Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Những chữ kanji không mấy ... đứng đắn

Chữ này:


Thoạt nhìn thì tưởng cũng đứng đắn nhưng nhìn kỹ thì thấy không đứng đắn chút nào vì thấy hai nam (男) kẹp một nữ (女) ở giữa.

Nghĩa của 嬲: なぶる。からかう。もてあそぶ。

Chữ này cũng là động từ 嬲る NABURU nghĩa là chòng ghẹo, trêu hoa ghẹo nguyệt. Các từ trên thì đều có nghĩa chọc ghẹo, bỡn cợt, lấy ra đùa nghịch vv.

Tiếp theo là chữ này:


Chữ này thì đứng đắn hơn một chút, vì là hai nữ (女) kẹp một nam (男) nhưng cũng còn xa mới có thể gọi là đàng hoàng. Đúng kiểu "một nách hai em" là đây.

Nghĩa của 嫐:
①なぶる。からかう。たわむれる。
②なやむ。なやましい。

Thì cũng là chòng ghẹo (naburu), trêu trọc (karakau), vui đùa, vui chơi (tawamureru) thôi. Theo phong cách playboy, tất nhiên, nhiều em bên cạnh thế cơ mà.

Nhưng hãy chú ý nghĩa thứ (2) của nó, là NAYAMU và NAMAMASHII (悩む và 悩ましい), chữ này bạn học ở sơ cấp rồi, nghĩa là phiền muộn, buồn phiền, lo lắng về thứ gì đó.

Nhưng ở đây không phải nghĩa này, ví dụ  悩ましい tra từ điển thì là:

①  感覚に性的な刺激を受けて、心が落ち着かない。 「 - ・い香水のかおり」
②  気持ちがはれない。悩みが多い。 「煩悶(はんもん)多き青春の-・い日々」
③  人をなやませるほどむずかしい。 「複雑で-・い問題」
④  病気などで気分が悪い。 「君は心地もいと-・しきに/源氏 若紫」

Trong nghĩa số (1) thì nghĩa là bị KHÊU GỢI nên không yên trong lòng, tức là bị khơi gợi về mặt tính dục.

Tôi ví dụ trong một ngày chẳng có gì đặc biệt bạn dạo bước trong khu phố Nhật Bản ở Sài Gòn sẽ thấy rất nhiều cô mặc áo dài, hay khêu gợi và gọi "oniichan", "aniki", "chotto asobimasenka" (anh ơi vui tí không) ngay. Như thế cũng có thể dùng なやましい tức là 嫐 để miêu tả cho tình huống này.

Theo bạn chữ nào đứng đắn hơn:
(1) 嬲 đứng đắn hơn
(2) 嫐 đứng đắn hơn
(3) Ngang nhau

Takahashi

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Cách dịch sắc thái 真剣 [chân kiếm]

真剣 SHINKEN là gì?

Đây là "chân kiếm" (kiếm thật) nhưng thường dùng theo nghĩa "nghiêm túc, toàn tâm toàn ý" với một ý định, mục tiêu nào đó.

Nguyên tắc: Luôn học nghĩa đen của từ trước rồi mới học nghĩa bóng.

Tra từ điển:
しん けん [0] 【真剣】

 ( 名 )
(木刀や竹刀(しない)でなく)本物の刀。 「 -で立ち合う」

 ( 形動 ) [文] ナリ
一生懸命に物事をするさま。本気であるさま。 「 -に取り組む」 「 -な態度」
[派生] -さ ( 名 ) -み ( 名 )

Vậy 真剣 khác gì với 真面目 MAJIME và 本気 HONKI cũng là "nghiêm túc"?

Trước hết, "chân kiếm" có hai nghĩa:
1. Kiếm thật (phân biệt kiếm gỗ, kiếm tre vv làm kiếm tập)
2. Nghiêm túc, toàn tâm toàn ý với việc gì đó.

真面目 MAJIME là chỉ thái độ, cốt cách của con người, tức là người ứng xử nghiêm túc, phải phép.
本気 HONKI là nghiêm túc theo kiểu CÓ Ý ĐỊNH THẬT SỰ.

Còn 真剣 SHINKEN là nghiêm túc một cách toàn tâm toàn ý đối với việc gì đó.

Vì sao lại là "chân kiếm"? Vì một khi đã dùng kiếm thật, dù là để đấu hay để tập thì bạn phải toàn tâm toàn ý với nó, nếu không sẽ sát thương bản thân hoặc đối phương.

Từ đó có thể thấy là nghĩa đen và nghĩa bóng có liên quan với nhau một cách thống nhất. Vì thế, ở lớp Cú Mèo tôi thường phân tích nghĩa đen, nghĩa bóng của từ và liên hệ các ý nghĩa này với nhau. Từ đó, bạn có thể học được cách TƯ DUY NHẤT QUÁN trong ngôn ngữ.
Takahashi

Cách dịch 忖度 (sontaku)

忖度: đoán ý, ước đoán, biết ý
Sắc thái: Đoán ý để mà chiều theo, đoán ý để biết đường ứng xử

Nguyên tắc: Luôn nhớ từ theo sắc thái đúng của nó (dù chưa dịch chuẩn được ngay).

Tra từ điển:
そん たく [1][0] 【忖▼度】
( 名 ) スル
〔「忖」も「度」もはかる意〕
他人の気持ちをおしはかること。推察。 「相手の心中を-する」

Tiếng Anh thường dịch là surmise hay conjecture hay "read between lines" nhưng không có từ nào đúng sắc thái với sontaku và tiếng Việt cũng vậy.

Ở đây là "đoán ý, đoán lòng, đoán người khác nghĩ gì" nhưng không chỉ có sắc thái như thế, mà để hành động, ứng xử cho phù hợp, để chiều cho đối phương vừa lòng.

Câu ví dụ:
彼の真意はそんたくし難い
I find it difficult to surmise [guess] what he really means.
少しは彼女の立場もそんたくしてやれ
Consider [Put yourself in] her position a little.

Chú ý là 忖度 không phải là "thốn độ" mà là "thốn đạc". Với các chữ kanji mà bạn không biết cách đọc Hán Việt thì có thể tra tài từ điển Yurica.

Cả "thốn" lẫn "đạc" (đo đạc) đều có nghĩa là đoán và xuất phát từ tiếng Trung nhưng trong tiếng Nhật thì "sontaku" lại có sắc thái khác. Vì văn hóa Nhật thường sẽ không nói thẳng ra mà người khác phải biết ý mà làm, đoán ý mà làm.

Cũng có thể nói văn hóa Nhật là văn hóa "sontaku" (đoán ý đối phương mà làm).
Takahashi

Dịch ~はないか như thế nào cho đúng

Trong tài liệu kỹ thuật thì thường hay có mẫu ~はないか ví dụ:

①亀裂はないか

亀裂 kiretsu là rạn nứt, vết rạn nứt hay bị rạn nứt.

Đây là mục để xác nhận và nhìn thì câu này quá dễ nhỉ?

Dịch là:

Có bị rạn nứt không

Nhưng thực ra, cách dịch trên lại KHÔNG CHÍNH XÁC VỀ SẮC THÁI mặc dù nghe thì có vẻ đúng. Đây không phải là bắt bẻ câu chữ rằng kiretsu đâu phải động từ mà "bị rạn nứt"? Thực ra dịch như thế mới là tự nhiên chứ không phải sai.

Cái không chính xác ở đây là thế này: Nếu dịch như trên thì câu sau bạn dịch thế nào?

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

Phân biệt sắc thái "wakaku shite", "wakakute" và "wakai nagara"

Làm sao để dịch tốt và dịch hay? Hãy dịch đúng sắc thái. Nghề dịch là nghề kiếm tiền tốt, so với đa số công việc thì tốt hơn nhiều. Hơn nữa, bạn còn chẳng phải gặp ai. Mức độ kiếm tiền thì tùy khả năng của bạn nhưng nếu bạn càng giỏi, bạn càng nhàn và càng kiếm nhiều tiền.

Một trong những tiêu chuẩn dịch tốt là dịch đúng sắc thái. Ví dụ câu này:

彼は若くして名を成した。

Ở đây 名を成す (na wo nasu) là cách nói văn vẻ, dịch ra là "tạo dựng (được) tên tuổi".

Vấn đề là tại sao lại 若くして wakakushite mà không phải là 若くて wakakute như chúng ta vẫn học trong chương trình sơ cấp?

Câu này thực ra là sắc thái ám chỉ anh ấy "tuổi trẻ tài cao".

Chúng ta cùng thử dịch nhé:

彼は若くて名を成した。
Anh ấy trẻ và đã tạo dựng được tên tuổi.

Câu này thì quá đỗi bình thường, chỉ là câu kể liệt kê hai sự kiện là "anh ấy trẻ" và "anh ấy đã tạo dựng được tên tuổi".

Như vậy không NHẤN MẠNH vào sự giỏi giang của anh ấy. 若くして là để nhấn mạnh.

Vậy nếu chúng ta thử NHẤN MẠNH bằng kiến thức JLPT mà chúng ta đã học xem:

彼は若いのに名を成した。
Anh ấy mặc dù còn trẻ nhưng đã tạo dựng được tên tuổi.

Vẫn chưa hay lắm. "noni" thực ra là cách nói chuyện phiếm, không phải hàn lâm, cùng câu trên mà bạn muốn nói hàn lâm thì:

彼は若いもの名を成した。
Anh ấy mặc dù còn trẻ nhưng đã tạo dựng được tên tuổi.

Còn tại sao MONONO lại hàn lâm hơn NONI thì lúc trước ở lớp Cú Mèo tôi cũng hay "chém gió" với các bạn.

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

Đáp án kỳ thi JLPT tháng 07 năm 2019 (kì thi "Nô" lệ tiếng Nhật)

Ngày thi: Ngày 7 tháng 7 năm 2019, chủ nhật
>>Gợi nhớ đề N1 >>Gợi nhớ đề N2

Làm thế nào để thi tốt? Hãy nghiên cứu kỹ cấu trúc kỳ thi và có chiến lược thi tốt. Bài viết này là để đăng kết quả kỳ thi JLPT kỳ này ngay khi có trên mạng. Tại đây chỉ có đáp án không có đề thi (đề thi sẽ bị thu lại).

Chú ý khi đi thi: Để có thể đọ đáp án và tính điểm bạn cần phải ghi lại được câu trả lời của mình (xem bài hướng dẫn). Tuy nhiên, nhiều khả năng bạn không được mang giấy nháp vào phòng thi do đó hãy ghi lên phiếu dự thi chẳng hạn (vì thường phiếu dự thi sẽ cầm về). Nên ghi theo thứ tự câu hỏi ví dụ câu 1 phần kiến thức ngôn ngữ bạn chọn đáp án 3 thì có thể ghi là K1.3 chẳng hạn. Sau khi đi thi về xem ở đây có kết quả chưa và tính điểm của bản thân.

RA MẮT CÔNG CỤ TÍNH ĐIỂM JLPT MỚI 2018!!

Kiến thức về JLPT
>>Chiến lược thi JLPT điểm cao (2012)
>>Mọi điều bạn cần biết về JLPT (Sea)
>>Cách tự tính điểm JLPT gần đúng (2012)
>>Cách ghi lại câu trả lời khi đi thi JLPT (hướng dẫn mới 2018)
>>Tham khảo: Đáp án kỳ thi JLPT tháng 7/2018
Chuyên đề JLPT
>>Kỳ thi JLPT đã thay đổi cách ra đề như thế nào?
>>Chiến lược thi đọc hiểu (DOKKAI) tốt là gì?
>>Chiến lược thi nghe hiểu (CHOUKAI) và 3 BÍ QUYẾT nghe hiểu

ĐÁP ÁN KỲ THI NĂNG LỰC NHẬT NGỮ THÁNG 07/2019
JLPT EXAM ANSWER 07/2019

Đáp án từ N1 tới N5 (theo thứ tự N1, N2, N3, N4, N5). Ghi chú: Đây chỉ là đáp án tham khảo, không đảm bảo chính xác 100%. Ngoài ra, điểm còn được chuẩn hóa. Tham khảo cách tính điểm JLPT gần đúng của Saromalang ở bài viết trên.

Có thể có truy cập tập trung số lượng lớn nên các bạn cần kiên nhẫn. Khi có đáp án nào sẽ thông báo tại Facebook Page của Saromalang nên các bạn hãy like page sẵn.

Đáp án bên dưới ↓↓↓

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

"Con anh chị cũng giỏi chứ không phải không"

Để kiếm được tiền từ việc học giỏi tiếng Nhật, bạn phải dịch tốt. Dịch Nhật sang Việt đã khó, dịch Việt sang Nhật còn khó gấp bội.

Muốn dịch tốt thì phải có khả năng "viết văn hàn lâm" (academic writing). Đây là chỗ nhiều người thất bại. Nếu không viết văn hàn lâm được sẽ không được đánh giá cao và khó mà nâng giá dịch lên được.

Ví dụ dịch Nhật sang Việt, thì tiếng Việt bạn phải viết được theo lối hàn lâm, chứ không phải lối nói thông thường. Vì thế một người qua trường lớp (dù không phải ngành ngôn ngữ hay dịch thuật) thường dịch tốt hơn là một người chỉ giao tiếp tốt.

Đấy là Nhật sang Việt, vẫn tương đối dễ. Hơn nữa người Nhật họ cũng chẳng kiểm tra được. Nhưng dịch Việt sang Nhật thì sao? Bạn phải hiểu được tiếng Việt đã, sau đó viết được câu văn tiếng Nhật ở dạng hàn lâm.

Đây là cách làm:

Đọc hiểu tiếng Việt => Viết lại câu văn (trong đầu vv) => Dịch ra tiếng Nhật hàn lâm

Việc này thực sự khó. Nhưng đây là thế mạnh của tôi. Tôi dịch văn bản pháp luật tiếng Việt ra tiếng Nhật bình thường không khó khăn mấy.

Tôi lấy ví dụ câu này:
"Con anh chị cũng giỏi chứ không phải không."

Câu này thì dịch thế nào? Trước hết là phải hiểu SẮC THÁI của câu này đã. Vấn đề là khi chúng ta nói câu này, chúng ta TƯỞNG nó là tốt nhưng thực ra nó là không tốt.

Tôi ví dụ khi bạn muốn bán một căn hộ chung cư và bạn quảng cáo thế nào:
"Giá chỉ từ 2 tỉ một căn."

Chúng ta đều thường tưởng câu này là tốt, nghĩa là giá rẻ và nên mua. Nhưng thực ra từ "chỉ" ở đây lại không tốt, và khó bán hơn. Vì khi nói từ "chỉ" này thì mọi người đều sẽ có ấn tượng (trong tiềm thức) là bạn cần bán, thành ra họ sẽ nghĩ bạn đang cố bán cho họ với giá cao. Việc đó kích thích họ mặc cả.

Đấy không phải là câu quảng cáo tốt. Thà bạn chỉ viết "Giá từ 2 tỉ một căn" thì còn tốt hơn nhiều.

Câu "Con anh chị cũng giỏi chứ không phải không" tưởng là khen con cái đối phương nhưng nghĩ lại thì chưa chắc là khen.

Câu này trước hết có chữ "cũng" nghĩa là có sự thỏa hiệp ở đây. Kiểu như "Em cũng xinh đấy/Anh cũng giỏi đấy", có sự thỏa hiệp nghĩa là bạn không nghĩ đối phương thực sự xinh hay giỏi, chỉ kha khá như thế thôi.

"Giỏi chứ không phải không" là một sự so sánh giữa "giỏi" và "không giỏi".

Câu này nghĩa là: Nếu phải chọn một trong hai giữa "giỏi" hay "không giỏi" thì tôi chọn "giỏi".

Tức là con anh chị nếu đem ra cân nhắc xem giỏi hay không giỏi thì vẫn ở phía giỏi.

Tức là trong thâm tâm người nói chỉ nghĩ là người này đang ở ranh giới giỏi hay không giỏi mà thôi, chứ cũng không đánh giá cao gì.

Chẳng phải trước mặt khen thế, sau lưng lại chê bai nói xấu hay sao??

Rõ ràng không phải là cách giao tiếp tốt. Nếu chúng ta không nghĩ ai đấy giỏi thì đừng nói gì cả.

Vậy dịch sang tiếng Nhật như thế nào?

Đây là cách dịch (bôi để xem):

あなたの子供はどちらかを言うと上手なほうです。
あなたの子供は上手か上手うじゃないかを言うと上手なほうです。

Dịch Việt Nhật cũng hay chứ không phải không.

Hết.
Takahashi

Học giỏi ngoại ngữ và bắt đầu kiếm tiền

Lâu nay tôi không viết bài trên đây mấy vì dạo này thấy tài liệu, cách học cũng vô vàn. Phương pháp nào cũng hứa hẹn "hack não" học ít hiểu nhiều cả. Những người học nhiều phương pháp, nhiều tài liệu thì mãi không giỏi.

Ngược lại, những người chuyên tâm một phương pháp thì lại giỏi.

Tôi gặp khá nhiều người học giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, vì một khi bạn đã giỏi tiếng Anh thì cũng sẽ giỏi tiếng Nhật.

Tôi tiếng Anh không tệ, riêng về dịch thuật thì còn có thể viết văn hàn lâm (academic writing) nên vẫn làm công việc dịch tiếng Anh bình thường.

Tóm lại thì không phải là học theo phương pháp nào, sách nào, mà bạn phải QUYẾT ĐỊNH là học giỏi ngoại ngữ, ví dụ tiếng Nhật.

Giống y như kiểu làm giàu vậy, đọc quá nhiều sách, học quá nhiều phương pháp nhưng vẫn không làm, hoặc không làm được, hoặc không có thời gian làm (vì còn mải học) thì chắc chắn không làm giàu được.

Làm giàu bằng ngôn ngữ? Đây là nghề tương đối dễ dàng. Nếu bạn học giỏi ngoại ngữ thì kiếm tiền không khó lắm đâu.

Nhưng kiếm tiền bằng ngoại ngữ thế nào?

Bạn phải có một trong hai khả năng sau:
- Dịch văn bản (phiên dịch/dịch thuật)
- Dịch nói (thông dịch)

Như vậy, việc giỏi ngoại ngữ không chỉ đánh giá bằng bằng cấp mà quan trọng là bạn phải dịch tốt. Dịch tốt thì mới thành nghề được, còn ngôn ngữ chỉ là công cụ giao tiếp.

Điểm khác giữa một người dịch tốt và một người dịch không tốt là gì (tức là giữa một người học giỏi và một người học không giỏi)?

Đó là tư duy về ngôn ngữ, khả năng so sánh và diễn đạt. Như thế, việc học giỏi ngoại ngữ cần bạn phải tư duy tốt và diễn đạt ngôn ngữ mẹ đẻ tốt trước.

Nếu bạn diễn đạt dở, bạn không thể phát triển thành nghề dịch, do đó mà khó kiếm được tiền từ việc giỏi ngoại ngữ.

Ngược lại, nếu bạn giỏi ngoại ngữ thì dù làm việc gì bạn kiếm tiền khá dễ.

Vì nhu cầu dịch thì thời nào cũng rất nhiều và đòi hỏi người dịch giỏi.

Bạn có thể vừa làm việc bạn đang làm, vừa làm tay trái nghề dịch (dịch viết hay dịch nói).

Trước hết là phải tra từ điển

Muốn dịch tốt (ở đây nói chủ yếu về dịch viết) thì phải biết tra từ điển và bám sát vào từ điển đáng tin cậy. Tức là phải có "phẩm cách dịch giả" thì mới có thể thành chuyên gia, từ đó kiếm tiền được.

Sợ nhất là những người "nghĩ mình giỏi" và dịch đại khái mà không tra từ điển. Như thế thì không thể nào phân biệt được "sắc thái" những từ gần nghĩa với nhau. Hai từ khác nhau dịch ra cùng một từ, hay một từ lại dịch ra hai từ khác nhau vv.

Thói quen tra từ điển (tất nhiên là tiếng Nhật) là thói quen của người học giỏi tiếng Nhật và không phải là thói quen của người học không giỏi tiếng Nhật. Nếu chỉ học ăn sẵn kiểu bảng từ vựng đã dịch sẵn rồi thì đương nhiên là không giỏi được (vì chỉ là học máy móc chứ không phải học tư duy ngôn ngữ).

Để học giỏi thì bạn phải có thói quen tra từ điển và dịch những thứ bạn đọc trước. Chẳng mấy mà bạn sẽ giỏi và có thể kiếm tiền từ nghề dịch.

Nếu khéo có thể kiếm được khá nhiều tiền. Ngoài ra, nếu bạn làm một nghề tay phải, và có thêm nghề tay trái là nghề dịch thì bạn khá vững chắc về tài chính.

Cuộc sống cũng sẽ thú vị hơn nhiều vì bạn sẽ học và đọc được nhiều lĩnh vực, lĩnh hội cái hay của nó để phát huy trong công việc và cuộc sống. Bạn là người có kiến thức rộng nên sau này kinh doanh hay làm gì cũng sẽ dễ dàng.

Nhưng đấy là sau khi học giỏi ngoại ngữ đã.
Takahashi