Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Phương pháp Romeo và Juliet trong việc học tiếng Nhật

Trong bài trước S có hướng dẫn ôn từ vựng tiếng Nhật: Từ biết thì đọc to 2 lần, từ không biết thì đọc to 5 lần. Nếu bạn lải nhải một từ 50 lần, rất có thể nó biến thành ký ức vĩnh viễn. Vì thế, không nên gọi tên người yêu 50 lần mà chỉ nên gọi tới 49 lần thì dừng, nếu không thì tình cảm sẽ sâu đậm không ngờ mà nếu lỡ chia tay thì khá là đau khổ và khó mà xóa bỏ ký ức về người yêu cũ.

Từ đó, tôi đề xuất phương pháp Romeo và Juliet để học từ vựng tiếng Nhật.

Bạn biết vấn đề của Romeo và Juliet là gì không? Là hai nhà ghét nhau, nên cấm họ yêu đương. Thành ra toàn phải hẹn hò bí mật mà Romeo thường phải đứng dưới nhà của Juliet và gào thật to "Juliet" lên. Gọi nhau nhiều quá thành ra tình cảm sâu đậm vì nó thành kỹ ức vĩnh cửu.

Chứ nào phải Romeo đẹp trai như hoàng tử, Juliet xinh gái như công chúa!

Bọn đạo diễn làm phim toàn ba xạo! Thực tế thì Romeo gầy còm nhom, Juliet lại béo ú. Ngày xưa hai nhà ghét nhau vì thấy nhà kia quá xấu thôi, chứ không phải thâm thù gì cả. Tình cảm mặn nồng là do họ gọi tên nhau nhiều quá! Sau này người đời sau (một nhà văn Anh) viết thành truyện, thì còn ai biết được nhân vật chính xấu thế nữa. Chứ nếu ai cũng đẹp thì chắc hai nhà cũng chẳng phản đối tới mức đấy.

Mà phản đối đúng lắm! Con mình đã xấu còn lấy một người xấu nữa thì hậu quả thật khôn lường.

Theo cách này, bạn chỉ cần nhìn một từ và gọi tên nó 50 lần, thì nó sẽ thành ký ức vĩnh cửu, không chỉ có thể áp dụng trong học tiếng Nhật mà trong bất kỳ ngôn ngữ nào.

Việc nhìn mặt gọi tên là cách học rất hiệu quả mà người Nhật cũng thường áp dụng thành phương pháp "Chỉ tay và hô to".

Bạn nào đi tàu điện ở Nhật thì sẽ thấy người điều khiển tàu lúc nào cũng chỉ tay và hô to xác nhận an toàn. Trong các công việc cơ bản là người Nhật sẽ chỉ tay và hô to ví dụ "Áp suất 50, tốt!", "Khoảng cách an toàn, tốt!" vv.

Đừng có im ỉm mà học!

Bí quyết là phải hô thật to, thật nhiều lần mới nhớ được từ vựng, hay bất kỳ thứ gì. Im ỉm học tưởng hay nhưng thực ra lại rất dễ quên vì nó không phải là kết hợp các động tác với nhau, thứ gì càng phức tạp mà càng thành thạo thì càng nhớ lâu. Khi bạn vừa nhìn vừa đọc thì trước hết bạn phải dùng cơ miệng, như vậy thêm một lần nhớ, rồi sau đó bạn lại nghe lại từ bạn vừa nói ra, thêm một lần tác động vào ký ức nữa. Như vậy, ít ra hiệu quả gấp 3 lần, vì ngoài dùng não bạn còn nói và nghe nữa.

Takahashi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét