Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Không có gì đặc biệt: Betsu ni, toku ni...

Trong tiếng Nhật, nói "Cũng không có gì đặc biệt" thì sẽ nói thế nào?

Tiếng Nhật có một cụm từ là 別に betsu ni.
Kanji: 別 BIỆT = khác, khác biệt, tạm biệt, chia tay.
"Betsu ni" thường dùng để trả lời câu hỏi nào đó.

Ví dụ:
今日何か面白い計画ある?Kyou nanika omoshjirui keikaku aru?
Hôm nay có gì thú vị không?

Trả lời:
別に。Betsu ni = Không có gì đặc biệt cả.

Đây là trả lời tắt. Trả lời đầy đủ là:
別に面白い計画がない。Betsu ni omoshiruoi keikaku ga nai.
Không có kế hoạch gì đặc biệt cả.

Ví dụ:
何か飲みたいものがある。Nanika nomitai mono ga aru?
Bạn muốn uống thứ gì đó không?
Đáp:
別に。Betsu ni.
Không cần gì đâu.

"Betsu ni" thường chắc chắn sẽ là phủ định tiếp sau đó. Tức là, nó chỉ dùng cho ý nghĩa phủ định.

Còn một cách khác để nói là dùng 特に Toku ni.
Kanji: 特 ĐẶC = đặc biệt.
Tuy vậy, để nói "không có gì đặc biệt" thì bắt buộc sau "toku ni" phải là một vế câu phủ định vì "toku ni" có thể dùng với nghĩa khẳng định nữa.

Ví dụ:
特に面白い番組がない。Toku ni omoshiroi bangumi ga nai. Không có chương trình thú vị gì đặc biệt cả.

Nó cũng được dùng với nghĩa khẳng định:
特に、日本では4月になると桜がとても美しく咲く。
Toku ni, Nihon dewa shigatsu ni naru to, sakura ga totemo utsukushiku saku.
Đặc biệt, ở Nhật Bản, cứ tháng 4 tới là hoa anh đào sẽ nở rất đẹp.

Chìa khóa: 別に Betsu ni (chỉ phủ định), 特に Toku ni (khẳng định / phủ định).

Không cần đâu

Bạn có thể nói "Không cần đâu" khi có người đề nghị giúp đỡ bằng cách nói 別にいいです Betsu ni ii desu.
Ví dụ:
荷物を持ってあげましょうか。Nimotsu wo motte agemashou ka. = Để tôi mang hành lý giúp cho nhé.
別にいいです Betsu ni ii desu. = Không cần đâu ạ.

Để sống hoành tráng

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

"Tôi mời" và văn hóa trả tiền của người Nhật

Chúng ta thường gặp lời mời thế này:

食事に行きませんか
Shokuji ni ikimasen ka?
Bạn đi ăn không?

Rủ ăn trưa thì sẽ là dùng đại loại như:
Hiru-gohan wo tabe ni ikimasen ka?
Hiru-meshi wo tabe ni ikimasen ka?
Ranchi ni ikimasen ka?

Ranchi là từ tiếng Anh Lunch (bữa trưa). Tiếng Nhật cũng giống tiếng Việt, rủ làm gì thì dùng phủ định, tức là hỏi "có (làm gì) không".
ランチ: Lunch, bữa trưa
昼ごはん Hiru gohan = bữa trưa (昼御飯 Trú Ngự Phạn)
昼飯 Hirumeshi (Trú Phạn) = cơm trưa

Đây chỉ là rủ đi ăn cùng thôi, chứ không phải họ mời bạn nên họ sẽ không trả tiền cho bạn. Văn hóa mời ở Nhật cũng giống ở Sài Gòn, rủ đi ăn là đi ăn chung còn trả tiền lại riêng. Điều này khác biệt so với Hà Nội, khi người rủ thường sẽ trả tiền bao luôn mọi người. Nhiều người vào SG có thể mất bạn bè vì điều hiểu lầm này.

Nếu người Nhật mời bạn ăn thì sẽ là:

奢りますよ Ogorimasu yo = Tôi mời bạn
今日は奢りますよ Kyou wa ogorimasu yo = Hôm nay tôi mời
奢るよ Ogoru yo = Tớ trả tiền cho (bạn bè)

Có một cách nói khác đó là ご馳走するよ Go-chisou suru yo = "Tôi sẽ mời bạn" nhưng câu này cũng dùng trong hoàn cảnh "Tôi sẽ nấu ăn đãi bạn", 馳走 Chisou Trì Tẩu là chỉ việc đôn đáo chạy đi chạy lại, ở đây là trong bếp khi bạn nấu ăn đãi khách. Do đó ご馳走様 Go-chisou-sama là cách gọi lịch sự của người đã vất vả nấu ăn cho bạn.

Go-chisou shite ageru = Tôi sẽ mời bạn ăn / Tôi sẽ nấu ăn mời bạn ăn

Khi một người kêu bạn đi quán và nói là "Go-chisou suru yo" thì có nghĩa là họ sẽ trả tiền thay cho bạn.

Go-chisou sama
Khi bạn vào quán ăn, sau khi ăn xong và ra về bạn thường nói "Go-chisou sama deshita", tức là "Cám ơn vì bữa ăn ngon".

Văn hóa trả tiền của người Nhật

Người Nhật ít khi bao bạn bè, mà họ thường góp tiền để trả, gọi là 割り勘 warikan, gọi tắt của 割前勘定 Warimae Kanjou (Cát Tiền Khám Định), ở đây Kanjou - Khám Định có nghĩa là tính bill, hay tính tiền đó. 割る Waru = chia ra là chia số tiền đó ra, 割前 warimae là phần tiền chia. Tiếng Anh của warikan là going Dutch (đi ăn kiểu Hà Lan) hay Dutch treat. Người Hà Lan hay bị châm biếm vì tính sòng phẳng này.

Warikan nghĩa là chia số tiền cho số người và mỗi người trả tiền bằng nhau.

Ăn uống ở Nhật rất tuyệt! Càng tuyệt hơn nếu có người trả tiền cho ta!