Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Cách giải thích mới về chữ "má" trong "chó má, thuế má, giấy má"

 Trước đây đã có nỗ lực giải thích về chữ "má" trong "chó má", kiểu như tiếng Tày gọi con chó là "tu ma", nên "má" có lẽ là tiếng Tày mà ra.

Nhưng cách giải thích này có vấn đề, vậy còn "thuế má" và "giấy má" thì thế nào, không lẽ cũng liên quan đến "chó"?

"Thuế má" có lẽ cũng không phải là đọc chệch của "thuế khóa" như một số giả định, vì cách đọc quá khác nhau, và cũng lại không giải thích được cho "chó má" và "giấy má".

Nhiều khả năng chữ "má" trong ba từ này là giống nhau:

  • Chỉ những thứ phiền nhiễu, không muốn động vào nhưng phải động vào để giải quyết
  • Âm tiết đầu tiên đều là dấu sắc

Từ đó, chúng ta thấy "má" có thể là một dạng âm láy dùng cho các âm có dấu sắc, chỉ những thứ phiền phức, muốn tránh xa.

Hãy bàn về sắc thái của "chó má, thuế má và giấy má":

  • Chó má: Không chỉ chó mà chỉ người, có cách cư xử như chó, ví dụ "bọn chó má", rất không muốn động vào nhưng không tránh được.
  • Thuế má: Xử lý sự vụ thuế và rất phiền hà, nhiêu khê, nhất là một nơi mà quan chỉ chuyên tham nhũng và hành dân.
  • Giấy má: Vấn đề giấy tờ chẳng vui vẻ và không muốn giải quyết. Đây không phải là giấy chứng nhận sở hữu nhà, hay tương tự, mà là vấn đề tính công, kế toán vv cực kỳ đau đầu, không làm thì lại không xong.

Như vậy có thể thấy, "má" chỉ các vấn đề ác và phiền, phải chăng nó là từ chữ MA (魔) trong MA QUỶ (魔鬼) mà ra?

Nếu là vấn đề "ma" thì rõ ràng chúng ta muốn tránh càng xa càng tốt, nhưng vẫn phải làm thì biết làm sao, chắc chắn sẽ bị ám quẻ rồi.

Vì thế, chúng ta gọi là bọn "chó ma", "thuế ma", "giấy ma" và chửi thề như thế, nhưng thế thì không thuận miệng lắm, vì sau dấu sắc mà lại dấu không thì khó phát âm.

Từ láy thường bao giờ cũng cùng loại dấu thanh: luyên thuyên, lằng nhằng, lải nhải vv.

Do đó, nó sẽ được nói thành "chó má", "thuế má", "giấy má". Trong từ điển chữ Tôm sẽ được ký âm chữ Hán như sau:

chó má, thuế má, giấy má = 狗'魔°、税魔°、紙'魔°

Thế nhé!

Takahashi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét