Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Ra mắt từ điển chữ Tôm

Chữ Tôm là gì?

Từ điển chữ Tôm tức là từ điển chữ Nôm mới, chỉ dùng các chữ Hán đã có sẵn để ký âm tiếng Việt, nói cách khác, là chuyển mọi âm tiết tiếng Nhật sang chữ tượng hình. Nói nhiều thì dài dòng căn tự, nên đây là ví dụ minh họa:

Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
光‟彩‟底'水'印'天'、
城建'煙'碧'岳'晒'影'黄'

Từ điển dịch hai câu trong Truyện Kiều sang chữ kanji (hán tự) như trên, với ý nghĩa tương đương. Trong câu trên thì có "long lanh" là một từ láy, trong từ điển chữ Tôm, thì từ láy thường được viết theo dạng 〇‟〇‟ tức là dấu nháy kép ngược, và những chữ viết kiểu này thường tùy theo ngữ cảnh, cụm từ mà nó tạo ra mà thay đổi cách đọc, ví dụ:
dở ẹc 拙'極‟, lạ hoắc 異'極‟

Tất nhiên là để làm được như trên tức là dịch một cách tự động thì phải có CƠ SỞ DỮ LIỆU, tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu này. Ví dụ "bóng vàng" phải là bóng màu vàng, chứ không phải bóng của kim loại vàng. Nhưng nếu mà "nghìn vàng" thì lại phải là kim loại vàng, tức là 金':

Lòng này gửi gió đông có tiện,
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
心'此'送'風'東有'便、
千'金'請'送'到'岳'燕`

Từ điển cũng có thể dịch các bài thơ gốc Hán sang tiếng Hán tương ứng:

Cao nguyên thủy xuất sơn hà cải,
Chiến địa phong lai thảo mộc tinh
高原水出山河改、
戦地風来草木腥

Tức là: Nước chảy ra từ cao nguyên làm thay đổi núi sông, Gió từ chiến địa thổi tới làm cây cỏ bốc mùi tanh

Trong trường hợp này, chữ "mộc tinh" dễ bị phiên thành 木星 tức là Sao Mộc theo thuật toán. Vậy phải làm sao? Khi chọn chữ "tinh" (trường hợp này là 腥 tức là tanh), nếu chỉ xét chữ ngay cạnh là "mộc" thì sẽ chọn sai, nên phải xét cả chữ trước đó, do đó, phải viết thành thuật toán để làm điều này, để tăng tính chuyển đúng cho từ điển chữ Tôm.

Dưới đây là một số đoạn thơ viết bằng chữ Tôm, tức là chữ Nôm mới.

Viết lại Truyện Kiều bằng chữ Nôm mới tự động bằng từ điển chữ Tôm

Nguồn gốc chữ "tài xế" trong tiếng Việt

Chữ "tài xế" có nguồn gốc Hán Việt không?

Gốc Hán Việt của "tài xế" là 大車 [đại xa]. "Tài xế" là cách đọc theo tiếng Quảng Đông (vùng Lưỡng Quảng, Trung Quốc) của "đại xa" do người gốc Hoa mang vào Việt Nam (đặc biệt là miền nam). Trong bài này, tôi sẽ nói về nguồn gốc của chữ "tài xế", vì sao 大車 [đại xa] lại là "tài xế".

Về chữ "xế" thì đây là cách đọc tiếng Quảng của chữ 車 XA.
大車
Cantonese (Jyutping): daai6 ce1
1. cart; big car
2. respectful term for an engine drive or the chief engineer of a ship
3. (Mainland China Hokkien) automobile; motor car; sedan

Chỗ này thì không ai thắc mắc cả. Ví dụ "xế hộp" nghĩa là "xe hơi" (xe ô tô).

Về chữ "tài" thì có ý kiến cho rằng, đó là chữ ĐÀ (舵), tức là "cầm lái" vì:
1. Tài xế nghĩa là người lái xe, nên có lẽ "tài" là "lái"
2. 舵手 [đà thủ] nghĩa là người cầm lái tàu thuyền, ví dụ 偉大舵手 [vĩ đại đà thủ] nghĩa là người cầm lái vĩ đại.
舵工 [đà công] nghĩa là người lái thuyền, thợ lái thuyền.

Vì thế, lái xe sẽ là ĐÀ XA? Điều này không hợp lý, vì ĐÀ là bánh lái tàu thuyền, không dùng cho xe cộ. Trong tiếng Trung, lái xe là 司機 TƯ CƠ.

Hơn nữa, ĐÀ đọc là  to4 trong tiếng Quảng, không phải "tài".

ĐÀ XA là suy luận sai lầm, còn ĐẠI XA 大車 mới đúng là "tài xế".

大車 ĐẠI XA nghĩa là gì?

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

"Trịch thượng" hay "trịnh thượng"

Đúng: trịch thượng
Sai: trịnh thượng

Thái độ trịch thượng là thái độ "kẻ cả bề trên", theo từ điển tiếng Việt miễn phí thì là "Tự cho mình là hơn mà ăn nói, xử sự có vẻ bề trên và bất nhã." ví dụ:
Giọng trịch thượng.
Nhìn với con mắt trịch thượng.

"Trịch thượng" có phải là từ gốc hán không?

Thượng (上) là từ gốc hán nhưng Trịch thì có vẻ là không. "Trịch" ở đây là trong nghĩa "cầm trịch" (điều khiển, chỉ dẫn để công việc tiến hành đúng và nhịp nhàng, ví dụ: đứng ra cầm trịch). Vì thế, là người quan trọng bậc nhất.

Ở đây là tỏ ra ta đây là người quan trọng hơn, là bề trên, thì gọi là "trịch thượng".

Chữ hán cũng có chữ Trịch là 擲, nghĩa là ném xuống, gieo xuống, 擲下 (trịch hạ) nghĩa là ném cho, quăng cho, quẳng cho, tức là cho ai cái gì.

Chữ này là gieo súc sắc, hay kiểu như "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao" (Thái Sơn nhất trịch khinh hồng mao), ném tiền vào bàn cá cược vv.

Đôi khi thì chữ 擲上 cũng xuất hiện nhưng nghĩa là ném cái gì, quăng cái gì lên đâu đó.

Còn "Trịnh Thượng" (鄭上) thì là có thể tên người, họ Trịnh, tên Thượng.

Dịch "thái độ trịch thượng" sang tiếng Nhật?

Cách dịch "nguyên quán" sang tiếng Nhật

"Nguyên quán" (chữ Tôm: 元館) là gì? Đó không phải là "quê quán" (là nơi sinh trưởng của cha, hoặc của mẹ nếu không có cha), tức là 故郷 (furusato).

Quê quán = nơi sinh trưởng của cha hoặc của mẹ nếu không có cha

"Nguyên quán" là quê quán gốc của ông bà tổ tiên, theo pháp luật hiện tại thì nguyên quán của bạn ghi theo nguyên quán của cha bạn (hoặc mẹ nếu không có cha), cha bạn lại ghi theo nguyên quán của ông nội, cứ thế .... Tức là ghi lại nguyên quán của tổ tiên xa nhất còn biết được.

Vì thế nó không phải là 出生地 (xuất sinh địa, shusseichi), tức là "nơi sinh".
Nó cũng không phải là 出身地 (xuất thân địa, shusshinchi), tức là "nơi xuất thân" hay nơi sinh trưởng.

Nơi sinh trưởng tức là nơi mà bạn dành phần lớn thời gian thời thơ ấu để phát triển hình hài, nhân cách, thường là nơi sinh ra và lớn lên. Nhưng cũng có khi không phải là nơi sinh ra mà chỉ là nơi lớn lên và trưởng thành (trường hợp sinh xong còn nhỏ đã chuyển chỗ).

Ví dụ, bạn có thể sinh ra và lớn lên ở Long An, cha bạn cũng vậy, sinh ra và lớn lên ở Long An, ông nội có thể sinh ra lớn lên ở Đồng Tháp, nhưng nếu cụ tổ (bên nội) là người có nguyên quán ở Huế (ví dụ nhiều đời trước đó sinh sống ở Huế và ghi nguyên quán ở Huế), thì nguyên quán của bạn vẫn là Huế, dù bạn không sinh ra và lớn lên ở đó, thậm chí, có thể còn chưa bao giờ đặt chân tới Huế.

Cách sử dụng "nguyên quán" như vậy có hợp lý không?

Vì nguyên quán rõ ràng ảnh hưởng rất ít tới nhân cách, tính cách, con người của bạn. Nơi sinh trưởng hay nơi sinh rõ ràng ảnh hưởng nhiều hơn. Ngoài ra, cụ tổ chỉ còn lại rất ít trong con người bạn, vì quá trình tha hương sau đó rõ ràng kết hợp rất nhiều yếu tố di truyền cũng như văn hóa của địa phương khác. Một người di cư từ Huế vào Long An, lấy người Long An, thì rõ ràng yếu tố văn hóa LA lớn hơn rất nhiều, vì con người có tính thích ứng. Thậm chí, một người Huế cũng có thể biến thành người Long An, do thích ứng, chẳng còn chất Huế mấy nữa.

Theo tôi thì nên ghi lai lịch theo "nơi sinh" thì hợp lý hơn.

Dịch "nguyên quán" sang tiếng Nhật như thế nào?

Như trên đã nói, nguyên quán phải dịch đúng nghĩa là quê quán gốc, tức là nguồn gốc tổ tiên từ đâu ra. Dưới đây là cách dịch "nguyên quán" sang tiếng Nhật và tiếng Anh cho đúng.

Tiếng Việt: nguyên quán
Tiếng Nhật: 起源地 (khởi nguyên địa, kigenchi)
Tiếng Anh: place of origin

Takahashi

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

"Trước tác" là gì?

Chữ hán của "trước tác": 著作

著作 đúng ra phải đọc là "trứ tác" (trứ trong chữ trứ danh 著名), nhưng chữ 著 cũng có cách đọc là "trước".

著作 có nghĩa là viết thành sách, hoặc sách do ai đó viết. Trong tiếng Nhật cũng sử dụng từ 著作, đọc là ちょさく.

Ví dụ: Trước tác Lenin (trứ tác Lenin) tức là sách do Lenin viết.

Trong tiếng Nhật có các từ liên quan như 著作権 = quyền sở hữu của tác giả viết sách vv.

Nếu bạn viết thành sách thì gọi là 著作する. Ví dụ 彼が著作した本 = quyển sách mà anh ấy viết ra.

Dịch "trước bạ" (thuế trước bạ) sang tiếng Nhật thế nào?

"Trước bạ" là gì?

"Trước bạ" chữ hán là 著簿 (viết theo chữ kanji có thể viết là 着), tức là ghi vào sổ đăng ký. Trước (著) là đến, tới, ghi vào, Bạ 簿 là sổ đăng ký.

"Trước bạ" thường xuất hiện trong thuế trước bạ, phí trước bạ, hay lệ phí trước bạ, tức là tiền lệ phí để được ghi vào sổ đăng ký của nhà nước, ví dụ nhà cửa, đất đai, xe cộ vv.

Ngoài ra còn có "sổ trước bạ", mặc dù "bạ" cũng là "sổ" nhưng trong trường hợp này thì "trước bạ" đóng vai trò là tính từ, tức là việc ghi vào sổ đăng ký của nhà nước, nên đây là sổ để ghi vào việc đăng ký.

Dịch "phí trước bạ" sang tiếng Nhật:
Tiếng Việt: thuế trước bạ, phí trước bạ, lệ phí trước bạ
Tiếng Nhật: 登録料 hay 登記料
Tiếng Anh: registration fee

Nếu muốn nói rõ hơn thì có thể dùng 国に対する登録料 (phí đăng ký với nhà nước) vì 登録料 thì có nghĩa là "phí đăng ký".