Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Karōshi hay cái chết trên bàn giấy

Karōshi (過労死, kanji: quá lao tử) là một từ trong tiếng Nhật nhưng đã được quốc tế hóa thành một danh từ chung trên thế giới. Một số từ tiếng Nhật nổi tiếng thế giới khác gồm có:
  • Sushi = cơm cá sống
  • Sashimi = cá sống
  • Karate = võ tay không (võ karate)
  • Karaoke = phát minh thiên tài của người Nhật để ai cũng có thể trở thành ca sỹ
  • Tsunami = sóng thần (chừ-na-mi)
  • Kamikaze = gió thần (thần phong), chỉ cơn bão đánh đắm chiến thuyền Mông Cổ hay đôi khi là phong trào máy bay cảm tử cuối thế chiến 2
  • Geisha = nghệ nữ, chú ý là đây không phải là kỹ nữ nhé; toàn là những người đàng hoàng và hiểu biết làm công việc tiếp khách => Nhật Bản là một dân tộc tao nhã nhé!
  • Shōgun = tướng quân, chỉ các sứ quân trong lịch sử Nhật Bản
Hôm nay chúng ta bàn về: KAROSHI
"Karoshi" (viết đúng theo Hiragana là Karoushi) có nghĩa là "Cái chết vì làm việc quá sức", một hiện tượng mà chỉ Nhật Bản mới có. Bàn về nguyên nhân của "Karoshi" thì có lẽ nửa ngày mới xong nên ở đây tôi chỉ nêu "Bí quyết để karoshi".
Có rất nhiều game Karoshi: Càng chết sớm càng lên level!

Bí quyết để karoshi

  • Chỉ ngủ 3 - 4 tiếng 1 ngày: Dậy lúc 7 giờ, tới công ty khoảng 8 rưỡi, làm tới chuyến tàu cuối là 12 giờ và về nhà lúc 1 giờ đêm. Tắm rửa, lên mạng tới 3 giờ sáng rồi đi ngủ. Hôm sau 7 giờ dậy. Cuối tuần ngủ bù thật nhiều.
  • Không bao giờ từ chối khi cấp trên giao việc mặc dù bạn đã mệt gần chết (tức là đã gần gần "Karoshi" rồi!)
  • Dù đã mệt lắm rồi nhưng khi cấp trên giao việc vẫn nở nụ cười tươi rói (egao!) và "Hai!" thật to (làm cấp trên nghĩ mình vẫn còn khỏe và là chỗ dựa rất đáng tin cậy của công ty)
  • Không bao giờ về trước người khác để tránh trở thành đối tượng bị ijime trong công ty (ở Nhật thường mọi người sẽ tập trung ijime - tức "hà hiếp" - một người yếu nhất): Nếu họ có cơ hội nói xấu sau lưng bạn thì nhiều khả năng bạn bị ijime lắm đấy.
  • Phải biết nhìn nhau mà sống - coi trọng tính hòa hợp của tập thể (和 wa = HÒA), tức là bạn nhìn Takahashi-san chờ anh này về trước còn anh này cũng nhìn bạn để chờ bạn về trước. Kết quả là 2 người đều về chuyến tàu cuối cùng (gọi là 最終電車 Saishuu Densha hay 終電 Shuuden).
Mấu chốt là "không bao giờ tách rời khỏi tập thể", tức là những người xung quanh làm gì thì bạn cũng làm y như vậy. Nếu bạn làm gì khác đi thì bạn sẽ thành đối tượng bị hà hiếp (ijime), lúc ấy e rằng bạn sẽ không "karoshi" mà lại ra đi theo cách khác mất.
Hình ảnh thường thấy ở sarariman (người đi làm công ty tại Nhật)
Nếu bạn cứ 5 giờ chiều là nhấp nhổm thu xếp tài liệu đi về hay cứ hơi mệt là lại xin nghỉ thì mình xin khẳng định là bạn không bao giờ có thể karoshi được. Mệt mà vẫn không xin nghỉ mới có thể karoshi! Muốn xin nghỉ mà vẫn không dám xin nghỉ vì sợ bị đánh giá thấp về năng lực hay bị cô lập trong tập thể mới mong có ngày karoshi. Mình cũng không bao giờ karoshi được, vì chưa mệt mình đã xin nghỉ!
Để rèn luyện karoshi, bạn có thể tải game karoshi về điện thoại chơi thử.

Karoshi và chủ nghĩa hoàn hảo (Kanpeki Shugi)

Góp công lớn vào karoshi chính là "chủ nghĩa hoàn hảo" (完璧主義 Kanpeki Shugi, kanji: hoàn bích chủ nghĩa), nghĩa là bạn muốn xuất hiện là một con người hoàn hảo trong mắt mọi người: Luôn là chỗ dựa tin cậy, đâu cần là bạn có mặt, việc gì được nhờ cũng làm và đã làm là làm tới mức ... hoàn hảo!
Đây chính là nền tảng để tạo nên "karoshi", còn nếu bạn chỉ "hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều" thì chắc là chẳng karoshi được đâu.
Chủ nghĩa hoàn hảo là thứ mà nếu bạn không ở Nhật có lẽ bạn sẽ khó hình dung được, nên để cho bạn dễ hình dung tôi lấy ví dụ về anh ... Takahashi.
Anh Takahashi này đã đi làm 3 năm nay và bao giờ cũng đến sớm 15 phút trước giờ làm. Anh luôn cần mẫn làm việc tới ít nhất 10 giờ đêm. Ở công ty anh là con người được tin cậy về sự nỗ lực và nhiệt tình (nhưng về trí tuệ thì chưa chắc!). Anh rất hãnh diện vì số giờ đi làm của mình (thường ngày nào cũng tầm 14 ~ 16 tiếng!). Và rồi có một hôm anh mệt quá mà ngủ quên mất nên anh đến công ty muộn ... 5 phút. Anh cảm thấy thật đáng xấu hổ và cảm thấy mình vô giá trị không xứng đáng với sự tin cậy của cấp trên. Anh liên tục cảm thấy có lỗi dù chẳng ai bắt lỗi anh cả. Đó chính là chủ nghĩa hoàn hảo: Anh chàng này mong muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo!
Để làm quái gì? Bạn hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai bây giờ? Thú thực là chưa bao giờ tôi đi làm đúng giờ...

Ở Việt Nam: Kagoshi
Kagoshi (過娯死, kanji: quá ngu tử, "ngu" là "vui chơi" chứ không phải là "ngu ngốc (愚)") có nghĩa là "Chết vì vui chơi (娯楽 Goraku) quá mức". Ví dụ có những ông vừa nhậu say xỉn với bạn xong lên xe máy vọt ra giữa đường va ô tô chết luôn. Những cái chết kiểu này được xếp vào loại "kagoshi". Hay nhậu nhẹt nhiều quá rồi suy thận, suy tim mà chết cũng thuộc dạng này. Hay thậm chí là thấy xe tải chạy chậm quá mà tạt đầu rồi mới biết là nó cũng chạy ... khá nhanh cũng đều là "kagoshi" hết.
Ở Việt Nam người ta chỉ sợ "kagoshi" chứ chẳng ai lại đi sợ "karoshi" cả.

ベトナムの過娯死 Betonamu no Kagoshi

Hay còn gọi là: Nhậu nhẹt tâm pháp!

7 nhận xét:

  1. Hay quá Takahashi ơi. Cám ơn bài viết.

    Trả lờiXóa
  2. bài viết thú vị

    Trả lờiXóa
  3. Hahaha, so funny, i love you.

    Trả lờiXóa
  4. Một bài viết rất có giá trị!
    Đọc mà biết được bao nhiêu thứ ~
    Cách viết còn rất cuốn hút nữa chứ ^__^

    Trả lờiXóa
  5. @Peachtea and tien: so u 2 are gay ? -_-¿

    Trả lờiXóa