Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

りん議 RINGI dịch ra tiếng Việt là gì?

Hôm trước vừa học LƯU NGHI 流儀(りゅうぎ) thì hôm nay học りん議(りんぎ)。

りん議 là cách viết của 稟議, vì chữ 稟 không có trong bảng thường dụng hán tự nên viết bằng hiragana, tuy nhiên, vốn 稟議 lại đọc là ひんぎ nhưng theo thói quen thì đọc thành りんぎ。

稟議 lẽ ra đọc là ひんぎ HINGI bởi vì chữ này là "bẩm nghị".

"Bẩm nghị" là một nét văn hóa công ty Nhật Bản

Bạn nào làm việc ở công ty Nhật chắc biết văn hóa RINGI, hay đúng ra phải là HINGI 稟議 [BẨM NGHỊ].

RINGI tức là thế này: Bạn có một đề đạt cần được mọi người trong công ty thông qua mà tổ chức họp hành thì mất thời gian và cũng khó mà tập hợp được mọi người lấy ý kiến, nên bạn gửi đề đạt tới tất cả phòng ban để chờ họ đồng ý duyệt và trả lời riêng rẽ. Khi đã được tất cả đồng ý thì bạn tiến hành làm.

Thay vì họp và biểu quyết lấy đa số, thì bạn gửi bản kiến nghị và nhận sự xác nhận đồng ý. Đây là văn hóa đặc thù ở công ty Nhật Bản. Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng thật ra nó còn ý nghĩa văn hóa sâu xa đằng sau đấy, mà nếu bạn không hiểu thì về cơ bản là bạn không hiểu LƯU NGHI 流儀 của công ty Nhật Bản, khó mà thăng tiến được.

Thật ra, RINGI không hẳn là lấy sự đồng ý! Nếu thật sự cần tán thành hay biểu quyết thì họ đã họp từ lâu rồi. Người Nhật ai chẳng thích họp. Bởi vì những đề đạt mà cần RINGI thật ra lại chẳng liên quan gì các phòng ban khác mấy. Đúng ra việc bạn bạn làm, hơi đâu mà xin sự đồng ý của các phòng ban khác, mà thật ra, họ cũng đồng ý thôi.

Sở dĩ bạn RINGI là vì một số lý do:
- Thể hiện sự đoàn kết và tôn trọng, yếu tố then chốt trong công ty Nhật Bản
- Nói cho mọi người biết rõ là bạn đang làm gì (có thể họ góp ý kiến)
- Mọi người trong công ty Nhật nên biết người khác đang làm gì để giúp đỡ, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm bản thân
- Mọi người biết kinh nghiệm, việc làm của nhau để khi cần có thể hỏi han kinh nghiệm ...

Tức là RINGI là để bộ máy hoạt động trơn tru, mọi người có thể tận dụng, lợi dụng kinh nghiệm của nhau, rút ngắn thời gian và tăng thành quả. So với công ty Âu Mỹ thì công ty Nhật có vẻ là một khối thống nhất hơn, còn công ty Âu Mỹ thường là các cá nhân làm việc độc lập, riêng lẻ, theo một VISION chung. Công ty Nhật Bản coi trọng chủ nghĩa tập thể và sự hài hòa trong công ty, còn công ty Âu Mỹ coi trọng chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thành quả là trên hết.

Hi vọng bạn đã hiểu thế nào là RINGI.

Vấn đề là, vì sao lại là "BẨM NGHỊ"?

稟議 BẨM NGHỊ.

稟 BẨM ở đây là thưa bẩm, bẩm tấu, bẩm lên. Ví dụ:

Quan: Vì sao bọn dân đen khiếu kiện lắm thế?
Lính: Dạ thưa bẩm, vì chúng nhàn quá ạ.
Quan: Sao chúng nhàn thế?
Lính: Dạ bẩm, vợ quan lấy hết đất của chúng xây lữ quán cả rồi ạ, giờ chúng chỉ bán trà đá qua ngày thôi ạ.

"Bẩm" có nghĩa là "trình bày" nhưng là người dưới trình bày lên người tôn kính.

"Bẩm tấu hoàng thượng, đất nước ta chưa bao giờ thái bình thịnh trị như bây giờ."
"Dạ bẩm quý anh quý chị, xin phép cho em được có đôi nhời."

Còn 議 NGHỊ có nghĩa là nghị luận, bản bạc.

Do đó BẨM NGHỊ là bạn trình bày lên (một cách cung kính) để mọi người nghị bàn và cho ý kiến. Thường là đồng ý chứ nhỉ?

Muốn thăng tiến ở công ty Nhật à? Làm gì hãy la toáng cả lên và báo cáo thật hay vào. Bằng cách "bẩm nghị" mỗi ngày.
Takahashi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét