Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Vì sao giới trẻ VN thích "lầy lội"?

Dạo gần đây giới trẻ rất thích dùng từ "lầy lội" theo kiểu "Sao mày lầy lội vậy", "Không ngờ nó lầy thế". Tóm lại là vì sao và nó thể hiện điều gì?

Ngôn từ là thể hiện văn hóa, tư duy một cách rõ ràng nhất. Theo cách này, quả thực là văn hóa, tư duy ở VN đang xuống cấp. Tất nhiên là khỏi cần nói thì các bạn cũng biết người VN xấu tính tới mức nào. Nếu bạn từng ra nước ngoài, chỉ cần Đông Nam Á thôi, thì nên kết luận là người VN là xấu tính nhất, và cũng là khổ ải nhất.

Nhưng tất nhiên là họ không nhìn được thế. Tôi thấy rất nhiều người thích xả rác ra đường vì cha mẹ họ dạy thế. Nếu mà mang rác về nhà là bị mẹ la ngay, mà mẹ là "bà trời, bà chằn" trong nhà.

Vốn "lầy lội" là chỉ con đường lầy lội tức nhiều bùn, khó bước đi hoặc là ruộng lầy lội do có nhiều bùn, nhiều nước.

Cái cách mà giới trẻ dùng "lầy lội" hiện nay có nghĩa là "bê tha, bệ rạc". Quả thực là người VN bê tha, bệ rạc thật. Từ lối sống tới cách ăn uống đều bê tha bệ rạc không hề có phép tắc gì (ăn không ngậm miệng, vừa nhai vừa nói chuyện, hoàn toàn không có quy tắc ứng xử bàn ăn).

Vì sao phải dùng từ "lầy lội" mà không dùng từ "bê tha, bệ rạc"?

Vì nhiều người VN không hiểu nghĩa của "bê tha, bệ rạc" nữa. Chính họ là kẻ bê tha, bệ rạc!

Điều này giống như nhiều người không hiểu, và do đó không nói về "danh dự" hay "tự trọng" nữa. Thứ duy nhất họ có là "tự ái" và "phức cảm tự ti".

Vì không hiểu nghĩa - và không sử dụng được - từ "bê tha, bệ rạc" nên họ chế thêm từ "lầy lội" với nghĩa y chang!

Tôi nghĩ đây là vấn đề về cách tư duy. Cách tư duy này là do giáo dục kiểu tư lợi trong gia đình - đặc trưng của xã hội nho giáo, cũng như của cả nền giáo dục từ lâu rồi không dạy cách tư duy đúng mà chỉ dạy cách tư duy hèn mọn, nhỏ mọn.

Điều này thể hiện qua ngôn từ nhảm nhí. Trong bối cảnh xã hội như thế, hài nhảm, phim nhảm lên ngôi và những câu thoại ngô nghê, ngớ ngẩn dễ trở thành trào lưu. Thật sự, chúng đang thành trào lưu.

Về ngôn từ, càng ngây ngô, càng ngớ ngẩn như kiểu "lạc trôi" thì càng được giới trẻ ái mộ.

Về tư duy, càng tư lợi, càng sùng bái cha mẹ như kiểu "chỉ có gia đình mới sẵn sàng chết cho nhau, mới không đâm nhau sau lưng" thì càng được cổ xúy.

Đó chắc chắn là sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, tâm hồn, ngôn ngữ.

Điều quan trọng là BẠN phải dùng ngôn từ cao thượng. Người cao thượng dùng ngôn từ cao thượng. Bọn nhảm nhí dùng ngôn từ nhảm nhí. Và đây là HAI THẾ GIỚI khác nhau. Tôi nghĩ là ở đất nước nào cũng sẽ phân chia ra như vậy thôi. Ở Nhật cũng như vậy, có hai ngôn ngữ tiếng Nhật khác nhau.

Những du học sinh kém may mắn sẽ chỉ học được ngôn ngữ hạ lưu. Ngược lại, nếu du học với thái độ đúng đắn thì sẽ học được tiếng Nhật thượng lưu. Muốn học tiếng Nhật thật sự thì vẫn phải đọc sách nhiều mới được. Nếu sang Nhật chỉ đại khái đi làm thêm thì phần lớn chỉ là tiếng Nhật hạ lưu mà thôi.

Giáo dục ngôn ngữ trong gia đình

VN ngày nay không còn quý tộc mà chỉ còn trọc phú. Nên trong gia đình không còn giáo dục ngôn từ mấy nữa. Có lẽ liếc sơ tủ sách thì toàn sách phật giáo, dạy con phải hiếu thảo với cha mẹ, lợi ích của việc kính trọng người già, chứ không còn thấy từ điển hay sách học gì nữa.

Việc giáo dục ngôn ngữ phải bắt nguồn từ trong gia đình. Ngôn từ của một người sẽ thể hiện mức độ đạo đức của người đó. Chắc chắn giáo dục về ngôn từ là giáo dục quan trọng bậc nhất trong cuộc đời mỗi con người. Do đó, bản thân cha mẹ phải là người dùng ngôn từ cao thượng trước.

Điều cần ghi nhớ là: Những kẻ dùng ngôn từ nhỏ mọn hay hèn mọn sẽ sống cuộc đời đúng như thế.

Và sẽ sớm đau khổ mà phải học cách "buông bỏ" thôi. Nhưng chẳng phải là buông bỏ thói bon chen, xả rác, vượt đèn đỏ cũng như ngôn từ hèn mọn không tốt hơn hay sao? Hỉ nộ ái ố (cách nói khác của "sướng khổ luân hồi") thường sinh ra từ sự BÊ THA, BỆ RẠC mà thôi.
Takahashi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét