Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Sắc thái của dạng khả năng và dạng ずにすむ (zuni sumu)

Như nói trong bài trước, sắc thái là rất quan trọng và phải dịch đúng sắc thái. Làm sao để dịch đúng sắc thái thì bạn lại phải rèn luyện cách diễn đạt tiếng Việt. Tức là vấn đề không phải là hiểu đúng ngữ nghĩa tiếng Nhật mà phải có vốn từ và diễn đạt tiếng Việt tốt. Muốn làm công việc liên quan tới ngôn ngữ, đặc biệt là dịch thuật, bạn phải có năng lực diễn đạt, tiếng Nhật gọi là:

表現能力
ひょうげんのうりょく。 [biểu hiện năng lực]

Đây không phải là năng lực "biểu hiện" mà là năng lực diễn đạt. Sắc thái của câu nói cũng truyền tải thông tin về con người bạn, nên bạn cần hiểu sắc thái để diễn đạt cho tốt. Ví dụ:

(1) 自転車で行くとお金持ちと会わない
(2) 自転車で行くとお金持ちと会えない

Câu (1) là động từ phủ định, còn câu (2) là động từ phủ định dạng khả năng. Hai câu này dịch như sau:

(1) Đi bằng xe đạp sẽ không gặp người giàu.
(2) Đi bằng xe đạp sẽ không gặp được người giàu.

Ở đây 会えない aenai dịch là "không gặp được" sẽ đúng hơn là "không thể gặp" (会うことができない). Vậy sắc thái hai câu khác gì nhau?

Câu (1) là sắc thái trung lập: Gặp hay không gặp cũng vậy thôi, chỉ là sắc thái trung lập. Nhưng câu (2) là thể hiện mong muốn hay mục tiêu là muốn gặp "được"  người giàu. Hai câu tiếng Nhật chỉ khác nhau một chữ giữa わ và え nhưng sắc thái lại khác nhau rất nhiều. Đây là lý do mà nhiều người thường hay để lộ quá nhiều thông tin mà không biết, và nếu bạn hiểu rõ sắc thái câu nói thì bạn mới có thể đánh giá được người khác. Nếu bạn không hiểu sắc thái, bạn sẽ không thể đánh giá được và dễ bị lừa dối.

Ngoài ra, hiểu sắc thái giúp năng lực diễn đạt tốt hơn. Nhân tiện, sắc thái đối ngược với câu (2) là gì? Chúng ta sẽ dùng mẫu Vずにすむ。

Ngữ pháp Vずにすむ

Vずに là trạng từ, không làm gì đó (xem bài Cách chia động từ) dịch là (làm gì đó khác) "mà không làm gì đó".

Vずにすむ tức là việc gì xong (済む・すむ) mà không cần làm gì, tức là "khỏi cần làm gì".

(3) 自転車で行くとお金持ちと会わずにすむ
Hay: 自転車で行くとお金持ちと会わないで済む。
Đi xe đạp thì đỡ phải gặp người giàu.
(Nghĩa đen: không gặp cũng xong)

Sắc thái câu này là: Không muốn gặp người giàu. Phiền phức, chẳng có mục đích gì.

Tôi cố tính lấy ví dụ "người giàu" vì xã hội VN ngày nay rất trọng tiền bạc và người giàu. Bạn cũng có thể thay お金持ち bằng 美人 bijin (người đẹp) chẳng hạn.

Khi học tiếng Nhật, chúng ta học các mẫu ngữ pháp "cao cấp" là để tốn ít công nói, công viết mà diễn đạt được nhiều thông tin hơn. Đó là lý do mà các mẫu ngữ pháp này đều hàm chứa nhiều thông tin mà quan trọng nhất là thể hiện sắc thái.

Ngôn ngữ là khoa học và càng nói ngắn gọn mà càng diễn đạt nhiều thông tin và chính xác hơn thì càng tốt. Đây là lý do phải hiểu sắc thái và dịch chuẩn. Bạn dịch chuẩn ngay từ ngữ pháp sơ cấp thì mới có thể học tiếng Nhật vui vẻ, dễ dàng khi học cao cấp được.

Với các bạn muốn học cách dịch và sắc thái câu nói thông qua việc luyện thi hãy tham khảo lớp luyện thi Cú Mèo (vừa luyện thi, vừa học sắc thái ngữ pháp, vừa tập dịch) và đăng ký tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét