Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Ani, onii-san hay aniki: Xưng hô như người Tô-ki-ô

Có bạn hỏi mình qua facebook là "anh" thì gọi là ani, onii-san hay aniki.
Tôi đã trả lời trên facebook và nội dung như dưới đây.

"Anh trai" thì là "ani" nhưng khi gọi anh mình thì gọi là "oniisan", chú ý ani có 1 i thôi còn oniisan là ni và i nhé. Khi nói với người khác mà nói anh tôi thì nói là "watashi no ani". Bạn xem bên dưới cách viết kanji, hiragana.
Nhưng nếu gặp một anh không phải họ hàng mà lớn tuổi hơn thì cũng gọi là oniisan được.

Gọi mẹ cũng vậy, gọi mẹ mình là okaasan, khi gặp người khác có con thì cũng gọi là okaasan được, tức là "chị, cô", thường gọi khi người đó đi cùng con của mình. Các cách gọi kiểu này là cách gọi lịch sự nhưng thân thiết, không suồng sã mà lại tạo cảm giác như là thân quen.

Còn người Kansai (Osaka, Kyoto, ...) thì thay vì gọi oniisan thì gọi là aniki. Còn nói về các bà chị thì là aneki. (Chắc các bạn cũng biết phim Kiken-na Aneki do Itou Misaki đóng chứ nhỉ)

Có thể dịch aniki, aneki ra là "ông anh", "bà chị" đó.

Tóm lại: Gọi anh mình là oniisan, niisan (thân thiết hơn), niichan (thân thiết)
Chị mình: oneesan, neesan, neechan

Gọi ba mình: Otousan, tousan, touchan
Gọi mẹ mình: Okaasan, kaasan, kaachan

Gọi ông, bà mình: Ojiisan, jiisan, jiichan / Obaasan, baasan, baachan

Anh lớn tuổi hơn: Oniisan (thân thiết), anata (xa cách)
Chị lớn tuổi hơn: Oneesan (thân), anata (xa cách)

Gọi anh mình, chị mình với người khác: Watashi no ani, watashi no ane
Gọi mẹ, ba mình với người khác: Haha, chichi (watashi no haha, watashi no chichi thì cũng được nhưng thừa thãi)

Gọi ba mẹ người khác: Tajima-san no otousan, Tajima-san no okaasan

Nói cha, mẹ trong văn bản chính thức hay văn kể:
Cha: 父親 Chichioya (Phụ Thân)
Mẹ: 母親 Hahaoya (Mẫu Thân)
Cha mẹ: 両親 Ryoushin (Lưỡng Thân) / 親 Oya (Thân)

Oya cũng dùng khi nói chuyện: Watashi no oya = ba mẹ tôi
Watashi no ryoushin = ba mẹ tôi

両親 cũng có thể dùng trong giao tiếp và dạng lịch sự là ご両親 Go-Ryoushin, ví dụ ご両親はいかがですか "Go-Ryoushin wa ikaga desu ka?" nghĩa là "Hai bác nhà anh/chị có khỏe không?" (hỏi thăm cha mẹ người đối diện).

Cách viết kanji, hiragana

Ani thì là あに nhưng oniisan thì có thêm một "i" nữa nhé: おにいさん

Anh: 兄(あに Ani, Kanji: Huynh)、お兄さん(おにいさん Oniisan)、兄貴(あにき Aniki)
Chị: 姉(あね Ane, Kanji: Tỷ)、お姉さん(おねえさん Oneesan)、姉貴(あねき Aneki)
Mẹ: 母(はは Haha, kanji: Mẫu)、お母さん(おかあさん Okaasan)、母ちゃん(かあちゃん Kaachan)
Cha: 父(ちち Chichi, kanji: Phụ)、お父さん(おとうさん Otousan)、父ちゃん(とうちゃん Touchan)
Bà: お婆さん(おばあさん Obaasan, kanji: Bà)
Ông: お爺さん(おじいさん Ojiisan, Kanji: Gia)

Tuy nhiên, đây là bộ gõ của mình thôi. Bộ giáo dục Nhật Bản (MEXT) đã thay đổi cách viết kanji, đó là khi nói Okaasan thì không viết お母さん nữa mà chỉ viết là 母さん mà thôi. (Xem tại đây)

Người Kansai và người Kantô (người Tô-ki-ô)

Kansai (関西 Quan Tây) là vùng gồm Osaka, Kyoto và vùng lân cận, còn Kantô (関東 Quan Đông) là vùng quanh Tô-ki-ô. Chữ 関 Quan nghĩa là cửa ngõ, có lẽ là do nằm phía đông và phía tây của một quan ải nào đó.
Hai vùng này xưng hô và cách dùng từ khác nhau như Sài Gòn và Hà Nội vậy. Người Kanto thì cho rằng người Kansai suồng sã, bất lịch sự còn người Kansai cho rằng người Kanto giả tạo, lạnh nhạt và không bao giờ thể hiện thái độ thật.
Ví dụ ở Osaka thì có thể gọi Aniki, Aneki, tức "ông anh", "bà chị" được chứ ở Tokyo thì không. Người Tokyo rất lịch sự nên thường hay bị cho là lạnh nhạt, không thật lòng. Hai vùng này khá ghét nhau như SG và HN thôi. Nếu phải so sánh thì SG giống  như Tokyo vậy, con người khá thanh lịch và lịch sự. Tuy nhiên, những nơi này thì ai phải tự lo người đó thôi chứ không có chuyện người này dựa dẫm người kia. Sống ở Kansai thì có vẻ sẽ chan hòa hơn nhưng ngược lại lại hay bị can thiệp vào cuộc sống riêng. Tùy tính cách mà bạn có thể thấy hợp với vùng nào. Takahashi thì vẫn thích Tokyo hơn, vì mình là một người lịch sự mà ha ha.

Có một điều chắc chắn là ai cũng nghĩ quê mình là nhất. Mọi người thường có xu hướng chẳng bao giờ đi tới đâu và luôn nghĩ nơi mình ở là nhất quả đất ^^

Bạn cũng có thể tìm kiếm từ khóa sau để xem người Nhật nhận định người Kansai và người Tokyo khác nhau như thế nào:

>> Cách xưng hô trong gia đình Nhật Bản (năm 2012)
>> Nhân xưng trong tiếng Nhật (năm 2011)
- Takahashi -

4 nhận xét: