Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Du học Nhật Bản: Chứng minh tài chính, xin visa du học

Chào các bạn yêu thích Nhật Bản!
Hôm nay JCLASS sẽ nói về việc chứng minh tài chính khi đi du học và thủ tục xin visa du học Nhật Bản. Trước khi đến đại sứ quán hay lãnh sự quán Nhật Bản xin visa ( = giấy phép vào Nhật), bạn phải:
- Tìm người bảo lãnh (là người sẽ chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra mà bạn không giải quyết được)
- Chứng minh bạn có đủ tài chính đi du học

Vì sao phải chứng minh tài chính?
Nhật Bản yêu cầu chứng minh tài chính để đảm bảo bạn có đủ điều kiện theo học tại Nhật Bản. Có một số nước khi du học Nhật sẽ không cần chứng minh tài chính (thường là các nước phát triển cao) vì với mức thu nhập của các nước đó có thể đảm bảo việc du học Nhật Bản dễ dàng, ngoài ra cũng không có trường hợp lấy visa xong rồi bỏ ra ngoài đi làm. Những nước có nhiều người bỏ ra ngoài đi làm sẽ bắt buộc phải chứng minh mình đủ tài chính để du học để tránh các rắc rối về xã hội (tình trạng lao động bất hợp pháp) xảy ra như trên. Cách chứng minh tài chính tốt nhất là chứng minh bằng số dư ngân hàng (tức là số tiền bạn đang có trong ngân hàng). Ngoài ra còn có thể chứng minh bằng thu nhập của người bảo lãnh cho bạn (nếu bạn tìm được người bảo lãnh có thu nhập cao). Theo JCLASS biết thì số dư ngân hàng phải có trước đó ít nhất 3 tháng, còn thu nhập của người bảo lãnh thì sẽ cần bảng lương khoảng 3 năm (thông tin SAROMA JCLASS kiếm trên mạng). Số tiền cần có trong ngân hàng cũng tùy thuộc vào thời hạn xin visa của bạn là bao lâu. Ví dụ nếu bạn xin visa du học 6 tháng tại Nhật thì số dư tài khoản ngân hàng sẽ cần ít hơn so với xin visa du học 1 năm tại Nhật.

Cần bao nhiêu tiền trong ngân hàng để chứng minh tài chính đi du học Nhật Bản?
Thực sự thì không có một quy định cụ thể, tất cả là do phán đoán của đại sứ quán hay lãnh sự quán Nhật. Tuy nhiên, để dễ hình dung nâng cao khả năng xin được visa, các bạn có thể tham khảo con số sau:
- Có ít nhất 800,000 yên trong tài khoản ngân hàng (tức là khoảng 200 triệu VND) cho du học 6 tháng
- Có ít nhất 1,500,000 yên trong tài khoản ngân hàng cho du học Nhật 1 năm (khoảng 400 triệu VND)
- Tùy thời hạn xin visa mà bạn cần chứng minh tài chính khác nhau
- Số dư ngân hàng càng lớn càng tốt
- Nếu bạn có học bổng du học, bạn có thể dùng nó chứng minh tài chính
Chú ý: Học sinh học bổng chính phủ Nhật (học bổng Monbusho) hay còn gọi là học sinh quốc phí sẽ không phải chứng minh tài chính. (Học bổng này chính là chứng minh tài chính.)

Người bảo lãnh cho việc du học Nhật của bạn
Bạn cần người bảo lãnh (保証人, hoshounin) khi đi du học Nhật. Đó là người sẽ chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề bạn gây ra mà bạn không tự giải quyết được trong quá trình du học. Ngoài ra, người bảo lãnh cũng có thể là người bảo lãnh tài chính cho bạn (tức là nếu bạn không có tiền du học nhưng người bảo lãnh cung cấp tài chính để du học cho bạn). Trong trường hợp có người bảo lãnh về tài chính thì việc chứng minh tài chính sẽ dùng tài khoản ngân hàng của họ thay vì tài khoản ngân hàng của bạn. Người bảo lãnh có thể là cha mẹ bạn, người thân hay ai đó muốn giúp bạn đi du học Nhật.
Các trường tiếng Nhật sẽ yêu cầu bạn có người bảo lãnh để giảm thiểu mọi rủi ro khi xảy ra. Khi sang Nhật rồi, để có thể sống bên Nhật (ví dụ đi thuê nhà) bạn cũng cần một người bảo lãnh tại Nhật (tức là người sống tại Nhật có công việc và thu nhập ổn định). Thường thì trường học của bạn sẽ làm hoshounin (người bảo lãnh) cho bạn, với một số điều kiện nhất định  (ví dụ các trường tiếng có thể sẽ yêu cầu có người bảo lãnh cho bạn tại Việt Nam, chịu trách nhiệm chi trả nếu bạn không có khả năng chi trả; hay là khi bạn đi thuê nhà thì trường tiếng Nhật sẽ yêu cầu bạn mua bảo hiểm nhà rồi mới làm hoshounin cho bạn,...)
Tóm lại: Bạn cần một người bảo lãnh tại Việt Nam (cha mẹ, người thân hay người quen,...) và người này sẽ ký giấy tờ với trường tiếng Nhật là sẽ chịu trách nhiệm về bạn trong thời gian du học. Người bảo lãnh phải là người biết rõ bạn để tránh các rắc rối có thể xảy ra.

Giấy tờ cần chuẩn bị trước khi xin visa du học Nhật
- Hộ chiếu (Đăng ký hộ chiếu tại phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh)
- Giấy tư cách lưu trú (do trường tiếng Nhật của bạn cấp cho bạn - thường sau khi bạn đã đóng học phí và các chi phí khác cho 6 tháng đầu)
- Giấy gọi nhập học (do trường tiếng Nhật của bạn cấp - như trên)
- Giấy khám sức khỏe

Thủ tục xin visa du học Nhật
Bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
(1) Hộ chiếu
(2) Đơn xin visa (1 bản) (làm theo mẫu)
(3) 01 ảnh 4.5 cm x 4.5 cm (chụp trong vòng 6 tháng trở lại)
(4) Giấy tư cách lưu trú (bản chính, đã nói ở trên)
(5) Giấy gọi nhập học (bản chính, đã nói ở trên)
Thời hạn cấp visa từ khi làm hồ sơ: 5 ngày làm việc, chi phí: 640.000 VND/visa 1 lần, 1.280.000 VND/visa nhiều lần (là visa bạn có thể ra vào Nhật nhiều lần trong thời hạn còn visa)
Tham khảo và tải mẫu đơn: Trang web lãnh sự quán Nhật
Các giấy tờ nói trên chỉ là để cho việc xin visa, bạn còn phải chuẩn bị các giấy tờ du học khác như học bạ, chứng minh tài chính,v.v....

Các giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ du học Nhật
Các bạn có thể tham khảo trang web của các trung tâm du học Nhật Bản. Dưới đây là các giấy tờ bạn cần chuẩn bị.
Điều kiện du học Nhật Bản:
- Đã tốt nghiệp phổ thông trung học tại Việt Nam trở lên
- Có trình độ tiếng Nhật sơ cấp
- Có đủ điều kiện tài chính để học tập
Các trung tâm du học có thể đưa ra thêm điều kiện như bạn phải tốt nghiệp phổ thông trung học với điểm số trên một mức nào đó.
Các giấy tờ hồ sơ du học:
(1) Giấy khai sinh - bản sao công chứng
(2) Bằng tốt nghiệp cấp cao nhất, bản gốc (phải kèm bằng phổ thông). Sinh viên chưa có bằng có thể dùng giấy chứng nhận sắp tốt nghiệp hay đã tốt nghiệp của nhà trường và sẽ bổ sung sau.
(3) Học bạ cấp 3 (bản gốc), nếu đã tốt nghiệp đại học: Thêm bảng điểm
(4) Giấy chứng nhận học tiếng Nhật (tốt nhất là bằng tiếng Nhật cấp 4): Để nâng cao khả năng xin visa
(5) Nếu đã đi làm: Giấy chứng minh nghề nghiệp (bản chính)
Nếu là tu nghiệp sinh về nước: Chứng chỉ hoàn thành tu nghiệp, hợp đồng tu nghiệp
(6) Giấy bảo lãnh của người bảo lãnh (hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ thân thuộc, bản sao công chứng)
(7) Chứng minh thư của học sinh (bản sao công chứng)
(8) Hồ sơ chứng minh tài chính
(9) Hộ chiếu (bản sao công chứng)
(10) Ảnh thẻ 3 cm x 4 cm: 10 cái
(11) Giấy khám sức khỏe (chứng minh không có vấn đề về sức khỏe)

Tổng kết các cách chứng minh tài chính cho việc du học Nhật
Đây là sự tổng kết các cách có thể chứng minh tài chính của SAROMA JCLASS.
Nếu bạn là người trả tiền:
- Số dư tài khoản ngân hàng (số tiền có trong tài khoản ngân hàng) của bạn (lấy giấy tờ này từ ngân hàng)
- Học bổng mà bạn nhận được (nếu có)
Nếu người bảo lãnh tài chính của bạn trả tiền:
- Số dư tài khoản của người bảo lãnh (lấy giấy tờ từ ngân hàng)
- Chứng minh nghề nghiệp và thu nhập của người bảo lãnh (do công ty người bảo lãnh làm việc chứng nhận)
- Giấy tờ chứng minh quan hệ của người bảo lãnh với bạn (ví dụ nếu là cha mẹ bạn thì có thể dùng sổ hộ khẩu)
- Giấy bảo lãnh do người bảo lãnh ký
Ngoài ra, các yếu tố sau có thể dùng cộng thêm với số tiền bạn có trong ngân hàng:
- Học bổng bạn nhận được (nếu có)
- Hóa đơn trả tiền học phí, tiền ký túc xá, v.v... (nếu bạn đã trả tiền)
Nếu bạn có bất động sản như nhà cửa, xe,v.v... mà không đủ tiền trong ngân hàng:
Bạn có thể làm thủ tục thế chấp ngân hàng. Theo SAROMA được biết thì ví dụ với nhà cửa thì ngân hàng sẽ định giá tài sản căn nhà và cấp cho vay (kèm lãi suất) là 30% định giá đó. Bạn có thể thuê người làm dịch vụ cho bạn (và có thể sẽ được vay nhiều hơn là bạn tự làm). Thường các trung tâm du học có bộ phận lo việc này thay cho bạn (bạn phải trả lãi suất ngân hàng và phí dịch vụ). Sau khi chứng minh tài chính xong thì bạn lại có thể trả tiền vay và rút bất động sản về.

Khi nào nên bắt đầu làm hồ sơ đi du học?
Thời điểm làm hồ sơ thì tùy thuộc vào trường tiếng Nhật của bạn. Các trường học ở Nhật thường có hai khóa là khóa bắt đầu tháng 4 và khóa bắt đầu tháng 10, trong đó chủ yếu là khóa bắt đầu vào tháng 4. Thông thường, bạn phải bắt đầu làm hồ sơ trước thời điểm bạn đi du học ít nhất 6 tháng. Bạn phải xác nhận thời điểm hết hạn hồ sơ với trường tiếng Nhật của bạn hoặc trung tâm du học của bạn.
SAROMA JCLASS

Trang web tham khảo:
educationjapan.org (English)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét