Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Không quên thì chẳng nhớ được gì!

"Khi cố quên là khi lòng nhớ thêm!
Đời việc gì đến, sẽ đến."
Takahashi: Mỗi tội đến muộn màng lúc ta chẳng còn muốn nữa thôi.

Nhiều bạn than phiền là học mãi mà không nhớ được từ vựng, kanji, ngữ pháp tiếng Nhật. Vì thế rất nản. Nản là phải rồi ha ha.

Nhưng hóa ra là họ mới học có đúng ... 1 lần và quên có đúng 1 lần. Sau lần đầu, không nhớ được nên họ nản. Các bạn đó tự gây áp lực phải nhớ ngay sau 1 lần, điều mà THIÊN TÀI cũng phải bó tay. Tự gây áp lực kiểu này thì nản và bỏ cuộc sớm, và KHÔNG BAO GIỜ nhớ được từ vựng, kanji, ngữ pháp.

Tại sao không thử QUÊN 2 lần? Và sau khi quên 2 lần sao không quên thêm ... n lần nữa?

Mấu chốt là ở chỗ này đây. Số lần quên là số lần bạn học. Bạn phải học rồi quên, rồi lại học và quên, ... lặp đi lặp lại cho tới khi nhớ. Thiên tài là những người ĐỦ NGU NGỐC để có thể lặp đi lặp lại một chuyện cho tới khi nhớ hoặc thành công. Ít người thiên tài bẩm sinh lắm!

Khả năng nhớ của bạn chính là số lần bạn quên!

Mỗi lần bạn học, bạn sẽ khắc sâu thêm một ít vào trong đầu của bạn. Vì thế, bạn cần kiên trì. Ngay cả bạn chỉ học 1 lần, thì thông tin có thể đã được lưu tạm vào đâu đó trong não. Ngay cả khi bạn không nhớ, thì có thể nó vẫn còn nằm trong đó. Bạn cứ lặp đi lặp lại thì não sẽ hình thành phản xạ lấy nó ra.

Hãy tưởng tượng não là các ngăn kéo thông tin. Khi cần thông tin, nó phải tra xem thông tin ở đâu và lấy ra. Bạn phải tạo nó thành phản xạ là cần thông tin A thì lấy ở chỗ B. Việc này là VÔ THỨC, nên bạn cần lặp đi lặp lại việc học cho tới khi thành phản xạ vô thức.

Vì thế, những người HỌC KIỂU CƠ HỘI sẽ không có cơ hội giỏi tiếng Nhật. Nếu chỉ học 1 lần là nhớ, thì nhiều người sẽ giỏi tiếng Nhật. Tiếc thay, việc đó là không thể. À mà nếu nó là có thể thì nó là thảm họa đấy ha ha. Vì sao lại là thảm họa thì bạn phải ghé văn phòng Saromalang mà hỏi Takahashi thôi (cứ ghé mà hỏi thoải mái! ^^)

Tóm lại thì bạn phải học thật nhiều và quên thật nhiều lần. Bạn cố quên thì càng tốt (thật ra khi cố quên là khi lòng nhớ thêm, à không phải, là thêm một lần học, nên càng nhớ hơn!).

Tôi không tự nhiên nhớ 2000 chữ kanji trong 2 tuần. Trước đó tôi đã "nhai" trước vài trăm chữ rồi và ngày nào tôi cũng cầm bảng kanji nhai đi nhai lại trong suốt 2 tuần. Sở dĩ tôi biết tôi nhớ hết vì nhìn mặt chữ là tôi biết âm đọc tiếng Việt và nghĩa của đủ 2000 chữ.

Sau đó tôi có quên đây đó, nhưng ôn lại là lại nhớ tiếp.

Học từ vựng cũng vậy, bạn phải có bảng từ vựng và "nhai đi nhai lại" mỗi ngày. Chỉ có một cách là học nhiều lần và quên nhiều lần thôi.

Tin vui cho bạn

"Tin vui" cho bạn là chỉ có tầm 2000 kanji. Và ngữ pháp thì chắc chỉ khoảng 100 - 200 mẫu thôi. 楽勝じゃない?

Còn từ vựng, thì thông thường để giao tiếp tốt bạn cần biết khoảng 2000 từ. 簡単じゃ?

Nếu kế hoạch của bạn là 1 năm, thì 1 tháng bạn nhớ khoảng 200 kanji và 200 từ, 20 mẫu ngữ pháp. Một tuần bạn cần nhớ 50 kanji, 50 từ, 5 mẫu ngữ pháp. Không phải là quá khó. Cách học là quan trọng. Ví dụ kanji mà bạn học cách đọc tiếng Nhật ngay thì hơi khó. Bạn nhớ mặt chữ và nghĩa (và âm Hán Việt) trước đã. Cách đọc thì bạn có thể suy luận theo cách của Saroma Lang đã đăng tải (với cách đọc On'yomi, còn Kun'yomi thì đơm đặt, bịa chuyện mà nhớ).

Với bạn nào đăng ký du học tại Khinh Khí Cầu thì sẽ được đưa bảng từ vựng N5 để có thể tự mình nhai. Để nâng cao sức cạnh tranh hồ sơ du học, thì phải cố nhai N5 và sau đó N4 thôi. Khả năng đậu tư cách lưu trú nằm ở nỗ lực của chính bạn.

(C) Saroma Lang 2014

4 nhận xét:

  1. Thiên tài là những người ĐỦ NGU NGỐC để có thể lặp đi lặp lại một chuyện cho tới khi nhớ hoặc thành công.

    Trả lờiXóa
  2. tất cả chương trình lập trình để tạo ra hình ảnh....cũng chỉ là quá trình lặp đi lặp lại . điều rất cơ bản mà mình cũng lãng quên))

    Trả lờiXóa
  3. Thật quá hay quá hay! Tâm lý thật, đọc xong cảm thấy được truyền động lực

    Trả lờiXóa