Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Tại sao bạn chán học tiếng Nhật?

Chán học không thực sự chán như bạn nghĩ, mà nó là một việc tốt. Nó giúp cho chúng ta không nhồi nhét những kiến thức vô bổ hay hỗn độn vào đầu (chỉ tổ hại não!). Cách tốt nhất để không chán học nữa cũng khá đơn giản: Không học nữa. Cũng giống như cách tốt nhất để tránh say xe là đừng bước chân lên xe. Hôm nay tôi sẽ bàn về việc học ngoại ngữ và vì sao bạn chán.

Học để làm gì? Tương lai nào đang chờ bạn phía trước?

Có rất nhiều lý do để học ngoại ngữ, mà đây là những lý do chính:
  • Để đi du học
  • Để có việc làm
  • Để có lương cao hơn
  • Đơn giản là yêu thích
  • Để đi du lịch
  • Để xem anime, đọc manga trực tiếp bằng tiếng Nhật, v.v...
Khi bạn thấy công sức bỏ ra không đem lại tương lai tươi sáng thì bạn sẽ chán. Không chỉ học tiếng Nhật mà bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy. Thông thường bạn sẽ chờ đón tương lai gì khi học tiếng Nhật? Khả năng lớn nhất là ra làm nghề thông dịch kiêm dịch văn bản, lương tháng cũng gần gần như các ngành nghề khác (cỡ 200 đô la), nếu bạn có N2, N1 thì mức lương có thể cao hơn, 400 USD chẳng hạn (mình xài USD cho dễ hiểu vì VND thường trượt giá rất nhanh!). Và bạn lại không thích làm nghề dịch, ngay trong trường học những môn như lý thuyết dịch có thể đã chôn vùi hết nhiệt huyết học ngoại ngữ của bạn. Thực sự là vậy, bởi bạn không thể dịch giỏi chỉ nhờ biết lý thuyết dịch được. Cũng như các giáo sư về kinh tế, họ biết rõ vì sao một công ty thành công, vì sao chính công ty đó sụp đổ, v.v... nhưng bản thân họ cũng không thể nào vận hành một công ty được. Ngoài ra, mình không thích học lý thuyết vì nó thường làm mình cảm thấy bất an và bi quan về cuộc sống.
Vấn đề của bạn chính là:
  • Phải tìm ra cách học nhẹ nhàng hơn, ví dụ chỉ học thứ đơn giản và dễ nắm bắt (chỉ nên dịch câu đơn và đơn giản thôi)
  • Phải có mục tiêu giúp bạn có động lực: Thi lấy nằng N3, N2, N1 => Sẽ quyết định tiền lương của bạn trong tương lai
  • Hoặc mục tiêu du học chẳng hạn: Nếu bạn có N1 bạn còn có thể ứng tuyển một số học bổng như Lawson (100,000 JPY/tháng)

Lấy bằng vì một mức thu nhập cao hơn

Gắn học tập với mục tiêu thu nhập tương lai là một cách làm khôn ngoan. Ví dụ, nếu bạn làm freelancer (nghề tự do) và có bằng cấp, giao tiếp tốt bạn có thể kiếm 60 - 100 USD/ngày. Nếu bạn có thể dịch hội nghị (dịch cabin) thì lương còn cao hơn. Để có mức lương cao thì bạn phải có bằng cấp, và các bằng N3, N2, N1 là những thứ mà bạn vươn tới. Khi nói chuyện về trình độ tiếng Nhật, tốt nhất bạn chỉ nên chìa bằng ra, sẽ đỡ tốn nước bọt của cả hai bên. Mà dù thời đi học mình thường là học sinh cá biệt, nhưng bằng nào mình cũng có nên sau này cuộc sống cũng khá dễ dàng.
Ngoài ra, bạn có thể lấy thêm các bằng tiếng Anh như: TOEIC, TOEFL, iELTS, v.v... Nói chung càng nhiều càng tốt.
Theo kinh nghiệm của cá nhân Takahashi, bằng nghề của bạn quan trọng hơn bằng đại học hay cao đẳng rất nhiều. Và cái cách mà bạn lấy bằng hay chứng chỉ cũng rất quan trọng, vì nó cho thấy bạn yêu thích lĩnh vực nào và biết đặt ra mục tiêu để đạt tới.
Nếu bạn học mà không có các cột mốc, mục tiêu để chinh phục thì rất có thể bạn sẽ thấy một con đường thăm thẳm phía trước và chẳng biết mình đang ở vị trí nào.

Bạn đã biết bao nhiêu chữ kanji?

Nếu bạn không có câu trả lời cho câu này thì có nghĩa là bạn không hề có mục tiêu gì trong học tiếng Nhật cả. Vấn đề không phải là bạn biết 500 chữ, 1000 chữ hay chỉ 200 chữ mà bạn còn chẳng biết là mình đã học đến đâu. Nghĩa là bạn không có kế hoạch hành động gì cụ thể. Không nhất thiết bạn học hết 2000 chữ, nhưng bạn nên có các cột mốc để chinh phục:
  • Nắm rõ 100 chữ đầu tiên
  • Học 200 chữ đơn giản nhất
  • Chinh phục 500 chữ kanji
  • Học 1000 chữ kanji thông dụng nhất, v.v...
Có thể bạn chỉ học đúng 1000 chữ là thấy đủ rồi cũng không sao cả. Chúng ta chỉ học đến mức chúng ta muốn chứ không nhất thiết cái gì cũng phải biết.

Học tiếng và học nghề

Nếu bạn chỉ biết tiếng Nhật thì mức lương khởi điểm của bạn sẽ chỉ tầm 200 USD, và dù bạn có giỏi tiếng Nhật đến mấy thì cũng khó qua 600, 700 USD nếu bạn đi làm ở một công ty nào đó. Khi chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn sẽ đơn thuần bị giới hạn trong suy nghĩ học tiếng là để làm nghề dịch. Nhưng thực ra, học tiếng hoàn toàn không giới hạn trong nghề dịch. Bạn hoàn toàn có thể học thêm một chuyên môn khác và kiếm tiền bằng cách kết hợp hai chuyên môn lại, ví dụ:
  • Kinh doanh
  • Kế toán
  • Làm nội dung trang web
  • Tư vấn các vấn đề thủ tục pháp luật, v.v...
Thực sự là có vô vàn chuyên ngành mà bạn có thể vận dụng ngôn ngữ bạn học vào, kể cả đầu tư chứng khoán hay lên sàn vàng, sàn Forex. Ngoại ngữ là tấm vé để bạn bước chân ra thế giới bên ngoài, và bạn có thể cần vài hay nhiều tấm vé khác để có thể có công việc yêu thích hoặc lương cao.
  • Nếu bạn chỉ biết kế toán: Lương bạn trung bình
  • Nếu bạn chỉ biết tiếng Nhật: Lương bạn cũng trung bình
  • Nếu bạn vừa biết kế toán, vừa biết tiếng Nhật: Lương bạn sẽ ở một mức khác
Nếu bạn biết ngoại ngữ mà lại hiểu biết về thị trường hay kinh tế vĩ mô thì tôi dám cá là rất nhiều công ty nước ngoài muốn thuê bạn. Lúc đó, bạn có thể tha hồ bán sức lao động của mình với giá cao. Có khi lúc đó tỷ lệ thu nhập từ biết ngoại ngữ của bạn chỉ chiếm một số rất nhỏ....

Câu kết

Nhật Bản có một môi trường tuyệt vời để lấy mọi loại chứng chỉ của đủ loại ngành nghề, kể cả nấu ăn! Chứng chỉ quốc gia của Nhật là tấm vé đưa bạn tới mức lương và công việc yêu thích. Ở Việt Nam, bạn cũng có thể đăng ký lấy các chứng chỉ uy tín của thế giới. Có lẽ đây nên là các mục tiêu mà bạn hướng tới. Tất nhiên là chúng ta chỉ nên giới hạn trong những lĩnh vực chúng ta yêu thích thôi, chứ lấy bằng cấp trong lĩnh vực chúng ta không yêu thích thì cũng không đem lại tương lai vui vẻ, an nhàn. Nếu bạn đang học tiếng Nhật, hãy nhắm tới các bằng cấp tiếng Nhật có uy tín quốc tế. Ngoài ra, bạn cũng phải nhìn cuộc sống xung quanh xem xã hội đang cần những người có kỹ năng như thế nào. Bạn cần hiểu biết về cách ngành nghề và chọn kỹ năng phù hợp để học tập. Ví dụ như tôi, thay vì học lớp "Kỹ năng giao tiếp" thì tôi thích học lớp "Kỹ năng không giao tiếp" hơn vì thú thực là tôi ghét nhất là gặp gỡ, nói chuyện xã giao.
Có rất nhiều mục tiêu mà bạn có thể đặt ra trong việc học tiếng Nhật:
  • Học hết 1000 chữ kanji thông dụng
  • Học và nghe hết NHK học tiếng Nhật
  • Học và nghe hết JPLANG
  • Lấy bằng N3 / N2 / N1 ,....
Nếu bạn có mục tiêu (phải là mục tiêu có ý nghĩa nhé!) rồi thì chắc bạn sẽ không có thời gian chán nữa. Còn nếu bạn vẫn thấy chán? Thế thì bạn nên ngồi một mình và phân tích vì sao mình chán hơn là cứ đâm đầu đi học rồi lại cảm thấy chán nản hơn.

Takahashi - Link bài viết

15 nhận xét:

  1. Hì, mình học kế toán, tiếng Nhật là ko bắt buộc nhưng học vì yêu thích, càng học càng thấy thích. Mình đọc xong bài này thấy có nhiều điểm giống cách học của bản thân nên muốn chia sẻ thêm ở đây.
    Nếu học tiếng Nhật chỉ vì yêu thích đơn thuần, càng lên cao sẽ càng khó học vì gặp phải nhiều ngữ pháp rắc rối, chữ Kanji nhiều hơn, khó viết, khó học hơn. Đến với tiếng Nhật bằng niềm vui thích(mình ko nói đó là ko tốt, bản thân mình đến với tiếng Nhật cũng từ sở thích cá nhân), nhưng để theo đuổi tiếng Nhật đến cùng, để thời giờ bỏ ra học tiếng Nhật ko bị coi là lãng phí, vô bổ, cần lắm việc đặt mục tiêu rõ ràng hơn, thực dụng hơn.
    Có thể học tiếng Nhật bằng nhận thức nghiêm túc hơn, thẳng thắn hơn, tin chắc rằng, tiếng Nhật (hay bất cứ ngoại ngữ nào) cũng không phụ bạn. Bạn vất vả học nó, sau này bạn sẽ có cuộc sống đỡ vất vả hơn vì nó. Biển học là vô bờ, học không có gì là vô ích cả. Chỉ cần thay đổi cách nhìn nhận về nó, sẽ chẳng thể chán được khi chính mình là người đã chọn theo con đường này phải không? ^^

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuẩn không phải chỉnh! À mà nếu học chuyên ngành (như kế toán của bạn chẳng hạn) thì biết tiếng Nhật sau này tra cứu khá dễ, lại có thể so sánh sự tương đồng và khác biệt, qua đó nâng cao khả năng chuyên môn được. Nhiều thứ mình vẫn tra tiếng Nhật cho nhanh!

      Xóa
    2. Uh, mình đặc biệt yêu thích học Kanji vì ban đầu thấy nhiều điểm tương đồng trong ngôn ngữ Nhật-Việt ( tuy càng về sau thì càng khác biệt, nhưng vẫn thấy thú vị ^^), có lẽ 1 phần động lực khiến mình theo đuổi tiếng Nhật đến tận bây giờ là vì mình thấy có đc mối tương đồng này khi học *mình yêu tiếng Việt lắm*
      Ban đầu mình chỉ định học cho biết thôi, vì đó là một ngôn ngữ mình quan tâm lâu rồi, nhưng bây giờ, mình đã có định hướng rõ ràng hơn, và mình thấy được sự định hướng đó đã giúp mình rất nhiều trên con đường học tiếng Nhật này.
      Mong rằng những ai yêu Nhật, ham thích học tiếng Nhật cũng có thể tìm thấy cho mình một mục tiêu như thế để có thể theo đến cùng với tình yêu của mình. :)

      Xóa
    3. đọc được những chia sẻ này của bạn, mình thấy hữu ích quá:)
      ngày trước thi đại học, mình đã chọn tiếng nhật chỉ vì 1 niềm vui thích muốn thay đổi ngoại ngữ mình học, bới mình thấy mình học tiếng anh từ nhỏ, thấy chán rồi:(( nhưng...mình đã lựa chọn thi tiếng nhật khi mà mình không biết chút gì tiếng nhật cả:(( và mình cũng đã không tìm hiểu chút gì về nó cả:(( rồi khi vào năm học, mình đã "ngã ngửa" ra vì nhận ra nó khó, khó quá...
      những câu trúc với từ ngữ giống nhau mà ý nghĩa, cách sử dụng lại khác nhau...
      những chữ kanji, goi thật sự sao nó khó để nhớ quá vậy...
      mình đã thực sự cảm thấy nuối tiếc và...hối hận khi đã đăng ký tiếng nhật...
      cũng có đôi khi được các thầy cô nói về tiếng nhật, những gì liên quan đến nước Nhật và cơ hội kiếm việc làm rất lớn, lương lại cao..và thỉnh thoảng mình có tham gia những sự kiện liên quan đến Nhật bản, liên quan đến văn hóa Nhật...mình cũng đã có thích tiếng Nhật thêm...nhưng chỉ được lúc ấy thôi, lúc sau phải học mình lại chán tiếng Nhật lắm...
      hôm nay đọc được chia sẻ của bạn, mình thấy bạn thực sự nói chính xác những gì đang tồn tại trong đầu mình...mình không biết rằng mình sẽ cố gắng học tập hơn, cố gắng có trách nhiệm với những gì mình đã lựa chọn được bao lâu...nhưng nó đã thực sự tác động đến mình...mình nhận ra mình phải bắt đầu bước đi thôi, không thể giậm chân tại chỗ như 1 thời gian dài đã qua được...
      cảm ơn bạn nhiều với những chia sẻ này! どうもありがとうございます!

      Xóa
    4. Tiếng Nhật không thực sự khó đâu, có điều chắc bạn nên điều tra xem có cách nào dễ dàng hơn..

      Xóa
  2. Bài viết rất đúng nhưng mình muốn thêm vào một ý thiết nghĩ cũng rất quan trọng đó là những ai yếu tiếng Anh thì không nên học tiếng Nhật. Phải để thời gian hoàn thiện tiếng Anh trước.

    Trả lờiXóa
  3. hì hì.mình cũng đang học tiếng nhật.sự nghiệp học tập của mình cũng khá long đong, lận đận.ban đầu mình học đại học công nghiệp khoa kế toán, thành tích học tập cũng không đến lỗi nào.nhưng vì niềm đam mê và sự khát khao học ngoại ngữ, mình đã giấu gia đình,thi lại đâị học.quá tự tin vào bản thân, và mình đã thất bại. mình trượt khoa tiếng hàn của trường đại học hà nội.hì hì.chỉ thiếu nửa điểm thui. thời gian đó mình buồn và choáng váng vô cùng. mình không quay lại công nghiệp mà quyết định đăng kí vào trường dân lập thăng long khoa tiếng nhật.hì hì. khi đó tiếng nhật với mình hoàn toàn mới mẻ.văn hoá nhật mình cũng không biết nhiều.mình vào học trong sự ngỡ ngàng và nuối tiếc kèm theo sự thất vọng của bạn bè người thân.vậy nên mình đã cố gắng lỗ lực rất nhiều. phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình.mình đã học năm thứ 2 rùi và đến bây giờ mình cảm thấy không hề hối hận. mình thích tiếng nhật cơ mà mình cũng gặp rắc rối với chữ kanji. hì hì. nếu bạn cùng phòng của mình học 1 bài gồm 60 chữ kanji trong vòng 2h thì mình phải học mất nguyên một ngày. hì hì. bù lại thì mình lại học ngữ pháp và từ mới rất nhanh. đúng là mỗi người có một thế mạnh riêng của mình.chỉ cần biết vận dụng và phát huy nó thì ta có thể thành công.mình đã tìm ra tương lại của mình,vậy các bạn thì sao.có lẽ đây sẽ là một ý kiến khá chủ quan nhưng mình nghi rằng chỉ cần làm theo trái tim, cố gắng hết sức theo đuổi ước mơ và lý tưởng chính đáng bạn sẽ thành công. cho dù nếu có thất bại thì mình cũng sẽ không hối tiếc vì mình đã làm hết sức,hết khả năng có thể rùi mà.
    chúc mọi người thành công.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa mình cũng học kỹ thuật nhưng thực sự là mình chỉ thích học ngoại ngữ, ngôn ngữ nên mình cũng chẳng học kỹ thuật mấy. Tuy kiến thức kỹ thuật cũng có ích nhưng mình không thích làm về kỹ thuật!

      Xóa
    2. Mỗi người có một thế mạnh riêng, làm sao phát huy thế mạnh thôi. Chữ kanji mà không biết thì lúc nào cũng có thể tra được! Mình cũng không phải người nghe giỏi nhưng vẫn giao tiếp khá tốt vì mình cũng không ngại hỏi lại.

      Xóa
  4. h moi bat dau hoc tieng nhat,nhung toj tu hoc.phai bat dau nhu the nao day cac ban

    Trả lờiXóa
  5. các anh chị đi trước ơi.em sắp thi đại học rồi. em muốn học tiếng nhật nhưng lại nghe mọi người nói là rất khó học. mà em cũng không biết rõ học tiếng nhật ra ngoài thông dịch sẽ có những ngành việc nào liên quan và ổn định nữa. mong anh chị tư vấn giúp em với!

    Trả lờiXóa
  6. Mình tốt nghiệp kinh tế, giờ mình muốn học thêm tiếng Nhật để có thêm cơ hội cho công việc sau này, mình mong muốn được các anh/chị/bạn cho mình ít kinh nghiệm và lời khuyên để học tốt môn Ngoại Ngữ này.

    Trả lờiXóa
  7. wow! đứng cái mình cần.........Cảm ơn tất cả mọi người rất nhiều........

    Trả lờiXóa
  8. Mình học ngành luật,năm nhất mình mới biết đến tiếng nhật và năm nay là năm hai mình quyết định theo học ngôn ngữ này vì sở thích nhưng nhiều lúc mình cũng băn khoăn không biết ra trường có được làm đúng nghề mình chọn và sử dụng tiếng nhật hay không, và không biết mình có thực sự học đươc không vì nghe nói ngôn ngữ này rất khó, còn tiếng anh mình học cũng tầm tầm, phải nói là hơi dở về giao tiếp vì hồi cấp 3 mình không chú trọng ngôn ngữ này lắm và mình không thích ngôn ngữ này, cái chính là học để lấy bằng TOEIC 500 để ra trường, mình cũng đang hoang mang, trong 3 năm nữa có học lấy được N3-N2 hay không?

    Trả lờiXóa
  9. tôi học tiếng nhật với mục đích duy nhất là có lương cao và chức to to to to to...mục đích của tôi là thi N3. tôi muốn có lương cao và nhà đẹp, ô tô nữa...tôi không có sức khỏe để bốc vác cảng hay lái container, đi tàu như bạn cùng tuổi của tôi. và tôi phải có tiền để đảm bảo cs cho vợ con tôi nữa. tôi năm nay 27t.

    Trả lờiXóa