Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

"Đãi bôi" có phải từ gốc Hán không?

 Sau "mầu nhiệm" tôi lại thừa thắng xông lên với "đãi bôi". Vì sao cứ phải KHỔ TÂM KHỔ NÃO như thế? Vì cuộc đời là như thế! Chúng ta phải học tới cùng, xem nó đi tới đâu. Làm vì đam mê thôi!!

ĐÃI BÔI cũng chưa có cao nhân nào giải thích thấu đáo nguồn gốc ngữ nghĩa của nó, nên chúng ta cũng thử mổ xẻ xem có gì hay.

"Đãi bôi" tức là mời người khác (tới chơi, tới ăn uống vv) nhưng không thật lòng có ý đó. Đây là từ của người miền bắc, còn người miền nam sẽ nói là "mời lơi".

Ví dụ: Nó chỉ nói đãi bôi thế thôi, chứ chẳng bao giờ mời ai tới nhà ăn bao giờ.

A: Lúc nào rảnh em ghé nhà anh chơi nhé.

B: Lại mời đãi bôi đấy à?

"ĐÃI" là mời, là từ gốc Hán 待 ĐÃI, ví dụ CHIÊU ĐÃI 招待, ĐỐI ĐÃI 対待 vv. Còn BÔI là gì?

Có người giải thích BÔI là BỘI trong phản bội, tức là nói mà lại phản bội lại lời hứa của mình không thực hiện. Tuy nhiên, về ngữ nghĩa Hán văn lẫn Việt văn đều có vấn đề lớn, vì trước hết không ai nói ĐÃI BỘI cả, ghép hai chữ Hán lại đúng là khiên cưỡng và sai về ngữ nghĩa. Vì hai chữ nghĩa quá khác nhau để có thể hiểu đúng khi ghép với nhau. Người ta ghép hai chữ gần nghĩa, đồng nghĩa ví dụ PHẢN BỘI, BỘI BẠC (cả hai chữ ghép đều có ý như nhau).

Ngoài ra, dùng tới chữ "phản bội" có phải nặng nề rồi không? Chỉ vì người khác mời xã giao rồi "chưa" thực hiện mà kết cho người ta thành người xấu thì đâu phải truyền thống tương thân tương ái của người VN?

Bản chất của mời đãi bôi là việc xã giao, làm sao cho êm thấm, lịch sự, không mất lòng nhau. Có lời mời thì tốt hơn là lặng thinh, tỏ ý coi khinh chứ? Người ta bảo "Lời chào cao hơn mâm cỗ" kia mà?

Mời nghĩa là vẫn có sự hòa khí nhất định, chứng tỏ cũng có sự tôn trọng. Còn không mời nghĩa là còn chẳng thèm giữ quan hệ.

Do đó, bản chất ở đây là phép xã giao, nhưng phép xã giao thì bao giờ cũng không thật lòng. Không chỉ ở VN, mà phương tây cũng thế. Người phương tây hay người Nhật Bản có thể rất lịch thiệp, nhưng không bao giờ mời về nhà chơi. Nếu ngỏ ý tới nhà họ chơi thì họ viện đủ lý do rất ư là hợp lý như nhà cửa bề bộn vv để xin miễn. Đây cũng là xã giao, chẳng lẽ kết luận họ không thực lòng hay sao?

Vì thế, chữ BÔI không thể là chữ Hán được, mà là chữ thuần Việt.

BÔI đơn giản là bôi ra, vẽ ra (bôi vẽ thêm) để cho có chuyện mà nói, để giữ phép lịch sự, chứ sẽ không thực hiện.

ĐÃI BÔI tức là mời xã giao, lời mời bôi thêm ra để không khí nhẹ nhàng, bớt căng thẳng, giữ phép xã giao và hòa khí.

ĐÃI BÔI = MỜI LƠI

Người nam bộ thì không nói "đãi bôi" mà nói "mời lơi". MỜI LƠI là thế nào?

LƠI tức là buông lơi, lả lơi, tức là thả ra (mà không bắt lại). Ăn mặc là lơi tức là ăn mặc kiểu thả hết cả bên trong ra, đốt mắt người khác nhưng không có ý để mồi chài một ai cụ thể, tức là để "tóm" con cá nào đó, buông lơi là thả ra không bắt lại, trúng ai thì trúng.

MỜI LƠI nghĩa là buông lời mời ra nhưng không "bắt lại", tức là không giữ lời, không thực hiện. Mời thì mời vậy thôi, nhưng đời nào thực hiện cho tốn kém! ^^

Đương nhiên, "mời lơi" thì không phải có nguồn gốc chữ Hán.

Takahashi

1 nhận xét:

  1. Giải thích như này nghe còn rõ ràng,còn rất nhiều trang khác giải thích ko chỉ từ này mà rất nhiều từ khác rất hời hợt thậm chí sai lè,ko hiểu mà giải thích linh tinh,r lại làm nguồn cho các trang khác tra xog bê nguyên vào.8 9 phần các Web giải thích từ này ko thấu đáo

    Trả lờiXóa