(CCCT: Câu chuyện cuối tuần)
Nhiều bạn hiểu nhầm là tôi học tiếng Nhật rất chăm và không bao giờ chán. Sự thực thì tôi cũng không học tiếng Nhật mấy và tỷ lệ chán thường > 90%. Không có con đường đầy hoa ở đây cũng như bên kia ngọn núi. Vậy làm sao bạn vượt qua khó khăn khi học tiếng Nhật?
Thật ra, đây là RANH GIỚI MONG MANH giữa việc duy trì và việc buông xuôi, bạn cần duy trì trong một thời gian đủ dài, nhưng lại không bị áp lực bởi việc phải giỏi tiếng Nhật. Đây là chiến lược "ranh giới mong manh" mà tôi áp dụng.
Khi mới sang Nhật, bạn sẽ học tiếng Nhật rất nhanh vì môi trường ở Nhật khá lý tưởng và bạn lại còn học trên lớp với phương pháp giáo dục nhìn chung là tốt, lấy học sinh làm khách hàng. Bạn sẽ phấn khởi và trình độ lên khá nhanh. Tuy nhiên, sau đó sẽ chững lại và bạn cảm thấy như trình độ, đặc biệt giao tiếp, không lên mấy. Hồi học tiếng tôi chỉ học chơi chơi thôi, thể dục thể thao là chính mà vẫn ngon lành. Một ngày tôi sẽ dậy khá sớm, chạy bộ qua 2 cây cầu, trên đường chạy về tập xà rồi lên lớp ... ngủ hoặc ngồi thiền. Sau đó chiều tan lớp thì đi đá bóng rồi đi chợ mua đồ ăn. Buổi tối thì tập gym. Thế là hết ngày buồn ngủ díp mắt. Việc gì tôi cũng làm trừ mỗi việc học tiếng Nhật vì về cơ bản tôi học xong trước khi bắt đầu kỳ học rồi. Tôi cũng chẳng buồn làm bài tập (thường nằm trong sọt rác).
Nhưng vì có môi trường tiếng Nhật nên chẳng vấn đề gì cả. Tôi nghĩ là việc duy trì đều là quan trọng, dù không nỗ lực mấy. Tất nhiên, hãy tự học các mẫu ngữ pháp và suy nghĩ cách nói tương đương trong tiếng Việt. Nếu bạn không có nền tảng và không học bài bản, bạn sẽ chẳng học được tiếng Nhật dù ở Nhật bao lâu đi nữa.
Điều quan trọng: Bạn phải có nền tảng về ngữ pháp, và biết càng nhiều từ vựng với kanji càng tốt. Do đó, hãy học hết ngữ pháp (phải là học và hiểu rõ, tức là hiểu được sắc thái của nó).
Do đó, việc bạn theo học tại trường Nhật ngữ là rất quan trọng: Giáo viên của bạn sẽ giải đáp thắc mắc về tiếng Nhật cho tới khi bạn hiểu. Đây là điều khác biệt của giáo dục Nhật Bản so với nền giáo dục lạc hậu. Muốn giỏi bạn phải hỏi thật nhiều và được giải đáp. Đây là cách đề bạn HIỂU SÂU SẮC và có nền tảng tiếng Nhật tốt.
Bạn không học bài bản, không có nền tảng thì có ở Nhật 10 năm tiếng Nhật cũng không khá. Học nền tảng tiếng Nhật không khó, bạn học kỹ giáo trinh sơ cấp và lên lớp đều là được. Tôi kể chuyện này bạn phải giữ bí mật nhé: Tôi chưa học xong trung cấp tiếng Nhật!
Ha ha, đùa thôi! Nhưng thực ra tôi không nhớ trung cấp tiếng Nhật là học cái gì, và có lẽ cũng không cần vì nếu học lên cao ở Nhật thì bạn vẫn phải cố đọc hiểu, đó mới là cách học tốt nhất.
TIME, changes anything and everything!
Học kiến thức tại Nhật
Tôi hay khuyên các bạn học lên cao tại Nhật (đại học, cao đẳng, học nghề, ...) là có lý do. Một là bạn học được kiến thức. Hai là đây mới là giai đoạn thực sự nâng cao tiếng Nhật. Bạn học các môn học bằng tiếng Nhật thì sẽ tốt cho trình độ tiếng Nhật của bạn. Thì cũng như học Anh ngữ thôi, cầm sách học cách chào hỏi thì không thấy hay lắm, nhưng nếu sách dạy về cách kiếm tiền, kinh nghiệm tình trường, v.v... thì chắc chắn thú vị và tự nhiên hơn.Thú thực là ở đại học suốt mấy năm tôi nghe ... chẳng hiểu gì cả. Vì tôi ít giao tiếp, nhưng lý do lớn nhất là tiếng Nhật ngoài cuộc sống và tại trường Nhật ngữ khác nhau nhiều lắm. Ờ trường Nhật ngữ, thầy cô rất tử tế với bạn. Ngoài đời thì không đâu. Điều đó không có nghĩa là tôi bế tắc vì tôi đọc được sách nên vẫn ổn. Thật ra thì tôi cũng không hiểu tại sao mọi người chép bài, vì có trong sách hết rồi mà. Vì thế tôi cũng chẳng có cuốn vở nào (đỡ tốn tiền và tốn tay, sách cũng là mượn thư viện thôi)
Tóm lại, quan trọng là ĐỌC HIỂU thôi, còn NGHE HIỂU là cái chúng ta ít kiểm soát được. Nghe hiểu luôn cần thời gian lâu dài, theo tôi thì cũng phải 3 - 5 năm. Kể cả bạn học cao học và nghiên cứu thì bạn đọc được luận văn là ổn.
Trong suốt thời gian đại học thì tôi hầu như rất ít học tiếng Nhật (trừ việc đọc sách). Tôi có thử đọc báo Nhật nhưng thú thực là chẳng hiểu gì cả! Thất bại 100% rồi còn gì. Xem ti vi thì cũng chỉ năm ăn, năm thua. Như vậy là thua kém bạn bè quá nhiều rồi. Nhưng tôi không thất bại trong việc ĐỌC HIỂU, khả năng đọc của tôi khá tốt.
Không có nghĩa là tôi thích đọc web tiếng Nhật, tôi thấy chữ nó cứ loằng ngoằng, "bẩn mắt" thế nào ấy.
Tiếng Nhật của tôi trải qua khá nhiều thăng trầm. Dù không học gì nhưng tiếng Nhật không giảm đi mà lúc tăng lúc giảm. Lúc nào giao tiếp nhiều thì tăng lên, khi nào về nước thì lại giảm xuống. Ở Nhật mấy năm mà nhiều lúc ... chẳng nói nên lời theo đúng nghĩa đen. Tóm lại là như vậy là thất bại rồi, cần phải CUỐN GÓI gấp. Chán nản và BUÔNG XUÔI. Và thực sự là tôi buông xuôi tới mấy năm chẳng giao tiếp với ai....
Tôi nghĩ BUÔNG XUÔI là một chiến lược hay, vì chẳng áp lực gì cả. Tại sao lại để tiếng Nhật thành áp lực cho bản thân? Chẳng phải tôi vẫn đọc được .... giá hàng hóa, đủ để sinh tồn hay sao? Nói số tiền thì tôi vẫn nói ngon, đọc tiếng Nhật vẫn hiểu, mà sống ở Nhật thì cần quái gì phải ... nói! Cái gì cũng tự động hết kể cả mua phiếu ăn he he.
Từ khi buông xuôi thì tiếng Nhật của tôi hóa ra lại khá hơn. Nhưng theo tôi có lẽ là tiếng Nhật khá lên theo thời gian mà chúng ta không nhận thấy, chỉ cần chúng ta duy trì môi trường tiếng Nhật và không gây áp lực cho bản thân. Và tôi đi thi tiếng Nhật điểm vẫn ... cao như thường!
Vì thế, theo tôi bạn nên duy trì việc ở Nhật ít nhất 3 năm, hãy học chuyên môn gì đó bằng tiếng Nhật. Lý tưởng nhất là khoảng 5 năm. Bạn không cần nỗ lực nhiều và đừng gây áp lực lên bản thân. Thời gian sẽ giúp tiếng Nhật ngấm vào người bạn. Vấn đề là THỜI GIAN! A matter of TIME!
Thế có phải là phí thời gian không? Hừm, thời gian không phải để tiêu phí hay sao? Vẫn tốt hơn chán so với việc bạn sống bế tắc mà chẳng có gì ngấm vào người đúng không? Theo tôi thì không cần quá nỗ lực bạn vẫn học được kiến thức, ngoại ngữ, triết học, tư duy, ... miễn là bạn không buông xuôi hoàn toàn và dành THỜI GIAN cho nó.
Dù bạn cảm thấy nản thì bạn vẫn đang tiến hóa. Miễn là đừng bỏ cuộc (về nước chẳng hạn). Thật ra thì ai ở Nhật mà được học tiếng Nhật một cách bài bản thì sớm hay muộn đều có thể giao tiếp được bằng tiếng Nhật (giỏi hay không thì còn tùy người). Kể cả những người vốn kém ngoại ngữ. Như vậy, vấn đề không nằm ở năng lực hay ham muốn học ngoại ngữ mà chỉ cần duy trì đủ thời gian là được.
Đừng bao giờ đổ lỗi cho bản thân
Cái này cũng là là một RANH GIỚI MONG MANH. Bạn cứ khăng khăng thầy cô phải giúp bạn giỏi tiếng Nhật và bạn "chẳng có lỗi gì" thì quá trình học tiếng Nhật của bạn sẽ khá gian nan. Nhưng bạn cứ đổ lỗi cho bản thân "tôi không có năng khiếu ngoại ngữ", "tiếng Anh tôi học bao nhiêu năm cũng chẳng khá", "tiếng Nhật là ngôn ngữ khó", v.v... thì bạn chỉ đang tự làm hại bạn và cản trở bạn học tiếng Nhật.Vấn đề không phải năng khiếu. Bạn cần kiên trì và dành thời gian sống trong môi trường tiếng Nhật. Bạn đừng nghe thứ gì khó hay không yêu thích mà hãy tập trung nghe tiếng Nhật đơn giản, thứ mà bạn nghe hiểu được.
➡ Bí quyết học nghe của Takahashi
Quan trọng là nghe hiểu (nghe cái dễ), chứ không phải nghe không hiểu (nghe cái khó)
Không cần phải đổ lỗi cho bản thân. Việc học tiếng Anh dở tệ của bạn là do bạn không có nhu cầu, không có môi trường và theo tôi lý do quan trọng là: Phương pháp người ta dạy bạn dở tệ. Chẳng hứng thú và chẳng có gì phấn khích. Bạn còn bị áp lực không làm bài tốt thì bị trượt nữa. Đó không phải là giáo dục, đó là môn vượt rào: Bạn phải vượt rào để thoát hiểm, không thì ở lại chịu đắng cay tủi nhục. Việc học ngoại ngữ không nên như vậy. Bạn chỉ nên học tiếng Nhật phù hợp với năng lực và tố chất của bạn thôi.
Nếu bạn nghe không giỏi và không thích giao tiếp, hãy bù đắp bằng việc đọc hiểu giỏi. Và hãy viết sao cho người khác đọc hiểu được bạn. Đơn giản mà đúng không?
Nếu bạn không giỏi tiếng Nhật "bằng bạn bằng bè" thì không cần đổ lỗi cho bản thân. Hãy kiên trì thôi. Bạn cần nhớ chuyện Rùa và Thỏ, chưa biết ai tiến xa hơn ai. Bạn bè của bạn chỉ "tỏ ra hiểu" vì tự ái của họ cao thôi, họ không muốn ai nghĩ họ kém đâu. Chắc gì họ đã hiểu! Và về cơ bản, họ không hiểu. TỰ ÁI là cái giúp người ta học kém mãi. Cần nhớ là bạn học cho bạn, chứ cũng chẳng tốt gì cho tôi hay liên quan tới tôi, nên bạn không cần để ý tới ý kiến của tôi hay ai khác. Việc của bạn thì bạn cứ làm thôi.
Thay đổi một chút
Tôi đã kể là tôi suýt đóng gói hành lý về nước chưa nhỉ? Vì tôi chẳng hiểu gì bài giảng tiếng Nhật cả. Sau đó tôi nghĩ là "hành hạ bản thân thế này là đủ rồi" và tôi BUÔNG XUÔI. Tôi không quan tâm tới bài giảng trên lớp nữa mà quyết định tự học. Tôi lấy sách ra đọc và thấy tiếng Nhật hóa ra ... khá dễ. Và từ đó tôi luôn đọc bài trước khi học và thấy tiếng Nhật quả thật ... quá dễ.Chỉ cần thay đổi một chút là cuộc sống sẽ thay đổi. Từ học sinh cá biệt, bạn có thể học hành nhàn nhã và có rất nhiều thời gian cho thú vui hay công việc của bạn. Thậm chí cả kỳ tôi chơi vì tôi học hết từ đầu kỳ cơ mà!
Đôi khi bạn nên BUÔNG game này và bắt đầu một game khác. Nếu một game bạn chơi mãi không khá thì bạn cần thay đổi cách chơi, hoặc thay đổi game luôn (đổi cách chơi cũng có nghĩa là game khác). Chuyện tình cảm cũng vậy thôi, đừng cố chấp vào một game và nghĩ đó là định mệnh. Hãy bước chân ra bên ngoài và khai sáng cho đôi mắt của bạn. Tôi xin lỗi nhưng GAME đã OVER thì còn giá trị gì nữa??
Thời gian là chìa khóa
Bản chất của cuộc sống là thời gian. Hồi năm nhất đại học tôi cố nhồi nhét bảng chữ cái tiếng Hàn vào đầu và thất bại thảm hại. Nhưng ít ra, tôi biết tiếng Hàn cũng dùng chữ Hán, gọi là Hanja (nghĩa là "Hán tự" tức Kanji). Thậm chí tôi còn chuyển được một ít từ Hán Việt ra tiếng Hàn! Nhưng tôi chả nhớ được Hangul. Sau đó tôi không học tiếng Hàn nữa.10 năm sau, tôi học lại tiếng Hàn và thấy nó thật dễ. Kể cả phát âm tôi thấy cũng không lằng nhằng nữa. Lý do là vì ngày nay công cụ học đơn giản nhiều hơn ngày xưa. Ngoài ra, cái mà tôi đã từng học thường không mất đi và kiến thức tiếng Nhật tăng cũng sẽ giúp học ngoại ngữ tốt hơn. Quan trọng là hiểu được nguyên lý của ngôn ngữ thì mọi chuyện dễ dàng hơn. Có thể nói là TRIẾT HỌC của việc học ngoại ngữ.
Vấn đề chỉ là thời gian. Bạn BUÔNG XUÔI nhưng không TỪ BỎ HẲN thì game vẫn không over. Việc học tiếng Nhật cũng vậy, bạn cần thời gian và đừng tự gây áp lực lên bản thân. Nếu bạn cần đi làm thêm kiếm tiền, hãy tập trung vào các mẫu câu, từ vựng của công việc đó. Và chúng không nhiều, chắc chắn là bạn sẽ học được và học nhanh (nếu cần có thể nhờ người Nhật cùng làm chỉ giúp). Bạn học tốt tiếng Nhật để đi làm thêm thì tôi nghĩ là trình độ thật của bạn cũng lên khá nhiều.
Lời kết
Tôi không tiếc thời gian nếu thời gian đó là của tôi. Tôi chỉ tiếc thời gian lãng phí cho những kẻ vô bổ. Vì thế, chúng ta nên tập trung vào việc học tập, công việc, cuộc sống. Việc đi du học cũng vậy thôi. Du học là thời gian bạn học rất nhiều thứ, đặc biệt là thế giới quan, nhân sinh quan, triết học. Bạn nên dành thời gian cho chính bạn. Và đừng bị áp lực, nhất là về thời gian. Hãy sống tốt và hoành tráng trước khi bạn tự chất thêm gánh nặng lên cuộc đời bạn.Có thêm ít gánh nặng nhưng đủ tiền trả bill thì chẳng sao cả!
Chúc may mắn với con đường của bạn!
Takahashi - người tù vĩnh cửu (hy vọng không ra sớm vì thái độ tồi!)
Bản chất của cuộc sống là thời gian! .....Cần thay đổi một chút! ....Cảm ơn Takahashi- người tù vĩnh cửu vì bài viết rất hay va thiết thực ( ít ra với bản thân mình ) như thế này nhé! :)
Trả lờiXóaHy vọng sẽ còn được đọc những bài viết của Takahashi nữa ^^
Cho hỏi 1 câu : Takahashi lấy vợ chưa ?
Trả lờiXóachưa lấy chồng. :))
Xóa