Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Cái "kích ka kê" nào?

Cách sử dụng mẫu ngữ pháp JLPT N2 きっかけに KIKKAKE NI

Ví dụ: 英語が好きになるきっかけ
病気をきっかけに酒をやめた。
ひっこしをきっかけとして多くの古い本を捨てた。
日本に来たのは、どんなきっかけですか。

Người ta thường dịch KIKKAKE là nhân dịp, nhân cơ hội, nhân thời cơ nhưng dịch như thế không chuẩn lắm và rất dễ làm sai khi đi thi.

子供が生まれたのをきっかけに離婚した。

Tóm lại thì KIKKAKE là gì? Đây không thể dịch là "nguyên nhân", hay "nguyên nhân chính".

Bạn không thể dùng KIKKAKE để hỏi "Lý do gì mà anh tới Nhật Bản?" được. Vì KIKKAKE không phải là lý do.

KIKKAKE đúng ra là giọt nước tràn ly, cái cơ sự cuối cùng để điều gì diễn ra.

Đúng ra thì phải nói thế này:

をきっかけに日本に来たんですか。
Cơn gió nào đã đưa anh tới Nhật Bản?

KIKKAKE giống như là "cò súng" (引き金 HIKIGANE) mà thôi, không phải là nguyên nhân chính.

Ví dụ, bạn muốn tới Nhật từ lâu nhưng chần chừ mãi. Rồi có người bạn nhiệt huyết rủ bạn sang Nhật thế là bạn đi. Đây mới gọi là KIKKAKE.

KIKKAKE phải là sự việc cuối cùng, có thể rất nhỏ, khiến bạn làm một việc gì đó trọng đại. Còn nguyên nhân chính thật ra đã có từ lâu nhưng chưa chín muồi chẳng hạn.

Ví dụ bạn nghèo quá và biết như thế không ổn nên quyết tâm làm giàu. Nhưng bạn vẫn chưa thực sự làm gì cho tới khi gia đình bạn đi viện mà bạn không xu dính túi. Vậy thì nguyên nhân chính của việc quyết tâm làm giàu là do bạn nghèo, nhưng cái KIKKAKE là sự kiện thực tế đau lòng là gia đình bạn đi viện mà bạn không xu dính túi.

Vậy thì tóm lại KÍCH KA KÊ dịch thế nào cho đúng?

Theo tôi thì nên dịch là CƠ SỰ.

きっかけ = CƠ SỰ

Cơ sự nào mà bạn đã tới Nhật?

"Cơ sự" thì chữ "sự" (事) là sự việc và "cơ" (機) là "thời cơ, cơ hội, cơ duyên". "Cơ sự" tức là sự việc nào mà trở thành cơ duyên để bạn làm một việc trọng đại khác.

Nhân tiện, cơ sự nào mà bạn lại đọc bài viết này nhỉ?

Phải chăng vì bài đăng trên FB Page, sau đó hiện trên Wall của bạn, và bạn lại đang thắc mắc về KÍCH KA KÊ và bạn vô đây đọc?

Còn cái "cơ sự" để tôi viết bài này là vì tại lớp Cú Mèo N2 có học ngữ pháp về KÍCH KA KÊ nhưng chưa dịch xuôi nên phân tích bàn luận tại đây. Vì nếu dịch không đúng, làm bài tập thường bị sai. Bí quyết để làm bài đúng là phải dịch đúng.
Takahashi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét