Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Phân biệt "tinh vi", "tinh tướng" và ... "vi tính"

TINH VI:
được cấu tạo bởi những chi tiết nhỏ phức tạp và có độ chính xác cao
nét chạm khắc tinh vi
máy móc tinh vi
có nội dung hoặc hình thức biểu hiện hết sức phức tạp, kín đáo, khó mà nhận ra
mánh khoé tinh vi
thủ đoạn bóc lột hết sức tinh vi
(khẩu ngữ) có vẻ hoặc tỏ ra vẻ ta đây, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi
đừng có mà tinh vi!

TINH TƯỚNG:
(khẩu ngữ) tỏ vẻ ta đây tinh khôn, tài giỏi hơn người (hàm ý chê bai hoặc vui đùa)
đừng có mà tinh tướng!

VI TÍNH: Máy vi tính (computer), là từ nói đệm vào cho vần vè thôi. Vi tính có nguồn gốc từ vi (micro-) + máy tính (computer), trước đây gọi là là máy vi tính microcomputer vì đây là một máy dùng để tính toán (computer) dùng bộ vi xử lý (microprocessor).

Người ta hay nói "tinh vi, tinh tướng, vi tính" thành cụm cho vần vè, chứ "vi tính" không liên quan gì, dù thật ra thì máy vi tính cũng là loại máy tinh vi, ngày xưa không phải ai cũng rành máy tính (máy vi tính) nên nghề cài đặt máy tính (hệ điều hành, phần mềm vv) kiếm được bộn tiền. Đấy là thời đầu của máy tính những năm trước năm 2000.

Thế nào là "tinh vi"?

Tinh vi nghĩa gốc là (1) Chú ý tới cả những điểm, chi tiết cực nhỏ, ví dụ "đo đạc tinh vi" (2) Được chế tạo với kích thước chính xác tới từng bộ phận nhỏ, ví dụ "thiết bị tinh vi".

Tiếng Nhật là: 精密 [tinh mật]

1 極めて細かい点にまで注意が行き届いていること。また、そのさま。「精密な測定」「精密検査」
2 細部にいたるまで正確な寸法で作られていること。また、そのさま。「精密な機器」

Về thái độ thì trong "đừng có mà tinh vi" thì "tinh vi" là tỏ ra biết rõ hơn người khác, tỏ thái độ cao ngạo nên coi thường người khác. Kiểu như:

- Máy tính này người không biết động vào là hỏng, chỉ có em thao tác được thôi. Chị chẳng làm được đâu!
- Chú đừng có mà tinh vi! Thằng em chị mới tốt nghiệp đại học bách khóa ngành công nghệ thông tin đấy nhé.

"Tinh vi" tất nhiên là từ chỉ thái độ không tốt, tiêu cực thường dùng phê phán thái độ của người tỏ ra biết rõ mà tự cao tự đại hay hạ thấp người khác. Tức là, một người hiểu biết hơn người khác, nhưng không tỏ thái độ coi thường sự thiếu hiểu biết của người khác, mà ngược lại, tận tình chỉ bảo, giảng giải thì không gọi là "tinh vi". Thái độ tỏ ra hiểu rõ hơn người nhưng tỏ ra tự kiêu, hay phải chờ người khác năn nỉ vv mới bị ghét và gọi là "tinh vi". "Đừng có mà tinh vi" là lời kêu gọi bỏ thái độ như thế đi, hoặc là tỏ rõ sự không đồng tình.

Khi nói tới tính chất "tinh vi" của ai đó, thì có nghĩa là người đó tỏ ra hiểu biết, biết rõ hơn người khác, nhưng lại không chịu chỉ cho ai cái mình biết, mà giữ riêng để tỏ ra tự cao, hoặc không chỉ dạy hết lòng mà giữ làm của riêng. Ví dụ:

- Thằng đấy nó tinh vi lắm, nó nghĩ nó tốt nghiệp đại học là ngon lắm. Khối người học còn hơn nó nhé!

Tất nhiên "tinh vi" = "tỏ ra hiểu biết hơn người" nên không rõ có thật sự hiểu biết không, vì có nói ra kiến thức mình có đâu mà kiểm chứng? ^^

Cách dùng từ "tinh vi" này có lẽ bắt nguồn từ những người có chút kiến thức mà đối xử với người không biết, người nhà quê vv kiểu "Máy này tinh vi lắm, cỡ chị sao hiểu được" nên người ta ghét, người ta gán luôn "tinh vi" cho kiểu người suốt ngày mở miệng ra là "Cái này tinh vi lắm".

Thế nào là "tinh tướng"?

"Thằng đấy nhà mặt phố, bố làm to nên lúc nào cũng tinh tướng lắm"

"Tinh tướng" và "tinh vi" khác gì nhau?

Tất nhiên là khác nhau.

"Tinh tướng" = tỏ ra hơn người về gia thế, hoàn cảnh
"Tinh vi" = tỏ ra hơn người về tri thức, kiến thức

Người "tinh vi" thì chưa chắc đã tự cao về hoàn cảnh hơn người (nhà mặt phố, bố làm to) mà vẫn có thể nghèo nhưng chỉ hơn người ở chỗ cho rằng mình hiểu biết hơn, nhất là về những thứ "tinh vi" như "máy vi tính". ^^

Còn người "tinh tướng" thì chưa chắc đã tự cao là mình thông minh mà thường chỉ tự cao về gia cảnh.

"Tinh tướng" có phải là cái tướng (thái độ ngoài mặt vênh váo như một ông tướng?) tỏ ra mình là thành phần tinh túy trong xã hội?

Các từ "tinh vi", "tinh tướng" thường là người miền bắc hay dùng, miền nam thì không dùng. Lý do? Vì ở miền bắc thì có nhiều người "tinh vi", "tinh tướng" hơn. Trong nam thì chỉ "ba xạo" hay "nổ" thôi.

Bài tập: Dịch "tinh vi" và "tinh tướng" sang tiếng Nhật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét