Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

"Tôi mời" và văn hóa trả tiền của người Nhật

Chúng ta thường gặp lời mời thế này:

食事に行きませんか
Shokuji ni ikimasen ka?
Bạn đi ăn không?

Rủ ăn trưa thì sẽ là dùng đại loại như:
Hiru-gohan wo tabe ni ikimasen ka?
Hiru-meshi wo tabe ni ikimasen ka?
Ranchi ni ikimasen ka?

Ranchi là từ tiếng Anh Lunch (bữa trưa). Tiếng Nhật cũng giống tiếng Việt, rủ làm gì thì dùng phủ định, tức là hỏi "có (làm gì) không".
ランチ: Lunch, bữa trưa
昼ごはん Hiru gohan = bữa trưa (昼御飯 Trú Ngự Phạn)
昼飯 Hirumeshi (Trú Phạn) = cơm trưa

Đây chỉ là rủ đi ăn cùng thôi, chứ không phải họ mời bạn nên họ sẽ không trả tiền cho bạn. Văn hóa mời ở Nhật cũng giống ở Sài Gòn, rủ đi ăn là đi ăn chung còn trả tiền lại riêng. Điều này khác biệt so với Hà Nội, khi người rủ thường sẽ trả tiền bao luôn mọi người. Nhiều người vào SG có thể mất bạn bè vì điều hiểu lầm này.

Nếu người Nhật mời bạn ăn thì sẽ là:

奢りますよ Ogorimasu yo = Tôi mời bạn
今日は奢りますよ Kyou wa ogorimasu yo = Hôm nay tôi mời
奢るよ Ogoru yo = Tớ trả tiền cho (bạn bè)

Có một cách nói khác đó là ご馳走するよ Go-chisou suru yo = "Tôi sẽ mời bạn" nhưng câu này cũng dùng trong hoàn cảnh "Tôi sẽ nấu ăn đãi bạn", 馳走 Chisou Trì Tẩu là chỉ việc đôn đáo chạy đi chạy lại, ở đây là trong bếp khi bạn nấu ăn đãi khách. Do đó ご馳走様 Go-chisou-sama là cách gọi lịch sự của người đã vất vả nấu ăn cho bạn.

Go-chisou shite ageru = Tôi sẽ mời bạn ăn / Tôi sẽ nấu ăn mời bạn ăn

Khi một người kêu bạn đi quán và nói là "Go-chisou suru yo" thì có nghĩa là họ sẽ trả tiền thay cho bạn.

Go-chisou sama
Khi bạn vào quán ăn, sau khi ăn xong và ra về bạn thường nói "Go-chisou sama deshita", tức là "Cám ơn vì bữa ăn ngon".

Văn hóa trả tiền của người Nhật

Người Nhật ít khi bao bạn bè, mà họ thường góp tiền để trả, gọi là 割り勘 warikan, gọi tắt của 割前勘定 Warimae Kanjou (Cát Tiền Khám Định), ở đây Kanjou - Khám Định có nghĩa là tính bill, hay tính tiền đó. 割る Waru = chia ra là chia số tiền đó ra, 割前 warimae là phần tiền chia. Tiếng Anh của warikan là going Dutch (đi ăn kiểu Hà Lan) hay Dutch treat. Người Hà Lan hay bị châm biếm vì tính sòng phẳng này.

Warikan nghĩa là chia số tiền cho số người và mỗi người trả tiền bằng nhau.

Ăn uống ở Nhật rất tuyệt! Càng tuyệt hơn nếu có người trả tiền cho ta!

Người Nhật cũng hay bị châm biếm vì warikan, ví dụ như "chỉ có người Nhật mới ăn uống xong rồi lôi máy tính tiền ra rồi chia đều trả tiền".

Warikan là văn hóa vô cùng phổ biến ở Nhật Bản và người Nhật rất nguyên tắc, thường họ sẽ tính chính xác tới từng yên, tôi nhìn mà cũng thấy mệt thay cho họ. Bởi vì văn hóa Nhật là không làm phiền, hay gây thiệt hại cho người khác nên không ai chịu để người kia trả cho mình, dù chỉ 10 yên.

Trả tiền riêng rẽ thì sẽ gọi là 別々で Betsu betsu de (Biệt biệt). Phân việt với "Betsu ni" là "Không có gì đặc biệt nhé":
- Nanika ii koto aru? Có gì hay không?
- Betsu ni... Không có gì đặc biệt cả / Không có gì cả.

Trả tiền chung thì là 一緒で Issho de, Issho (Nhất Chư) thì chắc bạn biết là cùng nhau làm gì đó rồi.
Issho ni Nihon e ryuugaku shimashou = Chúng mình cùng nhau du học Nhật Bản đi!

Trong  nhà hàng

Okay, ví dụ bạn cùng Takahashi vào nhà hàng.

Đầu tiên nhân viên sẽ hỏi ご注文はいいですか Go-chuumon wa ii desu ka = Quý khách có gọi món ngay không?
Hay là ご注文はお決まりでしょうか Go-chuumon wa okimari deshou ka = Quý khách đã chọn món chưa ạ?

注文 Chuumon Chú Văn có nghĩa là đơn đặt hàng, đặt hàng (order), okimari là lịch sự và danh từ của kimaru (được quyết định).

Trước đó có thể là 飲み物はお決まりですか Nomimono wa okimari desu ka = Quý khách đã chọn đồ uống chưa ạ?

Nếu bạn ngồi quá muộn thì có thể có Last Order, tức là lần gọi món cuối cùng. Ví dụ quán có thể đóng cửa lúc 10 giờ tối nhưng thường 9 giờ tối hay 9 rưỡi tối sẽ là Last Order. Tiếng Nhật là ラストオーダー Rasuto Oodaa. Nhân viên của quán sẽ nhắc ta về ラストオーダー để nếu gọi gì thì ta sẽ gọi lần cuối.

Sau khi ăn uống xong thì ta sẽ kêu tính tiền:
会計をお願いします。Kaikei wo onegai shimasu. Xin hãy tính tiền cho tôi.

Sau đó ta sẽ cầm bill tính tiền ra quầy tính tiền (レジカウンター Reji Kauntaa, cash register counter) để trả tiền. Chú ý là bạn nhận bill tại bàn sau khi yêu cầu tính tiền (kaikei) nhưng trả tiền thì ra quầy trả.

Nhân viên nhà hàng sẽ nói số tiền và hỏi:
ご一緒ですか、別々ですか。Go-issho desu ka, betsu betsu desu ka. Tính chung hay là tính riêng ạ.

Quay lại 15 phút trước đó, bạn và Takahashi đã thỏa thuận là 「割り勘で」 "Warikan de" rồi nên ta sẽ tính chung và mỗi người trả một nửa:
割り勘で Warikan de

Warikan trong các nền văn hóa khác

Warikan ở Nhật là chuyện hết sức bình thường, được coi là khá văn minh, trong khi tại China và Korea thì có thể bị xem là sỉ nhục đối phương. Một số văn hóa kiểu cách thì không warikan mà mời qua, mời lại. Tức là một lần sẽ có một người trả tiền.

Ở Sài Gòn, nếu là bạn bè lâu dài thì thường phần ai trả tiền người nấy, tức là warikan. Chơi như vậy thì mới lâu dài. Khi họ rủ bạn đi ăn, nghĩa là sẽ warikan trừ khi họ mời bạn.

- Takahashi -

5 nhận xét:

  1. Đồng ý, trả tiền riêng là hợp lí rồi nhưng mà chỉ ở Sài Gòn thì có thôi chứ các tỉnh thành khác em thấy có đâu. Đa phần là ăn xong rồi ngồi đó đợi có người trả tiền. Nếu ăn chung em cũng muốn hùng tiền trả chứ không chơi "bao" đâu. Nếu có người trả thì đó là khi ăn chung với ba mẹ thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng tùy người thôi, nhưng nếu là bạn bè thực sự và chơi lâu dài thì thường là góp tiền kiểu warikan

      Xóa
  2. Mình thì dùng cả 2, bình thường sẽ warikan, khi nào có dịp gì đó đặc biệt như mới nhận lương, khao đồ mới v...v thì sẽ Ogoru.
    Thanks Saroma, các bài viết của Saroma rất bổ ích và thú vị

    Trả lờiXóa
  3. Tuyet!co aj chju gjay mjk ko nhj??

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết hay quá! Rất chi tiết :)

    Trả lờiXóa