thấy tăm hơi đối tượng đâu thì không dùng từ này được.
見つかる mitsukaru là dạng tự động từ của "mitsukeru", có nghĩa là thứ gì đó "được (bạn) tìm thấy". Ví dụ 
失くした本が見つかった = Quyển sách tôi đánh mất đã được tìm thấy.

検索する kensaku suru: Cũng là "tìm", nhưng là trên máy tính hay là tra từ điển. (kanji: kiểm sách).

検出する kenshutsu suru (kanji: kiểm xuất): Từ này thường hay bị dịch thành "kiểm xuất" đúng chữ kanji (kể cả từ điển J***) nhưng từ "kiểm xuất" có trong tiếng Việt đâu. Nghĩa từ này là "phát hiện thấy", "phát hiện ra" (lỗi nào đó hay có người thâm nhập, có vật thể lạ, v.v....).

探る saguru: Bạn tìm bằng ... tay (tìm đồ vật trong túi) hay tìm cái gì đó trừu tượng (dạng nghiên cứu hiện tượng chẳng hạn).

Ngoài ra:
  • サーチする = Search (tiếng Anh)
  • 調べる shiraberu = Tìm hiểu
Mỗi từ có một sắc thái khác nhau. Vậy làm sao chúng ta có thể biết? Cách tốt nhất là tra từ điển mà thôi. Sẽ có các ví dụ để bạn biết được. Bạn cứ tra từ điển Anh => Nhật và Nhật => Anh là sẽ có các câu ví dụ giúp bạn hiểu ý nghĩa và cách dùng từng từ, chứ cũng hoàn toàn không có gì phức tạp và khó hiểu cả.

Tổng kết về Tìm trong tiếng Nhật
探す 見つける 見つかる 見出す 検索する 検出する 探る サーチ
sagasu - mitsukeru - mitsukaru - miidasu - kensaku suru - kenshutsu suru - saguru - saachi

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Cách phát âm tiếng Nhật

Nếu các bạn bắt đầu học tiếng Nhật, chắc chắn bạn sẽ học bảng chữ cái Hiragana đầu tiên, mà bắt đầu là "a i u e o", sau đó sẽ là "ka ki ku ke ko". Hôm nay tôi sẽ bàn với các bạn về phát âm tiếng Nhật. Tất nhiên là để phát âm chuẩn nhất thì bạn vẫn nên nghe người Nhật phát âm chuẩn để học, ở đây tôi chỉ nêu nguyên lý về phát âm tiếng Nhật mà thôi.

Các bạn cũng nên tham khảo bài "Thanh điệu tiếng Nhật" để hiểu thanh điệu, nhịp điệu, cách phát âm âm dài và âm ngắn trong tiếng Nhật.


Giới thiệu sơ lược các âm tiếng Nhật

Các âm tiếng Nhật gồm các hàng sau: Hàng "A" (gồm: A, I, U, E, O), hàng "KA", hàng "SA", hàng "TA", hàng "NA", hàng "HA", hàng "MA" (mọi người vẫn nhớ theo dạng: Khi Sai Ta Nên Hỏi Mẹ), tiếp theo là hàng "RA", hàng "W" (gồm WA và WO), hàng "YA YU YO".

Ngoài ra là các âm đục:
  • Hàng "GA" là âm đục của hàng "KA"
  • Hàng "ZA" là âm đục của hàng "SA"
  • Hàng "DA" là âm đục của hàng "TA"
  • Hàng "BA" là âm đục của hàng "HA"
  • Hàng "PA" là từ hàng "HA"
Âm đục thì thường viết giống âm thanh kèm thêm dấu nháy, ví dụ: か => が, riêng hàng "PA" thì là dấu tròn: ぱ.
Từ khóa: Âm đục = 濁音 daku-on (kanji: đục âm), Âm trong = 清音 sei-on (kanji: thanh âm)

Tiếp theo là các âm ghép: Các bạn có thể xem bảng.
Bảng hiragana chụp từ wikipedia. Nguồn: Wikipedia Tiếng Việt

Phát âm và cách ghi romaji

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Karōshi hay cái chết trên bàn giấy

