Bài này tổng kết về một số dạng từ láy trong tiếng Việt, trong quá trình xây dựng từ điển chữ Tôm. Từ láy là từ gồm hai âm tiết trở lên, có vần điệu theo một cách nào đó và có ít nhất một âm tiết (syllable) không có nghĩa hay không thể đứng riêng một mình hay là một âm tiết đơn với nghĩa không liên quan (chỉ là đồng âm, ví dụ "sỗ sàng" thì "sàng" không phải là âm Hán Việt chỉ "giường").
"Đau đớn" là từ láy, cùng với "đớn đau" vì nó vần và hơn nữa, chúng ta không dùng "đớn" đứng riêng.
"Bồi hồi" không phải từ láy tiếng Việt, mà là từ gốc Hán 徘徊 (tiếng Nhật là "haikai"), có thể coi là "từ láy gốc Hán". "Bàng hoàng, phảng phất" cũng như vậy.
Láy vần (láy trước)
Ví dụ: bươm bướm, lanh lảnh, trăng trắng, đo đỏ, vv.
Âm tiết trước và âm tiết sau có cùng phụ âm đầu, hai âm tiết cùng vần nhưng âm tiết đầu là thanh không (không thanh điệu) còn âm tiết sau có thanh điệu.
Chữ Tôm sẽ dùng ゞ để ghi láy trước kiểu này, ví dụ lanh lảnh = ゞ lảnh.
Với âm tiết sau "nặng" thì sẽ như thế này: dằng dặc, phành phạch, tất tật vv.
Láy trước "L"
Ví dụ: lảm nhảm, lác đác, lôi thôi, lướt thướt, lượt thượt, luộm thuộm, lèm bèm, lèm nhèm, lăn tăn, lải nhải, v.v.
Mô ta: Láy âm trước vần L cùng vần với âm sau. Âm sau có thể có nghĩa riêng (ví dụ nhảm) nhưng thường là cả hai âm không có nghĩa riêng mà hợp thành từ láy mới có nghĩa.
Trong từ điển Tôm, láy trước "L" có thể được ký hiệu là ゝ, ví dụ lác đác = ゝđác.
Láy "iếc"
Ví dụ: nước niếc, yêu iếc, quà kiếc, công việc công viếc v.v.
Đây là láy lặp lại phụ âm đầu, riêng "qu" sẽ thành "k" rồi thêm âm "iếc" vào, mục tiêu là để suồng sã hóa, tỏ ý coi thường, xem nhẹ v.v.:
Thôi, cơm nước cơm niếc gì, tôi còn phải ra đồng.
Tức là chuyện cơm nước chỉ là chuyện nhỏ thôi, ra đồng làm việc mới quan trọng.
Trong từ điển chữ Tôm sẽ ghi láy "iếc" như sau:
- Nếu là láy ngay sau từ chính: ヽ, ví dụ nước niếc = nước ヽ
- Nếu là láy cách từ chính một âm lặp vv: ヾ, ví dụ cơm nước cơm niếc = cơm nước cơm ヾ
Láy kép với "à" hay "a"
Láy của láy, ví dụ lèm bèm => lèm bà lèm bèm, lằng nhằng => lằng nhà lằng nhằng, lằng nha lằng nhằng.
Láy kép dạng này có 4 âm tiết trong đó âm tiết 1 = âm tiết 3, âm tiết 2 có vần là "à" hoặc "a" và cùng phụ âm đầu với âm tiết 4.
Ở đây xuất hiện dạng chính tắc và dạng không chính tắc, ví dụ:
- Dạng chính tắc: lằng nhà lằng nhằng, lăng nha lăng nhăng, lải nhà lải nhải
- Dạng không chính tắc: lằng nha lằng nhằng (vần âm tiết 2 là "a" có dấu không và không trùng thanh điệu của âm tiết 4)
Như vậy, dạng chính tắc là một trong hai dạng:
- Âm tiết 2 có vần "à", âm tiết 4 có dấu
- Âm tiết 2 có vần "a", âm tiết 4 không dấu (thanh điệu không)
Còn dạng không chính tắc là âm tiết 2 có vần "a" còn âm tiết 4 có thanh điệu khác dấu không.
Trong từ điển chữ Tôm, dạng chính tắc viết là 〃, không chính tắc là 〃°. Ví dụ:
lải nhà lải nhải = lải 〃 lải nhải
lằng nhà lằng nhằng = lằng 〃 lằng nhằng
lăng nha lăng nhăng = lăng 〃 lăng nhăng
lèm ba lèm bèm = lèm 〃° lèm bèm
"Hớt hơ hớt hải" là ngoại lệ, vì "ha" sẽ khó phát âm do gần giống "hải".
Láy sau vần "ốn"
Ví dụ: thiếu thốn, đổ đốn, từ tốn
Láy sau vần "anh"
Ví dụ: chòng chành, mỏng mảnh, mong manh, long lanh, đỏng đảnh vv.
"Mỏng manh" là không chính tắc.
Láy sau vần "àng"
Ví dụ: vội vàng, sỗ sàng, dịu dàng
Láy đầu "B"
Ví dụ: băn khoăn, bâng khuâng, bồi hồi (thật ra là từ láy gốc Hán), bùi ngùi, vv.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét