Lời mở đầu
Ngôn ngữ là một môn khoa học, hơn nữa, là một môn khoa học tổng hợp. Không ngạc nhiên khi bạn được coi là thông minh khi giỏi ngôn ngữ. Những người thông minh (về ngôn ngữ) đều diễn đạt tốt và vốn từ lớn. Các công ty thích tuyển người giỏi ngoại ngữ! Vì những người có khả năng học tập thì khi làm việc cũng sẽ học tập để làm được việc.
Một công ty tốt sẽ tuyển người theo khả năng học tập. Một công ty kém sẽ tuyển người theo khả năng làm việc tức thời. Làm sao để biết người nào có khả năng học tập? Bạn PHỎNG VẤN họ. Một người có khả năng ngôn ngữ tốt, kỹ năng giao tiếp (communication skill) tốt thì nhiều khả năng sẽ trở thành người làm được việc (できる人 dekiru hito) trong tương lai. Ở Nhật dù đi xin việc làm thêm, xin việc làm, hay xin học bổng, vv đều có vòng phỏng vấn cả. Trước đó bạn thường phải thi cả môn tiểu luận (essay) nữa. Nhìn vào đó là họ đánh giá được 80% về bạn rồi.
Đặc biệt, thi đại học Nhật Bản cũng chắc chắn có vòng phỏng vấn. Bạn nào
đăng ký du học tại Saromalang thì thường được chỉ cho nguyên tắc phỏng vấn này để có thể phỏng vấn thi đại học, phỏng vấn học bổng khi du học.
Tất cả chỉ là mindset. Nhân tiện, tôi chia ra 2 dạng IQ căn bản:
- IQ về toán học
- IQ về ngôn ngữ
Ngày trước tôi suýt học chuyên toán, điểm thi chắc gần tuyệt đối. Vì thế nếu không dạy tiếng Nhật thì tôi dạy toán hay vật lý online chắc cũng ổn thôi. Hay không nhỉ? Ai mà biết được. Sắp tới tôi cũng tổ chức lớp luyện thi đại học Nhật Bản (kỳ thi EJU) cho các bạn muốn đậu Tô-đai hoặc đại học Nhật Bản ở Sài Gòn.
先入観 "Tiên nhập quan" nghĩa là gì?
"Tiên nhập quan" không phải là "vô quan tài trước" mặc dù bạn hiểu thế cũng được. Nếu trong đầu có quá nhiều "tiên nhập quan" thì có lẽ là bạn sẽ gặp rắc rối, nhiều khả năng vô quan tài về mặt tinh thần. "Tiên nhập quan" cũng không có nghĩa là "tiên nhập vô quan tài".
入 NHẬP = đi vào, có ở trong. Chữ này chắc không ai thắc mắc.
Chữ 先 TIÊN ở đây là "trước"
先 TIÊN (trước, phía trước) ≠ 仙 TIÊN (tiên nhân, tiên nữ)
Chữ 観 QUAN là quan điểm, quan sát:
観 QUAN ≠ 棺 QUAN
quan điểm, quan sát ≠ quan tài
Hai chữ QUAN khác hẳn nhau nhé. Trong tiếng Nhật cũng có chữ 入棺 NHẬP QUAN, tức là vô quan tài hay cho vô quan tài.
先入観 "Tiên nhập quan" thì "tiên nhập" tức là có sẵn, có sẵn từ trước, còn "quan" là quan điểm, ý kiến.
先入観 "Tiên nhập quan" = quan điểm, cách nhìn đã có sẵn từ trước
Tiếng Nhật đọc là せんにゅうかん sennyuukan.
Vậy dịch 先入観 "Tiên nhập quan" ra tiếng Nhật thế nào?
Tiếng Việt thì cúng ta gọi 先入観 "Tiên nhập quan" là "định kiến" (定見).
"Định kiến" (定見) là gì?
Ý kiến, quan điểm cố định, có sẵn từ trước.
Vấn đề là, cách dùng "định kiến" như thế nào? Nói cách khác, SẮC THÁI của từ "định kiến"?
Việc hiểu sắc thái mới giúp bạn thực sự sử dụng được từ vựng. "Định kiến" thì sắc thái nghĩa là bạn mang sẵn ý nghĩ xấu hay tiêu cực về một đối tượng nào đó, thường là "vơ đũa cả nắm".
Chúng ta không dùng "định kiến" đối với việc tốt, ví dụ chúng ta không nói:
× "Tôi có định kiến người Nhật rất lịch sự."
× "Tôi có định kiến người Việt rất thân thiện."
TRỪ KHI, bạn cố tình gây cười cho mọi người, tức là sử dụng ngôn ngữ một cách kỳ lạ nhưng khéo léo, để tạo ra hiệu ứng nào đó. Tôi làm chuyện đấy suốt trên trang web này mà! ^^ Tức là, cũng là một từ nhưng bạn có thể sử dụng theo cách "sai sai" với một mục đích cao hơn, thường chỉ là gây cười hoặc gây tò mò. Nhưng bạn sẽ được đánh giá là người có khiếu hài hước, thật sự cuộc sống sẽ dễ thở hơn rất nhiều.
Nhân tiện, định kiến tiếng Anh là PREJUDICE.
Pride and prejudice = Kiêu hãnh và định kiến
Tổng kết lại là thế này, khi học tiếng Nhật hay tiếng Việt, chúng ta phải phân tích được ngữ nghĩa gốc của mỗi chữ kanji. Chỉ khi nào bạn hiểu rõ kanji thì bạn mới có thể
sử dụng từ vựng một cách logic. Có nhiều người không sử dụng từ vựng một cách logic, nhất quán, vì thế trong cuộc đời và công việc không ai coi trọng họ. Dạo này giới trẻ "bại não" rất thích nghĩ ra ngôn ngữ mới kiểu như "giải ngố" chẳng hạn. Vì họ đã quên nghĩa của từ ban đầu rồi, hay đúng ra, họ không còn diễn đạt được nữa nếu không "sáng tác từ mới". Cuộc đời sẽ cô đơn dài dài đấy. Tôi không khuyến khích ngôn ngữ này, hãy nói ngôn ngữ "cổ điển" cho thành thạo và sử dụng ngôn từ một cách logic.
Và thật ra thì tiếng Anh cũng cực kỳ logic. Muốn học Anh ngữ tốt, cũng phải biết một chút về tiếng latinh. Thật ra học tiếng Nga thì vẫn cần học tiếng latinh.
Trong chữ PREJUDICE thì có hai phần là PRE và JUDICE.
Tiền tố Pre- là trước (prewar = trước chiến tranh), ngược với nó là tiền tố Post- là sau (postwar = sau chiến tranh). Còn Judice là sự phán xét (to judge).
Do đó Prejudice = phán xét từ trước, phán xét sẵn. Do đó, nó là "định kiến" (ý kiến, quan điểm đã cố định từ trước).
Học ngoại ngữ thường giúp bạn có khả năng so sánh, từ đó nâng cao ngôn ngữ mẹ đẻ lên. Việc học ngôn ngữ theo tôi nên học cách TƯ DUY VỀ TỪ VỰNG, để bạn có thể tự học các từ vựng. Chứ nếu chỉ học kiểu ôm đồm, nông cạn, chỉ dùng KÝ ỨC NGẮN HẠN thì bạn sẽ sớm quên và vốn từ không tăng được mấy, sẽ giảm dần theo thời gian. Còn nếu học theo cách đúng, một cách logic, thì bạn sẽ nhớ lâu dài.
Đừng có "tiên nhập quan" rằng cứ chăm chỉ học hàng tiếng mỗi ngày, học ôm đồm ngữ pháp, từ vựng với chí khí ngút trời là sẽ giỏi tiếng Nhật. Làm thế nhiều khả năng sẽ sớm 入棺 "nhập quan" trong việc học tiếng Nhật. Nói nôm na là "anh đã quá cố do đã cố quá" ^^. Vì thế, tôi ủng hộ việc học tư duy để học một cách nhẹ nhàng và ghi nhớ lâu dài bằng ký ức dài hạn.
Tôi sẽ áp dụng cả phương pháp này trong ôn luyện EJU để thi Tô-đai cũng như bất kỳ trường đại học nào mà bạn muốn vào học tại Nhật Bản.
Takahashi