Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

You're lost! Bạn đã lạc lối!

Câu chuyện này có thực đến nỗi tôi nghĩ nó là thực nhất, không có gì là thực hơn. Bạn đến nước Nhật vào một ngày mùa xuân. Trời lạnh và sáng trong. Hoa anh đào vẫn còn sót lại ở đây đó. Khắp nơi là đồng cỏ, cây cối xanh mướt.

Bạn đi học những buổi tiếng Nhật đầu tiên của mình. Và có vẻ bạn không được chuẩn bị tốt lắm. Cứ mỗi bài trôi qua, mức độ ... không hiểu của bạn lại tăng thêm. Và chỉ một, hai tuần bạn chẳng còn hiểu gì nữa. Bạn không biết trong lớp mọi người đang nói gì và bài học đang đi tới đâu. Bạn càng cố tập trung, bạn càng lạc lối. You're lost! Bạn đã lạc lối rồi.

You're lost! But there are always ways out.
At least, being lost is not bad as you think! It's just a new start.

Bạn cảm thấy trầm cảm (depression). Bạn thấy mình không thích ứng. Bạn thấy mình kém cỏi. Bạn thấy mình lạc lõng. Bạn có cảm giác mọi người đang ái ngại và thương hại bạn. Bạn thấy mình đáng thương và là nạn nhân của ... thứ mà bạn cũng chưa định nghĩa được. Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra? Tạo hóa có phải cố tình trêu ngươi bạn, đem bạn ra là trò cười cho thiên hạ? Những ý nghĩ bi quan xâm chiếm con người bạn, đẩy bạn xuống bùn đen của sự thất vọng.

Thế là tiêu tan hết mọi động lực, khát vọng. Vỡ mộng về phiêu lưu, khám phá thế giới mới, trải nghiệm những điều tuyệt vời. Mọi thứ vẫn nhảy múa, vẫn long lanh, vẫn tươi sáng nhưng không có bạn trong đó. Bạn như câu ghi chú bên lề, hoàn toàn bị lãng quên. Bạn tiêu đời rồi!

Tiêu đời thật đấy! Bạn đang trên đường trở thành Kẻ Thất Bại Vĩ Đại. Rồi đây, mọi người sẽ lấy bạn ra để bàn tán như là ví dụ về sự thất bại. Bạn nổi tiếng, theo một nghĩa tiêu cực nhất.

Bạn lạc lối hoàn toàn và bị bao vây bởi sự tuyệt vọng (desperation). Khả năng thích ứng đã bay theo chiều gió. Bạn đang làm gì? Ngủ gục mỗi khi lên lớp chỉ để trốn tránh thực tại. Sống như kẻ vô hồn. Nỗ lực trong tuyệt vọng với hi vọng mong manh sẽ theo được những người khác. Bạn như đứng trên vách đá, một bên là vách đá có tên Nỗ Lực Trong Vô Vọng, một bên là bờ vực Buông Xuôi. Kết quả là bạn chỉ ăn, ngủ và nghĩ về tương lai đen tối. Nhưng bạn vẫn sống! Mà lại có thể sống hoành tráng là khác ....

Đời có rất nhiều điều kỳ lạ, mà cuộc đời bạn có khi chính là một trong những điều kỳ lạ đó. 

(Đọc tiếp bên dưới)

Bởi vì, bạn phát hiện ra rằng: Bạn có thể TỰ HỌC bằng chính nỗ lực của mình. Bạn có sách, giải thích rất rõ ràng. Bạn có từ điển có thể tra được từ vựng. Bạn thất bại vì chỉ vì bạn không có tinh thần tự học và chỉ trông chờ người khác dạy cho bạn, nhồi chữ vào đầu bạn. Bạn đã thay đổi khi quyết định tự học, tự đứng trên đôi chân của mình. Bạn ôn lại toàn bộ các bài cũ, kể từ ... bài 1, và từ đó, dần dần bạn bắt kịp được lớp. Cái chính là, trên lớp cũng chỉ dạy lại trong sách, thế thì tại sao không đọc sách và chuẩn bị bài trước. Từ học sinh kém nhất, bạn vươn lên mạnh mẽ nhất. Rồi một ngày, bạn sẽ rất khá.

Tôi nghĩ, tự học là một trong những điều tuyệt vời nhất. Không có nghĩa là bạn không nên đến lớp nữa, bởi vì giáo viên nên là người hướng dẫn cách học cho bạn, giải đáp thắc mắc của bạn. Chỉ khi bạn tự học thì giáo viên mới có lời khuyên hữu ích cho bạn. Còn nếu bạn vẫn học kiểu thụ động thì họ cũng chỉ dạy kiểu thụ động, đó là nhắc lại toàn bộ sách giáo khoa.

Khi bạn tự học và thực sự hiểu nguyên lý căn bản nhất của tiếng Nhật, bạn sẽ thấy những người xung quanh thật ... quá bình thường. Họ chỉ giả đò hiểu, chứ không thực sự hiểu. Họ giao tiếp có vẻ tốt, nhưng không thực sự có nền tảng tiếng Nhật tốt. Bởi vì, nếu bạn tự học bạn sẽ phải tư duy để tìm ra cách nói tương đương trong tiếng Việt. Việc này mới giúp bạn phát triển tư duy ngôn ngữ, cả tiếng Nhật lẫn tiếng mẹ đẻ. Tóm lại, nền tảng ngôn ngữ của bạn là số lượng chữ bạn đã đọc. Nhiều bạn nghĩ rằng ở Nhật nhiều năm thì tiếng Nhật giỏi. Kỳ thực, chỉ có giao tiếp có thể khá lên, nhưng nền tảng vẫn là phải do bạn đọc (hoặc nghe - nhưng cơ hội nghe đâu có  nhiều và rất thụ động đúng không?). Đó chính là khác biệt. Bạn phải hiểu khác biệt này và phải bỏ đi suy nghĩ cứ ở Nhật lâu sẽ giỏi tiếng Nhật.

Tôi biết rất nhiều người. Hầu như chẳng ai đọc! Những người đọc nhiều sách đều có nền tảng rất tốt, vốn từ vựng phong phú. Nếu đánh giá một người gần chính xác bằng số giờ học tiếng Nhật của họ, thì có thể đánh giá nền tảng ngôn ngữ của một người bằng số trang sách họ đã đọc. Điều này có gợi ý cho bạn điều gì?

Bạn trầm cảm, lạc lối trong vô vọng thì cũng không giúp bạn giỏi tiếng Nhật. Bạn nên đọc nhiều về các chủ đề bạn yêu thích. Có vô vàn cách để đọc. Bạn có thể đọc sách giáo khoa ở trường, đọc sách chuyên ngành, đọc trên Internet, luyện thi N1, v.v... Bạn sẽ nhận thấy là, học tiếng Nhật tốt nhất là học một kỹ năng nào đó chứ không phải là đơn thuần chỉ học tiếng Nhật. Điều gì xảy ra khi bạn học tiếng Nhật tại đại học, hay trường nghề tại Nhật? Bạn sẽ phải học các câu tiếng Nhật ở mức độ tài liệu chuyên môn. Bạn đập đầu vào bức tường đá. Và từ đó bạn sẽ khá lên. Bạn phải vượt qua khó khăn thì mới trở thành con người mới. Không ai trưởng thành từ những bài toán dễ dàng. Bạn đọc nhiều rồi một ngày bạn sẽ hiểu.

Một cách rất hay là luyện thi N1. Chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều bài đọc từ rất nhiều chủ đề. Nhiều bài đọc còn thú vị nữa. Bản thân việc đọc giúp bạn TIẾN HÓA, dù bạn có thể không hiểu gì mấy lúc ban đầu. Nhưng bạn có một MỤC ĐÍCH, đó là làm sao làm đúng càng nhiều câu càng tốt. Việc này thúc đẩy bạn phát triển óc phán đoán, thứ mà cuối cùng giúp bạn có khả năng đọc hiểu. Việc này mặc dù cần nhiều thời gian, nhưng rất đáng giá vì sẽ giúp bạn khả năng ngôn ngữ.

Lại bàn về việc học đại học tại Nhật. Việc nghe giảng giống như .... Biết phải nói thế nào nhỉ, có hiểu gì đâu? Giáo viên nói dễ hiểu lắm thì 50 - 60%, giáo viên nói khó nghe thì 20 - 30%, có người nói nghe hiểu ... 0%. Đó là nghịch cảnh bạn phải chấp nhận. Nhưng nếu bạn đã có kinh nghiệm vượt khó thời bắt đầu học tiếng Nhật tại Nhật rồi thì lại khác. Bạn sẽ quay lại cách kinh điển: Tự học. Bạn sẽ đọc sách giáo khoa. Bạn hiểu hơn các học sinh khác, vì bạn tự học còn họ chỉ nghe giảng. Điều nghịch lý ở đây là: Bạn ở trong hoàn cảnh ngang trái nhất nhưng lại học hiệu quả nhất.

Thế các học sinh cặm cụi chép bài thì có ý nghĩa gì? Ha ha. Bạn phải tự trả lời chứ. Chỉ tốn vở và tốn mực thôi. Tất cả đều có trong sách giao khoa. Những người chép tất cả lời giáo viên nói đều không thực sự tự học. Bạn cần biết là nền giáo dục tiên tiến không bắt học sinh chép bài. Họ cần tự học, tự chuẩn bị bài. Giáo viên chỉ giao nhiệm vụ cho họ và giải đáp nếu họ có câu hỏi. Và giáo viên chỉ giao bài tập, project để họ TỰ LÀM. Sinh viên sẽ phải tự tìm tòi cách làm.

Tôi nghĩ kinh nghiệm vượt qua nghịch cảnh là một trong những kinh nghiệm đáng giá nhất, chứ không phải những kiến thức bạn học được. Bởi vì kiến thức có trong mọi sách giáo khoa, bạn chỉ cần chịu khó là sẽ học được. Để vượt qua nghịch cảnh, bạn cần viết ra được nó. Hãy viết về điểm xuất phát tồi tệ của bạn và cách mà bạn nghĩ sẽ giúp bạn vượt qua. Việc viết ra sẽ giúp bạn sáng tạo. Những người thành công đều viết về nghịch cảnh và cách vượt qua chúng.

Đọc và viết. Đó là bí quyết của thành công. Quá đơn giản tới mức ai cũng bỏ qua. Và không ai có mục đích hay thành công. Bạn phải đọc cho chính bạn và viết cho chính bạn. Ai trong số các bạn VIẾT RA dự định của mình? Ai trong số các bạn VIẾT RA cách thức đạt tới mục đích của mình? Không nhiều người.

Với các bạn đang học tiếng Nhật:
Việc theo học một lớp nào đó rất tuyệt. Bạn có động lực và có người hướng dẫn. Nhưng nếu bạn muốn không bỏ phí một đồng nào bạn đã bỏ ra, bạn cũng nên tự mình học bên ngoài lớp học. Bạn có thể tham khảo cách học của Saroma Lang. Bạn nên hỏi giáo viên tiếng Nhật những điều bạn chưa nắm rõ một cách CHỦ ĐỘNG.

Chỉ cần bạn chịu khó đọc nhiều các bài giảng, các đoạn hội thoại thì chắc chắn bạn sẽ khá dần lên. Bạn không cần nhớ mà bạn cần phải hiểu. Học hiểu quan trọng hơn là học nhớ. Một ngày, bạn sẽ tiến thêm một bước là học lĩnh vực bạn yêu thích bằng tiếng Nhật. Không gì giúp bạn hiểu tiếng Nhật hơn những việc như thế.

Với các bạn đang du học tại Nhật:
Nhật Bản là một môi trường sống và môi trường giáo dục tuyệt vời. Nếu bạn đã tự lập ở Việt Nam, có mục tiêu thì chắc chắn bạn sẽ bắt đầu dễ dàng và thú vị. Nếu bạn chưa bao giờ tự lập, có thể bạn cảm thấy không thích ứng. Đây là cơ hội tốt để bạn tự lập và trưởng thành. Nếu bạn ở trong nghịch cảnh, bạn hãy vượt qua chúng bằng cách VIẾT RA và LẬP KẾ HOẠCH. Đó là nền tảng của thành công. Còn nếu bạn chỉ sống trong vòng bao bọc và mệnh lệnh từ người khác thì tương lai của bạn sẽ có gì?

Nếu bạn dám đương đầu với nghịch cảnh, thử thách và vượt qua được, bạn sẽ thấy rất nhiều cơ hội. Rất nhiều may mắn sẽ tới, chúng do chính bạn tạo ra. Nếu bạn đi du học - phiêu lưu, bạn sẽ nhận thấy "Phiêu lưu luôn là một lựa chọn". Khi bạn bước chân đi, mọi vấn đề sau lưng trở nên QUÁ NHỎ BÉ khi so với những trải nghiệm mới mẻ mà bạn sẽ có.

Bạn không thay đổi, chôn chân bất động và lạc lối, hay dám thay đổi, dám phiêu lưu tìm ra một con đường cho chính mình?

Saroma Lang 2014

5 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "trước khi có ý định buôn xuôi hay gục ngã hãy nghĩ đến lý do mà ta bắt đầu"
      đó là một câu nói khá hay mà mình may mắn đọc được, xin chia sẽ cùng bạn.
      những bai viết của Takahashi có thể nói là gióng tam trang cua khá nhiều người mình cũng vậy. hãy nghỉ ngơi thư giản va làm lại bạn nhé.
      がんばってください。

      Xóa
  2. Bây giờ mới đọc được những dòng này.
    Có lẽ là tại tác giả SEO kém.
    Cơ mà mình bắt đọc học tiếng Nhật cũng từ những dòng như thế này, trên trang này, nhưng là ở một post khác.
    Thanks anh, Takahashi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác ấy không SEO chứ không phải SEO kém ^^

      Xóa
  3. Em thích nhất bài này của bác, cứ mỗi lần cảm thấy hoang mang, đọc lại là có động lực.

    Trả lờiXóa