Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

Nhật ký thi "Nô" (JLPT) tháng 7 năm 2018

Các bạn thi Nô xong cảm tưởng thế nào? Tôi nghe quanh đây đầy tiếng than khóc, dự cảm là chẳng lành. Dưới đây tôi ghi lại nhật ký thi Nô cấp độ N1 lần này.

Đánh giá chung là đề khó, không thể trúng tủ. Mặc dù tranh thủ ôn hơn 200 mẫu ngữ pháp N1 nhưng không hữu ích gì mấy. May mà không ôn từ vựng (vì đợt này bận, không có thời gian) hay luyện nghe gì cả.

Cơ bản là phải có vốn từ nhiều và năng lực thực sự mới có thể thành công. Tôi làm tới phút chót mới có thể làm xong, chứng tỏ là đề dài. Đấy là tôi đọc nhanh và còn đọc lướt nữa, với các bạn đọc chưa nhanh, hay không đọc lướt, thì khả năng không làm kịp hết là rất cao. Tôi còn dư đúng 3 phút, phải xoay sở mới kịp chép lại được câu trả lời.

Rút kinh nghiệm sang phần nghe, nghe xong câu nào là ghi lại đáp án liền.

Và nói chung thì đúng như chiến lược từ trước khi đi thi là tùy cơ ứng biến là chính, vì JLPT đã thay đổi cách ra đề không thể học tủ được nữa (xem ở bài Đáp án JLPT kỳ thi 07/2018).

Dưới đây tôi ghi lại nhật ký đi thi một chút.

Thời gian có mặt tại địa điểm thi là 8:00 sáng, 9:00 bắt đầu thi, tuy nhiên có bạn gần sát giờ thi mới vào phòng. Vì đường đi cũng có thể xa hơn dự kiến nên tốt nhất là các bạn nên thử đến đó trước ngày thi một lần, hoặc tới sớm. Thời gian tập trung 8:00 sáng là hợp lý, thường thì 8:30 giám thị coi thi mới bắt đầu rục rịch làm thủ tục cho nhập phòng thi.

Thời gian thi N1 là thi phần kiến thức ngôn ngữ và đọc hiểu chung từ 9:00 tới 10:50. Sau đó nghỉ giải lao từ 10:50 tới 11:20 để mọi người ăn uống, đi vệ sinh, giải lao vv. Mọi người phải vào phòng thi khoảng 11:10 để điều chỉnh âm lượng vv để đúng 11:20 là bắt đầu thi nghe. 12:20 là kết thúc phần thi nghe.

Sau mỗi phần thi, giám thị sẽ thu tờ phiếu ghi câu trả lời (trước khi bắt đầu thi mỗi phần bạn ghi số dự thi, đánh dấu số dự thi dùng cho máy đọc tự động, ghi tên và ngày tháng năm sinh) và bạn phải ký tên xác nhận vào tờ danh sách thí sinh dự thi cho mỗi phần thi.

Cơ sở vật chất

Lần này thi ở trung tâm ngoại ngữ ĐHKHXHNV nằm trong đại học bách khoa ở Linh Trung, Thủ Đức, đường cũng không quá khó đi và có thể tra được. Cơ sở vật chất khang trang, khi thi nghe không bị tiếng ồn bên ngoài vì là trong làng đại học. Âm thanh các phòng không bị vang sang nhau.

Có khá nhiều bạn đi thi, đa phần là trẻ. Nhưng cũng có một số lượng người đi làm, thậm chí có tuổi. Nhưng tóc bạc phơ thì chắc chỉ có mình tôi!

Một số ảnh đăng tại album Đăng ký thi JLPT tháng 7/2018.

Về tổ chức thi thì không có vấn đề gì phải bàn. Mỗi phòng thi có 2 giám thị, bên ngoài cũng có giám thị hành lang. Nhìn chung không có hiện tượng quay bài hay gà bài. Mỗi phòng có 40 người, mỗi bàn dài ngồi hai người cách xa nhau.

Mọi người phải bỏ hết ba lô, cặp sách, điện thoại lên bục giảng. Vì thế, ai không mang ba lô hay cặp thì để điện thoại lên bàn giám thị. Chỉ được để bút chì, tẩy, đồng hồ trên bàn, không được để bút bi. Để chai nước không sao. Nói chung thì cũng không phải là quá khắt khe, nếu bạn để điện thoại trong túi quần mà không bị phát hiện cũng không sao. Điện thoại phải tắt báo thức, tắt âm, tắt nguồn vì nếu không sẽ phạm quy.

Về thiết bị âm thanh phần nghe thì lần này là đĩa CD và dùng radio cát xét có chạy CD, dùng hệ thống loa treo tường của phòng học. Nên chất lượng âm thanh nhìn chung là ổn nhưng âm thanh vẫn không trong, nên không nghe rõ từ. Nhiều câu không nghe rõ nên đánh hên xui tầm 50%.

Phần thi từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu

Tôi nghĩ là phần này khá khó. Tôi phải làm tới hết giờ mới xong, mà đấy là phải gia tốc và đọc lướt. Như vậy, sẽ có nhiều bạn đi thi chỉ để ... tham khảo. Vì làm hết bài đã khó, nói chi là làm đúng. Từ vựng cũng có nhiều từ tương đối khó, mà ngay cả tôi cũng chỉ đoán mà thôi. Phần ngữ pháp thì chọn dấu sao đúng được nói là khó và có một câu tôi cũng phân vân.

Các bài đọc dài và tương đối khó, đặc biệt các câu hỏi cũng không dễ phân biệt là hai câu khác gì nhau, nói gì tới làm đúng. Riêng đọc câu hỏi đã tốn khối thời gian rồi.

Bạn có thể mang phiếu dự thi vào nên có thể ghi câu trả lời lại lên phiếu dự thi. Tôi làm xong hết mới chép ra, nên suýt không kịp. Bạn nên rút kinh nghiệm là làm xong câu nào thì ký hiệu luôn.

Tôi có ghi lại một số câu phân vân.

丘陵 khâu lăng => đọc là きゅうりょう câu này làm đúng

しくじる => 物事に失敗する。 「試験に―」 câu này làm đúng (đoán)

つかの間 => 短い時間 câu này đúng
(thoáng chốc)

なだめる hay ゆだねる: dùng phương pháp loại trừ còn hai từ này và không nhớ nghĩa nhưng yudaneru quen quen và cảm giác không phải nên chọn nadameru. Nhân tiện, trong bài đọc về sau có từ yudaneru xuất hiện nhỉ!

Tóm lại là bị cơn tức giận nhưng nhờ có người bạn nadameru mà dịu đi
なだめる
【宥める】
《下一他》物事が荒立たないように、怒っている人、くやしがっている人などをたしなめたり慰めたりする。穏やかに済むようにとりなす。 「子供を―」
=> dỗ, dỗ dành nên đáp án này đúng. (Do HÊN ^^)

がらりと/ずらりと/けろりと/ちらりと
chirarito thì tôi nhớ loáng thoáng là ... "loáng thoáng", còn zurarito là xếp thẳng tắp thì đó, nên dùng phương pháp loai trừ còn gararito và kerorito, tôi chọn kerorito nhưng bị sai. (Do XUI!)

Câu này đại khái là 久しぶりに故郷に帰ると、街並みが・・・変わっていて驚いた。
Tức là quê hương thay đổi hoàn toàn nên ngạc nhiên.
がらり = 事態が急激に、すっかり変わるさま。「人柄ががらりと変わる」
nên đáp án đúng là gararito.

Về phần thi chọn dấu ★ thì có câu này phân vân:

政府のレポートによると昨年4月1日 ___ _★_ ___ ___ 一昨年に比べて15万人も少なくなった。
Các từ để sắp xếp:
現在

15歳未満の人口
における

Hừm, phiền đây! Tôi xếp là 現在 における 15歳未満の人口 は
Lý do là vì thời điểm báo cáo là năm ngoái, mà so là với năm trước nữa, nên 現在 sẽ đứng đâu? 現在 thì có thể làm trạng từ nhưng chẳng có thời điểm nào là "hiện tại" ở đây cả.

Nên tôi chọn là 昨年4月1日現在 tức là báo cáo này là vào ngày 1 tháng 4 năm ngoái và trong thời điểm hiện tại khi đó thì dân số trẻ bị ít đi so với năm trước nữa.

Cũng như khi bạn viết lý lịch (履歴書) xin việc thì bạn ghi là ví dụ 2017年4月1日現在 tức là bạn viết nó vào ngày 1 tháng 4 năm 2017 và thông tin trong đó là ở thời điểm hiện tại khi bạn viết.

Vì cũng chẳng còn thấy cách nào hợp lý. Nếu bạn có cao kiến, xin hãy comment bên dưới.

Phần đọc hiểu thì tôi nghĩ là mình làm ổn, không thắc mắc gì cả. Tôi vừa đọc nhanh, vừa đọc lướt nhưng làm theo đúng thứ tự từ trên xuống, và đọc bài rồi đọc từng câu hỏi và làm từng câu hỏi đúng như chiến lược thi đọc hiểu mà tôi đã viết, vì thế, tôi có thể tăng tốc để về đích. Nói thật, tôi chỉ đọc qua loa nắm đại ý là chính.

Nhưng riêng về các câu hỏi và nội dung thì tôi không có thắc  mắc gì, nếu làm sai thì không phải do tôi không đọc hiểu mà là do cách hiểu khác nhau mà thôi.

