Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Dịch thuật Nhật Việt: Dịch theo đúng ngữ cảnh, sắc thái |Bài 1

Một số ví dụ dịch Nhật Việt theo ngữ cảnh và sắc thái
旅 (tabi, kanji: LỮ) có nghĩa là: Chuyến đi, cuộc hành trình, chuyến du lịch. "Tabi" khác với 旅行 (ryokou, kanji: LỮ HÀNH) ở chỗ "tabi" nhiều khi dùng để chỉ "chuyến đi, hành trình" nhiều hơn là "du lịch" (旅行 là "du lịch").
Trong bài hát "川の流れのように Kawa no nagare no you ni - Như một dòng sông" có câu:
"生きることは 旅すること" (Ikiru koto wa tabi suru koto)
Câu này nên dịch là: "Sống là đi"
人生は一つの旅だ (Jinsei wa hitotsu no tabi da)
Cuộc đời là một chuyến đi / Cuộc đời là một cuộc hành trình
サイゴンへの旅はどうでしたか?
Chuyến đi đến Sài Gòn của anh thế nào?
旅しましょう! = Chúng ta đi du lịch thôi!
Chúng ta phải dịch ra cách nói mà người Việt Nam thường nói. Với những câu có tính văn học chúng ta cũng phải dịch ra với sắc thái tương ứng.
Ví dụ: 旅人 (tabibito, kanji: LỮ NHÂN) chúng ta không nên dịch là "người du lịch / khách du lịch" vì nó sẽ sai về sắc thái. "Tabibito" không dùng để chỉ người đi du lịch mà chỉ người luôn luôn đi, hết nơi này tới nơi khác (để khám phá những điều mới lạ chẳng hạn) và cũng là từ mang tính văn học. Từ tiếng Việt thích hợp nhất là "lữ khách" (旅客). "Khách du lịch" sẽ là 旅行客 (ryokou-kyaku, LỮ HÀNH KHÁCH)、"người du lịch": 旅行者 (ryokou-sha, LỮ HÀNH GIẢ).
私はただの旅人だ。(Watashi wa tada no tabibito da.)
= Tôi chỉ là một lữ khách.

Dịch theo ngữ cảnh, không theo mặt chữ
Chúng ta đều biết rằng 感動 (kandou, CẢM ĐỘNG) có nghĩa là "cảm động, xúc động" và tra từ điển cũng ra như vậy. Từ này thường được sử dụng như sau:
この映画はとても感動的です。Kono eiga wa totemo kandou-teki desu.
Bộ phim này rất cảm động.
動物の愛を見て感動しました。Doubutsu no ai wo mite kandhou shimashita.
Nhìn tình yêu của động vật, tôi thấy xúc động.
彼は私を感動させた。Kare wa watashi wo kandou saseta.
Anh ấy làm tôi cảm động.
Tuy nhiên, câu văn sau:
顧客は新商品に感動した。
sẽ không thể dịch là "Khách hàng cảm động với sản phẩm mới" vì đây không phải là cách nói mà người Việt Nam sử dụng.
Phải nói là: "Khách hàng ấn tượng với sản phẩm mới".
Như vậy từ 感動 còn có nghĩa là "ấn tượng". Vì không phải từ điển nào cũng cập nhật các nghĩa mới của từ vựng thường xuyên nên đôi khi bạn sẽ tra không ra. Bạn nên sử dụng dịch vụ dịch tự động "Google Dịch" vì sản phẩm này thường xuyên cập nhật những cách dùng từ mới nhất.
Bạn có thể nhấp vào các từ ở câu văn dịch ra để lựa chọn các cách dịch khác (nếu có).

Không dịch cụm từ kanji theo mặt chữ
Ví dụ:
対応 tai-ou (ĐỐI ỨNG) => đối ứng (SAI) => xử lý, giải quyết, đáp ứng
機能 kinou (CƠ NĂNG) => cơ năng (SAI) => chức năng
検討 kentou (KIỂM THẢO) => kiểm thảo (SAI) => xem xét
提案 tei-an (ĐỀ ÁN) => đề án (SAI) => đề xuất
開発 kaihatsu (KHAI PHÁT) => khai phát (SAI) => phát triển
Lý do:
- Tiếng Việt không sử dụng những từ như vậy ("đối ứng", "cơ năng", "kiểm thảo") ví dụ "cơ năng" sẽ dễ được hiểu sang là "chức năng cơ giới".
- Tiếng Việt sử dụng với nghĩa khác: Ví dụ 提案 tei-an (ĐỀ ÁN) thì tiếng Việt là "đề xuất", còn 提出 teishutsu (ĐỀ XUẤT) thì tiếng Việt là "nộp (giấy tờ, v.v...)".

Không nên tin tưởng từ điển Nhật Việt vô điều kiện
Các bạn có thể tin tưởng từ điển Anh Việt vì những từ điển này đã có quá trình phát triển lâu dài và do những người hiểu biết ngôn ngữ tạo ra. Đáng tiếc là các loại từ điển Nhật Việt, Việt Nhật hiện có có rất nhiều chỗ sai, không chính sác hoặc thiếu nghĩa. Chúng ta chỉ có thể sử dụng để tham khảo và tìm gợi ý mà thôi. Có rất nhiều kiểu sai ở từ điển Nhật Việt:
- Dịch sai nghĩa
- Dịch thiếu nghĩa
- Dịch không chính xác
Ví dụ: Chữ "熟語" jukugo (THỤC NGỮ)
Google Dịch: "cụm từ" => Chính xác
Google dịch đúng
Từ điển Nhật Việt: "thành ngữ/tục ngữ" => SAI
(Thành ngữ / Tục ngữ: 諺 kotowaza)
Từ điển Nhật Việt dịch sai
Các bạn không thể trách các trang web từ điển vì các trang web chỉ sử dụng lại cơ sở dữ liệu từ điển do những người biên soạn làm ra.

Kết luận
  • Dịch theo ngữ cảnh, sắc thái và cách nói tự nhiên của tiếng Việt
  • Nên sử dụng Google Dịch
  • Không dịch theo mặt chữ cụm từ kanji
  • Không nên tin tưởng tuyệt đối từ điển Nhật <=> Việt mà luôn kiểm tra lại (thông qua từ điển tiếng Anh chẳng hạn)

Tại sao cùng một cụm từ kanji mà ý nghĩa trong tiếng Nhật và trong tiếng Việt khác nhau?
Ngôn ngữ là thứ luôn "tiến hóa" (進化 shin-ka) và tiếng Nhật hay tiếng Việt cũng không ngoại lệ. Tiếng Nhật và tiếng Việt mượn chữ Hán và biến nó thành của mình, từ đó phát triển theo hai con đường khác nhau. Ý nghĩa của từ vựng thay đổi dần theo thời gian và luôn phục vụ những nhu cầu mới. Các bạn có thể thấy là câu "Từ từ thì khoai mới nhừ" hay "Cái khó ló cái ... ngu" là những câu mới được sáng tác nhưng tôi đoán nó sẽ dần trở nên phổ biến.
Vì các ngôn ngữ (Việt, Nhật, Trung) đi theo con đường khác nhau nên cùng cụm từ kanji nhưng ý nghĩa trong mỗi ngôn ngữ sẽ lệch nhau hoặc trở nên khác nhau hoàn toàn.

Tiếng Việt / Tiếng Nhật có phải là tiếng Hán không?
Không! Các ngôn ngữ luôn luôn mượn từ vựng của nhau để phát triển. Tiếng Việt không chỉ mượn chữ, từ của tiếng Hán mà còn của các tiếng khác như tiếng Thái, tiếng Cam Bốt, v.v... Bản thân "tiếng Hán" cũng là rất nhiều ngôn ngữ theo mỗi vùng của China (các ngôn ngữ này lại mượn từ vựng của nhau) chứ không phải là một ngôn ngữ cố định. "Tiếng Hán" cũng lại mượn từ vựng từ tiếng Việt hay tiếng Nhật.
Nhìn chung, ngôn ngữ nào càng "mượn" nhiều thì lại càng phong phú. Tiếng Việt có rất nhiều cách diễn đạt, theo kiểu "Hán Việt" (trang trọng) hay "Thuần Việt" (gần gũi) còn bản thân tiếng China thì hầu như chỉ có một cách diễn đạt mà thôi.
Tóm lại: Tiếng Việt là tiếng Việt, tiếng Nhật là tiếng Nhật, không phải là tiếng Hán hay tiếng China.

SAROMA JCLASS 2012
  LUÔN LUÔN TIẾN HÓA  

3 nhận xét:

  1. trước giờ cứ dùng trang tratu.soha.vn để tra, giờ mới biết nó sai đầy ra đó. Từ giờ cạch mặt nó luôn. Thanks Saromalang vì bài viết này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải lỗi tại soha đâu bạn ạ, tại vì dữ liệu từ điển (do nhiều người không chuyên tạo ra) bị sai thôi. Các soft từ điển như Ja**dic từ cũng sai, thiếu khá nhiều.
      Tốt nhất là dùng Google Dịch và tra qua tiếng Anh.

      Xóa
  2. nhung ban than em thi chua gioi nen ngon tu chua bien hoa duoc, nen van phai dung may cai javadict chu dung google em chua hieu lam, ko iet vay dung ko

    Trả lờiXóa