Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Làm thêm tại Nhật: Cần tránh バイト語 (baito-go = ngôn ngữ làm thêm)

Câu chuyện cuối tuần: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang / Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

バイト語 (BEIT NGỮ) baito-go là chỉ ngôn ngữ của những người làm baito, theo hàm ý là không chuẩn, gây ra sự khó chịu (違和感 iwakan, di hòa cảm) cho khách hàng.

Tôi ví dụ khách hàng gọi món hay mua hàng trong kombini, bạn xác nhận lại (確認 kakunin) bằng cách đọc lại gọi món hay danh sách mua hàng của họ (注文 chuumon chú văn) và hỏi:

以上でよろしかったんですか
Ijou de yoroshikatta desuka
Như trên đã được chưa ạ?

Việc này gây khó chịu cho một số khách hàng khó tính. Lý do? Vì người Nhật khó tính, ha ha. Nhưng tôi nói rõ cách suy nghĩ của người Nhật (đặc biệt những người lớn tuổi):

Câu trên có vấn đề vì bạn hỏi là: Như trên ĐÃ được chưa ạ?

Người ta sẽ hiểu theo sắc thái là "anh/chị chỉ gọi món (mua hàng) thế thôi sao, ít quá vậy?", tức là có cảm giác bị gây áp lực như thế là ÍT, bình thường người ta mua nhiều hơn.

Để tránh sự khó chịu (違和感 iwakan) thì bạn có thể hỏi: Như trên được chưa ạ?
Tức là không sử dụng dạng quá khứ mà sử dụng là:

以上でよろしいですか
Ijou de yoroshii desuka

Câu này thì hoàn toàn bình thường. Vì thế, đừng sử dụng dạng quá khứ (ví dụ yoroshikatta) nhé.

★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★
★ Phần tiếp theo dành riêng cho các bạn trong Group SAROMA
★ (Các bạn làm hồ sơ du học với SAROMA)
★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★★


Lời khuyên của Takahashi về làm thêm tại Nhật

Một số bạn thường hỏi "bên Nhật xin việc làm thêm dễ không?", "tôi trình độ tiếng Nhật sơ cấp thì có xin việc làm thêm được không?", ... nhưng theo tôi, bạn nên hỏi là:

Làm thế nào để xin được việc làm thêm tại Nhật?
Công việc nào tại Nhật không cần tiếng Nhật khá giỏi?

Học sinh Nhật vẫn đi làm thêm để trang trải, du học sinh cũng vậy. Bạn cần có tư duy đúng đắn là được. Người ta tuyển làm thêm là vì người ta cần người, bạn cần đáp ứng tiêu chuẩn của người tuyển là sẽ có việc. Đây là một số gợi ý:
- Bạn nên học tiếng Nhật phục vụ cho việc đi làm thêm (nếu chưa khá tiếng Nhật)
- Bạn cần chú ý tác phong: Đi xin việc thì đi giày, không đội mũ nón, tóc tai gọn gàng, trang phục lịch sự, thanh lịch
- Viết lý lịch rõ ràng, đầy đủ, ảnh trên lý lịch phải tươi sáng, dễ nhìn
- Thái độ lễ phép, tới đúng giờ (nghĩa là bạn phải tới trước tầm 30 phút cho chắc, và trước 5 phút giờ phỏng vấn thì gõ cửa xin gặp!)
- Biết cách gọi điện xin việc
- Biết cách trả lời phỏng vấn (hầu như nơi nào cũng phỏng vấn), nói rõ động cơ xin việc của bạn
- ...

Chú ý là nếu chưa xin được việc ngay thì bạn cũng không cần phải mất tinh thần vì đây cũng là quá trình phát triển bản thân, từ "chưa xin được việc" sang "tự mình có thể xin được việc". Đây là quá trình tiến bộ rất quan trọng, bạn cần chuẩn bị chu đáo các mục ở trên. Khi bạn xin được việc rồi (có kinh nghiệm thành công rồi) thì cuộc sống sẽ sang một trang mới. Dù thành công hay thất bại thì hãy GHI CHÉP kinh nghiệm của bạn lại. Việc có kinh nghiệm thành công khi xin việc khá quan trọng, một là bạn biết cách để xin được việc, hai là bạn cải thiện khá nhiều về tài chính (vì nếu bạn làm được việc thì ai cũng mong bạn làm nhiều hơn cho họ).

Do đó, tốt nhất là học cách để trở thành người làm được việc (できる人間 dekiru ningen) và chăm chỉ làm việc!

Du học, đi làm thêm, ... chắc chắn là những trải nghiệm đáng quý mà thường chỉ tuổi trẻ mới có cơ hội.
Good luck!

Takahashi

5 nhận xét: