Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Tính ước lệ trong ngôn ngữ

Thế nào là ngôn ngữ ước lệ?

Tiếng Việt là một ngôn ngữ ước lệ. Tiếng Nhật, tiếng Hoa cũng vậy. Nhìn chung, các ngôn ngữ có sử dụng hán tự đều có tính ước lệ. Ngôn ngữ ước lệ chính là việc "dùng hình ảnh miêu tả ước lệ để chỉ sự vật, sự việc". Miêu tả ước lệ là miêu tả một cách chung nhất, dễ nắm bắt nhất về một hình ảnh trực quan nào đó. Takahashi sẽ lấy ví dụ cho dễ hiểu:
  • Lọt mắt xanh: Chỉ sự hài lòng, nếu bạn hài lòng ai đó thì có thể nói là người đó lọt mắt xanh của bạn.
  • Nhà cao cửa rộng: Chỉ sự giàu có, sung túc. Đây là hình ảnh một ngôi nhà xây cao, cửa ra vào rộng, nghĩa là bạn dư dả về tài chính chứ không nhất thiết bạn phải có ngôi nhà như thế thật. Có thể bạn giàu nhưng thích sống lang thang (homeless) hay chỉ ở khách sạn. Hay bạn chỉ thích sống nhà nhỏ và cửa "bé như mắt muỗi".
  • Nứt đố đổ vách: Siêu giàu!
Câu "lọt mắt xanh" vốn xuất phát từ một điển tích cổ của Trung Hoa, đó là ông X đời nhà Y nào đó khi hài lòng thì mắt thường chuyển màu xanh.

Tiếng Nhật cũng là một ngôn ngữ ước lệ

Người Nhật hay nói: 一石二鳥 Isseki Nichou (Nhất thạch nhị điểu), nghĩa là "Một mũi tên trúng hai đích", nghĩa đen của 一石二鳥 thì là một hòn đá hai con chim.

黄梁一炊の夢 Kouryou Issui no yume (Hoàng Lương Nhất Xuy nô mộng): Giấc mộng hoàng lương. Đây là giấc mộng vinh hoa phú quý ngắn ngủi và không có thực, hay là ảo mộng về sự giàu có. Cách nói này xuất phát từ điển tích Lỗ Sinh đi thi làm quan, mong trở nên vinh hoa phú quý và được cho mượn cái gối thần kỳ khi ở Hàm Đan - kinh đô nước Triệu. Lỗ Sinh mơ giấc mơ vinh hoa phú quý nhưng khi tỉnh dậy thì hóa ra đó chỉ là một giấc mộng ngắn ngủi trong khi "hoàng lương" (một loại lương thực) còn chưa kịp đun chín. Còn gọi là 黄梁の夢 Kouryou no yume, hay 邯鄲の枕 Kantan no makura (Cái gối Hàm Đan), 盧生の夢 Rosei no yume (Giấc mộng của Lỗ Sinh).

Mộng hoàng lương là đây!

紅楼夢 Kouroumu Hồng Lâu Mộng cũng lại là giấc mộng khác. Đó là giấc mộng "vinh hoa phú quý". Dù vậy, khi dịch sang tiếng Anh thì hay bị dịch là "Dream of Red Chamber", dịch như vậy thì không ai có thể hiểu được, vì nó chỉ đơn thuần là căn phòng màu đỏ. Ngôn ngữ châu Âu thường không có tính ước lệ nên không ai hiểu được cái tên này. Đúng ra thì phải dịch theo nghĩa, đó là "giấc mộng vinh hoa phú quý" (Dream of glory and wealth).

Đời chỉ là một giấc "hồng lâu mộng"

Tiếng Nhật cũng hay dùng các điển tích như:
  • 四面楚歌 Shimen Soka (Tứ Diện Sở Ca): Chỉ sự bị bao vây bốn mặt. Đây là điển tích quân Sở của Hạng Vũ bị quân Hán bao vây bốn mặt trong trận cuối cùng tại Cai Hạ, "Sở ca" là mưu kế của Lưu Bang cho người hát các bài hát của nước Sở để quân Sở nghĩa đất Sở đã mất vào tay nhà Hán và bị lung lạc tinh thần.

Ngôn ngữ ước lệ là một đặc điểm đặc trưng của các ngôn ngữ dùng hán tự vốn hay sử dụng hình ảnh trực quan để miêu tả sự vật, sự việc. Ví dụ bạn sẽ nói "nhà lầu, xe hơi" để chỉ sự giàu có, dù nhiều người còn giàu hơn mức đó nhiều lắm. Hay "con ngoan, vợ đẹp" để chỉ sự hạnh phúc. Tuy vậy, tôi thấy điều này không đúng. Phần lớn chỉ là sự ảo tưởng mà thôi. Tôi thường chỉ sử dụng sự miêu tả ước lệ để nói chuyện phiếm và chém gió cho vui, còn khi cần phân tích bản chất thì hạn chế sử dụng. Ví dụ "nhà lầu, xe hơi" đâu chắc gì giàu có? Đó là hình ảnh đánh lừa vì nhà, xe có thể vay tiền ngân hàng mà mua được. Hay "vợ đẹp, con khôn" đâu có chắc gì sẽ hạnh phúc? Mà đó chỉ là ảo giác, vì nhìn ra ngoài thấy vợ người khác còn đẹp hơn, con người khác còn khôn hơn gấp bội. Dạo này, báo chí cũng hay lạm dụng từ "người đẹp" lắm, thấy ai cũng gọi là người đẹp, kể cả mấy cô trong trại giam. Nhìn ảnh thì thấy chẳng đẹp gì, có lẽ chỉ để câu khách và nhà báo vốn là 八方美人 (Happou Bijin, Bát Phương Mỹ Nhân) thấy ai cũng khen.

Tôi thì theo phong cách người Mỹ, đó là sẽ huỵch toẹt ra, chứ không cần bóng gió, ước lệ làm gì. Sử dụng ngôn ngữ ước lệ dễ gây hiểu nhầm, lại hay thu hút những người không thích nói thẳng, nói thật mà cứ vòng vo tam quốc theo.

Thật ra thì tiếng Mỹ cũng nói ước lệ chứ không phải không, ví dụ:
  • Beat around the bush (đập quanh bụi cây) = Vòng vo tam quốc
  • It sounds Greek to me (nó như tiếng Hy Lạp với tôi vậy) = Tôi chẳng hiểu gì cả
Nhưng người Mỹ không bao giờ dùng cách nói ước lệ trong văn nghị luận. Nếu văn nghị luận (chứng minh một bài toán, một luận điểm nào đó) mà bạn dùng cách nói ước lệ thì bạn thường bị đánh giá là kém về ngôn ngữ lẫn tư duy. Bạn phải dùng cách nói chính xác và không gây hiểu lầm khi nghị luận. Cái này gọi là Academic Writting (Cách viết văn hàn lâm) trong tiếng Mỹ.

Khi mộng tan như bọt nước, ngày vui tới ôi còn xa!
夢が水の泡になったとき次の楽しみは手の届かないところにある!

Vì một cuộc đời thi vị, hãy dùng ngôn ngữ ước lệ!
Vì một cuộc đời không ngang trái, đừng dùng quá nhiều ngôn ngữ ước lệ!

Takahashi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét