Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Cách dịch "nguyên quán" sang tiếng Nhật

"Nguyên quán" (chữ Tôm: 元館) là gì? Đó không phải là "quê quán" (là nơi sinh trưởng của cha, hoặc của mẹ nếu không có cha), tức là 故郷 (furusato).

Quê quán = nơi sinh trưởng của cha hoặc của mẹ nếu không có cha

"Nguyên quán" là quê quán gốc của ông bà tổ tiên, theo pháp luật hiện tại thì nguyên quán của bạn ghi theo nguyên quán của cha bạn (hoặc mẹ nếu không có cha), cha bạn lại ghi theo nguyên quán của ông nội, cứ thế .... Tức là ghi lại nguyên quán của tổ tiên xa nhất còn biết được.

Vì thế nó không phải là 出生地 (xuất sinh địa, shusseichi), tức là "nơi sinh".
Nó cũng không phải là 出身地 (xuất thân địa, shusshinchi), tức là "nơi xuất thân" hay nơi sinh trưởng.

Nơi sinh trưởng tức là nơi mà bạn dành phần lớn thời gian thời thơ ấu để phát triển hình hài, nhân cách, thường là nơi sinh ra và lớn lên. Nhưng cũng có khi không phải là nơi sinh ra mà chỉ là nơi lớn lên và trưởng thành (trường hợp sinh xong còn nhỏ đã chuyển chỗ).

Ví dụ, bạn có thể sinh ra và lớn lên ở Long An, cha bạn cũng vậy, sinh ra và lớn lên ở Long An, ông nội có thể sinh ra lớn lên ở Đồng Tháp, nhưng nếu cụ tổ (bên nội) là người có nguyên quán ở Huế (ví dụ nhiều đời trước đó sinh sống ở Huế và ghi nguyên quán ở Huế), thì nguyên quán của bạn vẫn là Huế, dù bạn không sinh ra và lớn lên ở đó, thậm chí, có thể còn chưa bao giờ đặt chân tới Huế.

Cách sử dụng "nguyên quán" như vậy có hợp lý không?

Vì nguyên quán rõ ràng ảnh hưởng rất ít tới nhân cách, tính cách, con người của bạn. Nơi sinh trưởng hay nơi sinh rõ ràng ảnh hưởng nhiều hơn. Ngoài ra, cụ tổ chỉ còn lại rất ít trong con người bạn, vì quá trình tha hương sau đó rõ ràng kết hợp rất nhiều yếu tố di truyền cũng như văn hóa của địa phương khác. Một người di cư từ Huế vào Long An, lấy người Long An, thì rõ ràng yếu tố văn hóa LA lớn hơn rất nhiều, vì con người có tính thích ứng. Thậm chí, một người Huế cũng có thể biến thành người Long An, do thích ứng, chẳng còn chất Huế mấy nữa.

Theo tôi thì nên ghi lai lịch theo "nơi sinh" thì hợp lý hơn.

Dịch "nguyên quán" sang tiếng Nhật như thế nào?

Như trên đã nói, nguyên quán phải dịch đúng nghĩa là quê quán gốc, tức là nguồn gốc tổ tiên từ đâu ra. Dưới đây là cách dịch "nguyên quán" sang tiếng Nhật và tiếng Anh cho đúng.

Tiếng Việt: nguyên quán
Tiếng Nhật: 起源地 (khởi nguyên địa, kigenchi)
Tiếng Anh: place of origin

Takahashi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét