Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Học tiếng Nhật qua triết lý "Đời ngang trái"

Đây là nội dung từ Facebook của Saroma Lang [View post]:

-0-
Đời ngang trái lắm!
人生はなんて不条理なんだ!
Jinsei wa nante fujōri nan da!

Bạn đi học, ra trường, đi làm và lấy một cô vợ giàu có, xinh đẹp.
あなたは学校に通って卒業して就職し金持ちで美しい嫁をもらった。
Anata wa gakkō ni kayotte sotsugyō shite shūshoku shi, kanemochi de utsukushii yome o moratta.

Đời tưởng không còn gì đẹp hơn, cho tới một ngày cô vợ bạn thu dọn đồ đạc lái xe đi mất.
この人生より美しいものがないと思ったらある日あなたの奥さんは荷物を片付け、車で去っていった。
Kono jinsei yori utsukushii mono ga nai to omottara, aru hi anata no okusan wa nimotsu o katadzuke, kuruma de satte itta.

Để bạn lại với trái tim tan nát và hàng ngàn câu hỏi, kiểu như "Làm sao để lấy lại chiếc xe thân yêu?"
あなたはずたずたになった心と「どうやって親愛なる車を取り戻すか」など何千もの質問とともに残っている。
Anata wa zutazuta ni natta kokoro to "dō yatte shin'ai-naru kuruma o torimodosu ka" nado nanzen mo no shitsumon to tomo ni nokotte iru.

[Quảng cáo ↓]

Hãy gắn bộ định vị GPS của Takahashi Corp. Giá rẻ, an toàn và đặc biệt không bao giờ lo mất xe! Vì một cuộc đời không ngang trái, hãy mua ngay bộ định vị GPS của Takahashi Corp.!
Takahashi Corp.のGPSユニットを設置しましょう!格安で安全であり特に車を取られる心配が要りません。不条理にならない人生のために、すぐTakahashi Corp.のGPSユニットのご購入へ!
Takahashi Corp. no GPS yunitto o setchi shimashou! Kakuyasu de anzen de ari tokuni kuruma o torareru shinpai ga irimasen. Fujōri ni naranai jinsei no tame ni, sugu Takahashi Corp. no GPS yunitto no gokōnyū e!
-1-

Đời không ngang trái sao được, khi thứ yêu quý nhất đời đã rời bỏ bạn mà đi!


Có 3 thứ quan trọng khi học tiếng Nhật: Ngữ pháp (文法 Bunpou = VĂN PHÁP), từ vựng (語彙 goi = NGỮ VỊ) và ý nghĩa luận (意味論 imiron = Ý VỊ LUẬN). Bài này sẽ đề cập đến 3 thứ này để các bạn mới bắt đầu cũng không hiểu được... à cũng hiểu được.

Câu đầu tiên:
Đời ngang trái lắm!
人生はなんて不条理なんだ!
Jinsei wa nante fujōri nan da!

Đây là mẫu ngữ pháp: "[Danh từ N] wa [Tính từ "na" A-"na"] da" hay dạng lịch sự hơn thì thay "da" bằng "desu".
人生は不条理だ!
Jinsei wa fujōri da!
Câu này là: "Đời ngang trái!" hay "Đời là ngang trái!". Để thêm vào sự cảm thán thì chúng ta dùng "nante", tức là giống như "lắm" trong tiếng Việt vậy. Ở đây chúng ta phải hiểu ý nghĩa của "lắm", đó không phải là "rất" hay "nhiều" mà thực ra là cảm thán (trường hợp này là cảm thán một cách chua chát). Tương ứng trong tiếng Nhật là "nante", đây thể hiện cảm thán của bạn với một sự việc tiêu cực khiến bạn phải nhăn mặt.
Nếu nói là:
人生はとても不条理だ!
Jinsei wa totemo fujōri da!
thì câu này vẫn chỉ là một câu kể: Đời rất ngang trái!

Có một từ khác tương tự là "nanto", cũng nghĩa cảm thán "lắm" nhưng khác nhau là "nanto" thường dùng với ý nghĩa tích cực:
この景色はなんと美しい!
Kono keshiki wa nanto utsukusii!
Cảnh này đẹp quá!

Còn mẫu ngữ pháp này thì đơn giản, ví dụ "Watashi wa gakusei desu" nghĩa là "Tôi là học sinh".

Còn 不条理 (Fujouri, BẤT ĐIỀU LÝ) tại sao lại là "ngang trái"? Ở đây là ý nghĩa luận thôi, bạn phải hiểu nghĩa của từ "ngang trái" đã. Nếu muốn dịch qua, dịch lại thì bạn phải hiểu được ý nghĩa của tiếng mẹ đẻ trước. "Ngang trái" có nghĩa là "không tuân theo lý lẽ thông thường" hay "không tuân theo đạo lý thông thường" mà thôi. 不条理 Bất Điều Lý chính là "không tuân theo lý lẽ thông thường" đó. "Bất" là "không", "Lý" ở đây là "lý lẽ", còn "Điều" chính là "tuân theo". Chữ này giống trong 条件 (Jouken, Điều Kiện), "điều kiện" nghĩa là "các mục (Kiện) cần tuân theo (Điều)".

"~nan da" là ngôn ngữ nói của "~na no da", dùng để nhấn mạnh ý bạn muốn nói là thôi. Một trong các tác dụng của "no" là nhấn mạnh mà. Trước đó là danh từ hay tính từ đuôi "na" thì phải thêm "na", còn tính từ đuôi "i" thì không cần. Tức là vì "no" có vai trò danh từ, nên từ trước đó phải chuyển sang dạng tính từ đó (danh từ thì thêm "na" để chuyển dạng thành tính từ).

Câu thứ 2:
Bạn đi học, ra trường, đi làm và lấy một cô vợ giàu có, xinh đẹp.
あなたは学校に通って卒業して就職し金持ちで美しい嫁をもらった。
Anata wa gakkō ni kayotte sotsugyō shite shūshoku shi, kanemochi de utsukushii yome o moratta.

Câu này chỉ là thứ tự các hành động, nên bạn dùng Vて (dạng "te") chứ không có gì. Bạn cũng có thể dùng dạng V(ます) (V bỏ "masu"), không khác gì mấy. Với lại, nếu có 2 tính từ (giàu có, xinh đẹp) cùng bổ nghĩa cho một danh từ thì phải dùng dạng nối, với tính từ "na" hay danh từ bổ nghĩa ("kanemochi") thì dùng "de" (bỏ "na"), còn tính từ "i" thì dùng "kute" (bỏ "i"). Rất đơn giản!

Câu thứ 3:
Đời tưởng không còn gì đẹp hơn, cho tới một ngày cô vợ bạn thu dọn đồ đạc lái xe đi mất.
この人生より美しいものがないと思ったらある日あなたの奥さんは荷物を片付け、車で去っていった。
Kono jinsei yori utsukushii mono ga nai to omottara, aru hi anata no okusan wa nimotsu o katadzuke, kuruma de satte itta.

"Đời tưởng không còn gì đẹp hơn" về mặt ý nghĩa có nghĩa là "Bạn ĐÃ nghĩ không có gì đẹp hơn cuộc đời này", nên nó là vế câu この人生より美しいものがないと思ったら Kono jinsei yori utsukushii mono ga nai to omottara.
"Omottara" ở đây không có nghĩa là "nếu" (dạng nếu quá khứ "ttara") mà ở đây là 思ったときに (omotta toki ni), tức là lúc bạn đã nghĩ một điều gì đó thì có điều gì khác bất ngờ xảy ra (và làm thay đổi suy nghĩ ban đầu của bạn). Chú ý là đây là cách nói văn học, bạn học cách nói này thì mới viết văn được. Còn nói thông thường thì có lẽ là 思ったときに.

Không còn gì đẹp (Tính từ) hơn [Danh từ] = ●●より美しいものがない => Dùng "yori ~ mono ga nai".
So sánh trong tiếng Nhật sẽ dùng "yori", ví dụ:
タカハシさんは高島さんより金持ちです
Takahashi-san wa Takashima-san yori kanemochi desu
Nghĩa là: Anh Takahashi giàu hơn anh Takashima.

"Bỏ đi mất" thì có thể dùng 出て行った Dete itta, nhưng dùng 去って行った Satte itta thì có nghĩa là "đi mất hút luôn". 去る Saru (kanji: Khứ) nghĩa là "Đi mà không quay lại nữa" còn 出る Deru thì chỉ có nghĩa là đi ra ngoài.

Câu thứ 4:
Để bạn lại với trái tim tan nát và hàng ngàn câu hỏi, kiểu như "Làm sao để lấy lại chiếc xe thân yêu?"
あなたはずたずたになった心と「どうやって親愛なる車を取り戻すか」など何千もの質問とともに残っている。
Anata wa zutazuta ni natta kokoro to "dō yatte shin'ai-naru kuruma o torimodosu ka" nado nanzen mo no shitsumon to tomo ni nokotte iru.

"zutazuta" nghĩa là "nát bươm, rách nát, nát, ..." (nên nhớ: Tiếng Nhật cũng dùng rất nhiều từ láy, từ tượng thanh hay tượng hình như tiếng Việt vậy). Ở đây "trái tim tan nát" thì bạn phải hiểu ý nghĩa của nó, tức là trái tim bạn trước đây không tan nát ("Đời thật đẹp!" cơ mà), mà chỉ tan nát sau khi cô kia bỏ đi mà thôi. Cho nên phải là: ずたずたになった心 Zutazuta ni natta kokoro. "~ni natta" nghĩa là trở nên như thế nào đó (mà trước đây không như vậy). ("Naru" = trở nên, trở thành, "natta" là dạng quá khứ.)

