Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

"Sến" tiếng Nhật nói thế nào?

Trên lớp Cú Mèo thì có bạn hỏi "sến" tiếng Nhật nghĩa là gì. Tôi sẽ để các bạn tự tìm hiểu.
Trước hết về ngữ nghĩa mà nói thì "sến" là gì?


Ví dụ: Anh ta sến lắm.
Sến súa quá.
Nói chuyện sến quá.
Nhạc sến. Cách nói chuyện sến.

Ví dụ về sến

  1. Liệu cha của em có phải là một tay trộm hay không? Vì ông ấy đã lấy cắp những vì sao trên trời và đưa chúng vào mắt em.
  2. Khi ngã từ thiên đường xuống trần gian em có đau không?
  3. Hẳn là em đã mỏi nhừ, vì em chạy trong tâm trí anh suốt cả ngày.
  4. Xin lỗi tôi đã làm mất số điện thoại của mình. Tôi có thể mượn số của cô được không?
  5. Cô có tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không, hay để tôi đi qua một lần nữa?
  6. Xin lỗi cô, cô có hôn người lạ không? Không à? Vậy thì hãy để tôi tự giới thiệu nhé.
  7. Chân em có đau khi chạy suốt đêm trong giấc mơ của anh không?
  8. Tôi mới tới thành phố này. Liệu em có thể chỉ dẫn cho tôi đến căn hộ của em được không?
  9. Xin hỏi cô có bản đồ không? Tôi cứ bị lạc hoài trong đôi mắt cô.
  10. Điều duy nhất đôi mắt em chưa nói cho anh biết là tên của em.


Vậy thì "sến" là gì?

Đây là định nghĩa của Takahashi: "Sến" là khi bạn nói điều gì đó mà bạn nghĩ là thông minh/hài hước/lãng mạn nhưng thực sự mọi người đã biết tỏng câu đó từ lâu và vì thế nó không còn thông minh/hài hước/lãng mạn nữa mà chỉ còn là câu chuyện cũ rích của kẻ mới lượm lặt được. Bạn xuất hiện như một kẻ ngốc vì người ta đoán được bạn sẽ nói gì kết thúc câu chuyện ra sao vì ý tưởng của bạn quá nhàm chán, cũ rích.

Nếu bạn là một phụ nữ thông minh mà gặp những lời làm quen (pick up lines) ở trên thì chắc chắn không khác gì tra tấn màng nhĩ. Vậy bạn phải làm gì khi gặp những lời sến súa.

Maria Schell có lẽ không thể ngờ ngày nay cô vẫn cực kỳ nổi ở VN!

Nguồn gốc của từ "sến"
Có lẽ là từ cô "Maria sến sẩm" hay "Maria sến súa" mà ra theo giải thích như dưới đây.
Nguồn gốc từ SẾN và ý nghĩa
Quay ngược lại lịch sử khoảng từ 1958 cho tới những năm đầu thập niên 60, giới trẻ ở Sài Gòn nhanh nhạy tiếp thu cái mới. Phong trào học hỏi theo văn minh phương Tây mặc dù đã xảy ra trong giới trung lưu và thượng lưu VN từ thời Pháp thuộc, đến giai đoạn này thì nó đang diễn ra mạnh mẽ trong cả những người thuộc giới bình dân. Trong bối cảnh đó, bộ phim nổi tiếng “The Brothers Karamazov” (Anh em nhà Karamazov – Hollywood dựng năm 1958 theo tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky) được du nhập vào VN. Với hình ảnh của cô đào mới nổi có thân hình rực lửa tên là Maria Schell (nữ diễn viên người Áo Maria Schell), suốt bộ phim, cô thường nhảy những giai điệu lãng mạn với những bài ca mùi mẫn. Giới trẻ Sài Gòn đã nhanh chóng tiếp thu hình ảnh đó và hình thành một trào lưu trong xã hội.
Đường phố Sài Gòn trở nên phổ biến những hình ảnh lớp người trẻ bình dân lao động thích bộ đi nhún nhảy và hát nghêu ngao những bài ca mùi mẫn, sướt mướt giai điệu và lời ca trữ tình ướt nhẹp, dễ dãi, đại loại như “Em ơi, nếu mộng không thành thì sao”. Báo chí lúc đó đã đăng một bài để phê phán cái tâm lý học đòi hình thức trống rỗng không có nội dung của trào lưu kia, và họ đã chính thức dùng từ “Ma-ri Sến” (phiên âm nhái đi của “Maria Schell”) để đặt tên cho trào lưu.
Kể từ bài báo đó, từ “Ma-ri Sến” (đọc gọn là “Sến”) được người dân Sài Gòn chính thức dùng để chế giễu những kiểu thể hiện hình thức lòe loẹt, những ngôn từ quá bóng bẩy ủy mị có nguồn gốc từ tâm lý bắt chước học đòi, sao chép một cách sáo rỗng mà phía sau nó là một sự rỗng toét thiếu thực lực, thiếu nội dung. Sau này ngôn từ đó được dùng rộng rãi lan ra cả miền Nam (trước 1975) và cả VN hiện nay.
Sau này có 1 dòng nhạc trữ tình bình dân phát triển khá mạnh, ăn sâu và phổ biến trong đông đảo quần chúng. Nhưng có 1 giai đoạn nó bị 1 tầng lớp nào đó ghét cho nên gán cho nó 1 chữ “sến” để phỉ báng dòng nhạc này. Theo ca sỹ Ngọc Sơn thì dòng nhạc này không đáng bị gọi là sến, đối với anh ta thì dòng nhạc nào cũng đáng được tôn trọng, tùy theo cái “gu” của thính giả. Đừng vì tự cho mình là trí thức hiểu biết rồi lại đi chê dòng nhạc trữ tình bình dân là “sến”.

Cách đối phó với lời sến súa khi bạn thông minh

Đơn giản thế này thôi: Với đàn ông thì hỏi, với phụ nữ thì khen. Bạn hỏi lại cho rõ.

"Câu đấy đã bao giờ có tác dụng chưa vậy?"

"Chắc bạn đã chờ cả năm mới có cơ hội dùng câu này nhỉ?"

"Câu đấy là do ông nội anh dạy lại và giờ vẫn còn tác dụng à?"

Tóm lại, hỏi lại như là một bài test IQ, bằng cách này, bạn sẽ thoát được vấn nạn sến lần sau. Vì người sến hiếm khi họ biết là họ sến, nên họ tưởng là họ nói hay lắm, toát lên sự thông minh/hài hước/lãng mạn, nên họ sẽ sến còn lâu đấy.

Sến là một căn bệnh. Nhiều người thành mãn tính và bị bệnh tới cuối đời. Thậm chí giây phút lâm chung họ vẫn tiếp tục sến theo phong cách dặn dò mọi người hãy sống tốt yêu thương nhau hay đại loại thế. Có ý nghĩa gì đâu, công việc của họ đã xong, giờ là lúc cho vào hòm rồi sớm xuống hố, rồi chia tài sản.

Sến là một phần của cuộc đời. Bạn sẽ luôn gặp kẻ sến và luôn phải chống lại tệ nạn sến. Nên đây cũng là lĩnh vực cần phải rèn luyện, thậm chí viết thành sách "Sến và cách phòng chống". Một khi nhân loại còn tồn tại, thì sến cũng sẽ tồn tại.

Tôi biết tất cả về sến. Tuy nhiên, tôi lại không biết "sến" nói trong tiếng Nhật như thế nào ^^ Nên bạn hỏi thì cũng chịu thôi.
Tôi sẽ nói về nhóm từ sến tại lớp học Cú Mèo nếu bạn nào có nhu cầu. Với các bạn học online thì hãy suy nghĩ về ngữ nghĩa và chắc chắn là sẽ tìm ra "sến" trong tiếng Nhật. Suy cho cùng, ở nước nào cũng sẽ có "sến" thôi, "sến" song hành với lịch sử nhân loại và ngôn ngữ.
Takahashi
Đáp án: Sến

Cô ấy tóc vàng, da trắng, đã lên bìa tạp chí Time năm 1957.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét