Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

Học tiếng Nhật qua ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ

Trang web nào để học?

S đã nạp 2.000 câu vào đây và sẽ học dần, có thể tra tiếng Nhật, tiếng Việt (nếu đã dịch), rômaji:

Trang web tra và học ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ tiếng Nhật:
https://my.meonn.com/idiom.php

Để học ngẫu nhiên hay học theo TOP từng tuần, từ tháng:
http://kotowaza-allguide.com/

Ngoài ra bạn cũng có thể tự tra với chìa khóa ことわざ để tìm thêm trên mạng.

Dịch tục ngữ vv (kotowaza) như thế nào?

Dịch kotowaza thì không dễ chút nào, vì chúng ta phải dịch đúng ra thành câu tục ngữ, ngạn ngữ tương ứng, hoặc có hình thái giống như tục ngữ vv. Chúng ta không thể dịch ra thành câu văn, vì bản thân kotowaza là cách nói ngắn gọn, chứa đựng bài học súc tích, tức là "nói ít, hiểu nhiều".

Các bạn hãy thử sức với câu này:

女心と秋の空 Onnagokoro to aki no sora

Câu này ví tâm hồn phụ nữ giống như trời mùa thu, thay đổi rất nhanh, rất dễ thay đổi tâm trạng.

Vậy làm sao để dịch vì câu này có vẻ không có trong tiếng Việt? Tất nhiên có thể dịch là "Tâm trí phụ nữ dễ thay đổi như khí trời mùa thu" nhưng mà như thế lại thành câu văn quá là tầm thường. Còn dịch là "Nữ tâm và tiết thu" thì súc tích hơn, và ra dáng câu tục ngữ, nhưng cũng không dễ hiểu với người Việt. Chúng ta bị bó buộc vào "mùa thu" nên đâm ra bị bí, vì ngạn ngữ tiếng Việt chẳng câu nào ví phụ nữ với mùa thu cả. Nhưng đào sâu suy nghĩ về các câu nói về tính khí hay thay đổi của phụ nữ, kiểu "nói có là không, nói không là có" và tìm tòi câu liên quan tới thời tiết, thì câu này dịch thế này là chuẩn:
Bôi đen để hiển thị => SÁNG NẮNG CHIỀU MƯA (GIỮA TRƯA GIÓ MÙA)

Từ nay nếu có câu nào hay tôi sẽ dịch vào từ điển Yurica Idiom rồi trịnh trọng gửi thư kiến nghị lên trang web để họ cho vào đấy.

一押し二金三男 Ichi oshi, ni kane, san otoko

Câu này là nói về kinh nghiệm tán gái, cua ghệ - không phải "cua ghẹ", cua ghẹ là con cua và con ghẹ (cua bơi) - của người Nhật.

Nôm na nghĩa đen thì là một đẩy hai tiền ba nam. Ở đây oshi là dạng danh từ của osu (押す) = đẩy, ấn, ở đây dùng theo nghĩa bóng là "tấn công quyết liệt", kiểu "nhất cự li, nhì tốc độ".

Tức là để cưa gái thì thứ nhất là tấn công quyết liệt, thứ hai là dùng tiền, thứ ba mới là tới vẻ nam tính, đức tính tốt của đàn ông.

Các bạn cứ thế mà áp dụng nhé.

Vậy câu này tiếng Việt là gì? Tôi cho là:
Bôi để xem => ĐẸP TRAI KHÔNG BẰNG CHAI MẶT

Tuy là không phải quá khớp nghĩa với nhau, nhưng cũng tạm chấp nhận được nhỉ?

Ngoài ra, chúng ta thấy giá trị quan của Nhật Bản và Việt Nam khác nhau. Dù là ở đâu thì cũng có điểm chung, muốn cưa gái, cua ghệ thì phải "tấn công quyết liệt".

Nhưng yếu tố tiếp theo thì hơi khác nhau, người Nhật thì có vẻ coi trọng tiền bạc hơn, sau đó là tính cách, đức độ "ra dáng nam nhi", còn người Việt có vẻ coi trọng ngoại hình hơn.

Thật lòng mà nói, người Việt thì yếu tố "người châu Á xôi thịt" nặng hơn người Nhật nhiều (kinh nghiệm cá nhân của tôi thấy thế). Người Nhật khi kén chồng thì họ nặng về kinh tế (lương 6 triệu yên) và tính cách, còn hội chị em ở Việt Nam thì thường mê trai đẹp. Dù thế nào thì cũng tốt!

花より団子 "Hana yori dango" không phải là "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn"

Hai câu này nhìn kỹ thì khác hẳn nhau mà?

Hana (hoa) là tượng trưng cho lối sống phong lưu, kiểu thi ca nhạc họa.

Dango (bánh dango) là tượng trưng cho thứ gì thực dụng, kiểu lối sống tiết kiệm chỉ tiêu xài thứ cần thiết.

Tức là thay vì theo đuổi lối sống phong lưu thì thà là cứ sống sao cho chắc chắn no bụng mỗi ngày.

"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" thì không phải như vậy! Tốt gỗ hơn tốt nước sơn là khi đánh giá về một sự vật nào đó thì chúng ta coi trọng nội dung hơn là hình thức bên ngoài. Tức là nội dung và hình thức của cùng một sự vật thì chúng ta chọn thứ có nội dung tốt thì tốt hơn là chỉ có bề ngoài tốt.

Còn Hana yori dango là về lựa chọn THÁI ĐỘ SỐNG: Nên sống sang chảnh, hay nên tiết kiệm tiền phòng khi cơ nhỡ.
=> Xem cách dịch đúng của 花より団子 Hana yori dango trên Yurica Idiom

Hai câu khác hẳn nhau mà! (^o^)
Takahashi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét