Phát âm sai không phải là thứ gì thảm họa hay đáng cười. Ai học ngoại ngữ cũng phải luyện phát âm hàng ngày trên lớp. Tại lớp Cú Mèo thì tôi có luyện phát âm cho các bạn hàng ngày thông qua phát âm từ, phát âm câu.
Vì sao vẫn có nhiều bạn phát âm "kỳ cục" và bị chê cười?
Vấn đề không nằm ở phát âm sai. Vấn đề chính là việc "cố tình, cố gắng phát âm sai" để cho giống cách phát âm mà thầy cô dạy ở Việt Nam.Trong bài Có nên dịch ra tiếng Việt khi học tiếng Nhật thì tôi có nói là nếu dịch đúng thì hãy nên dịch (và sẽ học cực kỳ nhanh và hiệu quả) còn không thì thôi. Nếu phát âm đúng hãy dạy phát âm, còn không chỉ nên cho học viên nghe băng.
Vấn đề ở Việt Nam là theo hệ nho giáo "thầy cô luôn đúng", mà thầy cô lại học phát âm sai từ đầu nên nhất định phải thêm dấu sắc vào trợ từ sau đó bắt học sinh phải phát âm đúng theo cách của mình. Đây là việc dạy sai, học sai. Học sinh mà phát âm đúng theo băng, đĩa thì cũng bắt học sinh phải sửa lại cho sai. Chỉ cốt làm sao để giáo viên nghe được trợ từ!
Phong trào dạy tiếng Nhật ở Việt Nam trở thành dạy sai, học sai phát âm như vậy. Còn việc học tiếng Anh thì do có nhiều người bản ngữ, có nhiều người học chuẩn nên không gặp vấn đề này, hoặc là ít hơn nhiều. Chắc không ai cố tình nói kiểu "I go TÚ school" hay "Please see me ÓN Monday" cả.
Người học tiếng Nhật lại có xu hướng phát âm kiểu này vì đơn giản là nếu không nhấn trợ từ thì họ nghe không được. Và đây là phong trào, người đầu tiên sai thì cứ dạy sai mãi (điều này thuộc về ý thức). Ngay cả các bạn du học về thì cũng do học sai ở VN ngay từ đầu nên vẫn dạy phát âm sai, giọng vẫn "đặc trưng Việt Nam". Trừ các bạn KHÔNG học tiếng Nhật ở Việt Nam mới phát âm đúng, hoặc là các bạn học tại lớp Cú Mèo đủ lâu (để còn sửa lại hoàn toàn cách phát âm).
Điển hình của cách phát âm người học tiếng Nhật ở Việt Nam là thế này:
Lỗi 1: Nhất định thêm dấu sắc tiếng Việt để nhấn trợ từ tiếng Nhật
Lỗi 2: Để làm việc trên, thêm dấu huyền tùy tiện, bừa bãi để lấy hơi (còn thêm dấu sắc)
Vì kiểu nói này mà khi nói chuyện với người Nhật hay bị chê cười, hoặc bị cười thầm, dẫn tới mặc cảm tự ti ngại giao tiếp. Trong khi phát âm đúng cách thì tương đối đơn giản và chỉ cần luyện tập. Nhưng nếu học sai từ đầu, ví dụ 1 năm, thì thành THÓI QUEN rất nguy hại. Sau đó cứ sai mãi, cá biệt là PHÁT ÂM SAI CẢ ĐỜI, rồi lại dạy bao nhiêu thế hệ phát âm cũng sai theo. Để sửa lại 1 năm phát âm sai thì phải rèn cách phát âm đúng trong 1 năm. Và quan trọng là phải có Ý THỨC PHÁT ÂM ĐÚNG.
Người phương tây không gặp vấn đề này. Vì họ chỉ cố gắng bắt trước phát âm chuẩn của người Nhật chứ không bắt chước phát âm sai của giáo viên. Giáo viên phương tây cũng không ép học sinh phát âm sai mà thường khuyến khích nghe và phát âm theo băng. Tư tưởng giáo dục phương tây là dạy đúng, ý thức chuyên nghiệp, thầy cô cũng có thể sai hoặc không chuẩn, chứ không ép học sinh phải theo mình hay "thầy cô luôn đúng" như hệ tư tưởng nho giáo.
Do đó, người phương tây ít bị chê cười vì phát âm tiếng Nhật. Ngược lại, cũng hay mà! Cũng như người phương tây nói tiếng Việt thì họ cũng ít bị chê cười vì chỉ là phát âm sai, không phải kiểu "cứng đầu cố tình phát âm sai".
Việc phát âm đúng là cực kỳ quan trọng
Đây là bước đầu tiên của việc học ngoại ngữ và là quan trọng nhất. Tại lớp Cú Mèo luôn đề cao phát âm đúng để học tiếng Nhật chuẩn như là một tiêu chí hàng đầu: Phát âm đúng từng từ, phát âm đúng từng câu.Người dạy, người học phải có ý thức để đẩy lùi phong trào tệ hại, thảm hại dạy và học phát âm sai trong tiếng Nhật. Phát âm đúng thì mới nghe được tiếng Nhật, và nghe được đúng mới giao tiếp được. Không phát âm đúng thì thường khả năng nghe hiểu cũng yếu đi theo. Do đó, trên lớp học người dạy và người học phải có ý thức rèn luyện phát âm đúng HÀNG NGÀY.
Ngoài ra, hãy check các lỗi phát âm và hướng dẫn phát âm đúng tiếng Nhật tại trang Pronunciation.
Takahashi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét