Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lại bàn về động từ: Toàn cảnh động từ tiếng Nhật

SAROMA JCLASS đã có loạt bài về động từ tiếng Nhật:

Phần 1: Động từ trong tiếng Nhật
Phần 2: Chia động từ tiếng Nhật
Phần 3: Động từ ghép tiếng Nhật

3 phần này là đã gần như đầy đủ về động từ tiếng Nhật và cách chia rồi, bạn nên tham khảo 3 phần trên. Trong bài này, mình sẽ luận thêm để cho các bạn dễ hiểu.

Chia về cách chia: Động từ 5 đoạn <=> Động từ 1 đoạn


  • 五段動詞 godan doushi (NGŨ ĐOẠN ĐỘNG TỪ)
  • 一段動詞 ichidan doushi (NHẤT ĐOẠN ĐỘNG TỪ)
Ví dụ, ngay cả cùng âm đọc là かえる kaeru cũng có 2 loại động từ này:
帰る kaeru = về nhà, trở về => Động từ 5 đoạn => Phủ định "Không về" là kaeranai, tức là thay hàng cuối "ru" sang hàng "ra"
変える kaeru = thay đổi, thay => Động từ 1 đoạn => Phủ định "Không làm thay đổi" là kaenai, tức là bỏ hàng cuối đi.

Quy tắc:
  • 1 đoạn thì nhất định phải kết thúc bằng る "ru"
  • 5 đoạn thì kết thúc bằng "ru" hay các âm khác như "mu" "gu" "tsu" ....
Tức là, nếu là "kaesu" kết thúc âm "su" thì chắc chắn là 5 đoạn nhé. Nhưng "ru" thì chưa biết chắc thế nào cả.

Động từ tự thân và động từ tác động: 自動詞 jidoushi (TỰ ĐỘNG TỪ) <=> 他動詞 tadoushi (THA ĐỘNG TỪ)

Hiểu đơn giản thì động từ tự thân là hành động KHÔNG TÁC ĐỘNG lên thứ khác, tức là không có đối tượng bị tác động. Còn động từ tác động là động từ CÓ TÁC ĐỘNG lên thứ khác.

Ví dụ "khóc" thì là động từ tự thân (Tự động từ) vì nó không hề tác động lên thứ gì cả. Nhưng cần chú ý, điều đó không có nghĩa là nó không đi với を "wo" đâu nhé!
Ví dụ "khóc cha" => お父さんのことを泣く vẫn hoàn toàn đúng.

=> Tiếng Nhật khá gần tiếng Việt đấy chứ? Càng học, bạn sẽ càng thấy 2 ngôn ngữ khá tương đồng nhau.

Còn động từ tác động (tha động từ) thì ví dụ như 修理する shuuri suru (TU LÝ) "sửa", những động từ tác động này BẮT BUỘC phải có đối tượng chịu tác động. Tức là "Sửa cái gì?". Không có chuyện "Tôi sửa" một cách chung chung được, mà phải là "Tôi sửa nhà", "Tôi sửa máy", ...
Tất nhiên, nếu đối tượng chịu tác động đã được mặc định (tức là ngầm hiểu) thì có thể LƯỢC đi, ví dụ như hội thoại sau:
A:壊れた機械は?Kowareta kikai wa? (Máy hỏng thì thế nào rồi?)
B:私が修理しました.Watashi ga shuuri shimashita. (Tôi đã sửa rồi)

Câu trả lời đầy đủ vẫn là 壊れた機械は私が修理しました Cái máy hỏng thì tôi đã sửa rồi.

Động từ dạng bị động

Động từ dạng bị động thì cách chia tùy động từ 5 đoạn hay 1 đoạn:
  • 1 đoạn: Taberu => Taberareru (bỏ âm "ru" cuối", thêm "rareru")
  • 5 đoạn: Nomu => Nomareru (đổi âm cuối "mu" sang hàng "a" thành "ma" và thêm reru)
Bạn có thể nghĩ dạng bị động chỉ dùng để diễn tả thứ gì "bị tác động", tức là chỉ dùng cho động từ tác động, nhưng thực sự không như vậy.
Ví dụ:
Tôi bị đứa bé khóc. 
赤ちゃんに泣かれた. Akachan ni nakareta.

Mẫu câu trong tiếng Việt và tiếng Nhật hoàn toàn giống nhau: Diễn tả việc bạn phải chịu đựng ("bị") một việc gì đó.
Bạn cũng có thể nói:
Thật đáng thương! Đứa bé đó bị cha mất từ nhỏ.
かわいそう!その子はお父さんに亡くなられた.Kawaisou! Sono ko wa otousan ni nakunarareta.

Ở đây chúng ta dùng bị động để diễn tả việc phải chịu đựng sự việc, biến cố, ... nào đó.

Tất nhiên, đối với động từ tác động (Tha động từ) thì bị động để chỉ sự tác động:
病気は治された.Byouki wa naosareta.
Bệnh đã được chữa khỏi.
Naosu => Naosareta

Ở đây sẽ nảy sinh ra vấn đề: Liệu câu này có tương đương nếu dùng động từ tự thân (Tự động từ) không?
Ví dụ:
病気は治った.Byouki wa naotta.
Bệnh đã khỏi.

"Naosu" là tự THA động từ, tức là "chữa bệnh", còn "naoru" là TỰ động từ "khỏi" (khỏi bệnh); 2 động từ này là cặp tự động từ - tha động từ tương ứng với nhau.
Nhưng 2 câu trên là khác nhau nhé. Mặc dù kết quả thì cùng là "khỏi bệnh" nhưng sắc thái hoàn toàn khác nhau"
"Bệnh đã khỏi" => Chỉ nói là khỏi bệnh thôi, không nói là bạn có chữa nó không.
"Bệnh đã được chữa khỏi" => Có người chữa bệnh và nhờ đó bệnh mới khỏi.

Xin lỗi các bạn vì mình đã viết nhầm ở trên, đúng là bút sa gà không chết (ngay, mà từ từ)! (21-03-2014)

"Bị" và "Được"
Trong tiếng Việt, nói về thứ tích cực (lợi ích) thì ta dùng "được", và về thứ tiêu cực (thiệt hại) thì ta dùng "bị" nhưng tiếng Nhật thì không phân biệt mà gộp chung lại thành dạng bị động như trên (Tức là dạng Vれる). Bạn phải căn vào ngữ cảnh mà dịch cho chuẩn.
Ví dụ:
先生にほめられた.Sensei ni homerareta.
Thì phải dịch là "Tôi được giáo viên khen" chứ không phải "Tôi bị giáo viên khen" nhé.

Dạng bị động không chỉ diễn tả bị động: Tôn kính
Chúng ta cũng cần chú ý là động từ dạng bị động không chỉ diễn tả bị động, mà còn dùng làm cách nói tôn kính (敬語 keigo KÍNH NGỮ) nữa, ví dụ:
日本に戻りましたか.Nihon ni modorimashita ka?
Ông đã về Nhật chưa?

Thì dạng tôn kính là:
日本に戻られましたか.Nihon ni modoraremashita ka?
Ngài đã về Nhật chưa ạ?

Tức là đổi "modoru" sang dạng bị động "modorareru" để thành cách nói tôn kính. Nhìn chung, dạng tôn kính này và dạng bị động là 2 thứ hoàn toàn khác nhau. Nó chỉ dùng chung 1 dạng mà thôi. Để phân biệt thì vẫn phải xem ngữ cảnh câu nói.

Bạn có thể liên hệ với dạng Vて (tức là dạng "te/de"): Nó có 2 chức năng chính:
  • Nối câu
  • Mệnh lệnh thức ("Hãy ~")
Đây là 2 chức năng hoàn toàn khác nhau nhưng dùng chung 1 dạng chia động từ. Và ngữ cảnh đương nhiên khác nhau, vì nối câu thì theo sau bao giờ cũng là phần nối tiếp, còn mệnh lệnh thức thì đằng sau không có hoặc thêm "kudasai".

Động từ dạng sai khiến

Cũng chia như như dạng bị động như thay vì "reru" thì là "seru":
  • 1 đoạn: taberu => tabesaseru
  • 5 đoạn: nomu => nomaseru
Dạng này có thể viết tắt là Vせる (V-"seru").
Dạng bị động thì vừa diễn tả "được" (lợi ích) vừa diễn tả "bị" (thiệt hại), còn dạng sai khiến cũng diễn tả 2 thứ:
  • Bắt buộc ai làm gì (Bắt ép)
  • Cho phép ai làm gì (cho phép)
Ví dụ:
やらせてください Yarasete kudasi = Xin hãy cho tôi làm (Cho phép)
母は妹に留学させた Haha wa imouto ni ryuugaku saseta = Mẹ bắt em gái tôi đi du học (Bắt ép) / Mẹ cho em gái tôi đi du học (Cho phép)

Chú ý là ở câu dưới thì tùy ngữ cảnh mà là bắt ép (nghĩa vụ) hay là cho phép (quyền lợi) nhé.
Chúng ta sẽ phải phân biệt theo ngữ cảnh của câu. Và cũng nên ghi nhớ quy tắc:
  • Dạng yêu cầu Vせて (Hay Vせてください) thì bao giờ cũng là cho phép
  • Dạng "[Đối tượng]に" thì có thể là bắt ép hoặc cho phép (đã đính chính chỗ này - Takahashi)
Một đứa bé có thể làm nũng ba mẹ kiểu "食べさせて" tabesasete = "Ba đút cho con!".

Lợi dụng dạng sai khiến
Động từ dạng sai khiến thường được lợi dụng không chỉ sử dụng vào 2 mục đích trên, mà còn có thể biến một động từ tự thân thành động từ tác động:
終わる owaru = xong, kết thúc (V tự thân = Tự động từ)
=> 終わらせる owaraseru = làm (gì) cho xong

Nghĩa là bạn có thể nói:
仕事は終わった shigoto wa owatta = Công việc đã xong
Và cũng có thể nói:
仕事を終わらせました shigoto wo owarasemasita = Tôi đã làm cho xong công việc.
Hai câu này là khác nhau nhé. Câu thứ 2 chỉ ý chí của người nói còn câu 1 thì không.

Động từ tự thân và bị động thì không hề liên quan, một động từ tự thân có thể có ý nghĩa bị động (chỉ trong tiếng Việt thôi nhé) hay không:
泣く naku = khóc
夢は実現する yume wa jitsugen suru = ước mơ được thực hiện (có ý nghĩa bị động trong tiếng Việt)
Còn nếu muốn nói "Tôi thực hiện ước mơ" thì chúng ta dùng dạng sai khiến:
夢を実現させる yume wo jitsugen saseru

Khi này "ước mơ = yume" trở thành đối tượng nên ta dùng trợ từ "wo". Tức là: Có thể dùng dạng sai khiến để biến động từ tự thân thành động từ tác động.

Cặp động từ tự thân - động từ tác động tương ứng

Thường tiếng Nhật có các cặp động từ tự thân - tác động tương ứng với nhau (tất nhiên cũng có động từ sẽ không có "nửa kia"):
治す naosu = chữa bệnh <=> 治る = khỏi bệnh
終わる owaru = kết thúc <=> 終える oeru = làm xong (ý nghĩa tương tự dạng sai khiến 終わらせる owaraseru)
叶う kanau = (ước nguyện) thành hiện thực <=> 叶える kanaeru = làm cho (ước nguyện) thành hiện thực
実現する jitsugen suru = thành hiện thực, được thực hiện <=> 実現させる jitsugen saseru (dạng sai khiến) = thực hiện / làm cho thành hiện thực
倒す taosu = lật đổ, đánh đổ, làm cho đổ <=> 倒れる taoreru = đổ
壊す kowasu = phá hủy, làm hỏng <=> 壊れる kowareru = hỏng, vỡ
破る yaburu = xé rách <=> 破れる yabureru = rách

Bạn sẽ thấy một số quy tắc. Nếu không có cặp tương ứng thì bạn dùng động từ và dạng sai khiến của nó là được.
Để thuận tiện, mình sẽ thêm mục "Động từ tiếng Nhật" vào mục tìm theo chủ để ở thanh bên.

Động từ ý chí và động từ vô ý chí

Đây là cách phân loại động từ của trường đại học ngoại ngữ Tokyo - chương trình JPLANG. Bạn có thể vào JPLANG từ thanh bên để học sơ cấp.
Động từ ý chí là động từ diễn tả hành động có ý chí của ai đó, ví dụ "tức giận", "nỗ lực", "khóc", ....
Động từ vô ý chí là chỉ hành động không theo ý chí của ai cả như "trời mưa", "tuyết rơi", "khỏi bệnh", ...

Động từ dạng ý chí

Đây là dạng Vよう, diễn tả bạn muốn hay định làm gì đó. Ví dụ:
帰る về nhà => 帰ろうとする kaerou to suru = định về nhà, sắp sửa đi về
そばを食べよう! = Ăn món soba đi! (rủ rê)
留学しようと思います ryuugaku shiyou to omoimasu = Tôi tính đi du học

Dạng này nếu bạn học sơ cấp thì chắc chắn sẽ được học. Còn một số dạng động từ nữa nếu bạn học sơ cấp thì cũng sẽ biết. Nhìn chung, học sơ cấp là khá đầy đủ rồi. Giờ mình cũng không nhớ là mình đã học tiếng Nhật trung, cao cấp chưa nữa! ^^

Bạn hãy xem bảng chia động từ của Takahashi (Phần 2: Chia động từ) thì sẽ thấy các dạng có thể chia được nhé. Nắm vững cách chia cũng là cách nhanh để nắm hết các dạng động từ và học sơ cấp sẽ dễ hiểu hơn.

(C) SAROMA JCLASS

9 nhận xét:

  1. Minh muon hoc giao tiep de co the giao tiep duoc voi nguoi Nhat thi lam sao ha ban?

    Trả lờiXóa
  2. bai v iet rat hay, minh dang theo hoc n2 nen rat can nhung bai viet cu the ro rang the nay cam on ban nhe
    面白く中級を勉強しているので私に対してこの詳しい記事が必要でどうもありがとうございます

    Trả lờiXóa
  3. sao web không có nút like hoạc nút thanks đầu trang hoặc cuối trang vậy ad. mấy lần em muốn thanks mà không làm gì đc

    Trả lờiXóa
  4. Tất nhiên, đối với động từ tác động (Tha động từ) thì bị động để chỉ sự tác động:
    病気は治された.Byouki wa naosareta.
    "Naosu" là tự động từ, tức là "chữa bệnh"
    Naosu lúc thì tự lúc thì tha động từ không hiểu ,viết sai rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. quả thật , chả biết đâu mà lần. ad cho ý kiến cái, loạn mất rồi :))

      Xóa
    2. Có gì loạn đâu, naosu là tha động từ (tức động từ tác động), nhưng naosareru là dạng BỊ ĐỘNG.

      Do đó, naosareru trở thành tự động từ (động từ tự thân).
      Cần phân biệt động từ và dạng bị động là khác nhau nhé. Dạng bị động thì về cơ bản nó còn tác động gì nữa đâu, nên nó phải là tha động từ!

      Xóa
    3. Nhưng căn bản ad viết ở trên naosu là tự động từ nên nó mới khó hiểu :((

      Xóa
    4. Hontou? CHECK shimashou! Thanks đã nhắc ^^

      Xóa
    5. Hehe nhầm thiệt, thank các bạn!

      Xóa