Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Nói lời chia buồn trong tiếng Nhật

Khi ai đó gặp bất hạnh, điều không may thì bạn thường chia buồn với họ.

ご愁傷様! Go-Shuushou sama | ご愁傷様でした! Go-Shuushou sama deshita
Đây là cách chia buồn trang trọng, 愁傷 nghĩa là "Sầu Thương". Câu nói có thể dịch là "Thành thật chia buồn với anh/chị".

お気の毒様 O-kinodoku-sama
"Tôi rất lấy làm tiếc cho anh/chị".

お気の毒です
O-kinodoku-desu = "Thật đáng tiếc"

Với bạn bè:
大変でしたね Taihen deshita ne
可哀そう Kawaisou

Ngoài ra còn có:
この度のご不幸、大変残念なことでした。
Kono tabi no go-fukou, taihen zannen-na koto deshita.
Việc bất hạnh lần này thật là một việc đáng tiếc.

Bạn sử dụng các cách nói trên chắc là đủ. Ngoài ra, bạn có thể động viên người gặp bất hạnh, không may.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Thơ haiku - Tâm hồn nước Nhật

Thể thơ nào là tâm hồn nước Việt? Đó chắc chắn là thể thơ lục bát, hay xa hơn là song thất lục bát. Nếu chỉ nói thơ haiku thì bạn sẽ khó hình dung, nên tôi phải dùng cách so sánh: Thơ haiku với người Nhật cũng giống như thơ lục bát với người Việt vậy.

Có một bài haiku mà tôi vẫn nhớ, à thực ra là tôi chỉ nhớ đúng một bài nên nếu bạn nào theo dõi trang saromalang thường xuyên thì sẽ còn gặp bài này nhiều vì tôi chỉ nhớ mỗi bài này:

下駄洗う 音無し川や 五月晴れ
Geta arau, Oto nashi kawa ya, Satsukibare

Ở đây thì Satsuki là tháng năm âm lịch, viết là 五月 (Ngũ Nguyệt) nhưng không đọc là Go-gatsu mà đọc là Satsuki. Satsuki-bare là sự trong lành của tháng năm âm lịch, ở đây "bare" là biến âm của 晴れ hare nghĩa là trời trong lành (晴れる hareru).

Thơ haiku có quy tắc âm là 5-7-5 như trên, tuy nhiên có thể là 7-9-7 nữa. Để làm thơ hay thì phải có từ chỉ mùa, thời gian gọi là 季語 Kigo (Quý Ngữ), như mùa nào hay tháng mấy. Cũng có thể dùng miêu tả để ám chỉ, ví dụ như hoa anh đào nở thì chắc chắn là mùa xuân rồi. Ngoài ra phải có ngắt nữa, gọi là 切れ kire, tức là ngắt tứ thơ ra thành các câu riêng, ở trên chính là "や ya", từ này có tác dụng ngắt mạch thơ thành hai vế. Thơ haiku phải có một chỗ ngắt "kire" như thế.
"Kire" thường là: 「もがな」「し」「ぞ」「か」「よ」「せ」「れ」「つ」「ぬ」「へ」「ず」「いかに」「じ」「け」「らん」.

Thơ haiku cũng phải để là dư âm (余韻 Yoin = Dư vận / Dư vần). Và thơ haiku thể hiện sự tả thực khách quan (客観写生 Kyakkan Shasei = Khách Quan Tả Sinh) nên bạn phải tả chân sự vật, sự việc đúng như nó diễn ra.

Bạn nên nghiên cứu các bài thơ nổi danh và học các quy tắc thì có thể trở thành nhà thơ haiku được. Một số điều bạn nên làm:

  • Học nguyên lý thơ haiku, học các quy tắc và ví dụ nổi tiếng
  • Làm thật nhiều thơ haiku, tham gia các cuộc thi

Bạn phải đầu tư thời gian. Ngoài ra cần nói thêm là việc làm thơ haiku giúp bạn hiểu tiếng Nhật tốt hơn đấy. Vì bạn phải tìm hiểu, suy tư tìm ý thơ mà. Việc suy nghĩ là điều cơ bản khi học ngoại ngữ hay ngôn ngữ.

Asagao ya, Sora to katarau, Iro jiman

Dịch thơ haiku

Giờ tôi sẽ chuyển qua dịch thơ nhé. Vẫn là bài thơ haiku trên (tôi chỉ biết mỗi bài này mà!):

下駄洗う 音無し川や 五月晴れ
Geta arau, Oto nashi kawa ya, Satsukibare
Nghĩa đen: Rửa guốc, Dòng sông tĩnh lặng, Tháng năm trong lành

Nhưng dịch thơ ra haiku tiếng Việt thì đâu có gì hay. Giống như bạn làm thơ lục bát tiếng Nhật thôi, không phải là không thể, nhưng không có gì đặc sắc. Tôi sẽ dịch theo đúng thể thơ tiếng Việt như sau:

Sáng tháng năm lặng im như đá
Bến nước này rửa gá mang chân
*Gá: Guốc (từ cổ)
Takahashi thi sỹ thời cổ đại

Ngoài ra, tôi cũng chuyển một số ý tứ tiếng Việt thành thơ haiku cho nó hoành (bánh) tráng:

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Hỏi tại sao trong tiếng Nhật

Doushite?

Doushite là hỏi tại sao trong nói chuyện hàng ngày, nghĩa gốc là "Dou shite" (làm như thế nào).
Doushite watashi wo damashita no ka? Tại sao lại lừa dối tôi?

Hay đơn giản hơn là: Doushite? Tại sao?
Doushite desu ka? Vì sao lại thế ạ?

Naze?

"Naze" là hỏi tại sao dùng trong cả văn nói lẫn văn viết. Bạn có thể dùng trong văn chính luận được.

Naze kimi ga itta ka wo shiritai. Tôi muốn biết vì sao cậu đi.
Kimi ga naze itta ka wo shiritai. Tôi muốn biết cậu vì sao đi.

Naze? Vì sao?
Naze desu ka? Vì sao ạ?

Naze ka to iu to, ... = Bởi vì, [lý do].
Nghĩa đen là "nếu nói là vì sao thì ...".

Nande?

Cũng là dạng ngôn ngữ nói cho "tại sao". Cách dùng như trên.
Nande konai no? Vì sao anh (em) không đến?

Ngoài ra còn có cách hỏi như "Lý do ... là gì?", "Nguyên nhân ... là gì?".

・・・(の)理由は何ですか?

... (no) riyuu wa nan desu ka?
Lý do (của) ... là gì?

Chỉ dùng "no" nếu trước 理由 là danh từ, còn nếu là vế câu thì không cần.

Danh từ:
欠席の理由は何でしょうか?
Kesseki no riyuu wa nan deshou ka? Lý do bạn vắng mặt là gì?

Vế câu:
ピクニックに行かない理由は何?
Pikunikku ni ikanai riyuu wa nani?
Lý do không đi dã ngoại là gì?

Ở đây lả hỏi dạng tắt. Có thể hỏi tắt hơn là ・・・理由は?


・・・(の)原因は何ですか?

... (no) gen'in wa nan desu ka?
Nguyên nhân (của) ... là gì?

Cách dùng như hỏi lý do ở trên. Có thể hỏi tắt là "... gen'in wa nani?" hay "... gen'in wa?".

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Ba cột trụ khi học tiếng Nhật

Làm sao để học ngữ pháp tiếng Nhật khi không biết nhiều từ vựng?


Nền tảng tiếng Nhật gồm 3 thứ: Chữ kanji, Ngữ pháp, Từ vựng. Nền tảng tiếng Nhật của bạn có thể đo bằng số chữ kanji bạn biết, các mẫu ngữ pháp bạn hiểu và số lượng từ vựng tiếng Nhật của bạn. Bạn chỉ cần nâng cao 3 thứ này lên là tiếng Nhật của bạn sẽ tăng lên theo.
Nhiều bạn cảm thấy u sầu về khả năng tiếng Nhật của mình và dành phần lớn thời gian để u sầu thay vì nâng cao nền tảng tiếng Nhật của mình. Đó là vì các bạn nghĩ giỏi tiếng Nhật nghĩa là giao tiếp nhanh như gió và hiểu mọi thứ người Nhật nói. Các bạn muốn ngay lập tức mình giao tiếp tốt tiếng Nhật mà không muốn mất thời gian để xây dựng nền móng tiếng Nhật cho riêng mình. Bằng cách này, các bạn không có nền tảng và mong muốn giỏi tiếng Nhật trong vô vọng.

Nếu thực sự muốn giỏi tiếng Nhật, bạn phải nâng cao 3 cột trụ này

Đo nền tảng tiếng Nhật của bạn
Bạn hãy đo nền tảng tiếng Nhật của mình theo các yếu tố:
  • Số chữ kanji bạn biết
  • Số mẫu ngữ pháp bạn hiểu
  • Số lượng từ vựng tiếng Nhật bạn nhớ được

Tầm quan trọng của chữ kanji: Cùng với hiragana và katakana, chữ hán tự (kanji) chính là bảng chữ cái tiếng Nhật. Bạn làm sao mà học được tiếng Nhật nếu không học bảng chữ cái của nó? Bạn cần học chữ kanji vì tổng cộng chỉ khoảng 2 ngàn chữ mà thôi. Học sinh tiểu học của Nhật học cặn kẽ trong 6 năm, nhưng bạn không cần nhiều thời gian như thế. Học sinh tiểu học ở Nhật còn phải học các môn khác và cũng không thể nào tư duy như người lớn được. Bạn nên học 2000 chữ kanji này trong vòng 6 tháng với mục tiêu nhận được mặt chữ và hiểu ý nghĩa, còn âm đọc tiếng Nhật thì có thể từ từ học sau.

Học ngữ pháp khi chưa biết nhiều từ vựng

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Tính ước lệ trong ngôn ngữ

Thế nào là ngôn ngữ ước lệ?

Tiếng Việt là một ngôn ngữ ước lệ. Tiếng Nhật, tiếng Hoa cũng vậy. Nhìn chung, các ngôn ngữ có sử dụng hán tự đều có tính ước lệ. Ngôn ngữ ước lệ chính là việc "dùng hình ảnh miêu tả ước lệ để chỉ sự vật, sự việc". Miêu tả ước lệ là miêu tả một cách chung nhất, dễ nắm bắt nhất về một hình ảnh trực quan nào đó. Takahashi sẽ lấy ví dụ cho dễ hiểu:
  • Lọt mắt xanh: Chỉ sự hài lòng, nếu bạn hài lòng ai đó thì có thể nói là người đó lọt mắt xanh của bạn.
  • Nhà cao cửa rộng: Chỉ sự giàu có, sung túc. Đây là hình ảnh một ngôi nhà xây cao, cửa ra vào rộng, nghĩa là bạn dư dả về tài chính chứ không nhất thiết bạn phải có ngôi nhà như thế thật. Có thể bạn giàu nhưng thích sống lang thang (homeless) hay chỉ ở khách sạn. Hay bạn chỉ thích sống nhà nhỏ và cửa "bé như mắt muỗi".
  • Nứt đố đổ vách: Siêu giàu!
Câu "lọt mắt xanh" vốn xuất phát từ một điển tích cổ của Trung Hoa, đó là ông X đời nhà Y nào đó khi hài lòng thì mắt thường chuyển màu xanh.

Tiếng Nhật cũng là một ngôn ngữ ước lệ

Người Nhật hay nói: 一石二鳥 Isseki Nichou (Nhất thạch nhị điểu), nghĩa là "Một mũi tên trúng hai đích", nghĩa đen của 一石二鳥 thì là một hòn đá hai con chim.

黄梁一炊の夢 Kouryou Issui no yume (Hoàng Lương Nhất Xuy nô mộng): Giấc mộng hoàng lương. Đây là giấc mộng vinh hoa phú quý ngắn ngủi và không có thực, hay là ảo mộng về sự giàu có. Cách nói này xuất phát từ điển tích Lỗ Sinh đi thi làm quan, mong trở nên vinh hoa phú quý và được cho mượn cái gối thần kỳ khi ở Hàm Đan - kinh đô nước Triệu. Lỗ Sinh mơ giấc mơ vinh hoa phú quý nhưng khi tỉnh dậy thì hóa ra đó chỉ là một giấc mộng ngắn ngủi trong khi "hoàng lương" (một loại lương thực) còn chưa kịp đun chín. Còn gọi là 黄梁の夢 Kouryou no yume, hay 邯鄲の枕 Kantan no makura (Cái gối Hàm Đan), 盧生の夢 Rosei no yume (Giấc mộng của Lỗ Sinh).

Mộng hoàng lương là đây!