Karōshi (過労死, kanji: quá lao tử) là một từ trong tiếng Nhật nhưng đã được quốc tế hóa thành một danh từ chung trên thế giới. Một số từ tiếng Nhật nổi tiếng thế giới khác gồm có:
  • Sushi = cơm cá sống
  • Sashimi = cá sống
  • Karate = võ tay không (võ karate)
  • Karaoke = phát minh thiên tài của người Nhật để ai cũng có thể trở thành ca sỹ
  • Tsunami = sóng thần (chừ-na-mi)
  • Kamikaze = gió thần (thần phong), chỉ cơn bão đánh đắm chiến thuyền Mông Cổ hay đôi khi là phong trào máy bay cảm tử cuối thế chiến 2
  • Geisha = nghệ nữ, chú ý là đây không phải là kỹ nữ nhé; toàn là những người đàng hoàng và hiểu biết làm công việc tiếp khách => Nhật Bản là một dân tộc tao nhã nhé!
  • Shōgun = tướng quân, chỉ các sứ quân trong lịch sử Nhật Bản
Hôm nay chúng ta bàn về: KAROSHI
"Karoshi" (viết đúng theo Hiragana là Karoushi) có nghĩa là "Cái chết vì làm việc quá sức", một hiện tượng mà chỉ Nhật Bản mới có. Bàn về nguyên nhân của "Karoshi" thì có lẽ nửa ngày mới xong nên ở đây tôi chỉ nêu "Bí quyết để karoshi".
Có rất nhiều game Karoshi: Càng chết sớm càng lên level!

Bí quyết để karoshi

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Giá vé máy bay qua Nhật

Dành cho các bạn có ý định sang Nhật du học
Khi bạn mua vé máy bay sang Nhật thì bạn sẽ mua vé một chiều (One way) (nhưng mà thực ra một chiều và khứ hồi cũng không chênh nhau nhiều!), bạn có thể bay trực tiếp từ Tân Sơn Nhất sang Narita (Tokyo) hay bay chuyển tiếp (transit flight). Bay chuyển tiếp nghĩa là bạn quá cảnh (transit) tại một sân bay thứ ba nào đó:
Ví dụ: Tân Sơn Nhất => Hong Kong => Narita hoặc Tân Sơn Nhất => Kuala Lumpur => Narita
Thường thì bay chuyển tiếp sẽ rẻ hơn bay trực tiếp. Hiện bay trực tiếp có chuyến của Vietnam Airlines kết hợp với JAL (hàng không Nhật Bản).
Giá vé thì đặt càng sớm sẽ càng rẻ, tốt nhất là trước khoảng 3 tháng.

Malaysia Airlines (Quá cảnh Kuala Lumpur): 563 USD
Vietnam Airlines (Trực tiếp): 660 USD
Korean Air (Hàn Quốc, quá cảnh Seoul): 520 USD
Cathay Pacific (Hong Kong, quá cảnh Hong Kong): 505 USD
ANA (Nhật Bản, trực tiếp): 785 USD
(ANA cho du học sinh Việt Nam, trực tiếp: 410 USD)
Japan Airlines (JAL, trực tiếp): 850 USD
Asiana (Hàn Quốc, quá cảnh Seoul): 550 USD
China Eastern (China, quá cảnh Thượng Hải): 450 USD
China Southern (Quá cảnh Quảng Châu): 480 USD
Thời điểm tra giá: 2 tháng 10, 2012. Thời điểm bay: 31/3/2013

Nếu là tôi, tôi sẽ đi Korean Air (Seoul) hoặc Cathay Pacific (Hong Kong). Tôi đã từng đi 2 chuyến này và thấy rất ổn!

Bay chuyển tiếp của Malaysia Airlines

Chuyến bay: Tân Sơn Nhất => Kuala Lumpur => Narita
Ở thời điểm hiện tại (ngày 1 tháng 10 năm 2012) nếu đặt giá vé cho ngày 31/3/2013: 563 USD
Các bạn xem hình để biết chi tiết.


Bạn sẽ chờ ở sân bay Kuala Lumpur từ 10:30 PM tới 11:30 PM. Nếu chọn chuyến khác, có thể bạn phải chờ lâu hơn, ví dụ 3 tiếng chẳng hạn.
Mua vé tại: http://www.malaysiaairlines.com/jp/en.html

Mua vé của Vietnam Airlines

Giá vé rẻ nhất ngày 31/3/2012, SGN - NRT: 13.856.000 VND (660 USD)