Do đó mà ở câu thứ 5, "Để đời không ngang trái" thì cũng phải dùng cấu trúc "ni naru" (tức là "Để không trở nên ngang trái") vì thực sự đời bạn trước đó không ngang trái mà chỉ ngang trái sau biến cố thôi.

"Chiếc xe thân ái" dùng 親愛なる車 Shin'ai naru kuruma thì tốt hơn là 親愛の車 Shin'ai no kuruma, bởi vì văn học hơn và ý nghĩa rõ ràng hơn do "Shin'ai naru" chắc chắn là tính từ và phải có danh từ được bổ nghĩa bởi nó đi sau đó, còn "shin'ai no ~" thì có thể bị hiểu sai sang sở hữu cách (chiếc xe của ai đó).

"Hàng ngàn câu hỏi" thì dùng も "mo", ở đây không phải là "cũng" mà cùng là "mo" nhưng có nhiều cách dùng cũng như Vて vừa nối câu vừa mệnh lệnh thức vậy.
Cấu trúc này là: [Từ hỏi số lượng] + "mo" + [Danh từ]
Từ hỏi ở đây là 何千 Nanzen ("Bao nhiêu ngàn"), do đó:
何千もの質問 Nanzen mo no shitsumo = hàng ngàn câu hỏi

~など Nado là "kiểu như ~, ví dụ như ~", phải đặt trước danh từ mà nó ví dụ (ngược với tiếng Việt).
~とともに ~ to tomo ni là "cùng với".
Tất cả những ngữ pháp ở trên đều có trong ngữ pháp thi Nô các cấp độ, nên học ở đó là đủ.

Câu thứ 5:
"Không lo" về ý nghĩa là "không cần phải lo", nên có thể dùng cấu trúc "~ shimpai ga irimasen", "irimasen" là "không cần".

Takahashi Corp.のGPSユニットのご購入へ!
Takahashi Corp. no GPS yunitto no gokōnyū e!

... là một câu tắt, bỏ lửng vế sau đó (sau đó có thể là "ikimashou"), là câu thường dùng trong quảng cáo, cần ngắn gọn và nhấn mạnh rất thường dùng tại Nhật. Mấu chốt trong việc nhấn mạnh, đặc biệt trong thương mại phải là câu ngắn, đúng trọng tâm chứ bạn lại đi kể lể dài dòng thì người ta lại chẳng hiểu bạn đang định bán cái gì. Ví dụ bạn có thể nói "Mua ngay, giá rất rẻ" thì còn dễ hiểu, chứ lại nói "Bạn nên mua ngay, giá hiện nay rất rẻ" thì nghe xong đã mệt còn tâm trí nào mà mua.

Ý nghĩa luận 意味論 Imiron

Điều quan trọng khi chuyển ngữ là phải phân tích được ý nghĩa, tránh dịch từng từ theo nghĩa đen (gọi là "word by word"). Phần lớn các trường hợp dịch sai đều là do không phân tích được mặt ý nghĩa của câu gốc. Điều này cũng đặc biệt quan trọng khi bạn dịch tên bài hát.

Ví dụ: Xin làm người xa lạ thì ở đây không phải là bạn đi xin xỏ ai đó, mà chỉ là bạn muốn làm người xa lạ mà thôi. Do đó nên dịch là 見知らぬ人でいたい Mishiranu hito de itai. Mà dùng "Mishiranu" (không biết mặt) thì văn vẻ hơn "Mishiranai" rất nhiều!

Câu kết

Bạn có thể thấy chuyện này mắc cười (笑える waraeru) nhưng mình chẳng thấy đáng cười chỗ nào. Cười sao được khi đã mất con xe yêu dấu??

Tình yêu đời bạn đang ở một nơi xa lắm, mà bạn lại không thể định vị được! 
Đời ngang trái lắm...


- Takahashi -

4 nhận xét:

  1. i like your thinking so much^^

    Trả lờiXóa
  2. Takahashi ơi, có thể liệt kê 1 số chữ nữa gắn なる tạo ra tính từ ko vậy!? như 親愛なる ấy! :)
    Tks nhìu!^^

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 敬愛なる keiai naru (KÍNH ÁI) = ~ kính yêu
      Ngoài ra còn "taru" nữa bạn, dùng với danh từ:
      政治家たる者 = những người là chính trị gia (vị ngữ thường là "thì phải có nghĩa vụ, bổn phận gì đó")
      神聖なる shinsei naru (THẦN THÁNH) = thần thánh

      Nhiều nhưng mình không biết nhiều!

      Xóa
  3. Thích cách viết của Takahashi lắm! ^^

    Trả lờiXóa