Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Biến âm, đổi cách đọc trong ngôn ngữ và tiếng Nhật

Takahashi có bài nói khái quát cách đây khá lâu về Biến âm trong tiếng Nhật. Ngoài ra, bạn chắc cũng biết là động từ tiếng Nhật phải chia tùy theo thể của nó, và đã được tôi liệt kê ở bài Chia động từ tiếng Nhật.

Bài này, Takahashi sẽ đưa ra cách nhìn sâu hơn về biến âm và thay đổi cách đọc một số từ trong tiếng Nhật. Trước đây, bạn sẽ nghĩ là chỉ có một cách là phải ghi nhớ như sự bất quy tắc, nhưng thực ra nó có lý do của nó.

Mọi việc xảy ra đều có lý do!
Everything happens for a reason!
物事は全て理由があって起きる!
Monogoto wa subete riyuu ga atte okiru!

Ví dụ động từ 飲む nomu = "uống" thử xem. Dạng "te/de" (te/de form) của nó là "nonde". Trong khi đó, nếu là động từ 食べる taberu = "ăn" thì dạng "te/de" là "tabete" たべて. Hay ví dụ "về nhà" 帰る kaeru thì dạng "te/de" là "kaette" かえって. Khi nào thì có âm lặp ("tsu" nhỏ = っ), khi nào không, khi nào thì là "te" và khi nào thì là "de"?

Thật ra, Takahashi có cách chia dễ hơn nhiều:
Nomu => nomite
Taberu => tabete (vì là động từ nhất đoạn)
Kaeru => kaerite

Tức là động từ nhất đoạn thì chỉ cần bỏ "ru" và thêm "te", còn động từ ngũ đoạn thì chia dạng V(ます)て, tức là chuyển sang dạng "masu", bỏ "masu" đi và thêm "te" vào. 
Nếu là bơi 泳ぐ oyogu thì thành oyogite (thực tế và đúng là oyoide 泳いで).
"Tiếp nối" 次ぐ tsugu => tsugite つぎて (thực tế: 次いで tsuide).

Tôi nghĩ xuất phát điểm lúc đầu đúng là như thế. Nhưng dần dần, ngôn ngữ trở nên phát âm ngày càng đơn giản, dễ dàng hơn để phục vụ việc giao tiếp với số lượng nhiều hơn. Do đó, "nomite" trở thành "nonde", bạn có nhận thấy là phát âm nomite rất dễ bị biến âm thành nonde không? "Nonde" phát âm dễ hơn so với "nomite". Theo cách này, để phát âm dễ dàng thì phát sinh ra quy tắc chia động từ tiếng Nhật. Ví dụ, kaerite thì phát âm khá khó, và khi nói nhanh nó thành kaette かえって tức là âm lặp với "tsu" nhỏ.

Nếu nghiên cứu biến âm tiếng Nhật thì bạn sẽ nhận thấy điều này. Bắt chuyện với người lạ khác giới để làm quen, tán tỉnh thì gọi là 難破 Nanpa, nhưng do âm cuối "n" đi với "p" thì khó đọc nên trên thực tế là "n" trở thành "m" nên 難破 đọc là Nampa. 日本橋 lẽ ra đọc là Nihon hashi, nhưng để cho dễ đọc thì hashi thành bashi (biến âm "h" => "b" khi đứng sau từ khác thành từ ghép), và do "n" cuối của "nihon" đứng trước "b" nên để dễ đọc thì đọc nó thành "m". Sơ đồ biến âm:

日本橋 => nihon + hashi => nihonhashi => nihonbashi => nihombashi

Biến âm khi chia động từ

Bạn hãy tham khảo cách chia động từ tiếng Nhật trong bài Chia động từ tiếng Nhật.
Công thức TE/DE FORM:

Vて = V(ます)て ⊕ BIẾN ÂM

Tức là động từ chia dạng masu, bỏ masu, thêm "te" thành V(masu)te rồi biến âm.

Động từ 1 đoạn thì chỉ cần bỏ "ru" る và thêm "te" て. Bởi vì dạng "masu" của động từ 1 đoạn cũng là bỏ る và thêm ます "masu".
Còn động từ 5 đoạn thì trong bài viết cũ mình có nói cách chia sau:
u, ru, tsu -> "tte":
言う(いう):言って(いって)
帰る(かえる):帰って(かえって)
立つ(たつ):立って(たって)
Riêng:
su -> "shite": 刺す(さす) → 刺して(さして) (đâm)
mu, nu -> "nde": 飲む → 飲んで(のんで) (uống), 死ぬ(しぬ)→死んで(しんで) (chết)
gu -> "ide": 泳ぐ(およぐ) → 泳いで(およいで) (bơi)
ku -> "ite": 除く(のぞく) → 除いて (のぞいて) (trừ ra)

Tức là, dạng te/de form thường sẽ là って tte (âm lặp), hay して shite, んで "nde", いで ide, いて ite. Chúng ta hãy xem lý do một chút:
言う(いう) => iimasu => iite, nhưng iite có âm dài "ii" rất khó phát âm, nên phát âm thành って tte với âm lặp sẽ dễ hơn => itte
帰る(かえる)kaeru  => kaerimasu => kaerite, nhưng phát âm "ri" khó và dễ bị nuốt, nên nó cũng thành âm lặp "tte" => kaette
立つ(たつ)tatsu => tachimasu => tachitte, nhưng "chi" là âm gió rất khó phát âm rõ nên cũng thành âm lặp って tte => tatte
刺す(さす) sasu => sashimasu => sashite: Cái này thì khỏi nói vì nó chỉ là V(ます)て
飲む(のむ)nomu => nomimasu => nomite, chữ "mite" khó phát âm và khi nói nhanh sẽ nghe thành "nde" => nonde
死ぬ(しぬ)shinu => shinimasu => shinite, chữ "nite" cũng khó phát âm (như "mite") và dễ nghe thành "nde" => shinde
泳ぐ(およぐ)oyogu => oyogimasu => oyogite (đọc ô-yô-ghi-tê), chữ "ghi-tê" khó phát âm và dễ nghe thành "ide" => oyoide
除く(のぞく)nozoku => nozokimasu => nozokite, chữ "ki" có âm dó và rất khó đọc rõ mà nghe như "k'i" và cuối cùng nghe như "ite" => nozoite

Bảng chia động từ mới (có quy tắc) của Takahashi - 2014

Riêng する、行く、来る thì là động từ đặc biệt và cách chia hơi khác (nhưng cũng hợp lý!). Bạn hãy tham khảo trong bài chia động từ.

Biến âm này có trong rất nhiều ngôn ngữ. Ví dụ trong tiếng Hàn, thì tiếng Hàn 韓国語 Kankokugo (Hàn Quốc Ngữ) là 한국어, từng chữ một là Han + Guk + Eo (eo đọc như "o" trong tiếng Việt, còn "o" trong tiếng Hàn đọc như "ô" tiếng Việt). Nhưng do âm cuối "k" của Guk đi trước nguyên âm của Eo nên sẽ biến âm thành Hangugo, tức là Han + Gu + Go (lưu ý là viết "g" trong tiếng Hàn nhưng đọc gần giống "k" tiếng Việt). Nhưng cách này đọc vẫn khó và cách đọc thực tế lại là Hangunggo, tức là Han + Gung + Go.

Tiếng Việt cổ ngày xưa (tiếng Mường) không nói là "trời" mà là "bờ lời" hay "b'lời" nhưng do âm "b" đọc tốn hơi quá mà nói thành "t'lời" chăng, và để đỡ tốn hơi hơn nữa thì thành "t'rời" = trời cho tiện. Đây cũng là hiện tượng đơn giản hóa âm tiết cho dễ đọc, tức là biến âm.

Chọn cách nói dễ nhất

Một trong cách đặc điểm của ngôn ngữ mà Takahashi nhận thấy là người ta sẽ chọn cách nói đơn giản nhất cho đối phương có thể hiểu. Ví dụ, tiếng Việt nói là "thông minh" (聡明 Soumei) nhưng tiếng Nhật sẽ nói là:

頭がいい Atama ga ii (nghĩa đen: Đầu tốt)

Tiếng Nhật cũng có từ 聡明 đấy chứ, đó là tính từ 聡明な Soumei-na, nhưng từ này thường chỉ ý là thông minh lanh lợi hay hoạt bát. Tại sao lại không dùng 聡明な Soumei-na thay cho 頭がいい Atama ga ii?
Tôi nghĩ là do vai trò khác nhau một chút, vì 聡明な Soumei-na đã dùng cho nghĩa lanh lợi, hoạt bát rồi. Ngoài ra, nói Atama ga ii thì sẽ DỄ HIỂU HƠN khá nhiều vì không cần dùng tới chữ kanji ít dùng.

Một ví dụ kinh điển khác là chữ 場合 Ba'ai (Trường hợp). Chữ này cũng có nghĩa là "trường hợp" giống hệt tiếng Việt. Nhưng tại sao lại đọc là "ba'ai", tức là theo cách đọc thuần Nhật (kun-yomi) mà không đọc theo Hán Nhật on-yomi như cho từ ghép kanji thông thường?
Nếu đọc theo on-yomi thì sẽ là じょうごう jougou, sẽ rất khó biết là đang nói tới chữ kanji nào vì âm đọc kanji trùng nhau rất nhiều chứ không như tiếng Nhật. Riêng chữ jou có thể có tới vài trăm chữ kanji cùng cách đọc này. (Chữ Thông Minh Soumei ở trên cũng sẽ bị trùng nhiều cách đọc Sou và Mei.)
Thật ra, ban đầu tôi nghĩ nó là じょうごう jougou nhưng hiệu quả truyền đạt không cao, và cứ phải giải thích lại và rốt cuộc là nếu nói là ばあい Ba'ai thì dễ hiểu hơn nhiều, lại dễ đọc nên mọi người đều đọc 場合 (trường hợp) là ba'ai.

Đây là cách đọc thuần Nhật vì 場 đọc là "ba", tức là nơi, chỗ, place. Còn chữ Hợp 合 thì các bạn đều biết cách đọc của nó là "ai". Động từ là 合う au, tức là "hợp, thích hợp, phù hợp, ...".

Chữ "Hiện trường" 現場 Gemba cũng đọc là "ba" thay vì げんじょう Genjou vì đọc Gemba sẽ dễ đọc, dễ hiểu hơn. Chú ý là nó là げんば Genba nhưng biến âm "n" => "m" thành Gemba vì dễ đọc hơn.

Như vậy, quá trình phát triển tiếng Nhật cũng là chọn cách nói sao cho dễ nói nhất, dễ hiểu nhất, giúp cho hiệu quả truyền đạt là cao nhất.

Một từ nữa điển hình cho điều này là từ "Thủ tục" 手続き, đọc là Tetsuzuki. Có thể viết gọn là 手続. Chữ kanji này là "Thủ Tục" và nghĩa là thủ tục (procedure) như tiếng Việt. Nếu đọc âm "on-yomi" thì là しゅぞく Shuzoku, nhưng cách này khó đọc và rất dễ nhầm sang các chữ kanji khác trùng âm đọc vốn có rất nhiều. Ngay cả Shuzoku đã có thể bị trùng là  種族 Shuzoku (Chủng tộc), 習俗 Shuzoku (Tập tục), 集簇 Shuzoku.

Nhưng nếu đọc theo âm kun-yomi (thuần Nhật) thành てつづき Tetsuzuki thì lại có thể biết rất nhanh đó là chữ kanji 手続. Và cuối cùng, nó trở thành "tetsuzuki" và nghĩa vẫn là "thủ tục" như nghĩa kanji ban đầu.

Hi vọng các bạn sẽ hiểu hơn về từ vựng tiếng Nhật!

Takahashi

2 nhận xét:

  1. Phần này của Takahashi có phần biến âm, nếu Takahashi giải thích nhiều hơn nữa thì hay. Còn phần cuối là trường hợp đặc biệt của cái trang đọc kanji theo từ hán việt (mình rất thích phần này vì đỡ phải nhớ từ ^^, nhiều từ cứ chuyển hán việt qua là được)
    Ngày nào cũng ol để xem bài viết của Takahashi thật là bổ ích

    Trả lờiXóa
  2. em là người mới bắt đầu học tiếng Nhật ,chỉ đang học 2 bảng chữ thôi thì bắt đầu từ đâu cho em xin link với @@

    Trả lờiXóa