Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

本業 "Bản nghiệp" và 副業 "Phó nghiệp"

本業 "Bản nghiệp"? 副業 "Phó nghiệp"?

Cũng là từ gốc hán tự thôi mà nghe chẳng quen mấy nhỉ. "Bản nghiệp" là gì và "phó nghiệp" là gì?

Nghiệp 業 ở đây có nghĩa là "nghề", trong nghĩa "nghề nghiệp". Tất nhiên "nghiệp" còn có trong nghĩa đại nghiệp, sự nghiệp, nghiệp chướng. Chữ này thường đọc là ぎょう như 工業=こうぎょう công nghiệp、産業=さんぎょう sản nghiệp.

Nhưng trong ngôn ngữ từ thời Đường khi người Nhật học Phật giáo từ China thì còn đọc là ごう ví dụ như 自業自得(じごうじとく) "tự nghiệp tự đắc" tức là "tự làm tự chịu", cách nói dân dã của 自己責任(じこせきにん) "tự kỷ trách nhiệm" = tự chịu trách nhiệm.

本 "bản" là chính, còn 副 "phó" là phụ, cấp phó, thứ hai.

本業 "Bản nghiệp" = nghề chính, nghề tay phải
副業 "Phó nghiệp" = nghề phụ, nghề tay trái

Tóm lại trong tiếng Việt ta sẽ nói "nghề giáo là nghề chính, nghề chăn heo là nghề tay trái". Vì có nghề tay trái nên chúng ta nói "nghề tay phải của tôi là nghề giáo". Và chúng ta cũng nói "chăn heo là nghề phụ của tôi". Whatsoever! Who cares!

Cách đọc thì 本業 đọc là ほんぎょう thì không ai thắc mắc. Nhưng riêng chữ "phó" 副 phải đọc là ふく FUKU. Ví dụ 副社長(ふくしゃちょう) nghĩa là "phó giám đốc".

Phàm là cấp "phó" thì đều thêm 副  vào đằng trước là được.

Nhân nói về chữ 本 "bản"

Nhiều nghĩa phết!
本能 bản năng = chức năng gốc
本格 bản cách = chính hiệu, nguyên bản, nguyên gốc => 日本本格の味
ビール一本 beer nhất bản ("một li bia") = kiểu như "em ơi bia" của người Nhật (câu "Em ơi! Bia" (エムオイ!ビア! Emu oi! Bia!) là câu mà người Nhật sử dụng thành thạo nhất và là câu mà nhiều người Nhật biết nhất trong tiếng Việt, bên cạnh các từ như "xe ôm" và "bia ôm".)

本 "hon" là để đếm vật dài. 一本の傘 một cây dù

本 = sách. Sách cũng gọi là "hon", chứ không dùng từ 冊 (sách), vì 冊 (satsu, sách) lại dùng để đếm quyển, đếm cuốn.

本屋 hon'ya (bản ốc) thì là hiệu sách nhưng 本店 honten (bản điếm) lại không phải là "tiệm sách, cửa hàng sách" nữa mà lại là "trụ sở chính (headquarter)". Damn phết!

Nhưng 書店(しょてん、thư điếm) thì lại là cửa hàng sách!

本 cũng đọc là "bổn" ví dụ "bổn tọa" (tôi), "bổn nhân" (tôi), "bổn quan" (quan này, tức là tôi - người đang làm quan và đang nói chuyện với bọn thảo dân các người.)

À, phải nói thêm về chữ 本人 honnin (bản nhân) trong tiếng Nhật. "Bản nhân" thì không phải là "tôi" mà là bản thân người đó, bản thân người nào đó.

夢が叶うかどうかは本人の意思次第だ。
Ước mơ có thành hiện thực hay không hoàn toàn là do ý chí của người đó.

Tầm quan trọng của "bản nghiệp" và "phó nghiệp" trong cuộc sống

"Bản nghiệp" là món ăn chính, "phó nghiệp" là món ăn phụ. Bản nghiệp để kiếm tiền sinh sống, phó nghiệp là để cải thiện hoặc làm vì niềm vui. Đôi khi phó nghiệp lại giúp bạn làm nên đại nghiệp, và bạn bỏ bản nghiệp thì phó nghiệp lại thành bản nghiệp. Vì bản nghiệp cũ bạn đã có kinh nghiệm và kỹ năng bỏ thì tiếc nên bạn lại làm cho vui, thành ra nó lại là phó nghiệp.

Ví dụ bản nghiệp là nghề giáo, phó nghiệp là chăn heo. Bỏ nghề giáo để đi chăn heo thì chăn heo thành bản nghiệp.

Nhân tiện thì tôi không có "bản nghiệp" mà lại có rất nhiều "phó nghiệp". Lưu ý là không phải phó nghiệp là bạn làm không chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không liên quan tới "bản" hay "phó", việc gì tôi làm cũng rất chuyên nghiệp, kể cả ăn chơi sa đọa. Việc gì cũng phải làm thật bài bản, theo đúng trình tự, theo đúng lễ nghĩa chứ nhỉ?

Quan điểm của tôi về "nghiệp" là làm thật nhiều phó nghiệp một cách chuyên nghiệp. Như thế an toàn hơn và thực hiện được lý tưởng "tôi làm việc tôi thích, tôi thích việc tôi làm".
Takahashi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét