Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

"Vi diệu" là gì?


Trong tiếng Nhật thì "vi diệu" là 微妙びみょう。 "Vi" 微 tức là rất nhỏ bé và "diệu" 妙 tức là "khó nắm bắt, khó hiểu được".

VI 微
顕微鏡けんびきょう [hiển vi kính] = kính hiển vi
微生物びせいぶつ vi sinh vật
微笑びしょう cười nhẹ, nụ cười thoáng qua [vi tiếu]
微小びしょう rất nhỏ, chút xíu [vi tiểu]
微かなかすかな mở mịt

DIỆU 妙
妙な kỳ lạ, kỳ quặc
奇妙 kỳ diệu
絶妙 tuyệt diệu
玄妙 huyền diệu

微妙 (びみょう, VI DIỆU) NGHĨA LÀ GÌ?

Thứ gì đó rất nhỏ bé khó mà thấy rõ được. Tinh tế, phức tạp khó nói ra thành lời.

Ví dụ:
態度が微妙に変わった。
Thái độ đã thay đổi chút xíu (khó mà nhận thấy rõ ràng nhưng có thay đổi).

テストはどうだった。 Bài kiểm tra thế nào?
微妙!
(hoặc 微妙だ)

Tức là "Chẳng biết nữa". Vì cảm nhận của bạn là nó nằm giữa ranh giới đậu và không đậu và bạn không chắc là thế nào. Trong hội thoại thì 微妙。 hay 微妙だ。 có nghĩa là "chẳng biết nữa".

Vì sao giới trẻ ngày nay rất ưa sử dụng "vi diệu"?

Vì họ sáng tạo nhưng không có nền tảng kiến thức về ngôn ngữ. Họ không hiểu "vi" và "diệu" là gì. Đồng ý là họ cố gắng sáng tạo. Nhưng như cả nước vẫn làm trước tới giờ thì họ sáng tạo nhưng không học hành đầy đủ. Chẳng ai cấm bạn sáng tạo và cũng chẳng ai cấm được bạn sáng tạo. Tuy nhiên, nếu sáng tạo ngôn ngữ mà không dựa trên việc học tập đầy đủ về ngôn ngữ thì thường chỉ ra những thứ ngớ ngẩn. Giới trẻ ngày nay sử dụng "vi diệu" theo một cách ngớ ngẩn mà họ nghĩ là sáng tạo.

Mục đích của việc sử dụng "ngôn từ nhảm của giới trẻ"?

Vì khi nói ra một từ mà người ta không hiểu ngay thì thường họ sẽ cho rằng người khác sẽ ngưỡng mộ họ, đây là kiểu tâm lý "nói khó hiểu chứng tỏ thông minh", kiểu người "thích tỏ ra nguy hiểm". Bản thân từ "thích tỏ ra nguy hiểm" cũng không đúng, vì nghĩa của nó là "thích tỏ ra bí hiểm".

Đúng ra thì người thông minh là người dùng ngôn ngữ chuẩn mực và nói năng dễ hiểu.

Đây là vấn đề tâm lý. Mục đích là thế này:

1. Tôi dùng ngôn ngữ "khó", "mới" được chứng tỏ tôi ưu việt hơn.
2. Tôi mới là thời thượng, các người chỉ là lũ quê mùa.

Nhưng bản thân giới trẻ thì lại không hiểu chính tâm lý của họ và tôi không có cách nào giảng cho những người thích tự ái nghe về điều này.

Vì sao lại phải sáng tạo ngôn ngữ mới?

Vì vốn từ ít và khả năng vận dụng ngôn ngữ kém. Tôi xem truyền hình trong nước, thấy ban giám khảo mỗi khi định diễn tả cảm xúc thì vốn từ nghèo tới nỗi nhăn mặt, so vai, vò đầu bứt tai và cuối cùng là "không diễn tả nổi". Tôi gọi đây là SỰ BẤT LỰC NGÔN NGỮ. Vì thế bất chợt có gì hiện ra trong đầu thì họ vớ lấy kiểu chết đuối vớ được cọc và vì thế "vi diệu" ra đời.

Có lẽ họ nghĩ tới "tinh vi" + "huyền diệu". Giới trẻ khán giả thấy thế thì ban đầu không hiểu nhưng nghĩ tuyệt quá, họ là người nổi tiếng nên chắc IQ cao. Thế là xúm đầu vào học từ "vi diệu".

Vốn từ ít

Thời đầu thế kỷ cho tới giữa thế kỷ trước, vốn từ của trí thức Việt Nam không tệ. Họ dùng được rất nhiều từ. Giới trẻ ngày nay kể cả người nổi tiếng trên sóng truyền hình vốn từ ngày càng ít đi do tâm hồn đã chai sạn (vì không học điều đúng đắn, lễ nghĩa, danh dự và sự thật). Khi cần nói điều gì thì họ phải vò đầu bứt tai, viết văn, phát biểu đều rất kém.

Thật ra vốn từ đã ít thì nói gì cũng nghe rất chán, nên lại phải hò hét để biểu lộ cảm xúc. Những hội thanh thiếu niên thì MC lên hò hét là chính, truyền tải nội dung rất ít. Phim hài nhảm cũng là để phục vụ đối tượng vốn từ ít này vì phải thật đơn giản, ít từ thì họ mới hiểu.

Chứ thật ra tiếng Việt còn có từ "kỳ diệu", "tuyệt diệu", "huyền diệu" kia mà?

Dùng các từ này hoàn toàn có thể diễn tả được các ý bạn muốn diễn tả, đâu cần phải thêm cái mới.

Có những người họ không học hành đầy đủ nên cứ phải sáng tạo lại những cái đã có, sáng tạo ra những từ mới chỉ vì họ không biết nghĩa những từ đã có.

Ngày xưa người ta hay dùng từ "tinh vi", "tinh tướng" về sau biến tướng là "tinh vi, tinh tướng, vi tính". Đây cũng chỉ là dạng nhảm. "Tinh vi" vốn là kiểu thế này: "Cái máy này tinh vi lắm, chị không hiểu được đâu". Tức là dạng tỏ ra ta đây ưu việt và tỏ ra bí hiểm để chiếm ưu thế hay thao túng người khác.

"Tinh tướng" cũng là cái người ta bịa ra, thật ra chỉ là "ra vẻ ta đây hiểu biết, ra vẻ ta đây có quyền thế" mà thôi. "Vi tính" thì không nói làm gì nó chỉ là từ đệm. Đây là dạng ngôn từ nhảm.

Ngay cả câu "ngu mà còn tỏ ra nguy hiểm" thì thật ra "tỏ ra nguy hiểm" ở đây chỉ là "tỏ ra bí hiểm". Một người "tỏ ra bí hiểm" vì họ muốn người khác nghĩ họ thông minh, hay người khác phải quỵ lụy họ thì họ mới cung cấp thông tin. Họ muốn được thể hiện họ là người quan trọng và người khác phải coi trọng họ. Trong phần lớn trường hợp, thông tin mà họ giữ kín để tỏ ra bí hiểm thì lại chẳng quan trọng gì. Thật ra là chỉ bí hiểm với họ thôi (do khả năng tìm kiếm thông tin bị hạn chế) chứ có khi mọi người biết cả rồi.

Tất cả dạng ngôn từ nhảm, cố gắng nói khó hiểu để tỏ ra ưu việt đều bắt nguồn từ mặc cảm tự ti bên trong tâm hồn mà ra. Mặc cảm này lại thường tới từ tuổi thơ không êm đềm (mà họ thường nhầm lẫn thành "cho tôi một vé về tuổi thơ" vì hiện tại quá bết bát), không được cha mẹ tôn trọng đầy đủ, không có đủ thời gian, không gian để phát triển tâm hồn toàn diện, hoặc đơn giản là không được dạy dỗ đúng đắn.

Vì trải nghiệm không vui nên nhu cầu được quan tâm, coi trọng rất lớn. Ngoài ra, vì cuộc sống của họ thật sự chán nên ngôn từ mới và nhảm có thể giúp họ cảm thấy một chút phấn khích nên ra sức sử dụng. Tiếc thay, ngôn từ mới và nhảm cũ rất nhanh, như chính cuộc sống của họ vậy.

Khi một người cần chứng tỏ sự ưu việt, tỏ ra bí hiểm, chỉ đơn giản người đó đang bị mặc cảm tự ti và có quá khứ đau thương. Chẳng cool chút nào cả. Ngôn từ sẽ thể hiện chính xác tâm hồn bên trong người đó. Vốn từ sẽ thể hiện chất lượng cuộc sống của một người. Muốn hạnh phúc? Vốn từ phải phong phú và khả năng vận dụng ngôn ngữ phải tốt.
Takahashi

2 nhận xét: