Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Thi JLPT N1 có khó không?

Theo tôi thì không khó, mà tùy vào cách học và mục đích học. Hay nói thẳng ra, là quá dễ dàng. Vì tôi cũng không định thi N1 và N1 đối với tôi chỉ như cỏ rác mà thôi. Quan trọng nhất chẳng phải là CHÂN TÀI THỰC HỌC hay sao?

"Đốt bằng N1 thì có thì mà sướng tay? Dùng bằng N1 lót nồi thì có gì mà vinh dự?"
- Takahashi -

Vì sao bằng tiếng Nhật N1 chỉ là cỏ rác?

Lấy N1 để làm gì, nếu dịch một câu văn sơ cấp đơn giản cho xuôi cũng không làm được?
N1 có ích gì nếu chẳng phân biệt nổi từ vựng, thứ gì bổ nghĩa cho thứ gì, vì thế dịch ngữ pháp tùy tiện miễn sao cho bản thân khỏi nhọc công?
N1 có tác dụng gì nếu lấy xong mà đọc sách chuyên môn thì không hiểu nổi, hay chỉ dịch được đại khái?
N1 đem lại lợi thế gì nếu hành văn tiếng Việt quá dở, câu cú lủng củng, vốn từ nghèo nàn nên dịch như đấm vào tai người khác?
N1 có gì đáng để khoe, nếu điểm số thì lẹt đẹt?
Bằng N1 thì có gì mà đặc biệt để lót nồi hay nhóm lửa? Đốt bằng N1 thì có gì mà sướng tay?
Lấy N1 để làm gì, khi mà lấy xong thì vỡ mộng, không kiếm được việc ngon, bao nhiêu công sức bỏ ra như nước sông chảy về biển?
N1 thì có thì mà vinh quang, khi người có N1 thì nhiều, nhưng chẳng làm nên trò trống gì?

N1 chỉ là cỏ rác mà thôi. Tôi chẳng bao giờ có ý định lấy N1. Tôi học tiếng Nhật, rồi lên học đại học, rồi lên cõi "Niết Bàn" ở Nhật mà chẳng cần đến N1. Có người khuyên tôi lấy N1, tôi đều lắc đầu, vì N1 chỉ là hư danh mà thôi. Quan trọng là chân tài thực học, khả năng đọc sách, khả năng lĩnh hội đến đâu. Trong thời gian ở Nhật, tôi đã đọc thiên kinh vạn quyển (99% là rác), thì cần quái gì N1 để khoe khoang?

Tôi luyện được thuật ĐỌC NHANH (速読 SOKUDOKU tốc độc), nên có thể đọc kinh điển 500 trang, 20 vạn chữ chỉ trong 1 đêm (tất nhiên chỉ đọc trang đầu, trang cuối và mục lục ^^) nên đọc sách chỉ lướt như đi trên mây, đọc kỹ thì ít mà đoán ý thì nhiều, chỉ đọc những chỗ cần, nắm lấy đại ý mà chém gió, thì đi thi N1 có gì mà khó?

Nhưng tôi vẫn đi thi N1 để chứng tỏ


... rằng N1 chẳng có gì khó.

Vì tôi nghĩ là sắp về nước, thì nên lấy bằng về, biết đâu sau này cần lót nồi cơm.

Kết quả là:

Kỳ thi tháng 12 năm 2008

Đây là thi ở Tokyo, Nhật Bản, chất lượng âm thanh thì rất tốt. Cách ôn là thế này: Tuần đầu ôn ngữ pháp theo trang tanos.co.uk và ôn một ít sách, thời đấy sách cũng không nhiều lắm, ôn loáng cái là xong.

Trong 2 tuần tiếp theo thì làm đề trắc nghiệm trên trang web gọi là jlpt.info (giờ đã thay đổi rồi) để nâng cao vốn từ vựng cũng như kỹ năng ĐOÁN đề trắc nghiệm.

Cách ôn như sau:
Tuần thứ 1: Ôn lại ngữ pháp cấp 1, cấp 2 (tải từ trang tanos.co.uk) + làm đề vài cuốn sách mượn của bạn
Tuần thứ 2, 3: Chỉ làm trắc nghiệm từ vựng, ngữ pháp trên trang web dành cho giáo viên (hiện đã đóng) => nâng cao kinh nghiệm và vốn từ (nâng được từ đúng 60% lên 9x% chỉ trong 2 tuần)

Kết quả là được 371/400 điểm, cũng được 95%, nên có thể coi là đã XƯNG BÁ trong tiếng Nhật, vì 93% trở lên được coi là cấp A+, tức là xuất sắc rồi. Nên nhớ là kỳ thi kiểu cũ không có chuẩn hóa giữa các kỳ thi, nên không có chuyện nâng hay hạ điểm như bây giờ mà thi được bao nhiêu điểm thì cứ thế tính tổng thôi.

Cũng nên nhớ một số cột mốc của JLPT:
Năm 2018 là năm cuối cùng chỉ tổ chức thi 1 lần trong năm, vào tháng 12, nên không thể thi vào tháng 7.
Năm 2009 là năm đầu tiên tổ chức thi 2 lần 1 năm vào tháng 7 và tháng 12, và là năm cuối cùng của thể thức kiểu cũ tức chỉ gồm 4 cấp là cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4.
Năm 2010 là năm đầu tiên tổ chức thi JLPT kiểu mới với 5 cấp là N1, N2, N3, N4, N5 trong đó cấp N3 là giữa cấp 2 và cấp 3 cũ.

Nếu phân tích kỹ điểm số thì ngày xưa phần từ vựng làm riêng, tôi được 97%, nghĩa là cao. Còn ngữ pháp và đọc hiểu là 90%, không cao lắm. Có lẽ là kinh nghiệm đọc hiểu thời đấy không cao, nên dễ bị lừa dối vào những câu dễ nhầm lẫn. Nghe thi được 93% vì vốn tôi nghe không giỏi, nhưng âm thanh tại Nhật thì rất tốt.

Dù sao, đã đi thi thì phải toàn tâm toàn ý, thể hiện sự tôn trọng với những người ra đề và tổ chức kỳ thi, cũng như số tiền đã bỏ ra đăng ký đi thi, chứ cũng không biết thi để làm gì. Vì tôi nghĩ, có N1 hay không cũng chỉ như cỏ rác mà thôi. Không ngờ ngày nay người ta sùng bái N1 như một bậc thánh nhân trong cuộc đời. Ngày xưa đi thi là để cho vui, không hề vì hư danh hay lợi lộc gì, vì có N1 hay không cũng chẳng thay đổi gì trong cuộc đời.

Nhưng cái hay nhất của thi N1 là, nhờ đi thi mà tôi thấy được nhiều người học tiếng Nhật không ổn. Có lẽ họ không thật sự có đam mê hay có cách học hiệu quả. Điểm thi của nhiều người tương đối lẹt đẹt. Điểm thi này thường thể hiện trong lý lịch, cách hành văn của họ, rất lủng củng, sai ngữ pháp, sai trợ từ, câu thiếu chủ ngữ vị ngữ.

Vì thế mà họ không được tôn trọng. Vì tôi nghĩ là ngôn ngữ nào cũng phải hiểu rõ ngữ pháp, chia từ chia thì cho đúng, nối câu cho chuẩn, viết đúng ngữ pháp, câu phải có chủ ngữ vị ngữ đầy đủ. Đây cũng là lý do mà tôi thường được tôn trọng, vì người ta thường chỉ tôn trọng nếu bạn dùng ngôn từ chuẩn mực mà thôi. Đây gọi là, tiếng Nhật hàn lâm (academic Japanese).

Lần thi thứ hai theo thể thức mới năm 2012

Lúc này tôi đã ở VN và lại thân chinh đi thi. Vì thi tận làng đại học ở Thủ Đức nên tôi thuê hotel gần đấy, đi thi cho tiện. Thi để xem kỳ thi mới và kỳ thi cũ khác nhau thế nào. Lần này, tôi ôn 3 ngày vì lười và cũng chẳng biết ôn gì, thường chỉ kiếm đề cũ trên mạng để ôn mà thôi.

Tất nhiên, việc ôn cũng không hề giúp ích gì mà đi thi vẫn là chân tài thực học thôi. Tôi có nói với người quen hôm đi thi, trừ phần nghe tôi có thể được điểm tối đa. Phần nghe thì chất lượng cực kỳ tồi tệ, là loa đài, âm thanh rất lớn và bị vỡ nát toàn bộ, nghe như tiếng pháo nổ, thậm chí âm thanh bên ngoài vọng cả vào nhưng cũng chẳng làm ... âm thanh tệ đi. Dường như có âm mưu nào đó để các sĩ tử thi không đậu.

Thật sự, tôi đã không nghe mà chỉ đoán bừa, không chắc là không bị liệt. Sau khi về nhà đọ đáp án (do tôi biết trang China có đăng đáp án nên đã ghi lại vào phiếu dự thi) thì tôi cũng thấy sai một vài câu. Như vậy, không chắc được điểm tối đa, chưa kể, có thể bị liệt phần nghe vì tôi nghe hiểu ... 0%. Đây là kết quả:


Kết quả này nói lên điều gì?

Một là, bạn không làm đúng hết vẫn điểm tối đa (満点 manten) do điểm được chuẩn hóa. Sẽ có khá nhiều người được điểm tối đa, dù không làm đúng hết.

Hai là, tôi thấy kỳ thi kiểu cũ ... có vẻ công bằng hơn. Vì kỳ thi kiểu mới rõ ràng là sẽ đánh đồng nhiều người với nhau, không còn mang tính chất cạnh tranh để XƯNG BÁ được nữa.

Lần thi thứ 3 vào tháng 7 năm 2018

Tròn 10 năm sau lần thi đầu tiên, tôi lại đi thi lần thứ 3. Lần này không ôn gì vì đúng đợt công việc như núi, không có thời gian ôn. Hóa ra thể lại hay, vì ai ôn cũng đều bị lệch tủ và bị tủ đè bẹp cả.

Mục tiêu lần này là để "sống trong không khí JLPT một lần nữa", vì N1 chỉ là cỏ rác, quan trọng là không khí và cảm xúc. Bạn tham gia kỳ thi như là tham gia event cũng mọi người, có thể là đổ mồ hôi, thậm chí tốn tiền, nhưng mà vui. Đấy gọi là cuộc sống. Đi thi bạn mới có thể tìm ra con đường mới để giúp mọi người có thể công thành danh toại.

Vì thế, bên cạnh việc đăng tải đáp án đúng và gợi ý đề thi, tôi cũng ghi cả nhật ký đi thitính điểm số của bản thân.

Vậy kỳ thi lần này có gì hay?

Có một số điều rất hay mà tôi nhận ra. Nếu chỉ ở nhà đọc sách thành hiền thì dẫu đọc thiên kinh vạn quyển cũng chưa chắc trở thành tri thức, vì chỉ có trải nghiệm mới trở thành tri thức mà thôi.

Tôi tính điểm gần đúng thì được 167/180 điểm, tức là được 93%, y như ... thi lần đầu tiên. Vậy phải chăng 10 năm mà tiếng Nhật không hề lên?

Không phải như thế! Vì đề thi đã thay đổi, rộng hơn rất nhiều, chứ không thể học tủ như xưa, nên khó được điểm cao hơn. Thứ nữa là phần nghe ở đây tôi không làm được nhiều vì chỉ nghe được tầm 50 ~ 60% (về chất lượng âm thanh), so với 90 ~ 100% ở Nhật, nên chỉ làm đúng 89%, thấp hơn bên Nhật.

Ngoài ra, phần đọc hiểu tôi chỉ sai một câu, là do không có thời gian nghĩ nhiều, các lựa chọn cũng na ná nhau, mà tôi còn quên mang tẩy, nên muốn sửa cũng chưa chắc sửa được nên không có ý định sửa gì ngay từ đầu, thi cho vui là chính.

Mà phần đọc tôi chỉ đọc lướt nắm đại ý, có nghĩa là tôi đọc tốt hơn xưa. So với việc không ôn luyện gì, không hề có bất kỳ phong độ nào, mà vẫn đọc lướt để làm kịp, nghĩa là khả năng đọc cao. Hơn nữa, dù đọc nhanh, đọc lướt nhưng hầu như không sai câu nào.

Ngoài ra, tôi cũng mất khá nhiều thời gian ở các phần trước vì cũng nhiều câu hơi mẹo ở phần ngữ pháp, tới mức tôi phải bỏ trống làm sau, nên phần đọc không còn nhiều thời gian, vừa nhìn đồng hồ vừa làm cho kịp, dư ra đúng 3 phút đề chép đáp án đã làm.

Hóa ra, việc ôn thi cũng sẽ chẳng giúp ích gì, vì không có câu nào ra theo mẫu trong sách.

Phần từ vựng thì đòi hỏi bạn phải giỏi kanji, biết được cách đọc từ vựng, và có vốn từ tương đối rồi loại trừ và quan trọng là PHÁN ĐOÁN.

Phần ngữ pháp thì không theo mẫu câu mà phải hiểu sâu và DỊCH TỐT, hiểu được đại ý, mạch văn của câu, hơn là các mẫu ngữ pháp đơn lẻ, ăn sẵn.

Phần đọc hiểu không hề khó, nhưng đòi hỏi đọc nhanh và phán đoán được đại ý của bài. Tôi còn không dùng mẹo gì mà đọc lướt từ trên xuống dưới rồi đọc câu hỏi. Quan trọng là câu đầu và câu kết luận, còn ở giữa chỉ là diễn giải. Tôi nhận thấy đọc hiểu CHỈ DÀI CHỨ KHÔNG KHÓ, hành văn thì hơi lắt léo, triển khai dài dòng, nhưng nếu nắm được đại ý, ĐẠI NGHĨA thì nhất định toàn thắng trở về.

Tức là, việc đọc đòi hỏi là thấy được toàn cảnh bài văn nói về gì, lập luận ra sao, chứ không thể đọc từng câu từng chữ kiểu tầm chương tích cú, chỉ thấy được cây mà không thấy được rừng.

Nếu chỉ thấy cây mà không thấy rừng, sẽ bị lạc lối, thậm chí tẩu hỏa nhập ma. Không những dẫn tới làm sai do hiểu sai, mà còn dẫn tới tốn vô vàn thời gian, và chắc chắn không làm hết, mất nhiều điểm, không loại trừ bị liệt đọc hiểu.

Còn nếu bạn là người biết THUẬT ĐỌC NHANH, đọc lướt tốt thì đọc hiểu N1 chỉ như đọc sách trẻ con mà thôi.

Nhưng phần nghe N1 mới gọi là hay.

Tôi không hiểu thì mấy, chỉ nghe được tầm 50%. Theo tôi thấy, không phải vì tôi nghe kém, mà mọi người cũng không nghe được, vì âm thanh dan díu vào nhau như đôi tình nhân, từ ngữ không rành mạch, tách rời, nên nhiều chỗ không hiểu đầu cua tai nheo ra sao cả.

Đặc biệt là bài 4, là đoạn hội thoại ngắn, thì nếu không nghe được câu đầu, không hiểu được cuộc nói chuyện là về gì, thì coi như là xong, không hiểu thì cả.

Các bài dài thì còn có cơ hội để nghe thêm nhiều chìa khóa, để mà phán đoán cho tốt.

Bài 4 tôi chỉ nghe rõ và chắc 50%, nên tôi nghĩ điểm nghe có lẽ chỉ tầm 50% mà thôi.

Điều không ngờ là, bài 4 dù đánh lụi 50% mà tôi lại làm đúng 100%, và điểm nghe cũng đạt tới 89%.

35 câu, nhưng tôi chỉ sai 4 câu, mà dẫu âm thanh có tốt hơn, cũng chưa chắc tôi đã làm đúng hơn.

Như vậy, tôi thấy là dù có luyện nghe N1, khi đi thi chưa chắc đã cải thiện điểm nghe, có khi còn làm điểm nghe thấp đi.

Vì sao lại nói như vậy?

Vì nghe chỉ là 50%, còn 50% lại là PHÁN ĐOÁN, tức là dùng đầu óc khi nghe.

Sở dĩ tôi làm đúng dù không nghe được, là vì tôi hoàn toàn dùng trực giác phán đoán. Tôi đoán đúng chứ không phải tôi nghe đúng.

Tôi cũng có ghi chú một chút nhưng không nhiều, vì mải ghi chú thì sẽ không thể nghe. Nhưng tôi có đánh số sẵn các câu, đọc trước đề và khi nghe thì đánh dấu câu nào tiềm năng hay không, tôi cũng ghi một số chìa khóa về cuộc hội thoại.

Việc đọc trước các câu có đề hay câu lựa chọn in sẵn rất quan trọng, giúp bạn có thể đoán được nội dung cuộc nói chuyện. Với các câu không in gì, bạn phải tự ghi chú một chút nội dung, và ghi chú một chút các lựa chọn (thường chỉ là Đúng hay Sai hay Có khả năng đúng bằng ký hiệu).

Nếu luyện nghe theo kiểu là chỉ luyện nghe, bạn sẽ không thể làm đúng nhiều được. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, nghe càng hiểu ít thì càng phải phán đoán nhiều, vì thế lại thường làm đúng nhiều hơn.

Người nghe giỏi trong cuộc sống là người PHÁN ĐOÁN mạch chuyện, nắm bắt tâm lý đối phương tốt, chứ không phải người có đôi tai thính nhạy.

Do đó, luyện TRỰC GIÁC trong cuộc sống quan trọng hơn là luyện nghe. Khi giao tiếp, bạn nên mạnh dạn phán đoán, vì thường mọi người cũng không nói gì quan trọng. Nếu quan trọng, họ sẽ lặp lại, nên sẽ không cần phải lo. Tôi cũng là người thường lặp đi lặp lại những việc quan trọng, nên tôi thường là người ăn nói dễ nghe, dễ hiểu.

Nhân tiện, Trang cao tổ nhà Đại Trang Donald Trump cũng là người như thế, vì ông ấy thật sự là người thông minh và làm việc hiệu quả, nên ông ấy thường lặp đi lặp lại một ý. Như thế đảm bảo là cảm nghĩ, tư duy của ông ấy truyền được tới quảng đại quần chúng.

Điều hay của thi N1 là bạn có thể chia sẻ CẢM XÚC và KINH NGHIỆM với mọi người.

Cảm xúc và kinh nghiệm mới thật sự là tri thức đáng quý trong cuộc đời, chứ không phải là sách thánh hiền.

Còn giá trị kinh tế của N1 chỉ là cỏ rác. Học vì niềm vui, không phải vì lợi ích kinh tế.

Tới đây, tôi đã 3 lần lấy N1. Lần sau, tôi sẽ thi JTEST và sẽ chia sẻ kinh nghiệm sau, xem JTEST có gì hay, có khó không và vì sao nên thi, nên lấy JTEST.
Takahashi

1 nhận xét:

  1. Bài viết khá hay nhưng bị sai 2 chỗ (lỗi chính tả hehe)
    . Cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa