Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Những kỳ thi tiếng Nhật phải thi một lần trong đời: JTEST

Học để thi và thi để học. Đã học là sẽ đi thi để chốt lời, và qua việc ôn thi bạn cũng sẽ biết điều gì là quan trọng, điều gì là không. Học ôn thi không phải là học tiểu học, cắp sách tới lớp, thầy cô cứ nói, học trò cứ mơ màng, lúc về đầu óc còn nửa mơ nửa tỉnh không thêm được bao nhiêu kiến thức. Nghĩ là mình đã "học" mà thật ra không có gì trong đầu, chỉ lưu vào ký ức ngắn hạn, hai tháng sau quên sạch.

Học để thi thì khác. Phải học một cách tự chủ, tự giác mới có thể thành công một cách tự nhiên. Học ôn thi giúp bạn biết phải lập kế hoạch vì học chậm quá cũng sẽ không thành công. Ngoài ra, hãy tránh xa các lớp cấp tốc. Những lớp này không làm tăng kiến thức mà chỉ nhồi nhét, làm hại đầu óc.

Vì đã có kết quả thi JLPT rồi, và là lần cuối tôi đi thi, nên từ nay sẽ chuyển sang "công lược" JTEST.

Mẫu bằng JTEST

JLPT là "đế" thì JTEST cũng là "vương"

Mặc dù nhiều người chỉ biết JLPT nhưng JTEST cũng rất hay và nên đi thi để biết là JLPT cũng chỉ là một góc trong tiếng Nhật thôi, không phải là tất cả. Tránh sùng bái mỗi JLPT và coi JLPT là thước đo duy nhất của việc giỏi tiếng Nhật. Bạn thi nhiều kỳ thi thì bạn có nhiều góc nhìn khác nhau, học theo nhiều cách khác nhau, nên có thể trở nên giỏi hơn.

Ngoài ra, bạn có lòng nhiệt huyết thi cử thì cũng sẽ được đánh giá cao hơn. Tất nhiên, lòng nhiệt huyết phải đi kèm cả "chân tài thực học" nữa. Do đó, phải cam kết để crack kỳ thi và đạt điểm tối đa có thể thì hẵng đi thi.

Tôi sẽ tổ chức nhóm luyện thi JTEST cho các bạn học lớp Cú Mèo trước đây để cùng nhau "công thành" JTEST nhé.

Có ba kỳ thi tiếng Nhật mà bạn phải thi một lần trong đời:

JLPT (năng lực Nhật ngữ): Tiếng Nhật hàn lâm (academic)
JTEST: Tiếng Nhật thực dụng (practical)
BJT (Business Japanese Test): Tiếng Nhật thương mại (business)

Có ba thứ này đảm bảo sẽ đánh đâu thắng đấy. Nên cần có lòng nhiệt huyết (熱心 nesshin) + chân tài thực học (実力 jitsuryoku).

Với các bạn du học sinh thì học tiếng Nhật trong trường Nhật ngữ là nền tảng thôi, muốn học lên cao, đi xin việc sẽ cần các loại tiếng Nhật và bằng cấp trên.

Trường Nhật ngữ: Nền tảng tiếng Nhật
Đại học: Tiếng Nhật hàn lâm
Đi làm công ty: Tiếng Nhật thương mại

Kỳ thi JTEST thì là kỳ thi thực dụng, sẽ là trung gian, giống như TOEIC trong tiếng Anh vậy. Bạn công thành thành công một kỳ thi, thì cũng sẽ công thành được các kỳ thi còn lại.

Nếu JLPT là "đế" thì JTEST là "vương", còn BJT là "bá".

Học và thi JLPT là "đế đạo" thì học và thi JTEST là "vương đạo". Vì thế, hãy cùng thi JTEST nhé.

Mục tiêu khi thi JTEST

Thi thể đạt điếm cao mới là quan trọng. JTEST cấp độ A-D (từ A tới D) có tối đa 1000 điểm, tùy theo bạn lấy bao nhiêu mà được cấp độ tương ứng.

Cấp G: 120 điểm (max. 200)
Cấp F: 250 điểm (max. 500)
Cấp E: 350 điểm (max. 500)
Chuẩn D: 400 điểm (max. 1000)
Cấp D: 500 điểm (max. 1000)
Cấp C: 600 điểm (max. 1000)
Chuẩn B: 700 điểm (max. 1000)
Cấp B: 800 điểm (max. 1000)
Chuẩn A: 850 điểm (max. 1000)
Cấp A: 900 điểm (max. 1000)
Cấp A đặc biệt (A+): 930 điểm (max. 1000)

Mục tiêu của tôi là cấp A+. Còn mục tiêu của mọi người nói chung nên là cấp B trở lên. Tức là được 80% trở lên, như thế mới gọi là có thực lực, có chân tài thực học, mới được đánh giá cao.

Từ nay, tôi sẽ dành thời gian chuẩn bị công cụ để "công thành" JTEST. Trước hết cũng phải đăng ký thi đã.
Takahashi

Săm soi mổ xẻ điểm JLPT kỳ tháng 7/2018

Từ 8 giờ sáng nay các bạn đăng ký và thi JLPT tại VN đã có thể trả kết quả online kỳ thi JLPT tháng 7/2018 (cách tra và trang web tra).

Hôm nay tôi sẽ mổ xẻ lần cuối điểm JLPT xem có gì hay.

Đây là điểm của Takahashi:


Kỳ thi: 7/2018
Cấp độ: N1
Địa điểm: Saigon, VN
Kết quả: Pass
Điểm số:
Language Knowledge 60/60
Reading 60/60
Listening 51/60
Tổng điểm 171/180 (đạt 95%)
Reference: Vocabulary hạng A, Grammar hạng A

Như vậy trừ phần nghe (chất lượng âm thanh tầm 50 ~ 60%) ra thì Takahashi được điểm tối đa (満点 manten, full score) nhưng không thật sự là làm đúng hết đâu, mà là do chuẩn hóa.

Dưới đây thử săm soi mổ xẻ nhé.

Điểm dự tính và điểm thực tế

Trong tháng 7 năm 2018 thì tôi đã dự đoán kết quả thi JLPT của Takahashi ngay sau khi thi xong.

Điểm dự đoán: 167
Điểm thực tế: 171

Chênh nhau chỉ 4 điểm, tương đương 4/171 = 2.3% hay 4/180 = 2.2%, như vậy dùng công cụ tính điểm JLPT gần đúng của Saromalang khá là chính xác.

Phần kiến thức ngôn ngữ
Thực tế: Đúng 42/45 câu đạt 93%
Điểm số: 60/60 đạt 100%

Chuẩn hóa xong có lợi về điểm này.

Phần đọc hiểu
Thực tế: Đúng 24/25 câu đạt 96%
Điểm số: 60/60 đạt 100%

Phần này cũng được lợi do chuẩn hóa.

Phần nghe hiểu
Thực tế: Đúng 31/35 câu đạt 89%
Điểm số: 51/60 đạt 85%

Phần này bị bất lợi do chuẩn hóa. À không, không hẳn. Có lẽ là do tôi chỉ làm đúng được câu ít điểm vì có nghe được mấy đâu, đoán mò là chính. Còn các câu khó, là các câu dài, thì ... nghe được chết liền, lấy gì mà đoán mò.

Tổng điểm
Dự đoán: 167/180 đạt 93%
Điểm số: 171/180 đạt 95%

Tổng điểm được lợi 2% do chuẩn hóa, nên cũng không đáng kể, vì thế kết luận là KHÔNG THÍCH CHUẨN HÓA, vì không thể hiện chân tài thực học.

Nhân tiện, đừng thấy manten (full score) mà nghĩ bậy là người ta làm đúng hết.

Tóm lại thì thi JLPT cũng chỉ đến thế mà thôi. Đây là lần thứ ba tôi thi trong đời, cũng coi như là đã hài lòng, mãn nguyện rồi. Từ lần sau, tôi sẽ chinh phục kỳ thi khác, đó là JTEST. Vì JTEST bây giờ mới là ngôi sao sáng trên bầu trời tiếng Nhật, và mục tiêu là cấp độ A-D (thi chung từ cấp độ A cao nhất tới D). Điểm tối đa là 1000 điểm và nếu bạn đạt 930 điểm trở lên sẽ được chứng nhận là cấp độ A+ (tức cấp A đặc biệt hay cấp xuất sắc).

Tôi sẽ tiếp tục crack kỳ thi JTEST để đạt được tới cấp độ A+. Vì đã tốn công học tiếng Nhật thì nên "công thành" càng nhiều càng tốt. Bạn nào theo tôi thì tôi sẽ chia sẻ tài liệu để cùng nhau học tập, cùng nhau đi thi. (Điều kiện là đậu N1 rồi nhé ^^)

Sau JTEST sẽ là kỳ thi Tiếng Nhật thương mại BJT (Business Japanese Test) - kỳ thi này có thể thi trên máy quanh năm. Cấp độ xuất sắc là J1+.

Trong đời học tiếng Nhật, nhất định phải thi ba kỳ thi này. Đầu óc sẽ được khai sáng, tâm hồn sẽ bay bổng, còn đi làm kiếm lương cao thì có khó gì?

Nếu bạn có lòng nhiệt huyết thì trời biết, đất biết, mọi người đều nhìn thấy, có gì mà phải tính toán thiệt hơn, "sân si" điểm số hay tiếc ít lộ phí đi thi. Học để thi, thi để học. Như thế mới là "đạo học tiếng Nhật".

Tiếng Anh cũng vậy thôi, đã học là sẽ thi, để xem mình ở đâu, kết quả học tập thế nào. Tôi từng thi TOEFL và TOEIC rồi đấy, cũng khá hoành tráng. Tôi còn thi cả kỳ thi tiếng Trung ở Nhật nữa, đạt được cấp hai.

Rồi ai cũng phải nhắm mắt xuôi tay, quan trọng là, bạn đã đánh bao nhiêu trận, thua bao nhiêu lần mà không nản chí, thắng bao nhiêu lần để thừa thắng xông lên "liều mình như chẳng có (cửa)" mà thôi.
Takahashi

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Chống ký tự rác (mojibake) phần mềm tiếng Nhật trong Windows 10

Để chương trình phần mềm viết bằng tiếng Nhật không bị lỗi ký tự rác (文字化け mojibake) trong Windows 10 thì bạn hãy thiết lập System Locale cho phần mềm không hỗ trợ Unicode là Japanese nhưng quan trọng là phải bỏ dấu chọn khỏi ô "Beta: Use Unicode UTF-8 for worldwide support language".

Dưới đây là cách làm:

Mở Settings > Time & Language:


Region & language > Administrative language settings


Administrative > Thay đổi "Change system locale..." ở "Language for non-Unicode programs" là Japanese (Japan).


Quan trọng: Nhấp vào "Change system locale...", bỏ dấu chọn ở ô "Beta: Use Unicode UTF-8 for worldwide support language" nếu đang chọn. Vì nếu chọn thì các software tiếng Nhật sẽ được hiển thị bằng Unicode và có thể bị ký tự rác (mojibake).


Về cách cài, cách gõ tiếng Nhật cho máy tính, điện thoại vv thì xem tại album trên Facebook cho trực quan.
Takahashi

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

"Nhất kiếm định thiên hạ" (一剣定天下)

... hay "nhất kiếm định giang sơn" (一剣定江山). Tức là chỉ một lần khởi binh mà bình định, đoạt được cả thiên hạ.

nhất kiếm = một thanh kiếm, một lần vung kiếm, một trận đánh

"Nhất kiếm định thiên hạ" (一剣定天下) = only one battle to conquer the whole nation / to conquer the whole nation with only one battle

Câu chuyện nối tiếng nhất về "nhất kiếm định thiên hạ" có lẽ là Tư Mã Ý thời tam quốc. Ba nước Ngụy, Thục, Ngô đánh nhau chí tử, tranh giành thiên hạ nhưng không ai thống nhất được. Tư Mã Ý cả đời trung thành với 4 đời họ Tào, chỉ một lần binh biến mà giành được cả thiên hạ, hay đúng ra là tạo tiền đề để cháu là Tư Mã Viêm thống nhất lập nên nhà Tấn. Lúc Tư Mã Ý binh biến thì Ngụy đã quá mạnh còn Thục và Ngô đã suy yếu. Vì thế, để có thể "nhất kiếm định thiên hạ" thì quan trọng là THỜI ĐIỂM nữa. Lúc ấy thì họ Tào ở Ngụy đã hết người tài có thể trị quốc, ngoại bang thì đã suy yếu. Để chọn được thời điểm thì phải sống lâu. Tư Mã Ý tuổi cũng ngang Gia Cát Lượng nhưng sống lâu hơn gần 20 năm, sống qua nhiều đời nhà Tào Tháo (con cháu Tào Tháo đều chết sớm, chỉ tầm 40 tuổi là chết).

Rốt cuộc là do vận may, hay do sự gian hiểm của Tư Mã Ý? Không hẳn, mà đó cũng là một kết cục hợp lý. Tư Mã Ý là người có thực tài, có hùng tâm tráng trí, ham công danh sự nghiệp, không phải là người tầm thường. Tuy chỉ một lần vung kiếm nhưng đã mài giũa trong nhiều năm, đến năm 70 tuổi mới làm binh biến.

Vấn đề vẫn là học tập và chờ đợi cơ hội, có thể cơ hội không đến. Nhưng nếu cơ hội đến thì phải chớp lấy, gọi là "cờ đến tay thì phải phất". Muốn như thế thì phải có hùng tâm tráng trí mới thành được đại nghiệp. Tư Mã Ý đúng là dạng "thân tại lều tranh, chí tại thiên hạ".

"Nhất kiếm định thiên hạ" thời hiện đại

Đó là Trang thái tổ Đỗ Nam Trung (Donald Trump) nhà Đại Trang. Không ai có thể ngờ một người chỉ dùng chuyết-tờ mà có thể lấy được cả thiên hạ, vì lẽ, người ta nghĩ một người tranh cử tổng thống phải có quan hệ tốt với giới truyền thông và được giới này o bế.

Chính trị gia phải là những kẻ xôi thịt thích mị dân và đạo đức giả, hô khẩu hiệu càng nhiều càng tốt, làm càng ít càng tốt. Chính trị chỉ dành cho những người có khả năng mị dân, nói những điều không thật lòng mà thôi.

Nhưng ông Trump không thế mà ngược lại hoàn toàn, tạo nên cú sốc trong lịch sử bầu cử. Đây không phải là biến cố ngẫu nhiên mà là tất yếu lịch sử. Cũng có thể gọi là "nhất kiếm định thiên hạ" thời hiện đại.

Vậy ông Trump và Tư Mã Ý có gì giống nhau?

Họ đều một lần vung kiếm vào năm 70 tuổi mà giành lấy thiên hạ. Trước đó thì họ đã chuẩn bị rất lâu và chờ cho tới thời điểm đúng lúc. Để làm được điều này, phải có đại chí đại vọng, sống lâu và có thể lực tốt, đúng là "thân tại lều tranh, chí tại thiên hạ".

Vấn đề ở đây là LÝ TƯỞNG. Dưới thời ông Trump, chủ nghĩa thực dân mới rã ra từng mảng, nền dân chủ thối nát được thay thế bằng chủ nghĩa quốc gia mới, xứ đại công xưởng thế giới "bông hoa giữa trung nguyên" buộc phải chấm dứt chế độ lao động nô lệ và thao túng tiền tệ, làm lung lay tận gốc rễ các chế độ mị dân, cai trị ủy nhiệm ở thế giới thứ ba, chấm dứt tình trạng buôn bán lao động nô lệ hợp pháp xuyên biên giới, tháo bỏ xiềng xích và gông cùm cho nhân dân lao động.

Tất cả việc này để làm gì? Vì sao phải xáo tung cả thế giới lên như thế? Vì sao phải chấm dứt "nền hòa bình Mỹ (Pax Americana), chấm dứt vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ và đẩy thế giới vào khói lửa chiến tranh?

Là để thế giới có thể thật sự bước sang một thời đại mới: Một thời đại của toàn cầu hóa, của robot, của các thế chế xã hội hiện đại.

Đây chính là "đêm trước của toàn cầu hóa" và "thời đại trí tuệ nhân tạo", và sứ mệnh của ông Trump chính là đổi dòng lịch sử. Cũng đã đến lúc các thể chế vô năng, chỉ biết mị dân và trục lợi phải được ra đi vào thùng rác lịch sử vì đã kết thúc vai trò (nô lệ hóa dân chúng làm công xưởng cho thế giới để tạo tiền đề cho cách mạng trí tuệ nhân tạo và toàn cầu hóa).

"Nhất kiếm định thiên hạ" trong cuộc đời

Con người sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, kết hôn, sinh con, về hưu, dưỡng già, chết. Cả đời đi làm chỉ mong cuối tháng nhận lương mà chi trả hóa đơn và mua những thứ mình thích hoặc những thứ mình cần để gây ấn tượng với người khác. Gây ấn tượng tốt để tăng cơ hội làm ăn và kiếm nhiều tiền hơn.

Nhưng như thế thì cuộc đời cơ bản là khá buồn. Vì không có lý tưởng lớn gì cả. Không có chí khí.

Kiếm tiền là một việc tốt, nhưng dành cả đời để kiếm tiền thì không hay chút nào. Thay vì thế, chỉ kiếm tiền trong phạm vi nhất định thôi, còn lại theo đuổi lý tưởng, hoài bão, để một lần "nhất kiếm định thiên hạ" chẳng phải tốt hơn sao?

Ví dụ bạn có thể phát triển được kỹ năng lên tới đỉnh cao, làm thành hệ thống cung cấp cho cả thế giới, thì sẽ không bị giới hạn về tiền bạc nữa. Chứ dù đi làm lương cao thế nào thì cũng vẫn bị giới hạn.

Nếu chỉ là tiền bạc, sao không nhập cư sang Bắc Âu? Ở đó trợ cấp nhiều, không cần đi làm, sau này còn có "basic income", tuy không sung túc nhưng về nước vẫn thơm tho là lượt và xuất hiện hào nhoáng khiến dân xứ này lác mắt.

Tiền bạc nhất định không thể là mục đích trong cuộc đời. Quan trọng là mài giũa thanh kiếm và vung nó lên một lần vào lúc nào đó mà thôi.
Takahashi

Phân biệt "tinh vi", "tinh tướng" và ... "vi tính"

TINH VI:
được cấu tạo bởi những chi tiết nhỏ phức tạp và có độ chính xác cao
nét chạm khắc tinh vi
máy móc tinh vi
có nội dung hoặc hình thức biểu hiện hết sức phức tạp, kín đáo, khó mà nhận ra
mánh khoé tinh vi
thủ đoạn bóc lột hết sức tinh vi
(khẩu ngữ) có vẻ hoặc tỏ ra vẻ ta đây, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi
đừng có mà tinh vi!

TINH TƯỚNG:
(khẩu ngữ) tỏ vẻ ta đây tinh khôn, tài giỏi hơn người (hàm ý chê bai hoặc vui đùa)
đừng có mà tinh tướng!

VI TÍNH: Máy vi tính (computer), là từ nói đệm vào cho vần vè thôi. Vi tính có nguồn gốc từ vi (micro-) + máy tính (computer), trước đây gọi là là máy vi tính microcomputer vì đây là một máy dùng để tính toán (computer) dùng bộ vi xử lý (microprocessor).

Người ta hay nói "tinh vi, tinh tướng, vi tính" thành cụm cho vần vè, chứ "vi tính" không liên quan gì, dù thật ra thì máy vi tính cũng là loại máy tinh vi, ngày xưa không phải ai cũng rành máy tính (máy vi tính) nên nghề cài đặt máy tính (hệ điều hành, phần mềm vv) kiếm được bộn tiền. Đấy là thời đầu của máy tính những năm trước năm 2000.

Thế nào là "tinh vi"?

Tinh vi nghĩa gốc là (1) Chú ý tới cả những điểm, chi tiết cực nhỏ, ví dụ "đo đạc tinh vi" (2) Được chế tạo với kích thước chính xác tới từng bộ phận nhỏ, ví dụ "thiết bị tinh vi".

Tiếng Nhật là: 精密 [tinh mật]

1 極めて細かい点にまで注意が行き届いていること。また、そのさま。「精密な測定」「精密検査」
2 細部にいたるまで正確な寸法で作られていること。また、そのさま。「精密な機器」

Về thái độ thì trong "đừng có mà tinh vi" thì "tinh vi" là tỏ ra biết rõ hơn người khác, tỏ thái độ cao ngạo nên coi thường người khác. Kiểu như:

- Máy tính này người không biết động vào là hỏng, chỉ có em thao tác được thôi. Chị chẳng làm được đâu!
- Chú đừng có mà tinh vi! Thằng em chị mới tốt nghiệp đại học bách khóa ngành công nghệ thông tin đấy nhé.

"Tinh vi" tất nhiên là từ chỉ thái độ không tốt, tiêu cực thường dùng phê phán thái độ của người tỏ ra biết rõ mà tự cao tự đại hay hạ thấp người khác. Tức là, một người hiểu biết hơn người khác, nhưng không tỏ thái độ coi thường sự thiếu hiểu biết của người khác, mà ngược lại, tận tình chỉ bảo, giảng giải thì không gọi là "tinh vi". Thái độ tỏ ra hiểu rõ hơn người nhưng tỏ ra tự kiêu, hay phải chờ người khác năn nỉ vv mới bị ghét và gọi là "tinh vi". "Đừng có mà tinh vi" là lời kêu gọi bỏ thái độ như thế đi, hoặc là tỏ rõ sự không đồng tình.

Khi nói tới tính chất "tinh vi" của ai đó, thì có nghĩa là người đó tỏ ra hiểu biết, biết rõ hơn người khác, nhưng lại không chịu chỉ cho ai cái mình biết, mà giữ riêng để tỏ ra tự cao, hoặc không chỉ dạy hết lòng mà giữ làm của riêng. Ví dụ:

- Thằng đấy nó tinh vi lắm, nó nghĩ nó tốt nghiệp đại học là ngon lắm. Khối người học còn hơn nó nhé!

Tất nhiên "tinh vi" = "tỏ ra hiểu biết hơn người" nên không rõ có thật sự hiểu biết không, vì có nói ra kiến thức mình có đâu mà kiểm chứng? ^^

Cách dùng từ "tinh vi" này có lẽ bắt nguồn từ những người có chút kiến thức mà đối xử với người không biết, người nhà quê vv kiểu "Máy này tinh vi lắm, cỡ chị sao hiểu được" nên người ta ghét, người ta gán luôn "tinh vi" cho kiểu người suốt ngày mở miệng ra là "Cái này tinh vi lắm".

Thế nào là "tinh tướng"?

"Thằng đấy nhà mặt phố, bố làm to nên lúc nào cũng tinh tướng lắm"

"Tinh tướng" và "tinh vi" khác gì nhau?

Tất nhiên là khác nhau.

"Tinh tướng" = tỏ ra hơn người về gia thế, hoàn cảnh
"Tinh vi" = tỏ ra hơn người về tri thức, kiến thức

Người "tinh vi" thì chưa chắc đã tự cao về hoàn cảnh hơn người (nhà mặt phố, bố làm to) mà vẫn có thể nghèo nhưng chỉ hơn người ở chỗ cho rằng mình hiểu biết hơn, nhất là về những thứ "tinh vi" như "máy vi tính". ^^

Còn người "tinh tướng" thì chưa chắc đã tự cao là mình thông minh mà thường chỉ tự cao về gia cảnh.

"Tinh tướng" có phải là cái tướng (thái độ ngoài mặt vênh váo như một ông tướng?) tỏ ra mình là thành phần tinh túy trong xã hội?

Các từ "tinh vi", "tinh tướng" thường là người miền bắc hay dùng, miền nam thì không dùng. Lý do? Vì ở miền bắc thì có nhiều người "tinh vi", "tinh tướng" hơn. Trong nam thì chỉ "ba xạo" hay "nổ" thôi.

Bài tập: Dịch "tinh vi" và "tinh tướng" sang tiếng Nhật.

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

Phân biệt "tế nhị" và "ý nhị"

TẾ NHỊ
tỏ ra khéo léo, nhã nhặn trong cách ứng xử, biết chú ý đến cả những điểm rất nhỏ thường dễ bị bỏ qua
từ chối một cách tế nhị
lời nói thiếu tế nhị
tế nhị không nhắc lại chuyện cũ
có những tình tiết tinh tế, sâu kín thường khó nói ra hoặc không tiện nói ra được
một cái nhìn hết sức tế nhị
vấn đề tế nhị
lí do tế nhị

Ý NHỊ
"Ý nhị" thì cơ bản cũng là tế nhị thôi, nhưng hơi khác nhau. Thường thì người ta chỉ biết "tế nhị" mà không biết "ý nhị" vì thế không dùng từ này.

Muốn ăn nói tốt thì vốn từ phải lớn, tức là phải vận dụng được, mà muốn vận dụng được, phải hiểu được khác biệt nhỏ (gọi là SUBTLE) giữa các từ với nhau.

Dưới đây Saromalang phân biệt hai từ này:

TẾ NHỊ: Thường chỉ hành động tinh tế, khéo léo, nhã nhặn vv, để không mất lòng hay làm phật lòng người khác. Một người tế nhị là một người có hành động, lời nói tế nhị. Như vậy, "tế nhị" thường chỉ hành động, lời nói tinh tế, hay con người có những hành động, lời nói như thế.

Ý NHỊ: Hàm ý tế nhị. "Ý nhị" thì nhấn mạnh tới "hàm ý" trong lời nói vv.
Ý nhị = hàm ý tinh tế, tức là những người không có đầu óc nhạy cảm sẽ không nhận ra được.

Chứ chưa chắc "ý nhị" đã không làm mất lòng người khác như "tế nhị", có điều là lúc đấy vì họ chưa xử lý được nên chưa mất lòng thôi. ^^ Vẫn giữ được hòa khí mà vẫn nói được điều mình muốn nói.

Nên, ăn nói "ý nhị" cũng là điều cần thiết trong cuộc sống. Đối với kẻ xấu nửa mùa, thay vì chửi thẳng mặt, thì chỉ cần nói một cách "ý nhị" thì hiệu quả cao hơn nhiều.
Takahashi

Bài tập cho các bạn cuồng tiếng Nhật: Dịch các từ sau ra tiếng Nhật
(1) TINH TẾ
(2) TẾ NHỊ
(3) Ý NHỊ

Bonus: Thế nào là "tế nhị"?

Có câu chuyện thế này.

Có một ông lão 80 râu tóc đã bạc phơ chạy tới khoe với cha xứ:
- Thưa cha, cô vợ 20 tuổi mới sinh cho con một cậu con trai. Liệu đây có phải là điều kỳ diệu của Chúa?

Cha xứ từ tốn trả lời:
- Để cha kể cho con nghe chuyện này. Thời trẻ có một lần cha đi lang thang trong rừng, bỗng đâu một con hổ lớn xuất hiện trước mặt và sắp sửa lao vào ăn thịt cha. Cha hoảng quá liền vơ đại một cái cành cây khô ven đường nhằm thẳng vào con hổ và hét lớn "Pằng", thế là con hổ lăn ra chết.

Ông lão: Có phải đó là điều kỳ diệu của Chúa?

Cha xứ: Không hẳn con ạ. Vì lúc đó đằng sau cha là một thợ săn với một KHẨU SÚNG THẬT trong tay.

Hi vọng các bạn đã hiểu thế nào là "tế nhị".