Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Tiếng Nhật là cái gì?

Câu chuyện cuối tuần: Mê lộ tuyệt vời

Hãy tin thế này nhé: Nếu bạn đang ở đây, vào lúc này, thì tiếng Nhật là một mê lộ trong cuộc đời bạn. Và cũng nên tin là: Đó có thể là một MÊ LỘ TUYỆT VỜI (素敵な迷路 sutekina meiro). Bạn không muốn lạc lối? Thế thì hãy lạc lối ngay trong hôm nay.

Takahashi phải kể cho bạn nghe một câu chuyện, gọi là chém gió để các bạn theo dõi phần tiếp cho sung:

"Người ta thường nói tới năm 30 tuổi mà vẫn không có sự nghiệp gì trong tay thì sẽ là kẻ bỏ đi. Vì thế tôi cố gắng trở thành kẻ bỏ đi từ năm 20 tuổi."

Xong phần chém gió rồi. Bây giờ sẽ nói về tiếng Nhật.

Trước hết, chúng ta làm quen với danh từ (Noun, N) và tính từ (Adj, A). Danh từ thì dễ hiểu rồi, còn tính từ là thứ có thể dùng bổ nghĩa cho danh từ.

Ví dụ tiếng Việt: Mê lộ (N) + tuyệt vời (A) = Mê lộ tuyệt vời (N)
Tức là N + A = NA: Tính từ đứng sau danh từ để bổ nghĩa cho danh từ.

Nhưng tiếng Anh thì sao?
wonderful (Adj) = tuyệt vời
maze (N) = mê lộ

wonderful (A) + maze (N) = wonderful maze (N)
Tức là A + N = N. Tính từ sẽ đứng trước danh từ để bổ nghĩa cho danh từ đó.

Và tiếng Nhật cũng sẽ giống như tiếng Anh: A + N = N
Tức là 素敵な sutekina meiro (Aな) + 迷路 meiro (N) = 素敵な迷路 sutekina meiro (N)

Chỉ là công thức thôi. Tiếng Nhật cũng không đặc biệt lắm vì giống tiếng Anh ở phần trên mà. Có lẽ tiếng Việt là đặc biệt? Không đâu.

Tiếng Pháp: labyrinthe (N)) + merveilleux (A) = labyrinthe merveilleux (N)
=> Giống tiếng Việt.

Tóm lại là về mặt này sẽ có hai trường phái:
  • Tính từ đứng trước danh từ để bổ nghĩa: A + N = N
  • Tính từ đứng sau danh từ để bổ nghĩa: N + A = N
Phần này thì chẳng mê lộ cho lắm.

Vậy điều gì khiến tiếng Nhật (có vẻ) khó tiêu hóa?

Đây là vấn đề: "Tôi câu cá" thì sẽ nói trong tiếng Nhật là:

私は魚を釣る

Viết bằng hiragana (chữ mềm): わたし は さかな を つる
Viết thế cho dễ đọc chứ tiếng Nhật không xài dấu cách chữ.
Viết bằng romaji (chữ la tinh): Watashi wa sakana wo tsuru

Chú ý là chữ は viết là chữ "ha" nhưng là trợ từ nên đọc là "wa" (giống như âm わ wa). Còn を đọc là "ô" như trong tiếng Việt nhưng viết là "wo" để chỉ trợ từ. Đọc giống như chữ お ("o") nhưng を CHỈ được sử dụng làm trợ từ.

Thật là oái oăm. Nhưng khoan hãy nói về cách đọc trợ từ. Chúng ta hãy nói về ngữ pháp:

私 (watashi) = tôi
魚 (sakana) = cá
釣る (tsuru) = câu

Tức là câu tiếng Nhật lại có thứ tự là: TÔI + CÁ + CÂU.

Nếu là tiếng Anh thì sẽ nói là "I catch fish", tức là thứ tự như "Tôi câu cá" tiếng Việt.

Ở đây chúng ta thấy tiếng Nhật có thứ tự như sau:
Subject (S, chủ ngữ) + Object (O, đối tượng) + Verb (V, động từ)
➡ S + O + V

Còn tiếng Anh và tiếng Việt thì thứ tự là: S + V + O.

Ở đây lại phân ra hai trường phái:
  • Trường phái 1: S + V + O ("Tôi ăn cá")
  • Trường phái 2: S + O + V ("Tôi cá ăn")
Hai quy tắc cơ bản của một ngôn ngữ

Thế nghĩa là tiếng Nhật đặc biệt?

Tôi e là ... không! Vì tiếng Hàn, tiếng Mông Cổ cũng theo đúng trường phái SOV này. Vì thế mà du học sinh Hàn Quốc và Mông Cổ học ngữ pháp tiếng Nhật khá dễ. Nhưng không vì thế mà nếu là người Việt thì bạn không thể thành huyền thoại!

Nếu muốn nói về sự đặc biệt thì chúng ta phải nói về ... tiếng Nga. Tiếng Nga nói theo thứ tự SVO hay SOV đều được.
Đây là lý do:
Tôi = Я (Ya)
ăn = есть (yest')
cá = рыба (ryba "rưba")

Nhưng "Tôi ăn cá" thì sẽ là "Я ем рыбу" (Ya yem rybu).
Bạn có nhận thấy gì không? Đây là đặc trưng của tiếng Nga:
  • Động từ chia theo chủ ngữ (ví dụ "tôi" thì chia khác, "bạn" chia khác)
  • Danh từ khi làm đối tượng cũng phải chia thành dạng Object (ví dụ ryba ➜ rybu)

Tức là, đối tượng ở vị trí nào cũng sẽ vẫn là đối tượng, do đã được chia. Và động từ cũng vậy. Ví dụ nếu có "Ya" thì chắc chắn là "tôi" và đây là chủ ngữ vì "Ya" không được chia. Nghĩa là bạn đảo lộn hết lên cũng không sao:

рыбу ем Я (cá => ăn => tôi) cũng hoàn toàn ổn, vẫn là "Tôi ăn cá".

Theo tôi, tiếng Nga mới đúng là mê lộ chứ tiếng Nhật vẫn còn quá đơn giản. Vì chữ "cá" (魚 sakana) đứng ở chủ ngữ, hay đối tượng vẫn đều là "sakana" chứ không thành sakano hay sakane gì cả ^^

Như vậy đây là tin mừng: Trong tiếng Nhật, danh từ sẽ không bị biến đổi trong mọi hoàn cảnh!

Kể cả sở hữu cách, ví dụ "watashi" là "tôi" thì "watashi no ~" là "~ của tôi". Tức là "watashi" không bị biến đổi. Còn tiếng Anh thì I (tôi) => my (của tôi), tức là có biến đổi. Còn danh từ thì về cơ bản sẽ không thay đổi (không chia), ví dụ fish (cá) vẫn là fish dù là chủ ngữ hay đối tượng.

Vậy là đủ lạc lối rồi. Hẹn bạn tuần sau nhé!

Takahashi


3 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay. Giờ mình đã hiểu ra được rằng Tiếng Nhật không quá khó :D

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết rất thú vị, cảm ơn Takahashi nhiều nhe ^_^

    Trả lờiXóa
  3. bài viết hay quá cảm ơn anh Takahashi
    có lẽ tương đồng nhất với tiếng Nhật là tiếng Đức, tiếng Đức có nhiều trước hợp động từ được đặt ở cuối câu giống tiếng Nhật và tính từ cũng được đặt trước danh từ

    Trả lờiXóa