Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Tương đồng tiếng Việt và tiếng Nhật: Ngôn ngữ chủ đề

Vì sao "Phong ba bão táp không khó bằng ngữ pháp tiếng Việt" chỉ là một câu nhảm nhí?
Vì sao nhiều người Nhật cũng nghĩ tiếng Nhật khó?

Ngôn ngữ chủ đề là cái quái gì vậy?

Ngày xưa thời Takahashi đi học thì mọi người đều học tiếng Việt theo kiểu ngôn ngữ châu Âu (cụ thể là Pháp): Cứ phân tích chủ, vị, câu nào mà chủ vị không đúng thứ tự thì là câu đảo, câu nào mà thiếu thứ này thiếu thứ kia thì là CÂU ĐẶC BIỆT!
Vì thế mà viết văn ai cũng viết rất chán, nếu không muốn bị trừ điểm: Phải viết sao cho câu đủ chủ vị. Nhưng có ai trong cuộc sống và văn chương dùng câu đủ chủ vị (tức là câu bình thường) đâu??
Sai lầm chết người của họ là nhìn tiếng Việt dưới lăng kính ngôn ngữ châu Âu (vì các vị đấy chẳng hề động não chút nào), và thành quả của họ là làm thui chột khả năng ngôn ngữ của thế hệ trẻ.
Tiếng Việt không phải là ngôn ngữ chủ - vị (Subject - Object) mà là ngôn ngữ chủ đề (Topic Prominent Language - Ngôn ngữ chủ đề chiếm ưu thế).

Chúng ta hãy xem đoạn hội thoại sau:
- Bạn muốn ăn gì đó không?
- Chuối thì ăn / Chuối thì tôi ăn
Nếu phân tích chủ vị: "Chuối" = chủ ngữ, "ăn" = vị ngữ, hóa ra ở đây lại là "Chuối ăn tôi" cho nên câu này là câu đặc biệt. Kết luận của "họ" là đây là câu đặc biệt và hóa ra trong cuộc sống toàn câu đặc biệt. Thật ra đoạn trên mà bạn lại nói là "Tôi ăn chuối" thì đoạn hội thoại thành ra là hội thoại giữa hai người XA CÁCH.

Nếu bạn học tiếng Nhật thì bạn thấy đoạn hội thoại trong tiếng Nhật giống tiếng Việt một cách ĐÁNG NGẠC NHIÊN:
-何かを食べる?
-バナナは食べる.
Câu trả lời không phải là "Chuối ăn" hay "Chuối ăn tôi" mà nó là "Chuối thì ăn / Chuối thì tôi ăn".

Chúng ta thấy là tiếng Việt và tiếng Nhật cực kỳ gần gũi vì cùng là ngôn ngữ chủ đề: Trong một câu quan trọng nhất là "chủ đề" và chủ đề thường được nói trước. Đây không phải là "chủ ngữ" nhé, vì chủ ngữ là chủ thể của hành động.
Ví dụ điển hình của ngôn ngữ chủ đề:

  • Đồ ăn Nhật thì tôi khá thích đấy!
  • 日本食は私がかなり好きです.Nihonshoku wa watashi ga kanari suki desu.

"Đồ ăn Nhật" ở đây hoàn toàn không phải chủ ngữ và không có hành động nào hết, mà chỉ đơn thuần là chủ đề.

Cách nói chủ đề trong tiếng Nhật và tiếng Việt

Tiếng Việt để nói chủ đề thì thường dùng "thì / là":

  • Đi làm công ty thì tôi không thích lắm.

Còn tiếng Nhật thì sẽ dùng "は" (trợ từ "wa"), còn nếu nói kết hợp với chủ thể hành động (chủ ngữ) thì sẽ dùng thêm が (trợ từ "ga"):

  • りんごは食べる Ringo wa taberu = Táo thì ăn
  • りんごは私が食べる Ringo wa watashi ga taberu = Táo thì tôi sẽ ăn


Ngạn ngữ tiếng Việt


Ngày xưa, các nhà ngôn ngữ thường huênh hoang "Phong ba bão táp không khó bằng ngữ pháp tiếng Việt" nhưng thực ra là tại thế giới quan của họ nhỏ hẹp quá và không nghiên cứu, tìm tòi đúng phương pháp thôi. Cá nhân tôi thấy ngữ pháp tiếng Việt không có gì là khó hết, tiếng Nhật cũng vậy (mặc dù cũng lại có nhiều người Nhật - thường không biết tiếng gì ngoài tiếng Nhật, tưởng rằng tiếng Nhật là ngôn ngữ khó). Ngôn ngữ là thứ mà đứa trẻ vài tháng tuổi có thể học, và là thứ ai cũng dùng hàng ngày, thì tại sao lại khó được nhỉ? Nếu nó khó thì thà câm còn hơn.
Các câu ngạn ngữ tiếng Việt thường làm cho các nhà ngôn ngữ vênh váo là "Tiếng Việt rất khó", ví dụ câu sau:
Chó treo, mèo đậy
Thật ra nếu phân tích kiểu "chủ - vị" thì không thể hiểu được thật, nhưng đây là câu nói nhấn mạnh chủ đề:
Chó thì treo, mèo thì đậy
Câu trên cũng chỉ là câu nói tắt mà thôi, câu đầy đủ là:
Chó thì phải treo thức ăn lên, mèo thì phải đậy thức ăn lại (để tránh bị chúng tha đi mất)
Đơn giản chứ có gì mà khó??

Nhiều người Nhật cũng nghĩ tiếng Nhật là ngôn ngữ khó

Họ nghĩ tiếng Nhật là ngôn ngữ khó vì chính họ không biết giải thích thế nào, tức là họ cũng không thực sự giỏi tiếng Nhật. Nhiều người Việt nghĩ tiếng Việt là ngôn ngữ khó cũng vì lý do tương tự.
Ngoài ra là cái tâm lý ƯU VIỆT: Họ cho rằng dân tộc nói ngôn ngữ khó hơn thì thường ưu việt hơn. Nhưng tôi thì nghĩ ngôn ngữ nào cũng như nhau mà thôi, vì nó đều phục vụ diễn đạt và giao tiếp hàng ngày: Yêu, ghét, ăn, uống, v.v...
Chẳng lẽ có ngôn ngữ nào lại không có "Yêu / Ghét" chăng?

Những hiểu nhầm về tiếng Nhật

Nhiều người thường nghĩ tiếng Nhật không có động từ "love" (yêu) hay "nhớ" (miss) nhưng người Nhật họ chỉ diễn đạt theo cách khác mà thôi (phù hợp với văn hóa của họ):

  • Anh nhớ em = 君がいなくて寂しい (nghĩa đen: Không có em anh rất cô đơn)
  • Em yêu anh / Em thương anh = あなたが好き Anata ga suki (mặc dù "suki" là thích)

Hoặc cũng thường nói "Anata no koto ga suki".
Hay như "thông minh" thì người Nhật ít dùng 聡明 soumei (mặc dù chữ này là "thông minh") mà dùng là "頭がいい atama ga ii" (nghĩa đen: có cái đầu tốt).

Để học ngôn ngữ tốt thì chúng ta phải hiểu là mọi ngôn ngữ đều có cách nói tương đương, và chúng ta phải tìm tòi ra cách nói tương đương nhất và tự nhiên nhất.

Takahashi @ SAROMA JCLASS - Link bài viết

Tham khảo:
Japanese Grammar (Tiếng Anh) - Wikipedia
Topic-prominent Language - Ngôn ngữ chủ đề (Tiếng Anh) - Wikipedia

6 nhận xét:

  1. Takahashi cho tôi hỏi: Tôi học tiếng Nhật được 6 tháng và sống ở Nhật được gần 8 tháng, giao tiếp hàng ngày nhiều nhưng mình có một nghịch lí là chỉ nhớ những gì mình được học từ thầy cô còn các phần tự học vì không hiểu nên nhanh quên quá. Có cách nào chỉ cho mình cách tự học hiệu quả hơn không. Bài viết của bạn về cách tự học mình đọc rồi nhưng thực sự không có nhiều thời gian để áp dụng. Cảm ơn Takahashi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy bạn nên chịu khó đến lớp, chắc bạn phải học đến trình độ nhất định mới tự học được! Chịu khó tới lớp thôi.

      Xóa
  2. Anh có tài liệu nào hướng dẫn cách nói さ mà người Nhật hay dùng ko ạ, hoặc trang web nào cũng đc ạ

    Trả lờiXóa
  3. Anh cho em hỏi là :
    " Bạn muốn ăn gì đó không?
    - Chuối thì ăn / Chuối thì tôi ăn
    -何かを食べる?
    -バナナは食べる." ở đây nếu thay wa = ga thì ý hiểu có bị thay đổi không ???

    Trả lờiXóa
  4. Mình nghĩ là không thể thay bằng "ga" được bạn ạ vì trợ từ "ha" mang chức năng đánh dấu chủ đề, nếu thay bằng "ga" thì banana từ chủ đề sẽ biến thành chủ ngữ, nghĩa sẽ thành chuối ăn (cái gì đó)

    Trả lờiXóa