Nhân tiện, các bài đọc hiểu này khá là ... lan man, nên nếu chỉ đọc văn mà không nắm đại ý, mục đích sẽ bị lạc lối trong rừng văn và không thoát ra được, sẽ tẩu hỏa nhập ma. Phần lớn bài viết chỉ là minh họa, vẽ thêm cây vào rừng mà thôi. Thấy cây mà không thấy rừng, thấy câu mà không thấy đại ý sẽ thất bại toàn tập.

Phần thi nghe

Phần thi nghe thì nghe băng CD, dùng đài chạy CD xịn, tuy nhiên âm thanh vẫn hơi bị ồn và dội thì phải, hay chỉ mình tôi cảm thấy thế? Một số bạn cũng kêu là âm thanh hơi bị dội. Nói chung là âm thanh đã cải thiện so với cái thời "vỡ nát" nhưng một câu, từ không nghe rõ được. Những câu hỏi nhanh đáp gọn mà không nghe được câu đầu, hay từ chìa khóa thì cơ bản là hên xui.

Tôi nghĩ là một nửa là đánh hên xui, còn những bài nghe được thì nói chung là không quá đánh đố, có thể nghe và làm đúng được. Như vậy, về nội dung nghe thì tôi nghĩ không khó, chỉ khó là chất lượng âm hơi bị dội, đan vào nhau chút xíu.

Nhưng cơ bản là chấp nhận được. Tôi nghe thì cũng chẳng giỏi lắm, và cũng chẳng luyện chút nào, thì còn trách được ai?

Nhưng tôi nghĩ là lần này vẫn nghe được một nửa, nên chắc sẽ không bị liệt nghe. Mà trong tiếng gió lao xao ở trường thi, có một số bạn sợ bị liệt phần nghe, chứng tỏ là quả thật là các bạn cũng không nghe được rõ.

Cũng phải nói thêm, bài mà tôi nghe được thì tôi cũng không thật sự nghe được, mà chỉ là nghe MẠCH CHUYỆN, ĐOÁN ĐẠI Ý mà thôi. Cũng như đọc hiểu, bạn phải nắm được đại ý, chứ còn nghe từng câu, nói qua nói lại sẽ rất dễ bị "cài" ^^ (đối với các bạn chưa quen thôi chứ thật ra thì không cài lắm đâu).

Vì thế, về cơ bản tôi không cố nghe rõ từng câu. Chỉ là tùy cơ ứng biến. Nhưng phần hỏi nhanh đáp gọn thì ngắn quá, còn không hiểu họ đang nói về chủ đề gì, nên vấn đề là ... HÊN XUI. Mà tôi có cảm giác là xui nhiều hơn hên.

Dù sao thì kỳ thi đã kết thúc. Lần này lệ phí cũng tăng lên 500k. Tổng kết chi phí:
- Bộ hồ sơ 30k
- Lệ phí 500k
- Sao chứng minh thư 1k
- Mua chai nước hôm thi 10k
Tổng: 541k

Với lại công đi lên tận Thủ Đức nữa, thì không tính, vì đi thi lòng vui phơi phới, thì tính toán thiệt hơn làm gì. Lần sau, tôi sẽ đi thi ... JTEST!

Nhật ký đi thi của mọi người là thế nào nhỉ? Có chuyện thì đáng nhớ không? Khí phách còn hay ... đã mất? ^^ Xin hãy comment bên dưới cho mọi người tham khảo.

5 nhận xét:

  1. Mình thi ở Nhật, Nhưng phần Từ Vựng và Ngữ Pháp thật sự khó. Vốn từ quá rộng dù có ôn bao nhiêu từ cũng không cải thiện được nhiều, có các câu từ vựng biết thì nhìn khoanh chắc chắc ngay nhưng hầu như là khó!

    Trả lờiXóa
  2. Mình thi N1 tại Nhật, lần đầu, tổng quan là đề vừa sức. Từ vựng thì chắc do hay đọc đủ thứ linh tinh từ nhãn mác đến sách báo... nên thấy không khó lắm, ngữ pháp là sở trường nên dù học hay đi thi thì đều thấy hưng phấn; đọc hiểu dư 5p ngồi minaoshi; nghe thì độ khó như N2 (Hoặc do 1 năm đi làm nên đã lên trình 1 cách tự nhiên không nhận ra).
    Các bạn bè mình thì những bạn không học hành cẩn thận từ đầu thì kêu khó, ai học hành tử thế đều đặn cũng bảo làm khá tốt, nên thiết nghĩ đề khó hay không chủ yếu là phụ thuộc vào quá trình học tập, đã học rất nhiều mà vẫn thấy khó, là do học chưa đủ, chỉ cần cố chút xíu, chút xíu nữa thôi là được.

    Trả lờiXóa
  3. mình thấy đề n1 năm nay vừa sức vs mình ... từ vựng nếu ko liệt thì mình đỗ :v

    Trả lờiXóa