Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Tại sao "Iku zo" (行くぞ) nhưng lại "Ikou ze" (行こうぜ) ?

 "Zo" hay "ze" là sắc thái từ để cuối câu để biểu thị sắc thái thông báo thông tin cho người khác biết. Nghĩa của chúng giống nhau. Và cũng giống với "yo", biểu thị thông báo thông tin "đây, đấy, đâu" như S đã nói trước đây:

行きますよ = Tôi đi đây

彼は学生ですよ = Cậy ấy là học sinh đấy

好きじゃないよ = Tôi có thích đâu

"Zo" cũng như vậy nhưng chứng tỏ sự suồng sã:

だめだぞ! Đếch được đâu!

Ví dụ như thế. Nhưng tại sao nói 行くぞ = "Iku zo" nhưng dạng ý chí thì lại là 行こうぜ = "Ikou ze"?

Bởi vì nói thế sẽ thuận miệng hơn. Nếu nói "Ikou zo" thì có hai âm tiết cùng là "ô" dễ bị lẹo lưỡi.

Dịch nghĩa:

行くぞ = Đi đây / Lượn đây

行こうぜ (ý chí, "let's", chúng ta hãy) = Lượn nào! / Đi nào! (Bọn mình đi nào)

Ví dụ:

今度こそ気合いを入れてN1に合格するぞ!

今度こそ気合いを入れてN1に合格しようぜ!

Nhưng học mấy cái này thì được gì, chẳng phải cứ học dạng chuẩn よ và áp dụng cho an toàn?

Không học thì chưa chắc đã an toàn, vì tuy đây là ngôn ngữ nói, nhưng lại rất phổ biến. Tất nhiên bạn không thể nói với người vai vế trên hay trong hoàn cảnh trang trọng dạng "zo", "ze" được, nhưng bạn vẫn có thể sử dụng với ngữ cảnh diễn tả suy nghĩ nội tâm vv của bạn. Như thế, bạn sẽ là người biết cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp hoàn cảnh, vì thế sẽ được nể trọng. Ví dụ, trong cuộc họp trang trọng bạn vẫn có thể nói:

これから会社のために、社長のために、命を投げ出しても新製品を開発しようと考えております。

Tuy sử dụng "ze" là ngôn từ suồng sã, nhưng đây là sự diễn tả nội tâm quyết tâm hi sinh vì công ty, vì "xã trưởng" (trưởng của "hội xã", tức giám đốc công ty), nên càng đáng quý. Thực tế nói thế này thường được yêu mến hơn là lúc nào cũng lịch sự 100%, vì trong nội tâm mà vẫn còn lịch sự thì đúng là kẻ yếu đuối, vô năng, làm sao có thể hi sinh vì công ty, vì xã trưởng cho được?

Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng, những người như "xã trưởng" sẽ dùng "zo", "ze" thường xuyên nên bạn cũng phải thành thạo để nghe cho quen.

Nhân tiện, vì sao lại dùng "zo" thay cho "yo"?

Takahashi

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

"Đãi bôi" có phải từ gốc Hán không?

 Sau "mầu nhiệm" tôi lại thừa thắng xông lên với "đãi bôi". Vì sao cứ phải KHỔ TÂM KHỔ NÃO như thế? Vì cuộc đời là như thế! Chúng ta phải học tới cùng, xem nó đi tới đâu. Làm vì đam mê thôi!!

ĐÃI BÔI cũng chưa có cao nhân nào giải thích thấu đáo nguồn gốc ngữ nghĩa của nó, nên chúng ta cũng thử mổ xẻ xem có gì hay.

"Đãi bôi" tức là mời người khác (tới chơi, tới ăn uống vv) nhưng không thật lòng có ý đó. Đây là từ của người miền bắc, còn người miền nam sẽ nói là "mời lơi".

Ví dụ: Nó chỉ nói đãi bôi thế thôi, chứ chẳng bao giờ mời ai tới nhà ăn bao giờ.

A: Lúc nào rảnh em ghé nhà anh chơi nhé.

B: Lại mời đãi bôi đấy à?

"ĐÃI" là mời, là từ gốc Hán 待 ĐÃI, ví dụ CHIÊU ĐÃI 招待, ĐỐI ĐÃI 対待 vv. Còn BÔI là gì?

Có người giải thích BÔI là BỘI trong phản bội, tức là nói mà lại phản bội lại lời hứa của mình không thực hiện. Tuy nhiên, về ngữ nghĩa Hán văn lẫn Việt văn đều có vấn đề lớn, vì trước hết không ai nói ĐÃI BỘI cả, ghép hai chữ Hán lại đúng là khiên cưỡng và sai về ngữ nghĩa. Vì hai chữ nghĩa quá khác nhau để có thể hiểu đúng khi ghép với nhau. Người ta ghép hai chữ gần nghĩa, đồng nghĩa ví dụ PHẢN BỘI, BỘI BẠC (cả hai chữ ghép đều có ý như nhau).

Ngoài ra, dùng tới chữ "phản bội" có phải nặng nề rồi không? Chỉ vì người khác mời xã giao rồi "chưa" thực hiện mà kết cho người ta thành người xấu thì đâu phải truyền thống tương thân tương ái của người VN?

Bản chất của mời đãi bôi là việc xã giao, làm sao cho êm thấm, lịch sự, không mất lòng nhau. Có lời mời thì tốt hơn là lặng thinh, tỏ ý coi khinh chứ? Người ta bảo "Lời chào cao hơn mâm cỗ" kia mà?

Mời nghĩa là vẫn có sự hòa khí nhất định, chứng tỏ cũng có sự tôn trọng. Còn không mời nghĩa là còn chẳng thèm giữ quan hệ.

Do đó, bản chất ở đây là phép xã giao, nhưng phép xã giao thì bao giờ cũng không thật lòng. Không chỉ ở VN, mà phương tây cũng thế. Người phương tây hay người Nhật Bản có thể rất lịch thiệp, nhưng không bao giờ mời về nhà chơi. Nếu ngỏ ý tới nhà họ chơi thì họ viện đủ lý do rất ư là hợp lý như nhà cửa bề bộn vv để xin miễn. Đây cũng là xã giao, chẳng lẽ kết luận họ không thực lòng hay sao?

Vì thế, chữ BÔI không thể là chữ Hán được, mà là chữ thuần Việt.

BÔI đơn giản là bôi ra, vẽ ra (bôi vẽ thêm) để cho có chuyện mà nói, để giữ phép lịch sự, chứ sẽ không thực hiện.

ĐÃI BÔI tức là mời xã giao, lời mời bôi thêm ra để không khí nhẹ nhàng, bớt căng thẳng, giữ phép xã giao và hòa khí.

ĐÃI BÔI = MỜI LƠI

Người nam bộ thì không nói "đãi bôi" mà nói "mời lơi". MỜI LƠI là thế nào?

LƠI tức là buông lơi, lả lơi, tức là thả ra (mà không bắt lại). Ăn mặc là lơi tức là ăn mặc kiểu thả hết cả bên trong ra, đốt mắt người khác nhưng không có ý để mồi chài một ai cụ thể, tức là để "tóm" con cá nào đó, buông lơi là thả ra không bắt lại, trúng ai thì trúng.

MỜI LƠI nghĩa là buông lời mời ra nhưng không "bắt lại", tức là không giữ lời, không thực hiện. Mời thì mời vậy thôi, nhưng đời nào thực hiện cho tốn kém! ^^

Đương nhiên, "mời lơi" thì không phải có nguồn gốc chữ Hán.

Takahashi

"Mầu nhiệm" có phải gốc chữ Hán không?

"Mầu nhiệm" hay "nhiệm mầu" (cũng nói là "màu nhiệm" hay "nhiệm màu") là nói về thứ gì đó có tác dụng một cách tài tình và ta cảm nhận được tác dụng của nó, nhưng lại cao siêu, kín đáo, khó nhận biết được.

Ví dụ: cuộc sống nhiệm mầu, phương thuốc mầu nhiệm

Chưa có bài nào phân tích thấu đáo về nguồn gốc chữ Hán của "mầu nhiệm" và đây là bài đầu tiên. Đây có thể là gốc chữ Hán của "mầu nhiệm":

Tiếng Việt: "mầu nhiệm", chữ Tôm/Hán tự: 妙°験° [âm Hán Việt: diệu nghiệm] 

Nguồn: Từ điển Hán Tôm - Phương Mai Từ Điển

Phân tích:

Ở đây, "mầu" hay "màu" chắc chắn không phải là màu sắc và "nhiệm" không phải là ủy nhiệm, nhiệm vụ. Mặc dù thế, chữ "mầu nhiệm" này lại rất có vẻ là từ gốc Hán. Nhìn kỹ ý nghĩa của nó thì ta thấy là nó có hai phần nghĩa một là "tác dụng mà ta cảm nhận thấy" và "cao siêu, kín đáo, khó hiểu", từ đây sẽ gợi ý cho chúng ta cách lần ngược về gốc Hán của nó. Quan trọng là QUÁ TRÌNH TƯ DUY NGÔN NGỮ, chứ thành quả chỉ là kết quả sau cùng.

Trong tiếng Hán, việc cảm nhận thấy, hay nghiệm ra, tức là kinh nghiệm, trải nghiệm sẽ thường hay sử dụng chữ 験 NGHIỆM.

Còn thứ cao siêu, khó nắm bắt thì chúng ta hay sử dụng 妙 DIỆU, ví dụ kỳ diệu, huyền diệu, tuyệt diệt, vi diệu, vv.

Khi kết hợp hai chữ Hán này ta có nghĩa trùng khớp với "mầu nhiệm", hơn nữa, cách đọc lại rất giống nhau, nên tôi cho rằng, nguồn gốc của MẦU NHIỆM chính là 妙験 DIỆU NGHIỆM.

Tức là chữ này đã được Việt hóa tới mức gần giống như tiếng Việt, giống như từ chợ búa hay góa bụa.

Các bạn cũng có thể tra các từ khác trên từ điển Hán Tôm - Từ điển Yurica.

Takahashi

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Giới thiệu cách viết kanji 2021

 Chào các bạn, trước đây S đã giới thiệu trang hướng dẫn cách viết kanji rồi nhưng hôm nay sẽ  giới thiệu một trang mới với cách viết theo từng nét bằng cả hình ảnh lẫn hình ảnh động animation, đó là trang Jisho.org.

Giao diện trang:


Trang này có đầy đủ thông tin cũng như các từ vựng liên quan tới chữ kanji và có dịch sang nghĩa tiếng Anh. Với các bạn muốn tra âm Hán Việt thì có thể sử dụng từ điển kanji Yurika và hiện từ điển kanji này cũng có liên kết tới từ điển Jisho trên để có thể tra cách viết kanji nhanh chóng với bạn nào có nhu cầu.

Nếu bạn muốn tra chỉ chữ kanji thì nhập vào ô tìm kiếm ví dụ 動 #kanji. Nếu bạn muốn mở bằng liên kết thì ví dụ:

https://jisho.org/search/動20%23kanji

Với các bạn muốn tích hợp cách viết kanji (animation) vào trang web của mình

Trang Jisho nói trên sử dụng thư viện cách viết chữ kanji bằng vector (định dạng svg) do một người phương tây tên là Ulrich Apel lao động XHCN tạo ra, bạn có thể tải về tại đây:

Thư viện cách viết kanji vector: http://kanjivg.tagaini.net/

Sau đấy bạn dùng công cụ vẽ đồ họa bằng Javascript gọi là Raphael và áp dụng của nó là DMAK (Draw Me A Kanji), xem các hướng dẫn dưới đây:

Với công cụ này bạn có thể tùy chọn nhiều tham số như nét vẽ, màu nét vẽ, tốc độ v.v. và công cụ này được tích hợp trên trang Jisho.org cũng nhất tất cả các trang web sử dụng vẽ vector khác.
Takahashi