Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Vẫn lại "NHỚ": Phân biệt 懐かしい、恋しい、愛しい

Trong bài trước tôi đã nói về cách dịch I miss you nhưng có rất nhiều từ để diễn tả nỗi nhớ.

Hôm nay chúng ta phân biệt 3 từ này:
①懐かしい NATSUKASHII [hoài]
②恋しい KOISHII [luyến]
③愛しい ITOSHII [ái]

懐かしい NATSUKASHII

Chúng cũng là "nhớ" nhưng khác nhau thế nào về SẮC THÁI?

Ví dụ: 日本生活が懐かしい。 Tôi nhớ cuộc sống Nhật Bản.
ところでうそです。実は懐かしくないわ。 ^^

NATSUKASHII nghĩa là nhớ về ngày xưa, nhớ về quá khứ, về những thứ đã xảy ra.

Ví dụ chúng ta có thể nói: このビールは懐かしい。 Bia này làm tôi nhớ (về ngày xưa tôi từng uống) quá.

Tức là trước đây bạn từng làm như thế, đã có kinh nghiệm làm thế. => Xem かつて

Tóm lại là bạn BỒI HỒI LƯU LUYẾN về quá khứ thì sẽ dùng NATSUKASHII.

=> 日本ドラマを見るたびに大学時代を懐かしく思う。

Tức là cảm xúc NOSTALGIC.

Ai nhớ chăng ai

恋しい KOISHII

Chữ LUYẾN, thường chỉ cảm xúc "nhớ nhung". "Nhớ nhung" là cảm giác bạn không ở cạnh ai đó và nhớ người đó tới mức cảm thấy khó chịu.

恋しい人
別れた人が恋しい

Bạn cũng có thể nói cho sự vật 寒くなると火が恋しい vì bạn đang khó chịu vì cái lạnh thì bạn sẽ "nhớ nhung" ngọn lửa.

愛しい ITOSHII

ITOSHII thì lại là cảm giác "thương nhớ, nhớ thương" thường dùng với người yêu hay người khác giới.
愛しい人 người mà tôi thương nhớ
愛しい君へ Gửi em người mà tôi thương nhớ / người thân thương

Bạn cảm thấy "thương" ai đó vì họ quá đáng thương cũng dùng ITOSHII = 気の毒 KINODOKU.

=> 哀れな境遇を愛しく思う = Tôi thấy thương cho cảnh ngộ đáng thương

Làm sao để nhớ các từ này?

しい là để tạo ra tính từ thôi.

恋 KOI là tình yêu nam nữ thì thêm SHII vào để thành tính từ NHỚ NHUNG.

懐かしい NATSUKASHII => NATSU mùa hè, KA nào đó => mùa hè nào đó tươi đẹp thì nhớ thôi, về quá khứ tươi đẹp, mà quá khứ bao giờ chẳng tươi đẹp nhỉ? Đây chỉ là bịa đặt để cho dễ nhớ.

Còn ITOSHII?

糸 ITO = sợi chỉ, sợi dây liên kết chính là tình cảm, nên ITOSHII là thương nhớ thôi.

Tất cả chỉ là bịa đặt!
Vì thế học tiếng Nhật như JOKER thì có vẻ 将来有望(しょうらいゆうぼう) TƯƠNG LAI HỮU VỌNG.

Bài tập: Vận dụng kiến thức trong bài này dịch các câu sau sang tiếng Nhật.
1. Ngày buồn, tháng nhớ, năm thương. / Ngày buồn, tháng nhớ, năm mong.
2. Thương ai nhớ ai
3. (Nâng cao) Ai nhớ chăng ai
Takahashi

Phân biệt "định kiến" và "thành kiến"

"Định kiến" và "thành kiến" khác nhau như thế nào?

"Định kiến" là dạng quan điểm đã được hình thành sẵn về mặt xã hội, tôn giáo vv của một tập đoàn đối với một tập đoàn khác. Thông thường chúng ta sử dụng dưới dạng cụm từ "định kiến xã hội" tức là quan điểm, ý kiến đã cố định của xã hội đối với một đối tượng nào đó.

Ví dụ: Định kiến xã hội đối với người bị bệnh tâm thần

Như vậy "định kiến" là quan điểm, ý kiến đã HÌNH THÀNH TRƯỚC trải nghiệm thực tế. Bạn không cần trải nghiệm đã có sẵn định kiến như thế, thường là do xã hội, tập đoàn tôn giáo vv nhồi sọ sẵn.

Còn "thành kiến" thì lại hơi khác: THÔNG QUA TRẢI NGHIỆM của chính bạn mà hình thành ý kiến, quan điểm về một tập thể, nhóm người nào đó.

Tóm lại thì "định kiến" là thứ có trước cả trải nghiệm thực tế, còn "thành kiến" là thứ mà có sau trải nghiệm thực tế của cá nhân bạn (có thể là nhiều lần với nhiều đối tượng).

Ví dụ: Từ những trải nghiệm không mấy vui vẻ, cậu ấy đã bắt đầu có thành kiến với người Nhật rằng họ lịch sự một cách giả tạo.

Về chữ hán thì định kiến là 定見 còn thành kiến là 成見 nhưng chữ 成見 không sử dụng như từ ngữ trong tiếng Nhật.

Ngoài ra còn có THIÊN KIẾN (偏見=へんけん) tức là cách nhìn thiên lệch, lệch về một phía.

"Định kiến" hay "thành kiến" thường dẫn đến PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ:

差別
さべつ。[Sai biệt] = Phân biệt đối xử, DISCRIMINATION

Trong tiếng Nhật thì:
Định kiến = 先入観(せんにゅうかん)
Thành kiến = 抵抗感(ていこうかん)?違和感(いわかん)?

Bài tập: Tìm hiểu ý nghĩa các từ sau
偏見(へんけん) [thiên kiến]
定見(ていけん) [định kiến]
抵抗感(ていこうかん) [đề kháng cảm]
違和感(いわかん) [vi hòa cảm]
固定観念(こていかんねん) [cố định quan niệm]
固着観念(こちゃくかんねん) [cố trước quan niệm]
執着(しゅうちゃく) [chấp trước]
思い込み(おもいこみ)

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Từ kanji có nghĩa khác hẳn tiếng Việt: "Trụy lạc" 墜落

墜落
ついらく。TRỤY LẠC

Ý nghĩa: Rơi từ trên cao xuống. Không có nghĩa là "trụy lạc" như trong tiếng Việt.

墜落。

Ví dụ: 飛行機墜落事故 tai nạn rơi máy bay
飛行機が墜落する máy bay rơi

Vậy "trụy lạc" trong tiếng Nhật sẽ nói thế nào? Đó lại là:

堕落
だらく。ĐỌA LẠC

Khi muốn nói ai trụy lạc hay sa đọa thì sẽ nói là "ĐỌA LẠC".

Ngoài ra còn có HÃM LẠC:

陥落
かんらく。HÃM LẠC

Có nghĩa là "sụp đổ". Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ví dụ:

地盤の陥落 sự sụp đổ nền đất
サイゴンの陥落 sự sụp đổ của Saigon (The Fall of Saigon)

Lại nhân nói về chữ HÃM thì "hãm" nghĩa là giam cầm, giữ lại không cho thoát ra ví dụ GIAM HÃM, HÃM TÀI (tài năng ở mức độ thấp không phát tiết ra được) - maybe ^^, HÃM HẠI (lừa vào bẫy và làm hại), HÃM THÀNH (vây thành kín tới mức không cho ai thoát ra trừ khi mở một con đường máu HUYẾT LỘ 血路=けつろ).

Ngoài ra, tiếng Nhật cũng có 放蕩(ほうとう)(する) nghĩa là "phóng đãng" như tiếng Việt.
Còn "chơi bời" thì tiếng Nhật gọi là 道楽(どうらく) ĐẠO LẠC. Có lẽ là ra đường (đạo) tìm niềm vui (lạc).
=> 「道楽で身をもちくずす」「道楽息子」

Bản thân chữ 落 LẠC thì có nghĩa là rơi: 落ちる(おちる) = rơi, rớt (kỳ thi, đại học vv)

部落(ぶらく) = bộ lạc
段落(だんらく) ĐOẠN LẠC = đoạn văn, đoạn, paragraph

Như vậy chữ LẠC 落 không chỉ có nghĩa là rơi hay rớt ra mà còn có nghĩa là TÁCH RỜI RA như trong "bộ lạc" hay "đoạn lạc".

Giống như cái gì LẠC LOÀI ra vậy. Kẻ lạc loài tức là đứng riêng ra không cùng bản sắc, ý thức hệ, vv.

Trong tiếng Nhật còn có 落語 RAKUGO LẠC NGỮ, đây là kiểu độc thoại kể những câu chuyện buồn cười, khôi hài, bạn có thể coi trên ti vi Nhật hay trên Yêu Tuýp. LẠC NGỮ có thể hiểu là ngôn ngữ lạc loài, "chuyện trớt quớt", câu chuyện kỳ lạ nhìn theo góc nhìn khác với cách thông thường? Who knows!
Takahashi

Học ngữ pháp JLPT N1 với "No Sacrifice, No Victory" (Không có hi sinh thì không có chiến thắng)

Học ngữ pháp JLPT N1:
No Sacrifice, No Victory
Không có hi sinh thì không có chiến thắng

Chúng ta sẽ dùng mẫu ngữ pháp Nなしに(は) hoặc Nなくして(は)。 Đây là các mẫu ngữ pháp JLPT N1, chắc thế ^^

No Sacrifice, No Victory
①犠牲なくして勝利なし
②犠牲なしに勝利なし
③犠牲なくしては勝利はない
④犠牲なしには勝利はない

Trong câu trên thì 犠牲 đọc là ぎせい và đây đúng là chữ "hi sinh", cả hai đều có bộ NGƯU 牛 (bò trong tiếng Nhật, trâu trong tiếng Việt), bên cạnh là NGHĨA 義 (trong "đại nghĩa, nghĩa lý") và 生 SINH (sống).

Còn 勝利 đọc là しょうり và chữ hán là "thắng lợi" nghĩa là "chiến thắng".

Hoặc ví dụ câu khẩu hiệu này:

感謝なくして努力なし 努力なくして成功なし
Kansha nakushite doryoku nashi, Doryoku nakushite seikou nashi
“Không có lòng biết ơn sẽ không có nỗ lực, Không có nỗ lực sẽ không có thành công”

Bài tập 1: Dịch Nhật => Việt.
Dịch các câu từ 1 tới 4 trên ra tiếng Việt cho đúng SẮC THÁI.
Nguyên tắc: Các câu khác nhau phải dịch khác nhau.

Bài tập 2: Dịch Việt => Nhật.
Dịch các câu sau ra tiếng Nhật.
Không có học tập và trải nghiệm thì không có ước mơ và lý tưởng.
Không có sự cai trị đúng đắn thì sẽ không có công lý và trật tự.

Từ vựng: 学習(がくしゅう) học tập, 体験(たいけん) trải nghiệm, 夢(ゆめ) ước mơ, 理想(りそう) lý tưởng.
統治(とうち) thống trị, cai trị => 正しい統治
正義(せいぎ) [chính nghĩa] công lý (JUSTICE)
秩序(ちつじょ) trật tự (ORDER)
Takahashi

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

"Trâm anh thế phiệt" chữ hán là gì?

簪纓世閥
Trâm anh thế phiệt

簪纓世胄
Trâm anh thế trụ

簪纓世裔
Trâm anh thế duệ

簪纓世族
Trâm anh thế tộc

簪纓世家
Trâm anh thế gia

Ví dụ

Cô ấy có dòng dõi trâm anh thế phiệt.
Anh ta là con nhà trâm anh thế tộc.

Giải thích

簪 TRÂM là cây trâm cài tóc. => Tiếng Nhật là かんざし(簪)。
Lưu ý: Đây là chữ TRÂM (cây trâm) chứ không phải chữ CHÂM 針 tức là cái kim, cây kim => 針 hari cái kim (may áo vv), 針灸 harikyuu châm cứu, 方針 houshin phương châm.

纓 ANH là dải mũ (dải vải cài vào mũ để trang trí).
"Trâm anh" 簪纓 là chỉ người cao sang quyền quý.

Kanzashi (cây trâm)

世 THẾ là "đời", 閥 PHIỆT là những người có quyền thế, quyền lực (財閥 tài phiệt, tiếng Nhật đọc là zaibatsu, tiếng Hàn đọc là chaebol).

Thế phiệt là người có quyền thế truyền từ đời trước.

Do đó, trâm anh thế phiệt chỉ chung những người cao sang quyền quý có nhiều quyền lực. Chẳng phải là tiền sẽ mua được quyền lực, và dùng quyền lực thì lại có tiền theo đúng phong cách hậu duệ - quan hệ - tiền tệ hay sao?

Vậy 世胄 THẾ TRỤ là như thế nào? Thế vẫn là đời trước còn Trụ là mũ đánh trận như trong chữ GIÁP TRỤ 甲冑 (áo giáp và mũ trụ). Tức là người có công trạng đời trước chăng? Tức là con cái của những bậc khai quốc công thần chẳng hạn.
=> 冑=かぶと

Kabuto = mũ trụ

世裔 THẾ DUỆ = hậu duệ của đời trước (có công lao công trạng và đang được hưởng lộc)
世族 THẾ TỘC = gia tộc của đời trước (quan lại có thế lực lớn)
世家 THẾ GIA = nhà, gia đình của đời trước

Tóm lại là nếu cha ông là bậc khai quốc công thần, đại quan vv thì con cháu sẽ kế thừa mà hưởng lộc vạn hộ vậy thôi. Đây gọi là "trâm anh thế phiệt".
Takahashi

"Hồn tiêu phách tán"? "Hồn xiêu phách lạc"?

Câu chuyện về "hồn" và "phách":

魂魄
こんぱく
HỒN PHÁCH

Đều gồm có chữ QUỶ 鬼, chữ Hồn thì bên trái là chữ 云 VÂN (vân vân 云々=うんぬん), còn chữ Phách bên trái là chữ BẠCH 白 (trắng).

"Hồn" là phần KHÍ 気 nâng đỡ về tinh thần (spirit, 精神=せいしん).
"Phách" là phần KHÍ 気 nâng đỡ về thể xác (body, 身体=しんたい).

Khí ở đây có thể hiểu là "sinh lực" (sức sống). => Chữ 気

Đây là các khái niệm của Đạo Giáo 道教。

Hồn tiêu phách tán = 魂消魄散
Hồn phiêu phách lạc = 魂漂魄落

Tiêu 消 là biến mất => 消える kieru
Tán 散 là rơi rụng mất => 花が散る hana ga chiru
Phiêu 漂 là bay đi => 漂う tadayou trôi nổi (hương thơm, âm nhạc)
Lạc 落 là rơi => 落ちる ochiru

Trong tiếng Việt thì cũng nói là "hồn xiêu phách tán" thì chữ "xiêu" có lẽ là đọc chệch của "tiêu" hay là "phiêu".

"Hồn tiêu phách tán" hay "hồn xiêu phách lạc" nghĩa là gì?

Nó giống câu "hồn vía lên mây" trong tiếng Việt, nghĩa là sợ hãi quá mức tới nỗi dường như mất tinh thần không suy nghĩ được nên làm gì nữa, và thể xác cũng đông cứng lại.

"Hồn" đã biến mất tiêu nên không thể nghĩ là nên làm gì, "phách" đã lạc mất, rơi rụng mất nên thân thể tê cứng không chuyển động được.

"Vía" tiếng Việt chính là tương ứng với "phách". "Hồn vía lên mây" tức là cả hồn và vía đều bay đi mất, tức là tê cứng cả tinh thần lẫn thể xác vì sợ hãi điều gì đó thường bất ngờ xảy ra.

Tóm lại thì "hồn" và "phách" ("vía") là gì?

Khi có ai đó sắp ra đi người ta sẽ hay gọi hồn về kiểu thế này:

"Ới ba hồn bảy vía ông X ơi ông ở đâu thì về với vợ với con!"
Đàn ông thì ba hồn bảy vía, đàn bà thì ba hồn chín vía. Đàn bà nhiều vía hơn đàn ông. Vậy thì ý nghĩa là gì?

Hồn sẽ điều khiển, chi phối tinh thần còn phách (vía) chi phối thể xác. Tôi nghĩ là phách (vía) tương ứng với dinh dưỡng bạn nạp vào, còn hồn tương ứng với sự học tập.

Tóm lại thì một con người gồm có 7 phần là thực phẩm ăn vào, 3 phần là học tập ý chí trong cuộc đời. Với đàn bà thì thực phẩm quan trọng hơn, nên họ có tới 9 vía, phần học tập của họ không quan trọng bằng.

Giải thích thế có đủ khoa học không nhỉ ^^
>>Tinh thần

Vì thế, dinh dưỡng là rất quan trọng trong cuộc đời. Bạn cần khôn ngoan về dinh dưỡng. Đồng thời, cũng phải học tập và rèn luyện để có tinh thần tốt.

Không thể sống trong sợ hãi!
Takahashi

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

本業 "Bản nghiệp" và 副業 "Phó nghiệp"

本業 "Bản nghiệp"? 副業 "Phó nghiệp"?

Cũng là từ gốc hán tự thôi mà nghe chẳng quen mấy nhỉ. "Bản nghiệp" là gì và "phó nghiệp" là gì?

Nghiệp 業 ở đây có nghĩa là "nghề", trong nghĩa "nghề nghiệp". Tất nhiên "nghiệp" còn có trong nghĩa đại nghiệp, sự nghiệp, nghiệp chướng. Chữ này thường đọc là ぎょう như 工業=こうぎょう công nghiệp、産業=さんぎょう sản nghiệp.

Nhưng trong ngôn ngữ từ thời Đường khi người Nhật học Phật giáo từ China thì còn đọc là ごう ví dụ như 自業自得(じごうじとく) "tự nghiệp tự đắc" tức là "tự làm tự chịu", cách nói dân dã của 自己責任(じこせきにん) "tự kỷ trách nhiệm" = tự chịu trách nhiệm.

本 "bản" là chính, còn 副 "phó" là phụ, cấp phó, thứ hai.

本業 "Bản nghiệp" = nghề chính, nghề tay phải
副業 "Phó nghiệp" = nghề phụ, nghề tay trái

Tóm lại trong tiếng Việt ta sẽ nói "nghề giáo là nghề chính, nghề chăn heo là nghề tay trái". Vì có nghề tay trái nên chúng ta nói "nghề tay phải của tôi là nghề giáo". Và chúng ta cũng nói "chăn heo là nghề phụ của tôi". Whatsoever! Who cares!

Cách đọc thì 本業 đọc là ほんぎょう thì không ai thắc mắc. Nhưng riêng chữ "phó" 副 phải đọc là ふく FUKU. Ví dụ 副社長(ふくしゃちょう) nghĩa là "phó giám đốc".

Phàm là cấp "phó" thì đều thêm 副  vào đằng trước là được.

Nhân nói về chữ 本 "bản"

Nhiều nghĩa phết!
本能 bản năng = chức năng gốc
本格 bản cách = chính hiệu, nguyên bản, nguyên gốc => 日本本格の味
ビール一本 beer nhất bản ("một li bia") = kiểu như "em ơi bia" của người Nhật (câu "Em ơi! Bia" (エムオイ!ビア! Emu oi! Bia!) là câu mà người Nhật sử dụng thành thạo nhất và là câu mà nhiều người Nhật biết nhất trong tiếng Việt, bên cạnh các từ như "xe ôm" và "bia ôm".)

本 "hon" là để đếm vật dài. 一本の傘 một cây dù

本 = sách. Sách cũng gọi là "hon", chứ không dùng từ 冊 (sách), vì 冊 (satsu, sách) lại dùng để đếm quyển, đếm cuốn.

本屋 hon'ya (bản ốc) thì là hiệu sách nhưng 本店 honten (bản điếm) lại không phải là "tiệm sách, cửa hàng sách" nữa mà lại là "trụ sở chính (headquarter)". Damn phết!

Nhưng 書店(しょてん、thư điếm) thì lại là cửa hàng sách!

本 cũng đọc là "bổn" ví dụ "bổn tọa" (tôi), "bổn nhân" (tôi), "bổn quan" (quan này, tức là tôi - người đang làm quan và đang nói chuyện với bọn thảo dân các người.)

À, phải nói thêm về chữ 本人 honnin (bản nhân) trong tiếng Nhật. "Bản nhân" thì không phải là "tôi" mà là bản thân người đó, bản thân người nào đó.

夢が叶うかどうかは本人の意思次第だ。
Ước mơ có thành hiện thực hay không hoàn toàn là do ý chí của người đó.

Tầm quan trọng của "bản nghiệp" và "phó nghiệp" trong cuộc sống

"Bản nghiệp" là món ăn chính, "phó nghiệp" là món ăn phụ. Bản nghiệp để kiếm tiền sinh sống, phó nghiệp là để cải thiện hoặc làm vì niềm vui. Đôi khi phó nghiệp lại giúp bạn làm nên đại nghiệp, và bạn bỏ bản nghiệp thì phó nghiệp lại thành bản nghiệp. Vì bản nghiệp cũ bạn đã có kinh nghiệm và kỹ năng bỏ thì tiếc nên bạn lại làm cho vui, thành ra nó lại là phó nghiệp.

Ví dụ bản nghiệp là nghề giáo, phó nghiệp là chăn heo. Bỏ nghề giáo để đi chăn heo thì chăn heo thành bản nghiệp.

Nhân tiện thì tôi không có "bản nghiệp" mà lại có rất nhiều "phó nghiệp". Lưu ý là không phải phó nghiệp là bạn làm không chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không liên quan tới "bản" hay "phó", việc gì tôi làm cũng rất chuyên nghiệp, kể cả ăn chơi sa đọa. Việc gì cũng phải làm thật bài bản, theo đúng trình tự, theo đúng lễ nghĩa chứ nhỉ?

Quan điểm của tôi về "nghiệp" là làm thật nhiều phó nghiệp một cách chuyên nghiệp. Như thế an toàn hơn và thực hiện được lý tưởng "tôi làm việc tôi thích, tôi thích việc tôi làm".
Takahashi

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

"Bán thân bất toại" 半身不遂 hay 半身不随 "bán thân bất tùy"?

"Bán thân bất toại" nghĩa là gì?

Đây là chứng "liệt nửa người" = 片麻痺(へんまひ、かたまひ、hemiplegia). Liệt nửa người là liệt nửa người trái hay liệt người người phải, chứ không phải liệt nửa trên hay liệt nửa dưới, cũng không phải liệt mặt trước hay liệt mặt sau. Có lẽ do cấu tạo cơ thể là não trái điều khiển nửa bên phải, não phải điều khiển nữa bên trái nhỉ?

Nếu bạn muốn kích thích bán cầu não phải thì hãy dùng tay trái nhiều vào. Mà bán cầu não phải là bán cầu não dùng để sáng tạo, nên bạn nên sử dụng tay trái thì tốt hơn.

Cũng không thể liệt nửa dưới, vì thế thì thường nói là "bại liệt". Cũng không thể liệt nửa trên, vì nửa trên vì nếu đã liệt nửa trên thì chắc không nói là "bán thân bất toại" mà sẽ nói là "toàn thân bất toại" luôn phỏng ạ? Nói cách khác là "đời sống thực vật".

Vì sao lại là "Bán thân bất toại" 半身不遂? Chữ "bất toại" là không còn hoạt động, cử động theo ý chí nữa, không hoành thành được động tác, chữ "toại" ở đây là hoàn thành, ví dụ như toại nguyện.

Ví dụ "giết người không thành" là 殺人未遂 satsujin misui, sất nhân bất toại.

Nhưng "bán thân bất toại" là trong tiếng Việt hay tiếng China thôi. Còn trong tiếng Nhật thì lại là:

半身不随 "bán thân bất tùy" => tiếng Nhật

Nửa người không còn đi theo (tùy) ý muốn của bạn nữa. Chữ "tùy" là "tùy thuộc", "tùy theo", "tùy tùng" nghĩa là đi theo.

Trong tiếng Nhật cũng dùng chữ TÙY:
随筆=ずいひつ TÙY BÚT = đoạn văn viết theo hứng, không phải theo bố cục chặt chẽ, hay để nghị luận vấn đề rõ ràng

随分=ずいぶん TÙY PHẦN = rất, nhiều => 随分暖かくなったね。

Chữ TOẠI 遂 và chữ TÙY 随 "tình cờ" cũng có trong ca từ Tây Du Ký.
人间事常难遂人愿,且看明月又有几回圆。
nhân gian sự thường nan toại nhân nguyện, thả khán minh nguyệt hựu hữu kỷ hồi viên.
Việc nhân gian thường khó mà chiều theo ý con người,
Thoáng chốc đã thấy trăng sáng lại mấy lần tròn.
Tóm lại thì trong tiếng Nhật "bán thân bất toại" thì sẽ là 半身不随 "bán thân bất tùy" đọc là はんしんふずい. Ý nghĩa là "liệt nửa người".

Giải thích như trên bạn có toại nguyện hay không thì tùy.
Takahashi

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Cách gọi bậc quân vương vua chúa (tham khảo)

Có bạn nào thắc mắc cách gọi quân vương vua chúa trong tiếng Anh và tiếng Nhật?

My lord = đại vương, 大王
Your grace = điện hạ, 殿下
Your majesty = thánh thượng, 聖上
Your highness = bệ hạ, 陛下

Nếu không gọi quân vương vua chúa mà gọi tôn kính thì là 閣下 (các hạ, kakka), tự xưng thì có thể là 小生 (tiểu sinh, shousei).

Nếu gọi "quý ngài", "quý bà" thì dùng ~殿 (dono, chữ "điện" trong 宮殿 cung điện, 殿下 điện hạ).

Vua chúa khôn ngoan gọi là 名君 MEIKUN (minh quân), vua chúa ngu dốt gọi là 暗君 ANKUN (ám quân).

Ngoài ra còn có 暴君 BOUKUN (bạo quân). Bạo quân là vua chúa bạo ngược, làm dân chúng khổ sở.

Người đứng đầu triều đại phong kiến cha truyền con nối gọi chung là 君主 KUNSHU (quân chủ) ví dụ chế độ quân chủ là 君主制 KUNSHUSEI (quân chủ chế).

Nhân tiện, "cha truyền con nối" gọi là 世襲 SESHUU (thế tập). Cần phân biệt "thế tập" và "thế tục" 世俗。

"Sổ tay tư duy từ vựng"

Tại lớp Cú Mèo Saromalang khi học tiếng Nhật quy định là bạn phải có SỔ TAY TƯ DUY từ vựng. Chúng ta sẽ học theo nhóm từ, học các từ liên quan thì sẽ vui hơn, mà "vui là chính, học là phụ" mới có thể duy trì lâu dài và bất chiến tự nhiên thành được đúng không nhỉ?

Ngoài việc học ngữ pháp và dịch cho đúng thì học từ vựng là vui nhất khi học ngoại ngữ nói chung và tiếng Nhật nói riêng. Và để học được phải có SỔ TAY TƯ DUY TỪ VỰNG. Đây là mục yêu cầu bắt buộc khi học tại lớp Cú Mèo từ nay trở đi. Sổ phải trắng, đẹp, dễ viết và có phẩm cách của sổ tay tư duy từ vựng.

Huấn luyện viên sẽ kiểm tra sổ tay của các bạn xem có đủ tiêu chuẩn chưa trước khi bắt đầu lớp học. Nếu không hợp yêu cầu có thể sẽ yêu cầu thay bằng sổ khác.
Takahashi

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

不思議 "bất tư nghị" 不可思議 "bất khả tư nghị" và 不可解 "bất khả giải"

Mỗi ngày học vài từ tiếng Nhật thú vị cũng là cách tốt để giữ động lực học tiếng Nhật.

ĐỘNG LỰC = MOTIVATION モチベーション

Năng lực, IQ, bullshit không quan trọng bằng động lực. Ước mơ chỉ thành hiện thực nếu bạn có động lực. Học từ vựng nên là một trong các động lực để học tiếng Nhật.

不思議 "bất tư nghị" FUSHIGI

"Tư" là suy nghĩ, "Nghị" là nghị luận, suy xét. Khi nói về thứ gì "bất tư nghị" thì nghĩa là nó "kỳ lạ".

不思議な出来事
成功も不思議でない

Lưu ý là nó khác với 変な hen-na vì hen-na không phải là "kỳ lạ" mà là "kỳ quái, kỳ quặc".

不可思議 "bất khả tư nghị"

Thứ gì mà bạn "không thể lý giải nổi", vì "bất khả" nghĩa là không thể làm được.

不可解な言動

Ý nghĩa: 名・形動]理解しようとしても理解できないこと。また、そのさま。

不可解 "bất khả giải"

Nghĩa là "không thể hiểu được". Chữ 解 GIẢI là 解る wakaru tức là hiểu, hay hiểu được.

Ví dụ: 人生は不可解だ。 Cuộc đời không thể hiểu được. ↔ 不条理 Bất điều lý

人生は不可解なり

Bài tập áp dụng:
Câu 1: Tiếng Việt
Giải thích "kỳ lạ" có nghĩa là gì trong tiếng Việt.

Câu 2: Dịch câu sau ra tiếng Nhật.
Cuộc đời kỳ lạ tới mức có những hiện tượng không thể lý giải nổi nên tôi xin kết luận rằng bản chất của cuộc đời là không thể hiểu được. ^^

Chúc dịch vui!
Takahashi

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Sự "phi lý" trong cuộc đời: 不条理 "bất điều lý" và 理不尽 "lý bất tận"

Các bạn học tiếng Nhật thì sẽ gặp hai từ này:

不条理 "bất điều lý" ふじょうり
理不尽 "lý bất tận" りふじん

Chúng đều có nghĩa là "phi lý", nhưng hai sắc thái lại khác nhau, do đó mà cách dùng khác nhau:

Bất điều lý

1 筋道が通らないこと。道理に合わないこと。また、そのさま。「不条理な話」
2 実存主義の用語。人生に何の意義も見いだせない人間存在の絶望的状況。カミュの不条理の哲学によって知られる。
《名・ダナ》事柄の筋道が立たないこと。 「人生の不条理 」

Ví dụ 人生の不条理 sự phi lý trong cuộc đời ("bất điều lý" của "nhân sinh")
不条理な話 = câu chuyện phi lý

"Bất điều lý" là nói về tính chất phi lý một cách khách quan của sự vật sự việc.

Lý bất tận

[名・形動]道理をつくさないこと。道理に合わないこと。また、そのさま。「理不尽な要求」「理不尽な扱い」
物事の筋道が通らないこと。道理にあわないこと。また、そのさま。無理無体。 「 -な要求」 「 -な仕打ち」
"Lý bất tận" nói về sự phi lý trong thái độ, cách thức đối xử, yêu cầu, ...
Có thể dịch ra là "quá vô lý, quá mức phi lý".

理不尽な要求 = yêu cầu phi lý, yêu cầu vô lý

Bài tập: Hãy phân tích ngữ nghĩa của 不条理 "bất điều lý" và 理不尽 "lý bất tận".

Sự phi lý trong cuộc đời = 人生の不条理

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

王道 "VƯƠNG ĐẠO" trong cuộc đời

王道 VƯƠNG ĐẠO nghĩa là gì?

Nghĩa đen của 王道 "vương đạo" là "con đường hoàng gia (royal road)", ban đầu cứ ngỡ đó là "con đường đúng đắn" vì theo quan điểm nho giáo thì vua luôn đúng, nếu vua sai thì bạn ra pháp trường. ^^

Nhưng hóa ra không phải. "Vương đạo" có hai nghĩa căn bản:

おうどう【王道】

尭(ぎよう)・舜(しゆん)ら先王の行なった、仁徳に基づく政治。儒家の理想とする政治思想で、孟子によって大成された。 ↔ 覇道はどう

〔royal road の訳語〕 安易な方法。楽な道。近道。 「学問に-なし」

Nghĩa thứ nhất là tư tưởng nho giáo về nền chính trị dựa trên nhân đức mà các vua trước như Nghiêu, Thuấn đã thực hiện. Trong nghĩa này, từ trái nghĩa với "vương đạo" là "bá đạo" 覇道, tức là nền chính trị cai trị bằng quyền lực và sự cưỡng chế.

Nhưng nghĩa thứ hai là "phương pháp dễ dàng, con đường dễ dàng, con đường tắt".

Nghĩa này không phải là vốn có trong tiếng Nhật mà là dịch từ "royal road" trong tiếng Anh ra. "Royal road" được hiểu là con đường dễ dàng, vì con đường của hoàng gia mà còn không dễ thì ai dễ vào đây nữa?

Trong cuộc sống thường ngày chúng ta dùng "vương đạo" theo nghĩa "con đường dễ dàng, cách dễ dàng" (kiểu "bất chiến tự nhiên thành").

Ví dụ: 学問に王道なし = Không có con đường dễ dàng trong học vấn

Hoặc tôi chế ra câu này:
「資本主義に反対します。社会主義に反対します。」と何にでも反対する人がいるけれど、それはただ被害者意識にすぎないと思う。どんな社会でも一生懸命仕事をしてその労働で報酬を得てそのお金で時間を買ったり幸せを買ったりするのは王道じゃなかろうか。
Có những người cái gì cũng phản đối như "Tôi phản đối chủ nghĩa tư bản. Tôi phản đối chủ nghĩa xã hội." nhưng tôi nghĩ đó chẳng qua chỉ là ý thức (bản thân là) nạn nhân. Cho dù xã hội như thế nào thì chẳng phải làm việc hết sức để nhận tiền công dựa trên lao động đó rồi mua thời gian, mua hạnh phúc bằng số tiền đó là "vương đạo" (con đường dễ dàng) hay sao?
Như thế, "vương đạo" thật sự trong cuộc đời là học tập và lao động, không phải đấu tranh chính trị.

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Cách dịch từ vựng và ngữ pháp: Không phải là SƯU CAO THUẾ NẶNG thì là gì?

"Không phải là sưu cao thuế nặng thì là gì?"

Dịch câu trên ra tiếng Nhật tại lớp dịch thuật Cú Mèo Saromalang.

"Sưu cao thuế nặng" nghĩa là gì?

Tiền sưu: Thuế thân, còn gọi là thuế đinh, thuế đầu người, hay sưu là một trong thứ thuế của chế độ phong kiến và quân chủ. Đây là sắc thuế tiêu biểu trong các sắc thuế khoán. Thuế thân căn cứ vào cư dân địa phương, mỗi dân đinh đều phải nộp.

Thuế thì có nhiều loại thuế đánh trên mỗi mặt hàng chắc ai cũng quen rồi.

Ngày nay không còn thuế thân nữa mà sẽ thành thuế tiêu thụ (một số nước gọi là thuế VAT, tức thuế giá trị gia tăng), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài (thuế đăng ký kinh doanh), ngoài ra còn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm sức khỏe nữa. Mỗi người có một cơ số thuế phải đóng.

Người ta có câu: Có hai thứ con người không thể chạy trốn, đó là thuế và cái chết.

Sắp tới lại sắp tăng thuế đấy. Thế nên mới có câu "sưu cao thuế nặng", hiện không còn tiền sưu tức là thuế thân nữa, nhưng đố bạn nào sinh ra mà không phải chịu thuế thân đấy? Tính sơ sơ bổ đầu người thì trẻ em sinh ra ở nước nghèo đã chịu sẵn một số nợ quốc gia nhất định - bằng ngoại tệ - nên sinh ra đã là một con nợ.

Chưa kể ở xứ nho giáo thì con cái là con nợ của cha mẹ nữa, trả đời nào cho trọn chữ hiếu? Tôi gọi đây là thuế nho giáo.

Gọi chung thành một quán ngữ là "sưu cao thuế nặng". Tất nhiên, "sưu cao thuế nặng" có lẽ là định mệnh của các bạn, nên hãy vui vẻ chịu thôi.

"Sưu cao thuế nặng" tiếng Anh gọi là EXACTION:
exaction /ɪɡ.ˈzæk.ʃən/
1. Sự tống (tiền... ); số tiền tống, số tiền đòi hỏi.
2. Sự đòi hỏi không hợp pháp, sự đòi hỏi quá quắt, sự sách nhiễu; sự bóp nặn (tiền của... ).
3. Sưu cao thuế nặng.

Vốn thì EXACTION là sự tống tiền, sự bóp nặn, "sưu cao thuế nặng" là sự bóp nặn, bòn rút từ nhân dân.

Tiếng Nhật gọi là:
exactionとは
強要、強制取り立て、厳しい要求、強制取り立て金、重税

重税 trọng thuế
強制取り立て金 tiền trưng thu (bóp nặn) một cách cưỡng chế

Trong tiếng Nhật sẽ dùng từ 重税 (じゅうぜい, trọng thuế), đôi khi còn gọi là 苛税 (kazei, hà thuế).

"Đó không phải sưu cao thuế nặng thì là gì?"

Đây là một câu hỏi tu từ. Câu này là câu khẳng định đó chính là sưu cao thuế nặng. Nó tượng tự câu hỏi tu từ sau:

"Đó không phải là sưu cao thuế nặng hay sao?"
= それは重税ではないでしょうか
or それは重税ではないだろうか

Trong tiếng Nhật câu hỏi tu từ dạng này sẽ dùng ではないでしょうか (lịch sự) hay ではないだろうか (không lịch sự).

Còn câu "Đó không phải sưu cao thuế nặng thì là gì?" thì đây thường được coi là ngữ pháp JLPT N1. Chúng ta sẽ nói như sau:

"Đó không phải là sưu cao thuế nặng thì là gì?"
= それは重税でなければ何だろう。

Chúng ta sử dụng でなければ何だろう。 (denakereba nandarou)

"Đó chẳng phải tình yêu đích thực thì là gì?"
それは真の愛じゃなければ何だろう。
Sorewa shin no ai janakereba nandarou.

Đôi khi chúng ta cũng nói tắt hay nói dạng phương ngữ:

それは真の愛じゃなきゃじゃろう。
⇒なきゃ=なければ、じゃろう=だろう

Tất nhiên bạn cũng có thể nói dạng lịch sự: 彼は真の友人でければなんでしょう。

Nhân tiện, học ngôn ngữ không phải là cách rèn nhân cách tốt nhất thì là gì?
Luôn thắc mắc về điều đó, chẳng bao giờ có câu trả lời ^^ アハハハ。
Takahashi

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

りん議 RINGI dịch ra tiếng Việt là gì?

Hôm trước vừa học LƯU NGHI 流儀(りゅうぎ) thì hôm nay học りん議(りんぎ)。

りん議 là cách viết của 稟議, vì chữ 稟 không có trong bảng thường dụng hán tự nên viết bằng hiragana, tuy nhiên, vốn 稟議 lại đọc là ひんぎ nhưng theo thói quen thì đọc thành りんぎ。

稟議 lẽ ra đọc là ひんぎ HINGI bởi vì chữ này là "bẩm nghị".

"Bẩm nghị" là một nét văn hóa công ty Nhật Bản

Bạn nào làm việc ở công ty Nhật chắc biết văn hóa RINGI, hay đúng ra phải là HINGI 稟議 [BẨM NGHỊ].

RINGI tức là thế này: Bạn có một đề đạt cần được mọi người trong công ty thông qua mà tổ chức họp hành thì mất thời gian và cũng khó mà tập hợp được mọi người lấy ý kiến, nên bạn gửi đề đạt tới tất cả phòng ban để chờ họ đồng ý duyệt và trả lời riêng rẽ. Khi đã được tất cả đồng ý thì bạn tiến hành làm.

Thay vì họp và biểu quyết lấy đa số, thì bạn gửi bản kiến nghị và nhận sự xác nhận đồng ý. Đây là văn hóa đặc thù ở công ty Nhật Bản. Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng thật ra nó còn ý nghĩa văn hóa sâu xa đằng sau đấy, mà nếu bạn không hiểu thì về cơ bản là bạn không hiểu LƯU NGHI 流儀 của công ty Nhật Bản, khó mà thăng tiến được.

Thật ra, RINGI không hẳn là lấy sự đồng ý! Nếu thật sự cần tán thành hay biểu quyết thì họ đã họp từ lâu rồi. Người Nhật ai chẳng thích họp. Bởi vì những đề đạt mà cần RINGI thật ra lại chẳng liên quan gì các phòng ban khác mấy. Đúng ra việc bạn bạn làm, hơi đâu mà xin sự đồng ý của các phòng ban khác, mà thật ra, họ cũng đồng ý thôi.

Sở dĩ bạn RINGI là vì một số lý do:
- Thể hiện sự đoàn kết và tôn trọng, yếu tố then chốt trong công ty Nhật Bản
- Nói cho mọi người biết rõ là bạn đang làm gì (có thể họ góp ý kiến)
- Mọi người trong công ty Nhật nên biết người khác đang làm gì để giúp đỡ, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm bản thân
- Mọi người biết kinh nghiệm, việc làm của nhau để khi cần có thể hỏi han kinh nghiệm ...

Tức là RINGI là để bộ máy hoạt động trơn tru, mọi người có thể tận dụng, lợi dụng kinh nghiệm của nhau, rút ngắn thời gian và tăng thành quả. So với công ty Âu Mỹ thì công ty Nhật có vẻ là một khối thống nhất hơn, còn công ty Âu Mỹ thường là các cá nhân làm việc độc lập, riêng lẻ, theo một VISION chung. Công ty Nhật Bản coi trọng chủ nghĩa tập thể và sự hài hòa trong công ty, còn công ty Âu Mỹ coi trọng chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thành quả là trên hết.

Hi vọng bạn đã hiểu thế nào là RINGI.

Vấn đề là, vì sao lại là "BẨM NGHỊ"?

稟議 BẨM NGHỊ.

稟 BẨM ở đây là thưa bẩm, bẩm tấu, bẩm lên. Ví dụ:

Quan: Vì sao bọn dân đen khiếu kiện lắm thế?
Lính: Dạ thưa bẩm, vì chúng nhàn quá ạ.
Quan: Sao chúng nhàn thế?
Lính: Dạ bẩm, vợ quan lấy hết đất của chúng xây lữ quán cả rồi ạ, giờ chúng chỉ bán trà đá qua ngày thôi ạ.

"Bẩm" có nghĩa là "trình bày" nhưng là người dưới trình bày lên người tôn kính.

"Bẩm tấu hoàng thượng, đất nước ta chưa bao giờ thái bình thịnh trị như bây giờ."
"Dạ bẩm quý anh quý chị, xin phép cho em được có đôi nhời."

Còn 議 NGHỊ có nghĩa là nghị luận, bản bạc.

Do đó BẨM NGHỊ là bạn trình bày lên (một cách cung kính) để mọi người nghị bàn và cho ý kiến. Thường là đồng ý chứ nhỉ?

Muốn thăng tiến ở công ty Nhật à? Làm gì hãy la toáng cả lên và báo cáo thật hay vào. Bằng cách "bẩm nghị" mỗi ngày.
Takahashi

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

流儀 "LƯU NGHI" nghĩa là gì?

Chúng ta tra từ điển:

デジタル大辞泉の解説
りゅう‐ぎ〔リウ‐〕【流儀】
1 物事のやり方。「結婚式は田舎の流儀でやる」
2 技術・芸能などで、その人や流派に伝わっている手法・様式。「流儀を守り伝える」

大辞林 第三版の解説
りゅうぎ【流儀】

物事の仕方。やり方。 「君の-にはついていけない」 「彼独特の-」

芸術・武術などの、その流派や家に昔から伝えられている仕方。流派。

流儀 "lưu nghi" nôm na là 仕方 hay やり方, tức là "cách làm". Nhưng vì sao không dùng yarikata cho nhanh?

Nhìn kỹ thì chữ 流 LƯU có nghĩa là dòng chảy (流れ nagare) còn 儀 NGHI là nghi thức (儀式), lễ nghi (礼儀). Nôm na ra thì "lưu nghi" là nghi thức thực hiện theo đúng dòng chảy, trình tự. Tức là "cách thức thực hiện, cách thức tiến hành".

Do đó, tại Saromalang tôi dịch là "làm theo cách của ....".

流儀 "lưu nghi" = làm theo cách của (ai)

Vốn ban đầu thì "lưu nghi" là cách thức của một tập thể về một môn nghệ thuật nào đó:
流儀(りゅうぎ)
日本の芸能や武術などにおいて、ひとつの分野について他との技術、手法、心構え、表現の目的、表現にあたっての解釈などの差異を理由として形成された集団。またはその集団が奉ずる芸道に対する考えかた、取組みかたそのもの。流派とほぼ同義。本項で説明する。
1から転じて、あるものに対するその人なりのやりかたを比喩的に言う。

Câu ví dụ:
結婚式は田舎の流儀でやる Lễ kết hôn thì làm theo cách của miền quê.
彼独特の流儀 cách làm độc đáo của riêng anh ấy

Thế nên là nếu bạn học tiếng Nhật mà mãi không giỏi thì xem lại LƯU NGHI 流儀 học tiếng của mình đi nhé!
Takahashi

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Ví dụ lỗi sai SẮC THÁI tiếng Anh: Phân biệt "sorry" và "apologize"


Câu trên khá phổ biến ở VN tuy nhiên về cơ bản lại không đúng. Người VN học tiếng Anh rất nhiều, nhưng có vẻ như khá nông cạn. Người nước ngoài khi họ nhìn vào họ sẽ không tôn trọng người VN. Có lẽ cũng có nhiều người học tiếng Anh bài bản, nhưng nhìn chung các bạn không được tôn trọng vì các bạn KHÔNG BIẾT BẢO NHAU điều hay lẽ phải.

Nó cũng như việc có một bộ phận người VN ăn cắp vặt, nên ở siêu thị ngoại mọi người VN đều được coi là kẻ ăn cắp tiềm năng. Thực sự thì đa số người VN không ăn cắp vặt, nhưng lại không bảo được nhau. Vì biển báo trên nhan nhản ở mọi nơi, nên khó mà người nước ngoài nghĩ người VN học hành bài bản được.

Vì câu trên đúng ra phải là "We apologize for this inconvenience".

Chứ không phải là "We are sorry for this inconvenience".

Khi học nhiều người nghĩ "sorry" hay "apology" đều là "xin lỗi" nhưng thật ra không phải như vậy. Sắc thái của hai từ này khác nhau.

Sorry: lấy làm tiếc về một việc gì đó.

Ví dụ: I'm sorry for your loss. = Tôi lấy làm tiếc về mất mát của bạn.

Khi nói chuyện với bạn bè bạn hỏi thăm về bố mẹ họ và biết là bố/mẹ họ mất bạn cũng nói "I'm sorry". Câu này không hề là "Tôi xin lỗi" vì bạn đâu có làm gì sai? Câu này nghĩa là "Tôi lấy làm tiếc".

Apology: Xin thứ lỗi, xin tha lỗi.

Đây mới là "xin thứ lỗi" khi bạn nghĩ là bạn làm sai. Ví dụ: I apologize you for my mistake.

Trong câu "Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này" thì phải dùng apologize. Bởi lẽ bạn sẽ còn tiếp tục sự bất tiện này kia mà?

Còn "be sorry" (lấy làm tiếc) thường là dùng với sự việc đã xảy ra, mà bạn lấy làm tiếc về việc đó.

Ngoài ra, trong khẩu hiệu trên (cũng là do học từ người Nhật thì phải) thì câu tiếng Việt còn tử tế, chứ câu tiếng Anh thì lại suồng sã, bỗ bã kiểu bạn bè.

Vì đúng ra phải nói "We are sorry for this inconvenience".

Nhân tiện, trong tiếng Nhật thì:
to apologize = 謝る(あやまる)
to be sorry = 申し訳ない(もうしわけない)、申し訳なく思う sometimes 悪いのですが

Câu kết: Dù học ngôn ngữ nào thì cũng phải học SẮC THÁI cẩn thận, nếu không rất dễ bị đánh giá thấp. Nghĩa là sẽ không được tôn trọng. Vì sao cùng học tiếng Nhật mà có người được tôn trọng và đối đãi tử tế, có người lại không? Who knows! ^^
Takahashi

"Bồi bút":
Mà "apology" thì 90% người Việt phát âm sai. Người VN học ngôn ngữ nào phát âm cũng rất tệ hại, họ thường phát âm theo cách của bản thân, mỗi người lại phát âm khác nhau. Thật ra thì họ thường hay "phát minh" ra cách phát âm chứ lười học bài bản và thường không học một cách logic.

Từ "apologize" thì trọng âm ở "po" và trọng âm phụ ở "gize". Cách phát âm thế này:
Tiếng Anh /əˈpɒlədʒaɪz/
Tiếng Mỹ /əˈpɑːlədʒaɪz/ 

Tóm lại thì phát âm giống như là "ơ PO- lơ giaiz" chứ không phải là "a pô lô giaiz" vì đây là tiếng Việt mà ^^

>>Nghe phát âm tại Oxford Learner Dictionaries

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

先入観 "Tiên nhập quan"

Lời mở đầu

Ngôn ngữ là một môn khoa học, hơn nữa, là một môn khoa học tổng hợp. Không ngạc nhiên khi bạn được coi là thông minh khi giỏi ngôn ngữ. Những người thông minh (về ngôn ngữ) đều diễn đạt tốt và vốn từ lớn. Các công ty thích tuyển người giỏi ngoại ngữ! Vì những người có khả năng học tập thì khi làm việc cũng sẽ học tập để làm được việc.

Một công ty tốt sẽ tuyển người theo khả năng học tập. Một công ty kém sẽ tuyển người theo khả năng làm việc tức thời. Làm sao để biết người nào có khả năng học tập? Bạn PHỎNG VẤN họ. Một người có khả năng ngôn ngữ tốt, kỹ năng giao tiếp (communication skill) tốt thì nhiều khả năng sẽ trở thành người làm được việc (できる人 dekiru hito) trong tương lai. Ở Nhật dù đi xin việc làm thêm, xin việc làm, hay xin học bổng, vv đều có vòng phỏng vấn cả. Trước đó bạn thường phải thi cả môn tiểu luận (essay) nữa. Nhìn vào đó là họ đánh giá được 80% về bạn rồi.

Đặc biệt, thi đại học Nhật Bản cũng chắc chắn có vòng phỏng vấn. Bạn nào đăng ký du học tại Saromalang thì thường được chỉ cho nguyên tắc phỏng vấn này để có thể phỏng vấn thi đại học, phỏng vấn học bổng khi du học.

Tất cả chỉ là mindset. Nhân tiện, tôi chia ra 2 dạng IQ căn bản:
- IQ về toán học
- IQ về ngôn ngữ

Ngày trước tôi suýt học chuyên toán, điểm thi chắc gần tuyệt đối. Vì thế nếu không dạy tiếng Nhật thì tôi dạy toán hay vật lý online chắc cũng ổn thôi. Hay không nhỉ? Ai mà biết được. Sắp tới tôi cũng tổ chức lớp luyện thi đại học Nhật Bản (kỳ thi EJU) cho các bạn muốn đậu Tô-đai hoặc đại học Nhật Bản ở Sài Gòn.

先入観 "Tiên nhập quan" nghĩa là gì? 

"Tiên nhập quan" không phải là "vô quan tài trước" mặc dù bạn hiểu thế cũng được. Nếu trong đầu có quá nhiều "tiên nhập quan" thì có lẽ là bạn sẽ gặp rắc rối, nhiều khả năng vô quan tài về mặt tinh thần. "Tiên nhập quan" cũng không có nghĩa là "tiên nhập vô quan tài".

入 NHẬP = đi vào, có ở trong. Chữ này chắc không ai thắc mắc.

Chữ 先 TIÊN ở đây là "trước"

先 TIÊN (trước, phía trước) ≠ 仙 TIÊN (tiên nhân, tiên nữ)

Chữ 観 QUAN là quan điểm, quan sát:

観 QUAN ≠ 棺 QUAN
quan điểm, quan sát ≠ quan tài

Hai chữ QUAN khác hẳn nhau nhé. Trong tiếng Nhật cũng có chữ 入棺 NHẬP QUAN, tức là vô quan tài hay cho vô quan tài.

先入観 "Tiên nhập quan" thì "tiên nhập" tức là có sẵn, có sẵn từ trước, còn "quan" là quan điểm, ý kiến.

先入観 "Tiên nhập quan" = quan điểm, cách nhìn đã có sẵn từ trước

Tiếng Nhật đọc là せんにゅうかん sennyuukan.

Vậy dịch 先入観 "Tiên nhập quan" ra tiếng Nhật thế nào?

Tiếng Việt thì cúng ta gọi 先入観 "Tiên nhập quan" là "định kiến" (定見).

"Định kiến" (定見) là gì?
Ý kiến, quan điểm cố định, có sẵn từ trước.

Vấn đề là, cách dùng "định kiến" như thế nào? Nói cách khác, SẮC THÁI của từ "định kiến"?

Việc hiểu sắc thái mới giúp bạn thực sự sử dụng được từ vựng. "Định kiến" thì sắc thái nghĩa là bạn mang sẵn ý nghĩ xấu hay tiêu cực về một đối tượng nào đó, thường là "vơ đũa cả nắm".

Chúng ta không dùng "định kiến" đối với việc tốt, ví dụ chúng ta không nói:

× "Tôi có định kiến người Nhật rất lịch sự."
× "Tôi có định kiến người Việt rất thân thiện."

TRỪ KHI, bạn cố tình gây cười cho mọi người, tức là sử dụng ngôn ngữ một cách kỳ lạ nhưng khéo léo, để tạo ra hiệu ứng nào đó. Tôi làm chuyện đấy suốt trên trang web này mà! ^^ Tức là, cũng là một từ nhưng bạn có thể sử dụng theo cách "sai sai" với một mục đích cao hơn, thường chỉ là gây cười hoặc gây tò mò. Nhưng bạn sẽ được đánh giá là người có khiếu hài hước, thật sự cuộc sống sẽ dễ thở hơn rất nhiều.

Nhân tiện, định kiến tiếng Anh là PREJUDICE.

Pride and prejudice = Kiêu hãnh và định kiến

Tổng kết lại là thế này, khi học tiếng Nhật hay tiếng Việt, chúng ta phải phân tích được ngữ nghĩa gốc của mỗi chữ kanji. Chỉ khi nào bạn hiểu rõ kanji thì bạn mới có thể sử dụng từ vựng một cách logic. Có nhiều người không sử dụng từ vựng một cách logic, nhất quán, vì thế trong cuộc đời và công việc không ai coi trọng họ. Dạo này giới trẻ "bại não" rất thích nghĩ ra ngôn ngữ mới kiểu như "giải ngố" chẳng hạn. Vì họ đã quên nghĩa của từ ban đầu rồi, hay đúng ra, họ không còn diễn đạt được nữa nếu không "sáng tác từ mới". Cuộc đời sẽ cô đơn dài dài đấy. Tôi không khuyến khích ngôn ngữ này, hãy nói ngôn ngữ "cổ điển" cho thành thạo và sử dụng ngôn từ một cách logic.

Và thật ra thì tiếng Anh cũng cực kỳ logic. Muốn học Anh ngữ tốt, cũng phải biết một chút về tiếng latinh. Thật ra học tiếng Nga thì vẫn cần học tiếng latinh.

Trong chữ PREJUDICE thì có hai phần là PRE và JUDICE.

Tiền tố Pre- là trước (prewar = trước chiến tranh), ngược với nó là tiền tố Post- là sau (postwar = sau chiến tranh). Còn Judice là sự phán xét (to judge).

Do đó Prejudice = phán xét từ trước, phán xét sẵn. Do đó, nó là "định kiến" (ý kiến, quan điểm đã cố định từ trước).

Học ngoại ngữ thường giúp bạn có khả năng so sánh, từ đó nâng cao ngôn ngữ mẹ đẻ lên. Việc học ngôn ngữ theo tôi nên học cách TƯ DUY VỀ TỪ VỰNG, để bạn có thể tự học các từ vựng. Chứ nếu chỉ học kiểu ôm đồm, nông cạn, chỉ dùng KÝ ỨC NGẮN HẠN thì bạn sẽ sớm quên và vốn từ không tăng được mấy, sẽ giảm dần theo thời gian. Còn nếu học theo cách đúng, một cách logic, thì bạn sẽ nhớ lâu dài.

Đừng có "tiên nhập quan" rằng cứ chăm chỉ học hàng tiếng mỗi ngày, học ôm đồm ngữ pháp, từ vựng với chí khí ngút trời là sẽ giỏi tiếng Nhật. Làm thế nhiều khả năng sẽ sớm 入棺 "nhập quan" trong việc học tiếng Nhật. Nói nôm na là "anh đã quá cố do đã cố quá" ^^. Vì thế, tôi ủng hộ việc học tư duy để học một cách nhẹ nhàng và ghi nhớ lâu dài bằng ký ức dài hạn.

Tôi sẽ áp dụng cả phương pháp này trong ôn luyện EJU để thi Tô-đai cũng như bất kỳ trường đại học nào mà bạn muốn vào học tại Nhật Bản.
Takahashi