Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Hệ thống giáo dục Nhật Bản

SAROMA JCLASS sẽ giới thiệu với các bạn một cách dễ hiểu nhất về hệ thống giáo dục Nhật Bản. Những thông tin chính xác và đầy đủ sẽ có ở các trang web khác (sẽ được giới thiệu dưới đây). Hi vọng qua bài viết này JCLASS sẽ đem đến cái nhìn toàn thể về việc học tập tại Nhật.

Hệ thống giáo dục theo độ tuổi
Giáo dục cơ sở
Trường mầm non (幼稚園 youchi'en = ấu trĩ viên): 3 ~ 6 tuổi (3 năm)
Trường tiểu học (小学校 shougakkou = tiểu học hiệu): 6 ~ 12 tuổi (6 năm)
Trường cấp 2 (中学校 chuugakkou = trung học hiệu): 12 ~ 15 tuổi (3 năm)
Trường cấp 3 (高等学校 koutougakkou = cao đẳng học hiệu, hay 高校 koukou = cao hiệu): 15 ~ 18 tuổi (3 năm)
Giáo dục bắt buộc
Pháp luật Nhật Bản quy định phải cho trẻ em đi học 9 năm cho đến khi 15 tuổi, nghĩa là phải học hết tiểu học và cấp 2, nếu không chấp hành sẽ bị phạt tới 100,000 yên.
Khi học cấp 1 và cấp 2 (tiểu học, trung học), do là giáo dục bắt buộc nên không phải đóng học phí (tuy nhiên các khoản chi phí khác như tiền ăn, tiền tham quan,... thì vẫn phải đóng).
Waseda University
Giáo dục bậc cao
Sau khi tốt nghiệp bậc học cơ sở như trên, học sinh có thể học lên giáo dục bậc cao:
Trường đại học (大学 daigaku = đại học): Thường là 4 năm, trường y là 6 năm
Trường đại học ngắn hạn (短期大学 tanki daigaku = đoản kỳ đại học): 3 năm
Trường chuyên tu (専修学校 senshuu gakkou = chuyên tu học hiệu): 2~4 năm.
Ngoài ra, nếu đã tốt nghiệp cấp 2 hoặc cấp 3 thì có thể thi vào:
Trường dạy nghề chuyên nghiệp (高等専門学校 koutou semmon gakkou = cao đẳng chuyên môn học hiệu, còn gọi tắt là 高専 kousen = cao chuyên): 5 năm
Sau khi tốt nghiệp trường 高専 kousen có thể thi và học liên thông lên đại học (bắt đầu từ năm thứ 2 đại học).
Trường dạy nghề (専門学校 Semmon Gakkou = chuyên môn học hiệu): Dạy kỹ năng nghề trong 1 ~ 2 năm.

Giáo dục cao học
Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn có thể thi lên cao học bậc thạc sỹ. Thông thường bạn sẽ học thạc sỹ tại một phòng nghiên cứu (nếu là trường tự nhiên) hay zemi  (nếu là trường xã hội) trong 2 năm, viết luận văn và tốt nghiệp. Sau đó bạn có thể học lên bậc tiến sỹ, thường sẽ mất 3 năm (có thể hơn nếu bạn không bảo vệ được). Giáo dục bậc cao học sẽ như sau:
Thạc sỹ (修士課程 shuushi katei = tu sỹ khóa trình): 2 năm
Tiến sỹ (博士課程 hakase katei = bác sỹ khóa trình): 3 năm
Nghiên cứu sau tiến sỹ (ポストドック Postdoc = postdoctoral): Sau khi bạn đã xong tiến sỹ mà vẫn muốn nghiên cứu tiếp thì bạn có thể làm Postdoc nếu giáo sư phòng nghiên cứu của bạn đồng ý. Đây là hình thức người nghiên cứu phụ giúp cho giáo sư phòng nghiên cứu, có thể coi là trợ lý nghiên cứu. Đôi khi bạn trở thành người trợ giảng.
Riêng ngành y sẽ không có bậc thạc sỹ mà bạn học đại học y trong 6 năm, sau đó học thẳng lên tiến sỹ ngành y trong 4 năm.
Như vậy thông thường con đường mà một người Nhật sẽ như sau:
(1) Con đường thuận lợi
Mầm non 3 năm (3-6 tuổi)
Tiểu học 6 năm, cấp 2 (trung học cơ sở) 3 năm, cấp 3 (phổ thông trung học) 3 năm => Giáo dục cơ sở: 12 năm (giống Việt Nam)
Đại học 4 năm (cao học 2 năm, tiến sỹ 3 năm nếu học tiếp)
Thời gian học: 12 + 4 = 16 năm
(2) Con đường vừa phải
Tiểu học 6 năm, cấp 2 (trung học cơ sở) 3 năm, cấp 3 (phổ thông trung học) 3 năm
Trường đại học ngắn hạn (tanki) 3 năm hoặc trường dạy nghề (senmon gakkou) 2 năm
Thời gian: 14 ~ 15 năm
(3) Con đường chông gai
Tiểu học 6 năm, cấp 2 (trung học cơ sở) 3 năm
=> Trường  dạy nghề chuyên nghiệp (kousen) 5 năm
Thời gian: 14 năm
Tất nhiên là sau đó thì sẽ vào trường đời cả! Và đây mới là ngôi trường quan trọng nhất.... Tất nhiên bạn cũng có lựa chọn để ở lại môi trường hàn lâm như sau: Đại học => Thạc sỹ => Tiến sỹ => Postdoc (nghiên cứu sau tiến sỹ) => Trợ lý giáo sư (助手 joshu = trợ thủ, professor assistant) => Phó giáo sư (助教授 jokyouju = trợ giáo thụ) => Giáo sư (教授 kyouju = giáo thụ).

Các trường đại học tại Nhật Bản
Trường đại học tại Nhật Bản thường có các loại sau: Quốc lập (trường của nhà nước), công lập (trường của tỉnh, thành phố), dân lập (các trường tư).
Tên loại trường trong tiếng Nhật:
Trường quốc lập: 国立大学 kokuritsu daigaku  = quốc lập đại học
Trường công lập: Nếu là trường do tỉnh lập sẽ là 県立大学 (kenritsu daigaku = huyện lập đại học), do thành phố lập là 市立大学 (shiritsu daigaku = thị lập đại học), do thành phố Tokyo lập là 都立大学 (toritsu daigaku = đô lập đại học).
Trường dân lập: 私立大学 (shiritsu daigaku = tư lập đại học) (chú ý: cách gọi này đồng âm với 市立大学 ở trên)
Các trường lớn thường là trường quốc lập, như đại học Tokyo (Tokyo Daigaku = Todai), đại học Kyoto (Kyoto daigaku = Kyodai), đại học Osaka (Handai), đại học Tohoku (đại học Đông Bắc = Tohokudai), đại học Kobe, đại học ngoại ngữ Tokyo (Tokyo Gaikokugo Daigaku = Togaidai), đại học công nghiệp Tokyo (Tokodai), Hitotsubashi (Tokyo),...
Một số trường dân lập của Nhật cũng rất nổi tiếng và không hề thua kém các trường hàng đầu: Trường Keio (Keio gijuku daigaku = Khánh Ưng nghĩa thục đại học), trường Waseda (Todai).
Các trang tham khảo:
Chế độ giáo dục Nhật Bản - Wikipedia (Tiếng Nhật)
Danh sách các trường đại học ở Nhật - Wikipedia (Tiếng Nhật)
Danh sách các trường đại học quốc lập, công lập Nhật chấp nhận kỳ thi EJU (kỳ thi lưu học sinh) - JASSO
Danh sách các trường Nhật (quốc lập, công lập, tư lập, đại học ngắn hạn, dạy nghề,...) chấp nhận kỳ thi EJU
(JASSO - Tổ chức hỗ trợ học sinh Nhật Bản, chọn đường dẫn tương ứng để xem)
Danh sách các trường đại học ngắn hạn tại Nhật Bản (tanki daigaku) - Wikipedia
Danh sách các trường chuyên tu Nhật Bản - Wikipedia
Danh sách các trường dạy nghề Nhật Bản (kousen) - Wikipedia

Môi trường học tập tại Nhật Bản
Nhìn chung các trường ở Nhật rất chú trọng vào thực hành và có kế hoạch học tập cho cả năm. Học tập ở Nhật bạn cũng không cần tặng quà hay lấy lòng thầy cô (trái lại việc này còn bị coi là vô đạo đức) mà chỉ cần tập trung vào việc học tập. Thường các trường sẽ phát cho bạn lịch học của cả năm ngay từ đầu năm, bạn cũng có thể lên trang web của trường để tra cứu lịch học. Hướng dẫn thi vào trường, đề thi vào trường các năm trước cũng sẽ có trên trang web của trường.
Để thi vào một trường đại học, bạn cũng phải tham gia kỳ thi đầu vào như học sinh Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu thi như vậy thì bạn sẽ bị thua thiệt nên một số trường tổ chức kỳ thi riêng cho du học sinh. Thường là bạn sẽ phải thi thêm môn thi tiếng Nhật. Lệ phí thi cho một trường: 30,000 yên.
Để thi lên cao học, bạn cũng phải tham gia kỳ thi đầu vào của cao học của khoa mà bạn đăng ký vào (sẽ gồm các môn cơ bản và các môn chuyên ngành). Bạn có thể sẽ cần các chứng chỉ tiếng Anh như TOEIC hay TOEFL tùy từng trường. Nội dung thi, lịch đăng ký, lịch thi đều có trên trang web các trường. Tuy nhiên, nếu bạn lên cao học ở khoa mà bạn đã tốt nghiệp đại học, bạn có thể được ưu tiên lên thẳng mà không phải thi (chế độ 推薦 suisen). Tùy khoa mà có thể 90% số học sinh được suisen, hay chỉ 50% (hay 30%) được suisen.
Nhìn chung, thi đậu hay không hoàn toàn phụ thuộc năng lực học tập và khả năng chọn đúng trường của bạn.
Tham khảo: Trường Tokodai (phần dưới đây cũng sẽ lấy trường này làm ví dụ)
Lịch học năm 2012 trường Tokodai
Lịch thi vào trường
Tài liệu hướng dẫn đăng ký thi, nội dung thi
Hướng dẫn các cách thi vào trường cho du học sinh (bao gồm cả kỳ thi dành cho du học sinh)
Đề thi cao học các năm trước khoa điện tử (tìm theo từng khoa)
Danh sách đề thi cao học các năm các khoa (có thể vào từng khoa tìm)
Về đề thi các năm trước của kỳ thi đại học: Có thể đến trường và xin đề thi năm trước (1 năm), hoặc ra hiệu sách mua cuốn "Đề thi đại học các năm" (khoảng 3500 yên/cuốn mới, 1500 yên/cuốn cũ).
Các mốc thời gian trong năm học (Calendar)

Việc học tập trong trường
Bạn sẽ có 4 năm ở trường đại học:
- Năm thứ nhất học các môn cơ sở, bạn sẽ được chia vào 1 trong 7 nhóm (類 rui = loại) tùy theo chuyên ngành lớn bạn kỳ vọng (xem danh sách các 類 rui)
- Năm thứ hai bạn sẽ đăng ký khoa bạn học (学科 gakka) tùy theo nhóm (rui) mà bạn học, nguyện vọng sẽ được xếp theo điểm số (ví dụ các khoa cho Rui 4). Trong năm 2 và năm 3 bạn sẽ học ở khoa mà bạn học (các môn chuyên ngành), kèm theo đó bạn cũng có thể học các môn chung cho mọi chuyên ngành nếu muốn.
- Nắm thứ tư: Bạn sẽ vào phòng nghiên cứu nào đó để nghiên cứu và viết luận văn. Cách chọn phòng nghiên cứu thì tùy khoa, nhưng thường là oẳn tù tì (janken) hoặc rút thăm (bằng các quân bài) khi có nhiều người muốn vào cùng một phòng. Nhìn chung thì các phòng nghiên cứu cũng có độ yêu thích khác nhau, có phòng rất nhiều người muốn vào, có phòng chẳng ai muốn vào. Mà thứ tự yêu thích và độ yêu thích cũng thay đổi theo từng năm.

Tiền nhập học và học phí
Tiền nhập học (入学金 nyugakukin = nhập học kim) là 282,000 yên, tiền học (授業料 jugyouryou = nhập học liệu) 1 năm học đại học là 535,800 yên, tham khảo chi tiết tiền học tại đây.

Bạn học gì trong trường? Thời lượng bao nhiêu?
Một năm sẽ chia làm 2 kỳ, kỳ trước (tháng 4 ~ tháng 8) và kỳ sau (tháng 10 ~ tháng 3). Bốn năm học đại học sẽ có tổng cộng 8 kỳ học. Lịch học các kỳ học có thể tham khảo trên trang lịch học (PDF). Tất nhiên đây là lịch học của tất cả các môn, bạn có thể chọn học hoặc không.
Về cơ bản thì ở trường Tokodai bạn sẽ tự do chọn môn mình học, tức là bạn có thể chọn môn mình thích để học. Tuy nhiên, khi phân khoa rồi có một số môn chuyên ngành là bắt buộc, và có một số môn chuyên ngành không bắt buộc nhưng phải lấy trên bao nhiêu đơn vị trong  nhóm môn đó. Các môn cơ sở khi học năm 1 hay năm 2 cũng vậy, bạn sẽ phải lấy một số lượng nhất định các môn xã hội. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, các môn thống kê và xác suất lại được xếp vào mục môn xã hội ở đây.
Xem: Hướng dẫn các môn học của trường Tokodai
Một tiết sẽ là 90 phút và được tính là 2 đơn vị (2 trình). Sẽ có 2 tiết buổi sáng và 2 tiết buổi chiều. Tuy nhiên bạn sẽ tùy chọn môn học nên trung bình chỉ cần học 2 ~ 3 tiết một ngày. Để tốt nghiệp bạn cần 124 đơn vị (kể cả làm luận văn 8 đơn vị) nên trung bình 1 học kỳ bạn cần 124/8 = 17 tiết.
Về việc phải lấy đơn vị thế nào với số lượng bao nhiêu: Hướng dẫn học tập
Bạn phải lấy đủ đơn vị trong năm 1 thì mới được lên năm 2. Nếu bạn lấy thiếu, bạn sẽ bị đúp (留年 ryuunen = lưu niên). Số lượng đơn vị các môn bạn cần lấy cho đến khi tốt nghiệp sẽ như sau:
Môn \ Số lượng           |  Để lên năm 2 (vào khoa)  |  Để lên năm 4 (làm luận văn)   |  Để tốt nghiệp
Xã hội (bunkei)           |   4                                     |   12                                        |  14
Ngoại ngữ                   |   6                                     |   12                                        |  14
Tự nhiên cơ bản          |   14                                    |   16                                       |  16
Thể dục, thể thao        |   1                                      |   3                                         |  3
Môn chuyên ngành:
Khoa điều khiển         |                                         |   55                                         |  63
Tổng cộng: Trên 124
Xem thêm: Hướng dẫn học tập, phần 総説
Về môn chuyên ngành, bạn phải lấy các môn bắt buộc (có dấu ◎) và đủ số lượng môn có dấu tròn đơn (○), còn các môn không có dấu thì tùy lựa chọn. Ví dụ khoa điều khiển khi tốt nghiệp phải có 12 đơn vị tròn kép, ít nhất 4 đơn vị tròn đơn, ít nhất 14 đơn vị không có dấu. (Xem các môn theo từng kỳ khoa điều khiển PDF). Cần lưu ý là thường lấy 1 tiết (90 phút) sẽ là 2 đơn vị, nên 12 đơn vị sẽ là 6 môn học. Tất cả tài liệu về môn học, ngành học, số đơn vị cần phải lấy,... đều được phát thành tài liệu khi bạn nhập học và có thể tra cứu trên trang web của trường bất cứ lúc nào. Bạn hoàn toàn có thể nắm được mình cần làm gì, sẽ làm thế nào và vào khi nào cho cả 4 năm ngay từ khi vào học. Bạn cũng có thời khóa biểu để chọn môn và sắp xếp thời gian đi làm thêm.

Các kỳ nghỉ - Việc làm thêm trong kỳ nghỉ
Các trường học Nhật Bản có 3 kỳ nghỉ, số lượng nghỉ thực tế là khoảng 4 tháng, tức là lớn hơn các trường Việt Nam khá nhiều. Nhìn chung học tập ở Nhật nhẹ nhàng và thực tế hơn, kỳ nghỉ cũng nhiều hơn.
Nghỉ hè: 2 tháng, từ1/8 ~ 31/9 (thực tế thường từ 20~25/7 ~ 31/9, vì nửa cuối tháng 7 thường chỉ để thi)
Nghỉ xuân: 1 tháng, từ 1/3 ~ 31/3 (thực tế thường từ 20~25/2)
Nghỉ đông: 2 tuần, tầm 25/12 ~ 10/1
Với du học sinh, kỳ nghỉ bạn có thể làm tới 40 giờ/tuần.

Chế độ miễn giảm học phí, tiền nhập học
Trường có chế độ miễn giảm tiền nhập học (giảm một nửa) với học sinh khó khăn về tài chính. Đăng ký khi làm hồ sơ nhập học.
Ngoài ra, đầu mỗi kỳ học có thể đăng ký miễn giảm học phí (toàn bộ hay một nửa). Trường sẽ xét dựa trên nhiều tiêu chí (với du học sinh có lẽ là có học bổng hay không, học bổng bao nhiêu, có việc làm thêm hay không và thu nhập bao nhiêu). Tôi thấy khá nhiều du học sinh được miễn giảm một nửa học phí.
Tham khảo: http://www.gakumu.titech.ac.jp/gakuseisien/life/exemption/index3.html

Xin học bổng
Có các loại học bổng sau:
- Học bổng hoàn lại (lãi suất 0%) cho học sinh Nhật
- Học bổng của các tổ chức tư (quỹ tư nhân, công ty, tổ chức, ...)
Bạn có thể đăng ký làm hồ sơ qua trường. Trường sẽ xét xem bạn đủ tiêu chuẩn không, nếu đủ sẽ cho bạn đăng ký. Bên cho học bổng sẽ duyệt hồ sơ, những người đậu thường sẽ đi phỏng vấn học bổng. Nếu đậu phỏng vấn bạn sẽ nhận được học bổng. Thời hạn thì tùy từng loại, thường là 1-2 năm.
Bạn phải tích cực tìm thông tin học bổng qua kênh của trường. (Bạn cũng có thể tìm các kênh ở ngoài hoặc trực tiếp từ các nơi trao học bổng.)
Tham khảo: Học bổng cho du học sinh

Các thiết bị thường có trong trường
Thư viện (thẻ từ): Có thể mượn hầu hết sách học ở đây, bạn thậm chí có thể học mà không mua sách. Tuy nhiên sắp đến kỳ thi khoảng 2 tuần thì sẽ nhiều người mượn sách nên bạn phải mượn trước đó cho chắc. Mỗi người sẽ chỉ được mượn 2 tuần, nếu bạn bị chậm chân thì bạn sẽ phải đặt chỗ khi nào có họ sẽ báo cho bạn. Thư viện là nơi bạn có thể ngồi học hoặc nghỉ ngơi.
Thể dục thể thao: Phòng tập gym (thể hình, chạy bộ...), sân vận động, sân quần vợt, ...
Bể bơi: Bạn phải mua thẻ nửa năm hoặc 1 năm hoặc vé vào từng lần
Hệ thống học tập online, hệ thống wifi, phòng máy tính
Tài khoản trên trang web của trường để đăng ký môn học và các đơn vị đã lấy
Ký túc xá: Tùy trường, nếu trường có ký túc xá bạn có thể được ở từ 1 - 2 năm.
Tham khảo: Campus Life

Chế độ thính giảng
Tiếng Nhật: 聴講生 (choukousei = thính giảng sinh)
Đây là chế độ của các trường đại học Nhật Bản dành cho những người không phải học sinh chính quy (ví dụ người đi làm) muốn học một số môn của trường. Người học sẽ trả tiền nhập học và trả tiền theo từng môn học để được đi học cùng học sinh trong trường.
Với du học sinh, đây là chế độ giúp du học sinh tạm thời chưa đỗ được trường nào có thể xin visa ở lại Nhật. Ví dụ, nếu  bạn sang Nhật học tiếng Nhật và sau đó thi không đỗ vào đâu cả, thì bạn sẽ không có tư cách ở lại Nhật (tư cách để xin visa lưu trú). Bạn có thể xin vào làm thính giảng sinh của trường nào đó để xin visa ở lại Nhật (sẽ yêu cầu bạn phải lấy tối thiểu bao nhiêu môn trong một kỳ). Bạn sẽ trả tiền nhập học và tiền học phí cho việc học thính giảng của bạn, đổi lại bạn có thể có 6 tháng - 1 năm để ôn thi đại học hoặc cao đẳng dạy nghề tiếp. Chú ý: Theo như tôi biết bạn chỉ có thể xin visa bằng học thính giảng 1 lần (tối đa 1 năm).
Về chi phí: Tùy trường, với trường Tokodai thì tiền xét duyệt 9,800 yên, tiền nhập học 28,200 yên, 1 đơn vị học 14,800 yên. Ví dụ lấy 5 môn (1 môn là 2 đơn vị) thì số tiền phải nộp là:
検定料9,800円+入学料 28,200円+148,000円(2単位×5授業)=186,000円
Tham khảo: Chi tiết về 聴講生制度

Chế độ nghiên cứu sinh
Tiếng Nhật: 研究生 (kenkyuusei = nghiên cứu sinh)
Đây là chế độ dành cho người muốn vào phòng nghiên cứu làm cao học nhưng chưa đậu vào đâu, hay chưa thi vào đâu, dưới sự đồng ý của giáo sư phòng nghiên cứu vào làm nghiên cứu sinh.
Ví dụ bạn muốn làm cao học và bạn thấy thích phòng nghiên cứu (lab) nào đó và muốn nghiên cứu thử. Bạn sẽ xin ông thầy ở phòng đó cho vào, nếu ông ý đồng ý thì bạn có thể làm thủ tục vào làm nghiên cứu sinh. Bạn sẽ nghiên cứu ở đó nhưng sẽ không được cấp bằng và không được coi là khóa cao học chính quy. Thường là ông thầy sẽ cho bạn làm nghiên cứu sinh nếu sau này bạn muốn lên cao học ở chính lab đó. Tất nhiên sau này bạn có thể thi sang trường khác, lab khác, nhưng nên báo cho phòng lab mà bạn đang làm nghiên cứu sinh biết. Nhìn chung thì đó là thỏa thuận riêng của bạn và giáo sư phòng lab. Nhiều người đơn thuần quý bạn và muốn giúp bạn cũng cho bạn vào phòng lab của họ. Đây cũng là cơ hội để bạn làm quen với môi trường nghiên cứu tại Nhật để quyết định có lên cao học hay không.
Tham khảo: Nghiên cứu sinh là gì? (Trang web lãnh sự quán Nhật Bản)

Các chế độ rút ngắn thời gian học
Nếu bạn có thành tích xuất sắc, bạn có thể rút ngắn thời gian học theo các chế độ dưới đây.
- Tốt nghiệp sớm (早期卒業 souki sotsugyou = tảo kỳ tốt nghiệp): Nếu bạn học hết 2 năm rưỡi mà lấy đủ các môn với thành tích cao, bạn có thể đăng ký chế độ này, thay vì học hết năm 3 bạn vào phòng nghiên cứu (để nghiên cứu và làm luận văn), thì bạn có thể vào ngay từ kỳ sau năm 3. Như vậy bạn sẽ tốt nghiệp sớm nửa năm. (Bạn sẽ vào phòng nghiên cứu tháng 10 và tốt nghiệp tháng 10 năm sau.)
Lợi thế: Rút ngắn nửa năm.
- Nhảy cấp (飛び級 tobikyuu): Bạn có thành tích học tập xuất sắc sau 2 năm học, lấy đủ các môn cần thiết và vào phòng nghiên cứu ngay đầu năm 3. Bạn sẽ vừa lấy các môn còn thiếu vừa nghiên cứu và tốt nghiệp sau 3 năm.
- Liên thông đại học - thạc sỹ: Bạn sẽ vào và làm thẳng thạc sỹ, thay vì học đại học 4 năm, thạc sỹ 2 năm bạn chỉ cần học liên thông trong 5 năm. Bạn sẽ không lấy bằng đại học mà lấy thẳng bằng thạc sỹ luôn.
- Liên thông thạc sỹ - tiến sỹ: Bạn bỏ qua thạc sỹ mà làm thẳng tiến sỹ trong 4 năm (thay vì 2 năm thạc sỹ và 3 năm tiến sỹ = 5 năm).

Làm cao học tại Nhật Bản
Cao học ở Nhật gồm có thạc sỹ (修士課程 shuushi katei) và tiến sỹ (博士課程 hakase katei), trong đó thạc sỹ: 2 năm, tiến sỹ: 3 năm. Nhìn chung, học cao học tại Nhật Bản là thời gian để bạn nghiên cứu, chứ không phải học tập nữa. Bạn sẽ lấy một số môn học nhưng số lượng không nhiều (ví dụ học thạc sỹ sẽ lấy 30 đơn vị - khoảng 15 môn, trong 2 năm). Phần lớn thời gian bạn phải nghiên cứu các luận văn mới nhất về đề tài bạn định nghiên cứu, tìm tòi các ý tưởng mới, tiến hành thí nghiệm và nghiên cứu để cho ra một nghiên cứu mới. Bạn sẽ phải đọc khá nhiều luận văn và phải tự mình tìm ý tưởng và đề tài nghiên cứu. Người hướng dẫn của bạn (giáo sư hay người trợ giáo trong phòng lab) sẽ chỉ hướng dẫn và đưa ra lời khuyên cho bạn, chứ có thể không cho bạn đề tài. Nếu bạn vào lab mà người thầy giỏi, có nhiều đề tài thì có thể sẽ đỡ cực hơn. Nếu bạn vào một nơi mà ông thầy không quan tâm lắm tới học sinh của mình thì có thể bạn sẽ gặp hạn. Vì vậy nên chọn phòng lab và lĩnh vực nghiên cứu là việc hết sức quan trọng.
Về bậc học tiến sỹ, có nhiều người không thể hoàn thành sau 3 năm vì sẽ có hội đồng xét duyệt, bạn phải qua xét duyệt mới được tốt nghiệp, nếu không qua được phải làm tiếp sao cho đủ thành quả nghiên cứu. Thường với ngành kỹ thuật bạn phải có vài bài báo trên tạp chí uy tín của Nhật Bản hay quốc tế. Có nhiều người làm 4, 5 hay 6 năm mới xong tiến sỹ, hay thậm chí bỏ dở giữa chừng. Nếu bạn theo hết 3 năm tiến sỹ mà bạn không tốt nghiệp được, bạn vẫn sẽ được cấp giấy chứng nhận đã theo hết khóa tiến sỹ (đây không phải bằng tốt nghiệp).
Tóm lại, nếu bạn định học cao học tại Nhật Bản, bạn sẽ phải sẵn sàng cho cuộc sống trong phòng nghiên cứu và đọc các luận văn, tìm tòi hướng nghiên cứu mới.

Kết luận
Việc du học có thuận lợi hay không phụ thuộc vào học lực và nỗ lực học tập của bạn. Nếu khả năng học của bạn cao bạn có thể thi vào các trường lớn và cơ hội học bổng lớn hơn. Bạn cũng sẽ phải rèn luyện kỹ năng phỏng vấn vì bạn sẽ dùng nó thường xuyên khi xin việc làm thêm (arubaito), xin học bổng. Kỹ năng phỏng vấn cũng quan trọng ngang với khả năng học tập của bạn. SAROMA JCLASS sẽ giới thiệu các kỹ năng phỏng vấn trong một bài khác. Ngoài ra, các bạn cũng hãy thường xuyên ghé trang www.saromalang.com để cập nhật về Du học Nhật Bản nhé! Càng biết nhiều thông tin các bạn sẽ càng có nhiều thuận lợi và cảm thấy yên tâm hơn khi học tập tại Nhật.
Takahashi @ JCLASS

1 nhận xét: